Cách tính tuổi đi học ở Hàn Quốc

Phương pháp tính tuổi âm lịch, tuổi lấy vợ hay tuổi mụ bắt nguồn từ Trung Quốc và từng được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia Đông Á. Và đến tận bây giờ, Hàn Quốc được xem là quốc gia duy nhất mà cách tính tuổi này vẫn còn thống trị.

Mỗi đứa trẻ đều được tính là 1 tuổi ngay khi chào đời và 2 tuổi khi bước sang năm mới

Theo truyền thống hàng thế kỷ qua tại Hàn Quốc, mỗi đứa trẻ đều được tính là 1 tuổi ngay khi chào đời và 2 tuổi khi bước sang năm mới. Điều này có nghĩa là những đứa trẻ sinh ra vào đêm giao thừa nghiễm nhiên trở thành 2 tuổi ngay khi kim đồng hồ bước qua nửa đêm.

Theo cách tính tuổi này, nếu một em bé được sinh ra vào ngày 1/1/2020, em bé này sẽ được 2 tuổi vào ngày 1/1/2021. Nhưng một cách lạ đời, nếu một em bé Hàn Quốc khác được sinh ra vào ngày 31/12/2020, em bé cũng mặc định được 2 tuổi vào ngày hôm sau, tức 1/1/2021. Hai ngày sinh nhưng chung một số phận!

Vấn đề này đang là chủ đề gây tranh cãi không có điểm dừng tại xứ sở kim chi, nơi mỗi người dân đều có hai tuổi: tuổi Hàn Quốc và tuổi quốc tế.

Cách tính tuổi đi học ở Hàn Quốc

Các vấn đề nảy sinh từ cách tính tuổi này

Trên thực tế, có nhiều vị cha mẹ lên kế hoạch để sao không sinh con vào những ngày cuối năm. Khi đã lỡ rồi thì còn có nhiều bậc phụ huynh, sinh con vào cuối năm mà đợi đến tận đầu năm mới đi làm giấy khai sinh cho con.

Người Hàn Quốc khi trưởng thành, nếu được hỏi về tuổi, họ thường khai cả tuổi Hàn lẫn tuổi quốc tế, kèm theo lời giải thích cho những ai chưa hiểu vấn đề. Và trong khi tuổi mụ tại Việt Nam chỉ là cách tính dân gian, không ảnh hưởng đến tuổi pháp lý của cá nhân thì hai hệ thống tính tuổi cùng tồn tại song song tại Hàn Quốc đã gây ra nhiều tình huống khó xử, bất tiện cùng nhầm lẫn (ví dụ như trong độ tuổi đi học hay đối tượng để tuyển thanh niên đi nghĩa vụ quân sự,).

Luật pháp và nhận thức

Nguồn gốc của cách tính tuổi này hiện không rõ nhưng có một giả thiết cho rằng đứa trẻ được xem là 1 tuổi ngay khi chào đời do tính cả thời gian ở trong bụng mẹ. Một số người lại cho rằng cách tính tuổi như vậy có liên quan tới hệ thống số đếm của người Á Đông xưa, theo đó không có khái niệm số 0.

Trong khi đó, nguồn gốc của việc cộng thêm 1 tuổi vào ngày 1 tháng 1 năm mới cũng phức tạp. Một số chuyên gia cho rằng người Hàn Quốc xưa không có lịch để theo dõi thường xuyên như ngày nay, nên họ không quan tâm nhiều đến ngày cụ thể mà chỉ chú trọng năm. Do đó, để tính tuổi đơn giản, họ chỉ căn cứ vào ngày đầu tiên của năm mới.

Cách tính tuổi đi học ở Hàn Quốc

Thật ra kể từ năm 1962, Hàn Quốc đã ban hành luật tính tuổi của công dân dựa trên ngày sinh. Kể từ khi nước này áp dụng hệ thống tuổi quốc tế, tuổi Hàn Quốc đã biến mất khỏi một số giấy tờ chính thức. Hay nói cách khác, tuổi Hàn Quốc chỉ tồn tại trong nhận thức của người dân xứ kim chi.

