Bài viết về nhân cách con người

Bài viết về nhân cách con người
Facebook
Bài viết về nhân cách con người
Google+
Bài viết về nhân cách con người
Linkedin
Bài viết về nhân cách con người
Twitter
Chia sẻ

Chú ý: Tất cả những nội dung dưới đây thể hiện quan điểm và tư tưởng cá nhân của tác giả, chứ không phải một sự khẳng định chân lý nào cả.

Trong những đánh giá về một con người, đôi khi chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của từ nhân cách. Chúng ta hay nói rằng nhân cách một con người là lớn lao, cao cả, vĩ đại, hay ngược lại là thấp kém, nhỏ bé, xấu xa. Chúng ta có thể cảm nhận lờ mờ được rằng dường như nhân cách là một thứ gì đó đại diện cho giá trị của một con người ở một khía cạnh nào đó. Vậy thực sự thì nhân cách là gì? Và nếu nhân cách là một thứ được dùng để đánh giá giá trị của chúng ta, thì chúng ta có thể làm gì để nâng cao giá trị đó? Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào việc làm rõ khái niệm nhân cách, đồng thời nêu ra một số suy nghĩ mà cá nhân tôi cho rằng mọi người chúng ta nên có đối với khái niệm này.


1. Nhân cách là gì?

Nhân cách là tập hợp những nhận thức, hiểu biết, nguyên tắc, niềm tin của một con người về chính bản thân mình, và còn có thể được gọi là tư cách làm người hay tính người của người đó. Nhân cách là thứ trả lời cho những câu hỏi như tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi là người thế nào, tôi mong muốn cái gì, tôi coi trọng cái gì, tôi tin vào cái gì, Tùy vào mức độ phát triển mà nội dung của nhân cách có thể rất phong phú:từ việc ý thức được mình là một con người, hay ít nhất là một thực thể tách biệt khỏi thế giới xung quanh, cho đến hiểu biết về những nhu cầu, sở thích, ham muốn, tính cách của bản thân, và cuối cùng là những nội dung trừu tượng như niềm tin, triết lý, đạo đức, Ví dụ về từng khía cạnh riêng lẻ của nhân cách có thể là tôi là người Việt Nam, tôi thích đồ ngọt, tôi rất giỏi ngoại ngữ, tôi muốn làm nghề dạy học, tôi coi trọng tự do tư tưởng, tôi tin rằng lợi ích cá nhân nên được đặt lên trên hết,

Nhân cách là nguồn gốc và căn cứ sâu xa nhất của tất cả những đánh giá và quyết định có ý thức của con người. Tất cả mọi đánh giá và quyết định có ý thức của chúng ta đều có thể được truy gốc về một hay nhiều mặt của nhân cách mỗi cá nhân. Những tiêu chuẩn và tiền đề khách quan mà người ta thường nói tới như đạo đức, truyền thống, tín ngưỡng, pháp luật, hay cả khoa học cũng đều chỉ là một trong những yếu tố được sử dụng trong quá trình đưa ra đánh giá hay quyết định. Trong quá trình đó, nhân cách mới là thứ có tiếng nói quyết định. Trong tâm trí của chúng ta, Trái Đất hình tròn không phải vì khoa học bảo thế, mà vì chúng ta lựa chọn việc tin vào điều đó, hoặc tin vào khoa học. Chúng ta không giết người không phải vì pháp luật cấm đoán, mà vì chúng ta không muốn phạm pháp, hoặc không muốn trở thành kẻ thù của xã hội. Một khi nhân cách đã đưa ra quyết định trái ngược thì bao nhiêu đạo đức khoa học hay pháp luật quy tắc cũng đều là đồ bỏ.

Cần chú ý rằng nhân cách khác với tính cách. Tính cách là một phần của nhân cách và bao gồm các khuynh hướng của cảm xúc, thái độ và hành động được thể hiện ra ngoài như xuề xòa, vui vẻ, hài hước, nóng nảy, khiêm tốn, Trong cùng một con người có thể có rất nhiều tính cách đa dạng, đôi khi là trái ngược, cùng tồn tại. Việc tính cách nào được thể hiện ra bên ngoài sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp cụ thể. Một người có thể nhũn nhặn với cấp trên nhưng lại nóng nảy với cấp dưới, nhút nhát ở chỗ đông người nhưng sôi nổi khi bàn luận riêng. Những biểu hiện bên ngoài đó tuy có thể rất khác nhau nhưng đều xuất phát từ một nhân cách trung tâm ở bên trong, và sự khác biệt nảy sinh tùy vào hoàn cảnh là điều hoàn toàn bình thường và hợp lý. Có thể nói rằng, tính cách là những vai diễn, người đời là khán giả, và người diễn viên đằng sau những vai diễn đó, người quyết định sẽ đóng vai nào trong hoàn cảnh nào, chính là nhân cách.

