Ca sĩ quyỳnh giao mất là ai?

Chi tiết Ngọc Lan Lượt xem: 5506

30/7/2014
Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - "Người ta cứ hay dùng câu có tính công thức, nhàm chán là 'trong lúc tang gia bối rối nếu có điều gì sơ sót...' Nhưng thật tình là tang gia đây không bối rối. Tang gia đây bàng hoàng, ngỡ ngàng."

Tang lễ ca sĩ Quỳnh Giao tại nhà quàn Peek Family Funeral Home. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người bạn đời của ca sĩ Quỳnh Giao, gắng gượng nói cùng những người có mặt trước giờ chuẩn bị tiễn đưa thi hài nữ ca sĩ tài danh đến nơi hỏa táng vào trưa Thứ Tư, 30 Tháng Bảy. Dù có cố gắng kiềm chế nỗi xúc động để nói cho tròn những lời cám ơn gửi đến thân bằng quyến thuộc và người hâm mộ đến tham dự tang lễ của vợ mình, nhưng chỉ một câu rất đời rất người của người đàn ông chuyên nói về kinh tế, về chính trị khiến nhiều người có mặt không cầm được nước mắt, "Tôi nói với con là 'đừng có khóc, vì mẹ mới đi còn chưa biết đi đâu, con khóc làm mẹ hoang mang.' Tôi nói thì bảnh vậy nhưng 4 giờ sáng, khi trời hãy còn chưa sáng, mọi người đang tụng kinh, tôi bước ra parking đứng một mình, ứa nước mắt..."Ca sĩ Quỳnh Giao thật sự ra đi trong sự ngỡ ngàng, thảnh thốt, đầy tiếc thương của tất cả những người từng quen biết cô, yêu tiếng hát cô và ngưỡng mộ kiến thức âm nhạc của cô.***Trong phần tiễn biệt ca sĩ Quỳnh Giao được tổ chức ngay tại Phòng Số Năm nhà quàn Peek Family Funeral Home trên đường Bolsa, người tham dự có dịp lắng nghe và ôn lại những kỷ niệm, những dấu ấn, những tình cảm mà nhiều người từng có với nữ ca sĩ tài danh này.Ca sĩ Mai Hương, người hát cùng Quỳnh Giao từ Ban Thiếu Nhi thuở nào, kể về kỷ niệm của buổi đi diễn lần đầu tiên cùng Quỳnh Giao ở Đà Lạt, kể về những buổi cùng học may, rủ nhau học làm tré với Quỳnh Giao."Đi đâu cũng có nhau hết nên kỷ niệm về Quỳnh Giao nói không biết bao giờ mới hết." Ca sĩ Mai Hương bày tỏ.Nhà thơ Trần Dạ Từ, bạn thâm giao của gia đình Quỳnh Giao từ khi còn bé, vốn không hay nói nhiều trước đám đông, cũng kiềm chế nỗi buồn, nhận xét, "Quỳnh Giao là giọng hát trẻ nhất mà lại vang lên lâu nhất trong 60 năm lịch sử âm nhạc Việt Nam, tính từ thời điểm di cư 1954."Nhà báo Phạm Xuân Ðài được nhà báo Đinh Quang Anh Thái giới thiệu là "tri kỷ với ngòi bút và tiếng nói Quỳnh Giao trên đài phát thanh, cho rằng, "Quỳnh Giao đã sống trọn vẹn trong âm nhạc, từ gia đình ra ngoài xã hội, từ nhỏ đến lớn, từ trong nước ra đến hải ngoại. Khả năng và kiến thức về lãnh vực âm nhạc cùng khả năng viết lách khiến cho đến giờ phút này ít ai có được thuận lợi để viết về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ của mình hơn là Quỳnh Giao."Chính vì thế mà sự ra đi của nữ danh ca này để lại "nỗi luyến tiếc sâu đậm" trong lòng nhà báo kỳ cựu này.Với tài tử Kiều Chinh, Quỳnh Giao không chỉ là "một người đàn bà lịch sự, nhã nhặn, được nhiều người thương quý" mà còn là "một người bạn tử tế, một người nghệ sĩ đa tài."Nhà văn Nhã Ca, người yêu thương theo dõi bệnh tình của Quỳnh Giao từ những ngày đầu, nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào, "3 giờ sáng Thứ Tư tuần trước khi biết Quỳnh Giao thực sự ra đi, đầu tôi bật lên tiếng kêu 'Không được! Không thể! Đâu đã đến phiên Quỳnh Giao!' Tiếng kêu bật lên lúc 3 giờ sáng đến giờ vẫn còn nguyên."Nhà thơ Trịnh Y Thư, bạn chí thiết của ca sĩ Quỳnh Giao, nhìn nhận, "Tiếng hát Quỳnh Giao chính là tâm hồn của chị, một tâm hồn trong sáng, thánh thiện, luôn hướng về cái đẹp, nó giúp chúng ta có cái nhìn thân ái hơn về sự vật cũng như con người."Với Nam Phương, người có nhiều chương trình phỏng vấn Quỳnh Giao trên Người Việt TV, thì "Cô Quỳnh Giao mà tôi biết là một người rất lạc quan và yêu đời. Có lần tôi hỏi cô trong cuộc đời ca hát của mình cô có niềm vui và nỗi buồn gì. Cô bảo niềm vui thì rất nhiều, nỗi buồn thì không có. Là người đi hát từ nhỏ mà cô không giữ lại nỗi buồn nào trong đời ca hát của mình chứng tỏ cô rất lạc quan. Lần khác tôi hỏi cô, khi buồn thì nên nghe nhạc gì. Cô bảo khi buồn thì nhất định nên nghe nhạc vui vì mình phải tìm cách thoát ra khỏi nỗi buồn đó, nếu ngồi đó ngậm nhấm nỗi buồn thì nó sẽ làm hại tinh thần và sức khỏe của mình.""Vì thế từ đây về sau, mỗi lần buồn thì tôi chỉ nghe nhạc vui theo đúng tinh thần Quỳnh Giao - lạc quan và yêu đời." Nam Phương tâm sự.

Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, chồng ca sĩ Quỳnh Giao, "Tang lễ Quỳnh Giao là dịp ngợi ca một cuộc đời đẹp, cuộc sống của một người làm đẹp cho người khác, làm cho chúng ta thấy nhạc Việt Nam đẹp đến thế nào." (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)Với anh Doãn Quốc Hưng, người từng có nhiều cơ hội đệm đàn Tây Ban Cầm và hàn huyên với Quỳnh Giao về nghệ thuật thì Quỳnh Giao là 'biểu tượng của cái đẹp" trong lòng chàng trai trung học thuở nào và sau này, Quỳnh Giao, trong mắt nhìn của con trai nhà văn Doãn Quốc Sĩ, là "biểu tượng của kiến thức về nền âm nhạc Việt Nam."Kiến trúc sư Nguyễn Bá Khanh, một trong những người ngưỡng mộ giọng hát Quỳnh Giao cho biết, "Tôi yêu tiếng hát Quỳnh Giao từ những bài cô hát. Với tôi, nếu không có tiếng hát đó, không có những bài hát đó thì tôi không thể nào biết được âm nhạc Việt Nam lại có những bài hay như vậy. Những giọng ca như Quỳnh Giao cao vút lên khiến cho mỗi chiều con đường tôi đi làm về dường như ngắn hơn, tôi như vứt bỏ được mọi ưu phiền vốn có trong cuộc đời."

