Cách xử lý khi bị ngạt nước

Sơ cứu đúng cách và phòng ngừa Ngạt nước-Hóc đường thở-Phỏng-Điện giật


Cách xử lý khi bị ngạt nước
A. NGẠT NƯỚC

  • Ngạt nước (còn gọi chết đuối) là tình trạng người bị nạn bị ngạt do hít phải nước khi chìm trong nước, tuy nhiên có một số người bị ngạt là do sự co thắt thanh quản.

Ngạt nước thường xảy ra ở 2 nhóm tuổi: tuổi thiếu niên do tính thích mạo hiểm và tuổi mới biết đi do tính tò mò, hiếu kỳ mà không có sự giám sát của người lớn.

1. Nguyên nhân gây ra ngạt nước là gì?

Ngạt nước xảy ra do các tai nạn như:

- Trẻ nhỏ bị chìm trong các vật chứa nước trong nhà như giếng nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm, bể cá...

- Trẻ không biết bơi bị rơi xuống ao, hồ, kênh, rạch, sông...

- Người biết bơi nhưng do bị kiệt sức, bị vộp bẻ, động kinh...

2. Sơ cứu đúng cách người bị ngạt nước như thế nào?

  • Sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn hay di chứng não của người bị nạn. Cần lưu ý là một người đã ngưng thở chỉ sống thêm được khoảng 5 phút, do vậy phải hành động thật nhanh và bằng mọi cách tiến hành hà hơi thổi ngạt cho người bị nạn càng sớm càng tốt. Tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi vừa đưa đầu người bị nạn lên khỏi mặt nước, trước khi đưa vào bờ.

* Cách sơ cứu đúng như sau:

- Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho người bị nạn nắm, ném phao hoặc vớt người bị nạn lên.

- Đặt người bị nạn nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

- Nếu người bị nạn bất tỉnh hãy kiểm tra xem có còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực.

l Nếu lồng ngực không di động tức là người bị nạn đã ngưng thở, đầu tiên hãy thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau khi thổi ngạt mà người bị nạn vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như là tim của người bị nạn đã ngưng đập (riêng nhân viên y tế xác định tình trạng ngưng tim của người bị nạn bằng cách bắt mạch cánh tay, mạch cổ hoặc mạch bẹn xem có đập không, nếu không bắt được mạch tức là tim đã ngưng đập), cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:

+ Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay)

+ Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ lớn hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay

Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi hoặc người lớn). Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục các động tác cấp cứu này trên đường chuyển người bị nạn tới cơ sở y tế cho đến khi người bị nạn tự thở lại được hoặc chắc chắn rằng người đó đã chết, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn nữa.

l. Nếu lồng ngực còn di động tức người bị nạn còn tự thở được, hãy đặt người bị nạn ở tư thế an toàn, tức là cho nằm nghiêng một bên để nếu người đó có nôn ói thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào phổi gây viêm phổi.

Cách xử lý khi bị ngạt nước

Đặt người bị nạn nằm nghiêng để tránh hít sặc chất nôn ói vào phổi.

3. Những điều gì không nên làm trong sơ cứu người bị ngạt nước?

  • Phần lớn những người bị nạn tử vong hoặc bị di chứng não do thiếu oxy là do không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách trước khi đưa đến cơ sở y tế. Do đó, cần tránh những cách xử trí không đúng sau đây:

- "Xóc nước": động tác dốc ngược người bị nạn để sốc nước là không cần thiết và không nên thực hiện vì thông thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải vào đầy phổi như người dân thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống xuất ra ngoài khi người bị nạn tự thở lại. Ngoài ra việc sốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và làm tăng nguy cơ hít sặc nước vào phổi.

- Không thực hiện việc thổi ngạt và ấn tim cho người bị nạn đang ngưng thở ngưng tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế, hoặc có thực hiện nhưng không đúng cách như: dang 2 tay người bị nạn sang 2 bên rồi ép vào ngực để ấn tim mà không thổi ngạt, động tác sơ cứu này không nên thực hiện vì không hiệu quả.