Nhân cách cũng khác với tri thức hay hiểu biết thông thường. Trái Đất (có thể) hình tròn hay Trái Đất (có thể) hình đĩa đơn thuần chỉ là những giả thuyết hay ý tưởng, tương đương với một mệnh đề logic chưa được chứng minh, và bản thân chúng không mang thông tin gì cả. Khi chúng ta gắn cho những giả thuyết đó một giá trị chân lý đúng/sai dựa trên một số tiền đề nhất định thì chúng ta có thông tin, hay còn gọi là tri thức, tương đương với một khẳng định logic. Và cuối cùng, nhân cách của một người sẽ là thứ quyết định việc người đó tin hay không tin, tin ở mức độ nào, với điều kiện gì, gắn những giá trị và ý nghĩa gì, và sử dụng như thế nào đối với một thông tin hay tri thức nhất định. Nói cách khác, nhân cách là quan tòa tối cao, là bộ lọc cuối cùng đối với mọi tri thức mà chúng ta tiếp nhận, đồng thời cũng là một trong những mắt xích kết nối tri thức với những suy nghĩ, hành động và quyết định cụ thể của chúng ta.

2. Nhân cách tự thân và tiêm nhiễm

Đối với một con người sống trong một xã hội, nhân cách có thể được chia làm hai bộ phận: nhân cách tự thân và nhân cách tiêm nhiễm. Nhân cách tự thân là nhân cách được hình thành một cách tự nhiên và tự do, không có sự can thiệp trực tiếp từ bên ngoài. Trái lại, nhân cách tiêm nhiễm là nhân cách có nguồn gốc từ bên ngoài, hoặc phải phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Có thể nói rằng, nhân cách tự thân thể hiện cho con người thực của chúng ta, còn nhân cách tiêm nhiễm thường thể hiện cho một hình ảnh về chúng ta trong mắt người khác, hoặc hình ảnh một người khác bên trong chúng ta. Do đến từ bên ngoài hoặc phụ thuộc vào bên ngoài, nên nhân cách tiêm nhiễm thường mang lại cảm giác xa xôi, bất biến, hiển nhiên, không thể chống lại. Trong khi đó, nhân cách tự thân là thứ chúng ta cảm thấy hoàn toàn có thể và có quyền thêm bớt hay thay đổi theo ý muốn, tuy rằng có thay đổi và thay đổi được hay không lại là chuyện khác.

Nhân cách tiêm nhiễm thường thấy nhất là những chuẩn mực văn hóa và đạo đức của xã hội mà chúng ta đang sống. Chẳng hạn, trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay người phụ nữ thường được (bị) giáo dục từ bé rằng cần phải hiền thục đảm đang, gánh vác việc nhà, hy sinh vì gia đình, Rất nhiều người trong số đó khi lớn lên coi điều này là một chân lý hiển nhiên, hoặc ít nhất cảm thấy một áp lực vô hình hướng bản thân tới hình ảnh lý tưởng ấy. Một ví dụ khác thường thấy là những sự định hướng và kỳ vọng mang tính áp đặt của cha mẹ đối với con cái trong các vấn đề sự nghiệp, tình cảm, gia đình, Ngược lại, nhân cách tự thân là những sở thích và mơ ước cá nhân, là những triết lý chúng ta tự khám phá ra, là những nguyên tắc cốt lõi không thể khoan nhượng, là sự tự hào đối với những thành tựu của bản thân, Nhân cách tự thân là tất cả những điều gì khiến cho chúng ta cảm thấy mình đang được là chính mình.

Khái niệm nhân cách tự thân và nhân cách tiêm nhiễm hoàn toàn chỉ mang tính tương đối và tượng trưng chứ không hề có một định nghĩa hay ranh giới chính xác. Và do đó một người đứng bên ngoài quan sát khó có thể kết luận rõ ràng rằng một hành vi hay một suy nghĩ nào đó của một cá nhân là biểu hiện của nhân cách tự thân hay nhân cách tiêm nhiễm. Điều đó phải do tự bản thân cá nhân đó quyết định lấy. Trong thực tế, một người hoàn toàn có thể đinh ninh rằng một điều gì đó là một phần nhân cách thực của bản thân, cho đến khi nhận ra rằng đó chỉ là một thứ bị tiêm nhiễm vào từ bên ngoài một cách vô thức. Nói cách khác, cùng một suy nghĩ, cùng một hành động, cùng một quyết định có thể là xuất phát từ nhân cách tự thân hoặc từ nhân cách tiêm nhiễm, tùy vào nội tâm của cá nhân chủ thể.