Thông thường ở các quốc gia khác, sự thay đổi về luật pháp như vậy sẽ dần dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức của người dân.

Tuy nhiên, ở một nền văn hóa như Hàn Quốc, nơi tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng giúp xác định thứ bậc, mối quan hệ và thậm chí chuyện hỏi về tuổi tác cũng không bị cấm kỵ, hệ thống tính tuổi truyền thống đã chứng minh khả năng trường tồn của mình.

Ý kiến của người dân và động thái của Chính phủ Hàn Quốc

Hiện nay, đang có nhiều lo ngại rằng cách tính tuổi truyền thống khiến cho đất nước Hàn Quốc tụt hậu so với thế giới và gây khó khăn cho các trẻ sinh vào cuối năm. Đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia áp dụng cách tính tuổi truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên cũng đã xoay sang sử dụng cách tính tuổi quốc tế.

Gần đây, vào tháng 04/2019, Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, ông Hwang Ju Hong đã trình Chính phủ dự luật dùng tuổi quốc tế trong các văn bản chính thống và khuyến khích người dân sử dụng nó trong đời sống hàng ngày. Ông cho hay nhiều người như mình lo ngại rằng cách tính tuổi này sẽ làm cho Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á đồng thời là gã khổng lồ về công nghệ toàn cầu, bị tách rời khỏi phần còn lại của thế giới.

Cách tính tuổi đi học ở Hàn Quốc

Hwang Ju Hong tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng và các nghị sĩ. Ông cho hay những bậc cha mẹ có con sinh vào tháng 12 lo ngại rằng con cái họ gặp khó khăn khi phải học chung với những đứa trẻ lớn hơn, dù theo cách tính của người Hàn Quốc thì chúng cùng tuổi. Ông Hwang Ju Hong nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã bỏ hệ thống tuổi truyền thống trong Cách mạng Văn hóa, Nhật Bản cũng chấp nhận tuổi quốc tế vào đầu thập niên 90 còn Triều Tiên đã bắt đầu sử dụng tuổi quốc tế từ năm 1985.

Đây có thể được coi là nỗ lực chính thức đầu tiên để hủy bỏ cách tính tuổi truyền thống của người Hàn Quốc, nhằm giải quyết những khó khăn và cách làm việc thiếu hiệu quả do sử dụng nhiều hệ thống tính tuổi khác nhau cùng một lúc.

Nhiều người dân Hàn cũng ủng hộ cách tính tuổi quốc tế. Có đến 92% số người được hỏi đồng tình với việc chuẩn hóa cách tính tuổi để thông tin cá nhân trên giấy tờ được thống nhất và thuận tiện cho công việc.

Thế nhưng, không phải tất cả người Hàn Quốc đều đồng tình rằng cách tính tuổi truyền thống là lỗi thời, bởi họ cho rằng điều này phản ánh tầm quan trọng của Âm lịch trong các xã hội Đông Á. Tuy việc này không thể thay đổi một sớm một chiều nhưng vẫn thể hiện ý kiến của phần đông người dân Hàn Quốc về vấn đề này. Đây cũng là một phần lý do người Hàn nói riêng và người Châu Á nói chung vẫn luôn hỏi năm sinh của nhau trong những lần đầu gặp mặt. Không phải vì mọi người bất lịch sự, mà ngược lại, là vì mọi người muốn biết phải xưng hô với nhau như thế nào cho phải phép.

Hi vọng với thông tin chia sẻ trên đây, du khách sẽ có thêm được sự hiểu biết về một khía cạnh của cuộc sống và văn hóa Hàn Quốc ngày nay. Nếu du khách muốn tìm hiểu nhiều hơn thì hãy thực hiện một chuyến du lịch Hàn Quốc nhé!