Việc chậm trễ trong cấp cứu thổi ngạt-ấn tim làm cho não và các cơ quan bị thiếu oxy kéo dài, có thể gây chết tế bào não dẫn đến tử vong hoặc di chứng não nặng nề.

- Hơ lửa hoặc "lăn lu" người bị nạn (tức là để nằm vắt ngang qua lu rồi đốt lửa phía trong lu) vì nghĩ rằng sẽ giúp làm ấm người bị nạn nhưng thực ra việc làm này sẽ càng làm nặng thêm tình trạng của người bị nạn vì làm họ bị phỏng và quan trọng nhất là làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt.

4. Phòng ngừa ngạt nước như thế nào?

- Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà. Đậy kín các vật chứa nước trong nhà như giếng nước, bồn tắm, thùng nước, chậu nước...

- Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông...

- Không cho bệnh nhân động kinh bơi

- Dạy trẻ học bơi ngay từ khi còn bé. Dạy trẻ là không bao giờ được bơi ở những nơi có dòng nước chảy nhanh và mạnh.

B. HÓC ĐƯỜNG THỞ

  • Hóc đường thở (dị vật đường thở) là từ để gọi một vật lạ rơi vào trong đường thở. Tai nạn thường xảy ra ở người già suy kiệt, hôn mê, ở người lớn cười giỡn trong khi ăn hoặc ở trẻ em lúc cho bú bình hoặc cho ăn không đúng cách.

1. Nguyên nhân gây ra hóc đường thở là gì?

- Do sặc sữa, cháo, cơm

- Do hít vào đường thở các vật nhỏ như hột đậu phộng, mãng cầu, sa bô chê...

2. Làm sao nhận biết được một người đang bị hóc đường thở?

  • Khi một người đang khỏe mạnh trước đó, đột nhiên xuất hiện hội chứng xâm nhập gồm các dấu hiệu sau: ho sặc sụa, tím tái, khó thở.

Cần lưu ý là trẻ bị ngạt có thể chết trong vòng vài phút nếu không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời. Do đó, người chăm sóc trẻ khi thấy trẻ đột ngột khó thở cần phải nghĩ ngay là trẻ bị ngạt do hóc đường thở dù có nhìn thấy trẻ đút thứ gì vào miệng hay không.

3. Làm gì để sơ cứu người bị hóc đường thở?

- Nếu người bị nạn còn hồng hào, không khó thở: nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên và đưa đến cơ sở y tế để khám và gắp dị vật ra.

- Nếu người bị nạn tím tái, không thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành các thủ thuật sau để giúp tống xuất dị vật ra khỏi đường thở của người bị nạn.

3.1 Đối với trẻ dưới 2 tuổi: dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái và giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái

- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai

- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu thấy trẻ vẫn còn khó thở, dùng 2 ngón tay trái ấn mạnh 5 cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối 2 vú một khoát ngón tay

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại và tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5-6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Cách xử lý khi bị ngạt nước
Cách xử lý khi bị ngạt nước

3.2 Đối với trẻ lớn và người lớn: dùng thủ thuật Heimlich

*Trẻ còn tỉnh:

- Đứng sau lưng trẻ, vòng 2 tay ôm lấy thắt lưng trẻ

- Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn

- Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh

- Có thể lập lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Cách xử lý khi bị ngạt nước
Cách xử lý khi bị ngạt nước
Cách xử lý khi bị ngạt nước

* Trẻ hôn mê:

- Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi người bị nạn

- Đặt gót lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên

- Có thể lập lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Cách xử lý khi bị ngạt nước

Chú ý

- Nếu người bị nạn ngưng thở, phải bắt đầu thổi ngạt 2 cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt với việc làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bệnh nhân thở lại được.

- Sau khi lấy được dị vật, vẫn nên đưa người bị nạn đến cơ sở y tế để kiểm tra.

4. Những điều gì không nên làm trong sơ cứu người bị hóc đường thở?

- Không can thiệp nếu người bị nạn vẫn còn hồng hào, có thể ho, thở hay khóc được.