Gia đình, người thân, bằng hữu và khán giả hâm mộ đưa tiễn cố ca sĩ Quỳnh Giao đến nơi hỏa táng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)Trở về sớm hơn từ một hội nghị được tổ chức ở Oregon, Tiến Sĩ Tenzin Dorjee của trường Cal State Fullerton có mặt tại buổi tưởng niệm để đặt lên quan tài Quỳnh Giao một dải khăn trắng, để "cầu nguyện cho cô" như ông đã cùng nhiều vị chư tăng Ấn Độ đọc kinh cầu nguyện cho cô ngay bên giường bệnh nhiều tháng trước đó, khi người ca sĩ này đổ bệnh.Nhạc sĩ Cung Tiến, từ Minnesota, không quản ngại đường xa và sức khỏe cũng sắp xếp về Little Saigon dự tang lễ và bày tỏ những cảm nhận của ông đối với người ca sĩ thành công từ rất sớm này. Người tham dự cũng xúc động khi nghe những kỷ niệm với Quỳnh Giao được nhắc lại bởi danh ca Kim Tước, người đã cùng đứng chung sân khấu với Quỳnh Giao từ nửa thế kỷ trước.Người đến viếng ca sĩ Quỳnh Giao không chỉ bồi hồi, sống cùng kỷ niệm của những người lên chia sẻ cảm xúc mà hơn hết, người ta cảm thấy ngậm ngùi khi nhìn hình ảnh người đàn ông đầu quấn khăn tang trắng, gương mặt tiều tụy, chứa đầy nỗi đau mất mát, suốt buổi đứng bên cạnh quan tài người quá cố, như không muốn rời, khi sửa lại cái này, chút chỉnh tranh lại cái kia, rõ ràng là không cần thiết. Nhưng những hành động tưởng chừng vô nghĩa đó lại nói được nhiều hơn nỗi "bàng hoàng, ngỡ ngàng như sét đánh ngang tai" mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa cùng gia đình đang mang.***Đêm nhạc tưởng nhớ Ca sĩ Quỳnh Giao tại Hội trường Việt Báo đêm 30 Tháng Bảy. Mọi người cùng hợp ca nhạc khúc "Kỷ Niệm", bài hát nhạc sĩ Phạm Duy tặng riêng cho ca sĩ Quỳnh Giao. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)Cũng trong ngày thi hài cố ca sĩ Quỳnh Giao được đưa vào hỏa táng, chương trình "Đêm tưởng nhớ Quỳnh Giao" mang tên "Hát Cho Kỷ Niệm" được tổ chức tại tòa soạn Việt Báo nhằm chia sẻ những kỷ niệm và thưởng thức một số nhạc phẩm đã từng gắn bó với tiếng hát Quỳnh Giao, do Nhóm Thân Hữu cùng Người Việt - Việt Báo - VAALA đồng tổ chức.Không khí ấm cúng, không quá trang nghiêm, thấm đẫm tình bằng hữu, tình hội ngộ, sự tri ân, tưởng nhớ đến một giọng ca vừa thoát cõi trần.Bao nhiêu ghế ngồi cũng không đủ cho người tham dự đêm nay. Ai cũng muốn đến, để cùng có những giây phút lắng lòng, cùng hồi tưởng, cùng hát lại những bài hát mà Quỳnh Giao từng say sưa hát.Rõ ràng, như ông Nguyễn Xuân Nghĩa mong muốn, "Tang lễ Quỳnh Giao là dịp ngợi ca một cuộc đời đẹp, cuộc sống của một người làm đẹp cho người khác, làm cho chúng ta thấy nhạc Việt Nam đẹp đến thế nào, tác phẩm đó hay ra làm sao... Chúng tôi không muốn than khóc."Đúng, không ai muốn than khóc cho một tài hoa vừa nằm xuống. Tất cả đều chỉ muốn thực hiện một nghĩa cử đẹp đẽ nhất: tiễn đưa một nghệ sĩ khả ái và đa tài, trong tinh thần giã biệt một cuộc đời đã làm đẹp cho người khác, khi trình bày âm nhạc và viết về văn học nghệ thuật Việt Nam.Quỳnh Giao ra đi, tiếng hát cùng nỗi ngỡ ngàng ở lại, quanh đây.

Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nguồn: //www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=192583&zoneid=1#.U9oV97TCd8E

Quỳnh Giao tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế. Quỳnh Giao là con gái của nữ danh ca Minh Trang. Năm Quỳnh Giao 5 tuổi, cha của bà qua đời và mẹ bà tái giá với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Ngay từ bé, Quỳnh Giao đã hát trên đài Phát thanh Quốc Gia Sài Gòn, trong những chương trình Tuổi Xanh của Ban Nhi Đồng Kiều Hạnh. Quỳnh Giao cũng từng tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm và được bà Robin của Trung Tâm văn Hóa Pháp, Alliance Française, hướng dẫn về thanh nhạc và opera.

Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Quỳnh Giao cùng chồng và con rời Việt Nam sang cư ngụ tại thành phố Annandale, tiểu bang Virginia. Trong thời gian ở Annandale, bà gần như ngưng mọi hoạt động về ca nhạc ngoài việc tiếp tục mở lớp dạy dương cầm và thỉnh thoảng thực hiện vài băng nhạc có tính cách lưu niệm do chính bà tự đàn và hát.

Năm 1990, sau khi lập gia đình lần thứ hai, Quỳnh Giao cùng chồng về sống tại California. Từ đó, bà bắt đầu quay lại với âm nhạc và phát hành nhiều CD thành công như Khúc nguyệt quỳnh, Hành trình Phạm Duy… Quỳnh Giao cũng cùng với Mai Hương, Kim Tước lập ban Tiếng Tơ Đồng ở hải ngoại và thu được nhiều thành công.