3. Sự xâm nhập nhân cách

Sự xâm nhập của nhân cách tiêm nhiễm có thể diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Ban đầu, một người có thể bị buộc phải chấp nhận sống bằng một nhân cách nào đó do sự đe dọa về thể xác, lợi ích hoặc áp lực tinh thần. Khi đó, nhân cách tiêm nhiễm sẽ chỉ nắm được quyền điều khiển nếu sự đe dọa hay áp lực được duy trì. Ở mức độ này, có thể nói rằng nhân cách đến từ bên ngoài kia chưa hề được chấp nhận làm một phần nhân cách bên trong của cá nhân, mà chỉ được tuân thủ một cách máy móc. Khi đó nhân cách tự thân thường sẽ thể hiện sự kháng cự thông qua một cảm giác bị ép buộc, dẫn tới sự giận dữ, và có thể là sự chống đối công khai. Tất nhiên sự chống đối sẽ khó xảy ra nếu như nhân cách tự thân quá yếu ớt hay áp lực bên ngoài quá lớn. Bước đầu tiên của quá trình tiêm nhiễm này có thể dễ dàng thấy được khi trẻ em bị cha mẹ uốn nắn dạy dỗ một cách cưỡng ép, hay khi một thành viên xã hội bị kiểm soát và điều khiển bởi vũ lực của tầng lớp thống trị.

Khi nhân cách tiêm nhiễm đã xâm nhập sâu hơn, nó sẽ bám rễ bên trong tâm trí của cá nhân. Lúc này cá nhân đã chấp nhận, hay đúng hơn là bỏ cuộc, ở mức độ nào đó đối với sự xâm lấn từ bên ngoài. Nhân cách tiêm nhiễm sẽ có thể tự xuất hiện và giành quyền kiểm soát nội tâm mỗi khi cá nhân có suy nghĩ gì đó trái ngược với nó, mà không cần đến sự đe dọa hay áp lực có thực từ bên ngoài. Cá nhân bắt đầu mất dần ý thức về nguồn gốc ngoại lai của nhân cách tiêm nhiễm và chấp nhận nó như một phần khó có thể tách rời của nhân cách bản thân, dù muốn dù không. Sự khuất phục trước uy quyền, ví dụ như uy quyền của cha mẹ hay thần quyền, là một ví dụ điển hình của nhân cách tiêm nhiễm ở mức độ này. Có rất nhiều người dù đã có gia đình riêng và hoàn toàn tự lập về tài chính, nhưng vẫn không thể chống lại được lời cha mẹ, và sự khuất phục của hàng bao thế hệ người Châu Âu trước quyền uy của Giáo hội La Mã là một sự thật lịch sử khó ai có thể phủ nhận.

Nhân cách tiêm nhiễm cũng có thể xâm nhập vào nội tâm một con người theo những con đường ôn hòa hơn. Một người có thể tự mình tạo nên nhân cách tiêm nhiễm bằng việc du nhập các tư tưởng bên ngoài một cách vô tội vạ mà không có sự chọn lọc kiểm tra bằng suy nghĩ của bản thân. Những hạn chế về môi trường, thông tin, hay đơn giản là sự may rủi cũng có thể khiến cho cá nhân tự mình chấp nhận một cách vô thức rằng một niềm tin hay cách suy nghĩ nào đó là điều hiển nhiên không thể thay đổi, chỉ bởi vì cá nhân không có cơ hội được tiếp xúc với những lựa chọn khác. Khi đó, những niềm tin hay cách suy nghĩ ấy có thể trở thành một phần vĩnh viễn của nhân cách nếu như bản thân cá nhân ngừng việc suy nghĩ, đặt câu hỏi, và tìm kiếm những khả năng mới. Chẳng hạn, một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ thường xuyên sử dụng vũ lực và áp đặt suy nghĩ lên con cái, rất có thể sẽ tin rằng đó là cách duy nhất để dạy dỗ những đứa con của chính mình, mặc dù có thể điều đó mâu thuẫn với tình yêu người đó dành cho con.

Sự xâm lấn và mở rộng của nhân cách tiêm nhiễm thường đi cùng với sự thu hẹp và phai nhạt của nhân cách tự thân. Cũng giống như kỹ năng hay tri thức, nhân cách chỉ có thể được duy trì và phát triển nếu như thường xuyên được sử dụng và bồi bổ. Việc thường xuyên sử dụng nhân cách tự thân sẽ giúp cho cá nhân dần hiểu rõ được bản thân, biết cách tin tưởng và sử dụng sở thích, tính cách và trực giác của bản thân, đồng thời chỉnh sửa, mở rộng nhân cách bản thân cho phù hợp với nhu cầu thực tế lẫn thiên hướng có sẵn. Ngược lại, nếu bị đè nén và phủ nhận, nhất là từ khi còn nhỏ, thì nhân cách tự thân sẽ không có cơ hội phát triển và do đó sẽ rất hoang sơ, rời rạc vô tổ chức, và quan trọng nhất là không được tin tưởng. Biểu hiện rõ ràng nhất của điều này là việc không biết mình thích gì, muốn gì, không có khả năng hay không dám tự suy nghĩ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, mà luôn tìm kiếm sự chỉ dẫn từ một quyền lực nào đó như cha mẹ, giáo viên, cấp trên, thần quyền, Đối với một người mà nhân cách tự thân đã bị xóa bỏ hoàn toàn, thì có lẽ đến cả việc tự chọn vị kem mình thích cũng là điều khó khăn.

