Câu chuyện về chị võ thị sáu

Người con gái anh hùng miền đất đỏ Võ Thị Sáu: 'Tôi không có tội, chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội'

(VOH)– Chưa một lần đứng trước kẻ thù mà Võ Thị Sáu khiếp sợ, chị luôn hiên ngang, đanh thép, một lòng nồng nàn yêu nước. Dù ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, tấm gương Võ Thị Sáu vẫn còn mãi sáng ngời.

"Người con gái trẻ măng Giặc đem ra bãi bắn Đi giữa hai hàng lính Vẫn ung dung mỉm cười Ngắt một đoá hoa tươi Chị cài lên mái tóc Đầu ngẩng cao bất khuất Ngay trong phút hy sinh Bây giờ dưới gốc dương

Chị nằm nghe biển hát..."

- Côn Đảo, 04-1976
Sáng tác: Phan Thị Thanh Nhàn

Võ Thị Sáu là nữ anh hùng cách mạng sinh năm 1933 ở xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sinh ra trong thời loạn lạc, chứng kiến đồng bào bị thực dân Pháp giết hại dã man, lòng yêu nước trong Võ Thị Sáu trào dâng và sự căm phẫn đối với thực dân Pháp không ngừng sôi sục.

Những chiến công oanh liệt của nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Võ Thị Sáu gia nhập Việt Minh năm 14 tuổi, khi ấy chị thuộc đội công an xung phong thường xuyên làm nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Bên cạnh đó Võ Thị Sáu còn tham gia chiến đấu, chị đã gây ra nhiều tổn thất và thương tích cho kẻ địch, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên lính của Pháp. Chị cũng nhiều lần là người phát hiện ra gian tế, tay sai của thực dân Pháp giúp quân ta thoát khỏi mưu mô kẻ thù.

Câu chuyện về chị võ thị sáu
Chân dung nữ chiến sĩ anh hùng Võ Thị Sáu

Trong nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp tháng 7/1948, chị Sáu chủ động xin được trực tiếp đánh trận dù biết vô cùng hiểm nguy. Nửa đêm chị nhận lựu đạn và giấu vào gốc chợ gần khán đài. Đến sáng thực dân Pháp lùa dân vào sân, chị Sáu đợi đến khi xe của tỉnh trưởng tới thì quăng lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh. Lúc này hai tổ công an xung phong đồng loạt nổ súng hô to “Việt Minh tiến công” hướng dẫn người dân giải tán, yểm trợ Võ Thị Sáu rút lui, gây sức ép khiến thực dân Pháp phải huỷ bỏ cuộc mít tinh.

Sau chiến công này, chị Võ Thị Sáu tiếp tục được giao nhiều nhiệm vụ khó hơn, trong đó có nhiệm vụ tiêu diệt tên cai tổng Tòng. Lợi dụng đám đông đi làm căn cước, tháng 11/1948 chị Võ Thị Sáu trà trộn vào dòng người rồi đợi thời cơ ném lựu đạn vào nơi làm việc của cai tổng Tòng khiến hắn bị thương nặng nhưng không chết. Vụ việc này chưa đạt kết quả như mong đợi nhưng đã làm lính đồn một phen hoảng sợ không dám truy vết Việt Minh tới cùng như trước nữa.

Xem thêm: 10 câu chuyện ý nghĩa về Bác Hồ với thiếu nhi

Võ Thị Sáu bất khuất, hiên ngang đến giây phút cuối cùng

Đến tháng 2/1950, trong lần thực hiện nhiệm vụ ném lựu đạn tiêu diệt hai chỉ điểm viên của Pháp là Cả Suốt và Cả Đay thì không may bị bắt. Chị Võ Thị Sáu bị giam ở nhà tù Đất Đỏ, suốt một tháng ròng bị tra tấn dã mang, người con gái trẻ vẫn bất khuất, hiên ngang, không một chữ phản bội đồng bào. Sau cùng thực dân Pháp phải đưa chị về khám Chí Hòa tiếp tục tra khảo.

Tại khám Chí Hoà chị Võ Thị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám và phối hợp cùng chị em trong trại đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù. Trước sự vùng dậy mạnh mẽ này, thực dân Pháp mở phiên tòa kết án tử hình Võ Thị Sáu và đưa chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo.

Đứng trước toà, Võ Thị Sáu khi ấy 17 tuổi lớn giọng đanh thép: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Đến khi tòa kết án tử hình nữ chiến sĩ trẻ, chị vẫn hô to không hề khoan nhượng: “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”.