Ca sĩ Quỳnh Giao qua đời vào lúc 3 giờ sáng hôm thứ tư ngày 23 tháng 7 năm 2014 tại Fountain Valley, California, hưởng thọ 68 tuổi.


Kỷ Niệm Với Ca sĩ Quỳnh Giao

*Ca sĩ Hoàng Oanh

Tháng 7 năm nay, Hoàng Oanh nhớ đến Quỳnh Giao, một người bạn nghệ sỹ đã mất vào tháng 7 năm 2014.

Nhớ lại năm xưa, Hoàng Oanh và Quỳnh Giao có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm từ thời thơ ấu cho đến lúc Cô qua đời. Năm 1958, Quỳnh Giao đang hát cho Ban nhi đồng Tuổi Xanh. Lúc đó, bác Kiều Hạnh và bác Phạm Đình Sỹ (trưởng ban Tuổi Xanh) có ý muốn tăng cường thêm một số các nhi đồng khác để thay thế cho các đàn chị Mai Hương, Mai Hân, Bạch Tuyết sang hát cho các ban “người lớn”. Đó là lúc Hoàng Oanh gia nhập vào Ban Tuổi Xanh cùng lúc với Bích Vân, Ngọc Vân và Phước Vân (Tam Vân do anh Nguyễn Đức đào tạo). Vào đây thì Hoàng Oanh gặp ngay Quỳnh Giao và các bạn ca sĩ nhi đồng như: Tuấn Ngọc, Quốc Thắng, Kim Chi…

Đến năm 1960, vì một số lý do riêng mà Ban Tuổi Xanh ngưng hoạt động để nhường chỗ cho Ban Việt Nhi thay thế. Và Hoàng Oanh cũng chuyển qua Ban Việt Nhi (do anh Nguyễn Đức làm trưởng ban). Lúc đầu thì Hoàng Oanh thấy có Quỳnh Giao cũng chuyển qua Ban Việt Nhi. Nhưng sau đó, vì được lời mời gia nhập Ban Tây Hồ để thay thế cho bác Minh Trang nên Quỳnh Giao đã rút lui khỏi Việt Nhi. Trong khi Hoàng Oanh vẫn tiếp tục ở lại Ban Việt Nhi cho đến vài năm sau đó, thì nghỉ để sang hát cho các ban “người lớn” và để cộng tác với các hãng dĩa. Về học vấn, Hoàng Oanh và Quỳnh Giao cùng học chung một trường Gia Long, cùng học chung một lớp trong 3 năm cuối của Trung học (vì lúc đó có giai đoạn trường có nhận thêm các học sinh ưu tú của các trường khác được vào trường Gia Long ở các lớp Đệ tam, Đệ nhị và Đệ nhất). Hoàng Oanh nhớ nhất là vào những buổi văn nghệ cuối niên học. Quỳnh Giao và Hoàng Oanh có đóng góp vào phần văn nghệ và trình bày những bài song ca, đơn ca đã được các thầy cô và các bạn học tán thưởng.

Ngoài đời, Hoàng Oanh cũng rất thân với Quỳnh Giao và gia đình bác Minh Trang (danh ca Minh Trang là thân mẫu của Quỳnh Giao). Còn trong sinh hoạt văn nghệ, Hoàng Oanh và Quỳnh Giao có nhiều dịp gặp nhau vì hai đứa hát rất nhiều trong các ban nhạc của Đài phát thanh Saigon như: Ban Tiếng Tơ Đồng (Hoàng Trọng), Ban Tiếng Hát Đôi Mươi (Trần Thiện Thanh), Ban Y Vân (nhạc sĩ Y Vân), Ban Hải Sơn (Nghiêm Phú Phi)… Rồi Quỳnh Giao lập gia đình với anh D.N.H trước năm 1970. Trong đám cưới của Quỳnh Giao, Hoàng Oanh làm phù dâu. Còn nhớ một ngày trước hôm đám cưới, Hoàng Oanh có đến nhà Quỳnh Giao ngủ qua đêm để sáng hôm sau làm lễ khỏi lo có sự chậm trễ.