Tất nhiên, không phải mọi tư tưởng có nguồn gốc ngoại lai đều trở thành nhân cách tiêm nhiễm. Khi tiếp xúc với một tư tưởng từ bên ngoài mà cá nhân cảm thấy hợp lý, tức là cảm thấy phù hợp với nhân cách tự thân của cá nhân tại thời điểm đó, cá nhân có thể ngay lập tức kết nối tư tưởng mới ấy vào thành một phần của nhân cách tự thân. Hay nói đúng hơn, khi đó đã diễn ra một quá trình sáng tạo: cá nhân lấy những tư tưởng nguyên liệu từ bên ngoài và sáng tạo lại thành một mảnh ghép mới của mô hình thế giới thu nhỏ bên trong trí não (tham khảo bài viết trước). Điều này cũng tương tự với việc các thầy cô giáo hay yêu cầu học sinh biến kiến thức thành của mình vậy. Điểm khác biệt của quá trình này so với sự du nhập vô tội vạ là do tư tưởng mới đã được diễn giải, kết nối và kiểm chứng bằng thế giới quan của chính mình, nên cá nhân có thể, và trong đa số trường hợp sẽ bảo vệ tư tưởng đó chỉ bằng năng lực vànhân cách tự thân (vd. tôi thích nghĩ thế), thay vì cảm thấy phải dựa dẫm vào những nguồn quyền lực và lý luận ở bên ngoài như khoa học, thời trang, thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo đức, hay cha mẹ bảo thế.

4. Vai trò của nhân cách tự thân

Ở đây tôi không muốn nói rằng nhân cách tự thân là tốt và nhân cách tiêm nhiễm là xấu. Tuy nhiên, nhân cách tự thân có vai trò quan trọng đối với hạnh phúc của mỗi chúng ta, và việc để cho nhân cách tiêm nhiễm xâm lấn và chèn ép nhân cách tự thân có thể đem lại nhiều hậu quả không được mong muốn. Trước hết, vì tôi hạnh phúc khi nào cũng là một nội dung quan trọng của nhân cách, mà chỉ có nhân cách tự thân mới phản ánh đúng những quy luật cảm xúc tự nhiên của chính chúng ta, nên chỉ có nhân cách tự thân mới có thể chỉ ra cho chúng ta con đường để đi tới hạnh phúc thực sự và lâu bền cho bản thân. Mọi định nghĩa hạnh phúc mà nhân cách tiêm nhiễm mang lại, nếu không phải là sai lệch hoàn toàn, thì cùng lắm cũng chỉ có thể đem lại sự thỏa mãn một phần nào đó một số nhu cầu tâm lý nhất thời mà thôi.

Một điểm dễ thấy ở những người có nhân cách tự thân yếu ớt là họ thường sẽ ít cảm thấy có trách nhiệm với bản thân và thế giới xung quanh. Đó là vì trách nhiệm và tự do là hai mặt của cùng một đồng tiền. Nhân cách tiêm nhiễm thường là thứ chúng ta cảm thấy không có quyền hay không thể tự do lựa chọn. Mà đã không được tự do lựa chọn, thì chúng ta sẽ không thấy lựa chọn đó là của mình, hay nói cách khác chúng ta không cảm thấy có trách nhiệm với nó. Ngược lại, nhân cách tự thân là thứ chúng ta đã tự lựa chọn một cách có ý thức và có thể tự do thay đổi theo ý muốn. Chính điều này làm nên cảm giác trách nhiệm đối với lựa chọn của bản thân. Cảm giác trách nhiệm này là một yếu tố có vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công cũng như cảm giác thỏa mãn mang lại bởi các hoạt động của chúng ta trong thực tế cuộc sống.

Chú ý rằng, nhân cách tiêm nhiễm cũng có thể tạo ra ở cá nhân một thứ có biểu hiện bề ngoài gần giống như tinh thần trách nhiệm, đó là sự sợ hãi. Điều này có thể thấy ở một số ví dụ như một đứa trẻ tỏ ra chăm chỉ học hành khi bị cha mẹ áp đặt định hướng vào một ngành nghề nào đó. Bên ngoài, đứa trẻ đó dường như đang thể hiện trách nhiệm đối với cuộc đời của chính mình, hoặc là đối với sự kỳ vọng của cha mẹ. Nhưng rất có thể bên trong nội tâm đứa trẻ đó, động lực thôi thúc hành vi học hành lại là nỗi sợ hãi đánh mất sự chấp nhận và tình cảm từ phía cha mẹ. Tương tự như vậy, một người phụ nữ cố gắng giữ vững hình ảnh hiền thục đảm đang rất có thể đơn giản là vì sợ hãi sự đánh giá từ xung quanh, chứ không phải vì một cảm giác trách nhiệm đối với vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội của bản thân.