Câu chuyện về chị võ thị sáu
Hình ảnh ca sĩ Thanh Thuý vào vai nữ anh hùng Võ Thị Sáu trong phim "Người con gái đất đỏ" sản xuất năm 1994

Ngày 23/1/1952, khoảng 4 giờ sáng, bầu trời xám xịt, từng cơn sóng giận dữ xô bờ, từ các trại giam tiếng hô thất thanh vang vọng: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Phản đối! Phản đối! Đả đảo thực dân Pháp”

Trước giờ hành hình viên cha đạo muốn làm lễ rửa tội cho Võ Thị Sáu nhưng chị từ chối và một lần nữa khẳng định: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới có tội”.

Võ Thị Sáu bị dẫn ra pháp trường ở Hàng Dương, Côn Đảo, đối diện với cái chết chị vẫn hiên ngang, nhất quyết không quỳ và phản đối bịt mắt: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”

Sau đó chị Sáu tiếp tục hiên ngang, mắt sáng như sao nhìn thẳng vào bọn lính sắp bắn mình và hát vang bài hát “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên đàng”… Tên lính đứng cách chị Sáu 15 mét, bắn chị không chết, đôi mắt chị vẫn nhìn thẳng vào chúng khiến chúng khiếp sợ không dám bắn nữa. Tên chúa đảo hò hét kêu bắn tiếp, tiếng súng nổ vang rền, bọn chúng bắn đến khi chị Sáu gục xuống, đôi mắt chị khi ấy vẫn mở to sáng ngời.

Ngày 2/8/1993, đồng chí Võ Thị Sáu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.     

Xem thêm: 72 lời dạy của Bác Hồ     

Những câu nói đanh thép của nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Đứng trước quân xâm lược, nữ anh hùng cách mạng Võ Thị Sáu chưa một lần run sợ, chị luôn dõng dạc vạch trần tội đồ của thực dân Pháp và một mực tin tưởng Đảng, nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tận hôm nay những câu nói năm nào của người chiến sĩ Đất đỏ Võ Thị Sáu vẫn còn vẹn nguyên giá trị về "lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất" của người Việt Nam. 

  • Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội.
  • Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu.
  • Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội.
  • Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước.
  • Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!
  • Đả đảo bè lũ thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!
  • Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!
  • Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!
Câu chuyện về chị võ thị sáu
 

Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, hình ảnh quật cường, bất khuất của nữ anh hùng Võ Thị Sáu vang vọng mãi muôn đời "Người thiếu nữ ấy như mùa xuân. Chị đã dâng trọn cuộc đời. Để chiến đấu với bao niềm tin. Dù chết vẫn không lùi bước..."

Nguồn ảnh: Internet

Câu chuyện về chị võ thị sáu

TRƯỜNG THCS ĐẮC SƠN

 LỚP: 7C                                      CÂU CHUYỆN DƯỚI CỜ

                                  (KỂ VỀ NỮ ANH HÙNG CÁCH MẠNG VÕ THỊ SÁU)                                  

        Kính thưa ban giám hiệu, kính thưa các thầy cô giáo, thưa toàn thể các bạn học sinh thân mến!

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người viết “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất”. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, bất khuất để lại dấu ấn đậm nét qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước chẳng hề thua kém đấng nam nhi. Một trong những vị nữ anh hùng ấy người làm em cảm phục là chị Võ Thị Sáu.

Sau đây em xin thay mặt chi đội 7C được gửi tới các thầy cô  và các bạn câu chuyện nhỏ về Chị.

Chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Vũng Tàu-Côn Đảo. Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi rồi nhanh chóng trở thành nữ chiến sĩ trinh sát nổi tiếng gan dạ của đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1950, chị Sáu bị địch bắt trong lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt Tề ở chợ quê gần nhà mình. Hơn 1 năm bị giam cầm trong khám Chí Hòa, đủ thứ đòn roi và đủ "mùi" tra tấn..., nhưng chị Võ Thị Sáu vẫn nêu cao tấm gương dũng cảm vươn lên, không khuất phục kẻ thù. 

Tháng 4.1951, thực dân Pháp đưa chị Sáu ra tòa án binh xét xử. Phiên tòa không có luật sư, không có công chúng, chỉ với sự hiện diện của hai tên tay sai hội tề làm nhân chứng với bồi thẩm đoàn, công tố và hiến binh, nhưng chánh án vẫn kết tội "Võ Thị Sáu tham dự vụ giết hại các nhà chức trách ở Đất Đỏ" và tuyên án tử hình. Lúc bấy giờ, bản án tử hình người con gái chưa đến tuổi thành niên đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, kẻ thù run sợ không dám xử bắn chị Sáu tại Sài Gòn.
          Sáng 21.1.1952, chị Sáu bị lính Lê Dương còng tay, áp tải xuống một chiếc tàu chở hàng tết ra đảo. Trong 9 năm kháng chiến, đây là nữ tử tù đầu tiên, duy nhất và trẻ tuổi nhất bị giặc Pháp xiềng chặt vào boong tàu... đưa ra Côn Đảo hành hình! Sáng sớm ngày 22.1.1952, chị Võ Thị Sáu có mặt tại Côn Đảo, chúa đảo Jarty khét tiếng khôn ngoan, xảo quyệt..., không dám đưa người con gái nhỏ bé này về giam chung ở nhà banh mà cách ly tại xà lim. Thời điểm ấy, chỉ còn đúng 5 ngày nữa là đón giao thừa, nhưng chúa đảo vẫn quyết định xử bắn tù nhân".