Ra Hải Ngoại, lúc Hoàng Oanh ở New Jersey thì Quỳnh Giao ở Virginia. Đến khi Hoàng Oanh dời sang Cali thì nghe tin Quỳnh Giao cũng dời qua Cali, nên hai đứa thỉnh thoảng lại gặp nhau. Ngoài ra, Hoàng Oanh còn có dịp gặp lại cô Kim Tước, chị Mai Hương và chị Hà Thanh (ở Massachusetts) cũng thỉnh thoảng qua Cali chơi. Vào năm 2005, Hoàng Oanh có tổ chức một buổi tiệc gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão Katrina và Hoàng Oanh có mời được cô Kim Tước, chị Mai Hương và Quỳnh Giao. Bên cạnh đó còn có thêm các nghệ sỹ Trung Chỉnh, Phương Dung, Trọng Nghĩa… đến giúp cho chương trình ca nhạc. Ước nguyện của Hoàng Oanh là có được một dịp kết hợp những tiếng hát trong Ban Tiếng Tơ Đồng năm xưa để trình diễn một bài hợp ca kỷ niệm: Sẽ do “Tứ ca Tiếng Tơ Đồng” là Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao và Hoàng Oanh trình bày. Và bài hát đó là bài Bức Họa Đồng Quê của nhạc sĩ Văn Phụng. Sau đó, Hoàng Oanh và Quỳnh Giao còn song ca bài Thu Vàng của Cung Tiến.

Mãi đến sau nầy, Hoàng Oanh thấy Quỳnh Giao viết những bài Tạp Ghi trên báo Người Việt. Hoàng Oanh có đọc được và theo dõi các bài viết của Quỳnh Giao. Sau đó, Quỳnh Giao xuất bản quyển “Tạp Ghi Quỳnh Giao”, Hoàng Oanh có đặt mua và được Quỳnh Giao gửi đến với chữ ký tặng. Rồi kế đến, Hoàng Oanh lại được theo dõi các mục phỏng vấn của Quỳnh Giao trên Người Việt TV về văn học – nghệ thuật, âm nhạc… Đang lúc tiếp tục theo dõi các chương trình nầy thì đột nhiên một hôm, Trọng Nghĩa báo cho Hoàng Oanh biết tin bất ngờ là Quỳnh Giao tạm nghỉ đài vì lý do sức khỏe, Hoàng Oanh rất lo lắng.

Một tháng sau đó thì được biết tin Quỳnh Giao lâm bệnh nặng. Và Cô đã qua đời sau một thời gian ngắn. Ai cũng bàng hoàng và sửng sốt. Riêng Hoàng Oanh thấy rất buồn và vẫn không tin đó là sự thật. Nhớ lại, cách đó mấy tháng, Hoàng Oanh có đến dự một buổi họp mặt của các bạn Gia Long cùng lớp. Có Quỳnh Giao đến dự, đi cùng với cô con gái. Lúc đó, Quỳnh Giao trông rất tươi tắn, vui vẻ và đầy sức sống. Sau đó, hai đứa còn có chụp ảnh kỷ niệm với nhau. Vậy mà chỉ vài tháng sau thôi là Quỳnh Giao đã qua đời. Mới thấy đó rồi mất đó. Cô ra đi thật nhanh chóng, bất ngờ. Âu cũng là số mạng của mỗi con người.

Tang lễ của Quỳnh Giao, Hoàng Oanh đến dự mà lòng vương vấn một nỗi buồn: Mình đã mất đi một người bạn học, một người bạn nghệ sỹ thâm tình. Hoàng Oanh tiếc cho một người ca sỹ có tài hát hay, đàn giỏi (Cô còn là giáo sư dạy dương cầm nữa). Quỳnh Giao học rất giỏi, có kiến thức sâu rộng về nhiều lãnh vực. Có một điều lý thú là cả hai Quỳnh Giao và Hoàng Oanh đều có chung một sở thích là thích sưu tầm, làm collection nước hoa. Và sau cùng, hai đứa đều chọn mùi nước hoa hiệu Jicky của nhà sản xuất Guerlain (Pháp). Đó cũng là một kỷ niệm vui rất khó quên. Bây giờ, nhớ đến bạn, Hoàng Oanh đang ngồi đây xem lại bài hát kỷ niệm của hai đứa đã hát chung với nhau: Bài Thu Vàng. Và hồi tưởng về những kỷ niệm xa xưa ở Đài phát thanh, ở trường Gia Long. Ôi Saigon, những ngày thơ mộng!

Tháng 7 – 2016
Ca sĩ Hoàng Oanh

Video liên quan

Chủ đề