Sự sợ hãi và cảm giác trách nhiệm có hai sự khác biệt chính. Thứ nhất, sự sợ hãi dẫn đến sự bị động, trong khi trách nhiệm tạo nên sự chủ động: một người có thể cố gắng đáp ứng tốt nhất mọi công việc được giao vì sợ hãi, nhưng chỉ có trách nhiệm thực sự mới khiến người đó tự mình suy nghĩ sáng tạo tìm cách cải thiện chất lượng công việc dù không được yêu cầu. Thứ hai, sự sợ hãi là động lực bên ngoài, trong khi trách nhiệm là động lực bên trong: khi tất cả các yếu tố bên ngoài gây nên sự sợ hãi đều biến mất, thì động lực còn sót lại chính là trách nhiệm thực sự. Chính vì sự khác biệt về bản chất này của động lực sản sinh bởi nhân cách tự thân và nhân cách tiêm nhiễm, nên trong đại đa số trường hợp một người sống bằng nhân cách tiêm nhiễm sẽ không thể phát huy hết được năng lực tiềm tàng của bản thân, nhất là năng lực sáng tạo và tự chủ, so với khi người đó được sống bằng nhân cách thực của chính mình.

Một hệ quả tiêu cực khác của việc nhân cách tự thân yếu ớt là một cá nhân sống bằng nhân cách tiêm nhiễm sẽ để cho nội tâm của mình phụ thuộc nhiều vào tác động từ bên ngoài. Nói một cách đơn giản là người đó dễ mất phương hướng và bị dắt mũi bởi thế giới xung quanh. Một số ví dụ đơn giản cho điều này là việc chạy theo các xu hướng thời trang, tin theo tất cả các thông tin có gắn mác khoa học, hay dễ bị dụ dỗ bởi những lời đường mật kiểu bán hàng đa cấp. Trong các ví dụ này, một bộ phận nào đó của nhân cách cá nhân (vd. thế nào là đẹp, thế nào là đáng tin, thế nào là thành công) đã được tiêm nhiễm vào từ bên ngoài hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố bên ngoài về mặt nội dung, chứ không được dựa trên những suy nghĩ của bản thân, và do đó nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân. Điều này dẫn tới việc suy nghĩ của cá nhân dễ bị thao túng, hay nhẹ hơn là dễ biến động hoặc hoang mang khi môi trường xung quanh liên tục cung cấp các thông tin thiếu thống nhất hay thậm chí trái ngược nhau.

Một ví dụ khác của điều được nói đến ở trên là việc danh tính (identity) của cá nhân, một bộ phận rất quan trọng của nhân cách, được gắn chặt hay thậm chí là định nghĩa hoàn toàn bởi những cái mác bên ngoài như tên tuổi, xuất thân, bằng cấp, tài sản, quốc tịch, dân tộc, hay thậm chí là tình trạng hôn nhân. Đối với những cá nhân đó, những cái mác này làm nên con người họ, chứ không đơn thuần chỉ là một số thuộc tính họ ngẫu nhiên mang theo mình nữa. Đối với họ, việc đánh mất một cái mác tương đương với việc đánh mất một phần sự tồn tại của bản thân, và việc một cái mác gặp phải sự chỉ trích hay bôi nhọ tương đương một đòn đánh trực diện vào nhân cách của chính họ. Điều này có nghĩa là nhân cách của họ rất dễ bị tổn thương, và nếu nhân cách đó không còn gì khác ngoài những cái mác, thì đó là một nhân cách nghèo nàn và thiếu thực chất. Một nhân cách như vậy sẽ không phải là một lá chắn tốt giúp giữ vững sự ổn định tinh thần của một con người.

Điều này mang lại nhiều bất lợi cho cá nhân, bởi tất cả những yếu tố bên ngoài, kể cả những thứ tưởng chừng như trường tồn như quốc gia hay dân tộc, đều có thể biến mất hay bị quên lãng bất cứ lúc nào. Nhân cách, ý chí và năng lực tự thân mới là những thứ thực sự chắc chắn sẽ đi theo một con người suốt từ khi sinh ra cho đến (gần) khi chết đi, đồng thời tạo nên ở con người đó sức hấp dẫn và lôi cuốn bền bỉ đối với những người xung quanh. Bất lợi này càng rõ ràng hơn khi cá nhân phải sinh sống và làm việc tại một môi trường hoàn toàn mới lạ như ở nước ngoài, nơi mà những cái mác vốn có bỗng dưng hoàn toàn mất giá trị. Có thể nói rằng một trong những phép thử cho nhân cách một con người là xem xem sau một thời gian ở một môi trường mới, có được bao nhiêu người xung quanh nhìn người đó như một con người hoàn toàn, hay hầu hết vẫn nhận diện người đó bằng những cái mác như thằng Việt Nam.

