Cách giữ chữ ký trên áo

LTS: Để tạm biệt tuổi học trò, ngày nay, nhiều học sinh cuối cấp đã chọn cách lưu giữ kỷ niệm một thời cắp sách đến trường của mình trên những tà áo dài trắng.

Chia sẻ về cách làm này, tác giả Trường Sa Đông đã có bài viết. Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Cứ gần đến ngày tổng kết năm học, ngày chia tay mái trườngsau ba năm gắn bó, chia sẻ buồn vui của học sinh lớp 12 là tôi lại nhớ đến hình ảnh những chiếc áo dài trắng lem nhem, loang lổ chữ ký

Thời viết lưu bút bằng những nét mực khác nhau, những tâm tình run rẩy trong tim đã qua rồi! Bây giờ các em có thể sử dụng điện thoại thông minh, những thiết bị hiện đại khác để ghi lại những khoảnh khắc không dễ gì lặp lại trong buổi chia tay đầy cảm động, lưu luyến của thời học sinh

Các bạn học sinh lưu lại dòng lưu bút trên những chiếc áo dài (Ảnh minh họa:kienthuc.net.vn).

Không biết từ đâu (có lẽ trên mạng xã hội), các em nữ sinh trường tôi lại có sáng kiến nhờ thầy cô, bạn bè ký tên vào chiếc áo dài trắng mà mình đang mặc trên người để làm kỷ niệm.

Ngay cả một số thầy cô trẻ, khi được các em nhiệt tình mời ký cũng không ngần ngại, ký ngay lên áo của các em. Thấy thầy cô ký như vậy thì các em đua nhau cùng ký cho bạn

Thôi thì đủ loại mực, xanh đỏ có, đậm nhạt có; ngay cả bút lông nét đậm cũng được ký cho thêm phần đậm đà tình cảm

Phía trong căn-tin quý đại biểu cùng thầy cô đang liên hoan, đang dô, dô náo nhiệt thì bên ngoài các em đến xin thầy cô chữ ký càng đông! Nhiều đại biểu nhìn ra, tỏ vẻ không đồng tình

Một số thầy cô không chịu ký vì cho rằng làm vậy sẽ không giáo dục được học sinh về ý thức tiết kiệm, chia sẻ

Một số có ý kiến là thay vì ký vào áo dài thì nên giữ nguyên, về nhà giặt ủi gọn gàng, sạch sẽ, mang vô trường để ủng hộ học sinh nghèo đầu năm học tới

Nhìn các em nữ sinh ra về với những chữ ký ngang dọc, lem luốc chắc mọi người thấy không được đẹp! Thiếu gì cách lưu giữ kỷ niệm của tuổi học trò mà lại ký tên nhì nhằng trên đó, làm hư mất chiếc áo dài trắng

Nhưng, một số người lại cho rằng: áo dài của các em thì các em muốn làm gì thì làm, không hại cho ai cả! Nếu như vậy thì vai trò thầy cô, người định hướng cho học sinh hướng tới cái đẹp, cái thiện được thể hiện như thế nào?

Có thể đây là bài học cuối cùng của các em, bài học về sự đồng cảm, biết chia sẻ với mọi người nếu những chiếc áo dài được trao lại cho các bạn khác; cho lớp đàn em thì đó chẳng phải là niềm vui, niềm hạnh phúc hay sao.

Nên chăng, các trường cần sinh hoạt trước với các em; khuyến khích ghi lưu bút, vừa giữ được lâu bền, ý nghĩa kỷ niệm tuổi học trò vừa rèn luyện cách viết Lưu ý các em không nên ký tên vào áo dài, vừa không đẹp vừa làm hỏng mất chiếc áo đẹp.

Mặt khác, phát động phong trào quyên góp áo dài, ủng hộ học sinh vùng sâu, vùng xa Đó cũng là cách giáo dục lòng thiện cho các em trong buổi chia tay với mái trường.

TRƯỜNG SA ĐÔNG

Video liên quan

Chủ đề