- Không cố móc lấy vật lạ ra nếu không nhìn thấy, vì có nhiều khả năng làm cho dị vật rơi vào đường thở sâu hơn.

5. Phòng ngừa hóc đường thở như thế nào?

- Không để các vật nhỏ như khuy áo, đồng xu, hạt trái cây, hạt đậu... nơi trẻ chơi và ngủ.

- Không cho trẻ nhỏ ăn đậu phộng, hạt nhỏ, kẹo cứng hoặc thức ăn có xương.

- Luôn theo dõi khi trẻ cho trẻ ăn. Cắt hoặc xé thức ăn thành những miếng nhỏ.

- Không cười giỡn trong khi ăn.

C. PHỎNG

Phỏng là tai nạn thường gặp, thường do phỏng lửa hoặc nước sôi. Phỏng có thể gây biến chứng sốc phỏng và nhiễm trùng vết phỏng.

1. Nguyên nhân nào gây ra phỏng?

Do người bị nạn tiếp xúc với:

- Lửa, vật nóng, thuốc lá, ma sát

- Nước sôi, chảo mỡ đang nóng

- Điện sinh hoạt

- Hóa chất...

2. Làm thế nào để nhận biết phỏng nhẹ hay nặng?

  • Việc đánh giá mức độ nặng nhẹ của vết phỏng tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí, diện tích và độ sâu của vết phỏng. Vết phỏng càng lớn và càng sâu thì càng nặng. Người ta thường phân thành 2 mức độ phỏng: phỏng nông và phỏng sâu.

* Phỏng nông hay còn gọi là phỏng độ 1: chỉ tổn thương ở bề mặt của lớp da gây đau đớn, đỏ và sưng lên. Vết phỏng nông thường là phỏng nhẹ và mau lành.

* Phỏng sâu bao gồm phỏng độ 2 và độ 3:

- Phỏng độ 2: tổn thương toàn bộ lớp da gây đau đớn, đỏ, sưng và làm da phồng lên.

- Phỏng độ 3: tổn thương lan rộng sâu vào mô dưới da, có thể làm da chuyển sang màu nâu xám hoặc đen, và người bệnh có thể không còn biết đau.

Phỏng nặng là những vết phỏng sâu và diện tích phỏng lan rộng đối với người lớn khoảng 1/10 diện tích cơ thể (ước độ một nửa diện tích của lưng), đối với trẻ em khoảng 1/5 diện tích cơ thể (ước độ tổng diện tích của 5 bàn tay trẻ bị nạn) hoặc là phỏng ở những vị trí như mặt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục (dù diện tích vết phỏng không lớn nhưng nguy hiểm). Phỏng nặng rất cần được điều trị, chăm sóc tại cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt vì có nhiều nguy cơ nhiễm trùng, gây khó thở hoặc có di chứng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc chức năng hoạt động.

3. Xử trí sơ cứu người bị phỏng như thế nào?

Cần thực hiện những việc sau:

- Trấn an người bị nạn

- Làm nguội vết phỏng và giảm đau cho người bị nạn

- Hạn chế khả năng nhiễm trùng

- Hô hấp nhân tạo nếu cần thiết

- Đưa người bị nạn đến cơ sở y tế.

Cụ thể là sơ cứu như sau: (để làm nguội ngay vùng bị phỏng và hạn chế nhiễm trùng vết phỏng)

- Đặt người bị nạn nằm trên tấm drap hoặc vải sạch, để chỗ bị phỏng lên trên. Nếu trẻ đang bị cháy, hãy dập tắt lửa càng nhanh càng tốt bằng cách:

+ Nếu có sẵn xô nước, hãy hắt nước lên người trẻ để dập tắt ngọn lửa

+ Chụp kín trẻ bằng tấm vải hay mền (không dùng nylon vì sẽ cháy) hoặc lăn trẻ trên nền đất, làm như vậy sẽ hạn chế oxy gặp lửa nên lửa sẽ tắt

- Cởi bỏ quần áo bị cháy, bị dính hóa chất, nước nóng...