Cuối cùng, một nhân cách tự thân dù cho có yếu ớt và bị chèn ép đến đâu, cũng rất khó có thể biến mất hoàn toàn, mà chỉ có thể bị chôn vùi xuống đáy tâm hồn và bị quên lãng đi mà thôi. Khi nhân cách tiêm nhiễm khiến cho cá nhân có những suy nghĩ hay hành động trái ngược với một giá trị cốt lõi của nhân cách tự thân đã bị vùi lấp, nhân cách đó sẽ trỗi dậy và tạo nên một sự xung đột tâm lý trong nội tâm cá nhân, dù có thể là yếu đuối. Điều này có thể được cảm nhận qua một cảm giác lấn cấn, do dự, có cái gì đó sai, hay đơn giản chỉ là một sự khó chịu không rõ nguyên nhân. Những xung đột tâm lý này, nếu không được lý giải rõ ràng và giải quyết tận gốc, thì qua thời gian có thể sẽ tích tụ và lớn dần lên, tạo nên sự mâu thuẫn nội tâm ngày càng gay gắt, và cuối cùng có thể dẫn đến những triệu chứng của các loại bệnh tâm thần.

5. Xây dựng nhân cách của chính mình

Chính vì nhân cách tự thân có vai trò quan trọng như vậy, nên mỗi người chúng ta đều nên để ý xây dựng nên cho mình một nhân cách độc lập và vững vàng theo mong muốn của bản thân. Nhiều người cho rằng tính cách hay nhân cách là do môi trường tạo nên. Khẳng định đó có thể phần nào phản ánh đúng hiện thực, nhưng nó gián tiếp phủ nhận vai trò của ý chí tự do của mỗi cá nhân, cũng tức là thể hiện sự lảng tránh trách nhiệm đối với nhân cách và qua đó là vận mệnh của chính mình. Vậy, chúng ta có thể làm gì để phát triển nhân cách của bản thân?

a. Phát triển

Trước hết, nếu một người không hề ý thức được gì về một thứ nào đó, thì cũng có nghĩa là thứ đó không hề tồn tại đối với người ấy, và một thứ không tồn tại thì không có cách nào phát triển được. Do vậy, điều đầu tiên chúng ta nên làm là tự quan sát và ý thức được sự tồn tại của nhân cách tự thân. Điều này không nhất thiết phải là cái gì to tát, mà có thể đơn giản bắt đầu từ việc để ý xem mình thích ăn món gì, thích nghe nhạc gì, thích mặc đồ gì, Mở rộng ra, chúng ta có thể dành thời gian để quan sát và suy nghĩ về tính cách, năng lực, đạo đức của bản thân: mình đối xử với xung quanh thế nào, mình thích làm và làm tốt việc gì, mình cảm thấy tức giận vì điều gì, Một phần rất lớn nhân cách của chúng ta vốn đã tồn tại sẵn ở bên trong nội tâm mỗi người, vấn đề chỉ là chúng ta có ý thức được sự tồn tại của chúng, và diễn đạt những nội dung đó ra thành hình ảnh hay ngôn từ được hay không mà thôi.

Song song với việc tự quan sát chính bản thân, chúng ta cũng nên thường xuyên tìm kiếm và tiếp xúc với những ý tưởng, suy nghĩ, quan điểm mới mẻ để có thêm nguyên liệu cho quá trình xây dựng nhân cách, thông qua những phương tiện như sách vở, báo chí, internet, nói chuyện, hay đơn giản là quan sát từ xung quanh, Ý tưởng hay suy nghĩ mới không nhất thiết phải là từ những sách vở chuyên ngành nhất định, mà có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, thậm chí ở cả những nơi tưởng chừng như chẳng hề liên quan. Chú ý rằng quá trình thu thập thông tin này cần gắn liền với sự chọn lọc, lý giải và kiểm chứng bằng nhân cách tự thân, chứ không nên là sự tiếp thu vô điều kiện. Có thể nói rằng, đây là quá trình tìm kiếm những công cụ mới để mô tả một cách ngày càng rõ ràng và chính xác hơn về nhân cách tự thân đã có sẵn, đồng thời mở rộng hoặc cải biến nhân cách đó mà vẫn giữ được tính thống nhất và hợp lý của nó, chứ không đơn thuần là sự chắp vá một cách tùy tiện.