     Đến ngày xử bắn, khoảng bốn giờ sáng, xếp Lé mở cửa xà lim. Chị Sáu đã sẵn sàng trong bộ quần áo bà ba trắng toát. Chúa đảo Giắc-ty, cò cô-pơ-lanh, chúa ngục Pác-xi, chủ sở điều tra Đuy-lây, cố đạo Pháp cùng bọn gác-điêng... Bọn chúng đến đông đủ vì hiếu kỳ? Vì ngạc nhiên? Vì kính phục? Vì đầu tiên có một người phụ nữ còn dưới tuổi thành niên bị bắn ở ngoài đảo khơi xa cách đất liền này. Chúng sợ việc hành quyết chị Sáu trong đất liền sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu.

  Giắc-ty hỏi chị Sáu:
        - Có khai gì nữa không?

- Không.
          Chúa ngục Pác-xi rót rượu đưa mời chị Sáu:

- Một lát nữa cô sẽ bị xử bắn. Cô uống đi một cốc, hơi rượu sẽ làm cô thêm can đảm.

Chị Sáu mỉm cười, trả lời:

- Rất cảm ơn? Nếu các ông cần rượu để có thêm can đảm, xin mời cứ tự nhiên.
Pác-xi kinh ngạc, trố mắt nhìn cô gái.

Bọn chúng dẫn chị đi trước, hai tay không bị xích. Xếp Lé đeo súng đi kèm. 
        Cố đạo Tây xin phép được làm lễ rửa tội cho chị Võ Thị Sáu. Chị nói:

- Tôi không có tội. Yêu nước không phải là một tội.

 Nhìn những người đang đào huyệt cho chị, chị dừng lại hỏi họ:

- Huyệt của tôi ?

Những người đào huyệt nghẹn ngào không dám trả lời.

Chị rút bông hoa gài trên mái tóc, đưa cho mấy người lính tù.

- Tặng mấy anh bông hoa này. Cảm ơn các anh đã đào huyệt cho tôi. Hôm nay mấy anh mới đào một cái nhỏ. Nhưng ngày mai, mấy anh cần đào một cái huyệt thật to..

  Những người tù ngơ ngác nhìn nhau. Chị Sáu nháy mắt, hất hất về phía bọn Pháp:

- Một cái huyệt thật to để chôn những kẻ bắn tôi hôm nay…

  Với khí phách hiên ngang, bất khuất. Trước họng súng, chị hô vang những lời cuối cùng “ Hồ chủ tịch muôn năm” .   

   Kính thưa các thầy cô giáo, thưa các bạn!

   Cái chết của chị Võ Thị Sáu đã trở thành bất tử. Chị đã hi sinh, nhưng tấm gương về người phụ nữ yêu nước, bất khuất, kiên trung của chị còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, sống mãi với thời gian. Được thể hiện qua những vần thơ, những lời ca tiếng hát da diết mà dạt dào cảm xúc:

Người thiếu nữ ấy như mùa xuân

Chị đã dâng trọn cuộc đời

Để chiến đấu với bao niềm tin

Dù chết vẫn không lùi bước

  Noi gương chị, lớp lớp thiếu niên chúng em nguyện sẽ ra sức học tập, rèn luyện để dựng xây quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

   Câu chuyện của chi đội 7C đến đây là kết thúc.

   Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo và các bạn đã lắng nghe!

    Chuyên mục mỗi tuần một câu hỏi:

                 Hãy kể tên 5 bài hát về phụ nữ mà bạn biết ?

  Đáp án:

                 Huyền thoại mẹ, Nội tôi, Mẹ yêu, Chị tôi, Mẹ Việt nam…

                                                                    Đắc sơn, ngày 10 tháng 10 năm 2018

    Ban giám hiệu duyệt                                                              Gvcn lớp 7C

                                                                                                      Phùng Thị Lan

Tác giả: Phùng Thị Lan - Giáo viên chủ nhiệm lớp 7C