- Dội nước lên vết thương liên tục trong khoảng 10 phút để làm mát ngay vùng bị phỏng, không cho nhiệt gây tổn thương thêm cho da

- Đắp lên vết phỏng băng, gạc hoặc vải sạch không có lông tơ để tránh nhiễm trùng. Nếu không có sẵn băng gạc, bạn có thể dùng túi nhựa bao vùng bị phỏng ở tay chân lại.

- Nếu vết phỏng nhẹ, sau khi rửa sạch vết phỏng có thể bôi pommade Silver sulfadiazine (gồm Nitrat bạc và kháng sinh Sulfamide như Siliverine, Silvirine, Flammazine hoặc Silvadene...) sẽ giúp vết thương mau lành và tránh bội nhiễm

- Nếu vết phỏng rộng và trẻ không nôn mửa, hãy cho trẻ uống nước để bù phần dịch bị mất qua vết phỏng

- Nếu vết phỏng nhỏ, phỏng nông độ 1, luôn quan sát vết phỏng ít nhất 24-48 giờ để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng vết phỏng như: đỏ, sưng, đau. Nếu có dấu hiệu ghi ngờ nhiễm trùng thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

- Nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nguy hiểm như :

+ Ngất xỉu, bất tỉnh

+ Tay chân lạnh

+ Khó thở

+ Phỏng diện rộng, phỏng sâu vì người bị nạn có thể bị mất một lượng lớn dịch tiết qua vết phỏng có thể đưa đến sốc phỏng do thiếu dịch

+ Phỏng ở những vị trí nguy hiểm như mặt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục... vì gây sưng, nghẽn đường thở làm khó thở (phỏng vùng mặt, trong miệng) hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng hoạt động.

4. Không nên làm những điều gì trong sơ cứu phỏng?

- Không làm bể các vết phỏng bọng nước vì như vậy có thể gây nhiễm trùng thêm vết phỏng

- Không dùng đá lạnh hoặc bôi bất cứ thuốc pommade nào (ngoại trừ pommade Silver sulfadiazine), hóa chất hoặc bất kỳ chất nào khác như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng, bùn non... lên vết phỏng

- Không nên bôi các thuốc chống sẹo vì thường không hiệu quả và sẹo thường là do hậu quả của chăm sóc vết phỏng không đúng cách làm nhiễm trùng vết phỏng

- Không cần thiết phải cữ ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, bò, gà, rau muống, cam... vì ăn những thực phẩm này không hề gây sẹo. Trái lại, nếu kiêng cữ quá mức sẽ gây thiếu chất dinh dưỡng (đặt biệt là chất đạm) khiến cho vết phỏng chậm lành.

- Không dùng các loại băng bằng bông có lông tơ mịn hoặc các băng dính dán lên vùng bị phỏng

- Trong trường hợp phỏng điện, không được chạm vào hoặc tới gần người bị nạn nếu dòng điện chưa được ngắt.

5. Phòng ngừa phỏng như thế nào?

- Không nên sử dụng những bình ga nhỏ (dùng cho bếp ga mi ni) được sạc đi sạc lại nhiều lần vì có nhiều nguy cơ gây cháy nổ

- Không nên châm thêm alcol vào lửa khi đang nấu nướng thức ăn

- Không nên để đèn dầu hoặc đèn cầy gần mùng

- Không cho trẻ tiếp xúc với lửa, diêm, thuốc lá, xăng, dầu hôi, đèn dầu, đèn cầy, diêm quẹt, hộp quẹt...

- Đặt bếp ở một nơi bằng phẳng, cao hơn tầm với của trẻ, không nên để bếp trên sàn nhà

- Quay các quai cầm của nồi hoặc chảo vào phía mà trẻ không với tới được

- Chấp hành nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn về mắc điện và sử dụng điện. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện. Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện ngang tầm tay trẻ em...