Một trong những phương pháp tốt nhất để quan sát và xây dựng nhân cách tự thân là tự đặt mình vào trong một môi trường sống mới, mà ví dụ điển hình là một cuộc sống ở một vùng đất mới, trong một cộng đồng mới. Chúng ta chỉ có thể nhận ra sự tồn tại của một thứ gì đó khi có một thứ khác biệt đứng bên cạnh để so sánh. Cũng giống như việc con người không thể nhận ra sự tồn tại của không khí nếu như không có chân không, chúng ta không thể nhận ra một thói quen hay một khuôn mẫu tư tưởng của chính mình nếu như tất cả mọi người xung quanh đều có chung thói quen hay khuôn mẫu đó. Một môi trường hoàn toàn mới sẽ buộc chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều tư tưởng và suy nghĩ xa lạ từ xung quanh, dù muốn dù không, và qua đó có cơ hội nhận thức được rõ ràng hơn về nhân cách của chính mình, cũng như chọn lọc tiếp thu được những điều mới mà có thể trước đây chúng ta chưa bao giờ có cơ hội tiếp xúc.

b. Bảo vệ & sử dụng

Để cho nhân cách tự thân có thể trở nên vững vàng hơn, chúng ta cũng cần để ý bảo vệ và tin tưởng sử dụng nó vào thực tế. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể lại rất khó khăn. Nếu như nhân cách tự thân của chúng ta đã bị đè nén quá lâu, chúng ta có thể sẽ không có lòng tin vào nhân cách của chính mình, mà sẽ lựa chọn việc sống theo những chuẩn mực, thói quen hay lòng tin của những người xung quanh, vì những điều đó dù gì cũng (có lẽ) ít nhiều đã được kiểm chứng bằng thực tế, và nhất là vì kể cả khi thất bại chúng ta cũng không cảm thấy phải chịu trách nhiệm về thất bại ấy. Cứ như thế, chúng ta càng thiếu tin tưởng và không sử dụng nhân cách tự thân, thì nhân cách tự thân của chúng ta càng không được phát triển, bị quên lãng đi, và do đó càng trở nên thiếu tin cậy hơn. Vòng xoáy tiêu cực này sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là chúng ta phó mặc hoàn toàn việc suy nghĩ, đánh giá và quyết định của bản thân cho thế giới bên ngoài.

Điều đầu tiên chúng ta có thể làm được để phá vỡ vòng xoáy đó là thường xuyên khẳng định sự tồn tại và thể hiện những nội dung của nhân cách tự thân một cách rõ ràng bằng ngôn từ, hành động, hay ít nhất là suy nghĩ. Kể cả khi hoàn cảnh khiến cho chúng ta đưa ra những quyết định hay hành động trái ngược với mong muốn, chúng ta cũng nên lắng nghe tiếng nói của nhân cách tự thân, tôn trọng ý kiến đó, và nhận trách nhiệm hoàn toàn với từng quyết định hay hành động cuối cùng của mình. Điều đó đơn giản có nghĩa là: tôi biết thực sự mình thích gì và muốn gì, nhưng trong trường hợp này tôi tự lựa chọn việc làm trái với những điều đó bởi những lý do mà tôi tự chấp nhận. Có thể sẽ có người cho rằng đây là một suy nghĩ kiểu AQ chủ nghĩa, nhưng cách suy nghĩ này sẽ giúp cho nhân cách tự thân được duy trì và trở nên mạnh mẽ hơn trong mọi hoàn cảnh kể cả là khắc nghiệt và tù túng.

Mở rộng ra, trong mọi trường hợp chúng ta đều nên hướng tới việc lấy nhân cách tự thân làm chuẩn mực để đánh giá và đưa ra quyết định cho bản thân, kể cả khi điều đó có thể khiến cho một số lợi ích vật chất hay trước mắt khác bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Việc cân bằng giữa sự tôn nghiêm của nhân cách tự thân với các lợi ích vật chất và tinh thần khác như thế nào là việc mỗi người nên tự suy nghĩ và quyết định lấy, vì đó cũng là một phần của nhân cách tự thân. Tuy nhiên, một khi chúng ta cảm thấy một giá trị cốt lõi nền tảng của nhân cách tự thân bị đe dọa, nhất là khi đó là một nguyên tắc đạo đức tối cao của bản thân, thì rất có thể đó là lúc chúng ta cần phải đứng lên khẳng định và bảo vệ nhân cách của chính mình bằng mọi giá, vì sự phản bội nghiêm trọng một giá trị cốt lõi của nhân cách tự thân là một quyết định mà trong đa số trường hợp sẽ khiến chúng ta day dứt và hối hận cho đến mãi về sau.

c. Chú ý

Trong quá trình xây dựng nhân cách tự thân, có hai điểm mà chúng ta cần phải chú ý. Thứ nhất, đó là mọi nội dung của nhân cách tự thân đều cần phải có tính chân thực, tức là xuất phát từ những cảm xúc và suy nghĩ thực sự tự nhiên và tự do của bản thân. Nói cách khác, chúng ta nên trung thực với chính mình. Chúng ta không nên xây dựng nhân cách chỉ để hòa đồng, để khác người, hay vì bất cứ mục đích nào khác. Sự độc đáo khác biệt, hay bất cứ lợi ích gì khác nếu có, chỉ nên là hệ quả phụ của việc khám phá và xây dựng nhân cách mà thôi. Vị kem mà bạn thích có thể đơn giản là vị gì cũng được, miễn là bạn thực sự nghĩ như vậy, chứ không nên là khoai môn cam chanh thêm sầu riêng chỉ vì mọi người xung quanh đều thích vanila. Việc xây dựng nhân cách với một mục đích khác ngoài mục đích hoàn thiện nhân cách bản thân cũng chính là một biểu hiện của nhân cách tiêm nhiễm, vì khi đó nhân cách tự thân đã không còn là chuẩn mực đánh giá cao nhất nữa.

Thứ hai, chúng ta nên thận trọng đối với từng lời nói, hành động và quyết định của bản thân. Con người nhìn chung đánh giá cao và đòi hỏi ở nhau một sự thống nhất ở một mức độ nhất định trong lời nói và hành động. Và do đó trong mỗi cá nhân đều có một nhu cầu, hay đúng hơn là sự thôi thúc, phải đưa ra những hành vi thống nhất ở mức nào đó với những gì mình đã nói hay làm trong quá khứ. Nói theo một cách khác, từng lời nói, từng hành động, từng suy nghĩ của chúng ta đều có tác dụng định hướng nhân cách của chúng ta theo một cách nhất định, dù có thể đó không phải điều chúng ta mong muốn. Một khi chúng ta đã thể hiện một nhân cách nhất định trong một môi trường bên ngoài nào đó, thì áp lực từ môi trường ấy, dù là có thực hay tưởng tượng, sẽ luôn tìm cách trói buộc chúng ta vào nhân cách đó. Nếu như nhân cách được thể hiện không đúng với nhân cách tự thân, thì cũng có nghĩa là chúng ta đã tự tạo ra và khóa mình vào một nhân cách giả tạo, cho đến khi nào chúng ta có thể trốn thoát khỏi môi trường ban đầu, hoặc có đủ sự dũng cảm để trút bỏ nhân cách ấy.

Chúng ta hãy lấy một ví dụ đơn giản về một người giáo viên trước mặt học sinh luôn tỏ vẻ, hay thậm chí tin tưởng, rằng mình biết nhiều hơn học sinh, đúng hơn học sinh, và đáng được học sinh tôn trọng. Khi đó, áp lực từ xung quanh, mà trong trường hợp này chúng ta thường gọi là sự sĩ diện, sẽ khiến cho người giáo viên đó không thể chấp nhận được rằng mình có thể biết ít hơn học sinh, không đúng bằng học sinh, hay không được học sinh tôn trọng, kể cả khi đó là sự thật. Sự mâu thuẫn giữa hình ảnh về bản thân trong tâm trí với bản thân của hiện thực sẽ tạo nên sự xung đột trong nội tâm người giáo viên, khiến người đó cảm thấy mất khả năng kiểm soát đối với cuộc sống, và chỉ có thể được giải quyết khi người đó chịu từ bỏ nhân cách giả tạo của mình. Chính vì lẽ đó, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta nên chủ động trung thực với chính mình: nếu bạn ích kỷ, hãy nói rằng mình ích kỷ, nếu bạn ganh tị, hãy nói rằng mình ganh tị, nếu bạn kém cỏi, hãy nói rằng mình kém cỏi, Điều này sẽ giúp cho tâm lý của chúng ta được thoải mái hơn rất nhiều.


Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng nhân cách là một khái niệm có vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, đối với hạnh phúc và chất lượng cuộc sống tinh thần của mỗi con người. Có thể nói rằng, nhân cách là sự tổng hợp tất cả tính người của một cá nhân, là phần người trong con người. Nhân cách tự thân, song hành cùng với ý chí tự do, là điều làm nên sự khác biệt giữa một con người với một cỗ máy hay một con vật. Tuy nhiên, nếu như không được để ý phát hiện, xây dựng, bảo vệ và sử dụng thì nhân cách tự thân của chúng ta có thể sẽ trở nên yếu ớt, lép vế trước sự xâm lấn của nhân cách tiêm nhiễm. Nếu như chúng ta để cho nhân cách tiêm nhiễm lấn át hoàn toàn nhân cách tự thân, thì cũng có nghĩa là chúng ta tự đánh mất bản sắc con người cùng với những suy nghĩ và cảm xúc chân thực của bản thân, và quan trọng hơn cả là đánh mất tự do tư tưởng của chính mình.

Bài viết về nhân cách con người
Facebook
Bài viết về nhân cách con người
Google+
Bài viết về nhân cách con người
Linkedin
Bài viết về nhân cách con người
Twitter
Chia sẻ