D. ĐIỆN GIẬT

  • Điện giật là một tai nạn sinh hoạt thường gặp. Dòng điện khi đi qua cơ thể làm cho người bị nạn bị chóng mặt, khó thở, thậm chí tim ngưng đập. Ngoài ra dòng điện còn gây ra những vết phỏng da ở nơi tiếp xúc. Dòng điện xoay chiều gây co cơ làm người bị nạn dính chặt và không thể thoát ra khỏi nguồn điện.

Những yếu tố làm cho tổn thương do điện giật nhẹ hay nặng lên gồm có: điện thế, cường độ dòng điện, điện trở, điện sinh hoạt hay cao thế, thời gian tiếp xúc, chấn thương kèm theo khi té ngã.

Có 2 loại điện: điện cao thế và điện hạ thế.

1. Sơ cứu như thế nào khi có tai nạn điện giật do điện cao thế?

  • Tai nạn do điện cao thế thường xảy ra ở công nhân ngành điện, xây dựng, công nghiệp. Thường người bị nạn chết ngay hoặc bị phỏng rất nặng. Điện cao thế có thể phóng điện ra xa hàng chục mét do đó phải cắt nguồn điện trước khi cấp cứu người bị nạn.

Khi có tai nạn điện giật do điện cao thế cần tiến hành sơ cứu như sau:

- Thông báo cúp điện, không được tới gần người bị nạn cho tới khi nguồn điện chắc chắn đã bị ngắt.

- Nếu người bị nạn bất tỉnh: kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu thổi ngạt, ấn tim nếu cần

- Sơ cứu các vết phỏng

- Nhanh chóng đưa người bị nạn tới cơ sở y tế.

2. Sơ cứu như thế nào khi có tai nạn điện giật do điện sinh hoạt?

  • Điện dùng trong nhà, điện sinh hoạt (110-220 vôn) là điện hạ thế. Nguyên nhân bị điện giật là do người lớn chạm vào công tắc điện bị hỏng, dây điện tróc vỏ bọc, do bị ướt nước hay do trẻ sờ, chọc dao hoặc que dẫn điện vào ổ cắm điện, chổ nối bị bong tróc...

Tiến hành sơ cứu như sau:

- Cắt nguồn điện ngay bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện

- Nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa và dùng cây, cán chổi hay chiếc ghế đẩu đẩy tay chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện

- Tuyệt đối không được sờ vào người bị nạn nếu người đó chưa được tách khỏi nguồn điện.

- Sau khi đã ngắt điện:

+ Nếu người bị nạn bất tỉnh: kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu nếu cần

+ Nếu người bị nạn gần như bình thường, không bị thương tích, khuyên người bị nạn nghỉ ngơi và theo dõi. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh trở nặng thì gọi bác sĩ hoặc đưa người bị nạn tới cơ sở y tế.

3. Cần tránh làm những điều gì khi sơ cứu điện giật?

- Chạm tay trực tiếp kéo người bị nạn ra trong khi nguồn điện chưa bị ngắt

- Khi có vết phỏng:

+ Bóc đi phần da chết hoặc làm bể các vết phỏng giộp

+ Dùng đá lạnh, thuốc dạng kem hoặc mỡ bôi vào vết phỏng (ngoại trừ pommade Silver Sulfadiazine)

- Không cấp cứu thổi ngạt, ấn tim cho người bị nạn bị ngưng thở ngưng tim.

4. Phòng ngừa điện giật như thế nào?

- Chấp hành nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn về mắc điện và sử dụng điện. Các dụng cụ điện phải có vật cách ly, các dây điện trần phải được bọc cẩn thận

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện

- Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện ngang tầm tay trẻ em. Trẻ có thể chọc cây đinh, que sắt vào ổ điện hoặc dùng dao kéo cắt dây điện

- Giáo dục ý thức tuân thủ an toàn dưới hành lang điện (Không trèo lên cột điện cao thế, không lấy cây chọc vào dây điện, không câu móc điện bừa bãi, không xây nhà cao gần đường điện cao thế)...

BS. Bạch Văn Cam

Trưởng khối Hồi sức cấp cứu-Bệnh viện Nhi Đồng 1