Chỉ là vì thói quen review năm 2024

[Review] Thói quen nguyên tử (Atomic Habits) - James Clear P.2 📗 Thói quen nguyên tử là mô hình xây dựng thói quen khuyến khích con người tập trung vào những thay đổi nhỏ (hằng ngày), đơn giản và có hệ thống. James Clear đã chứng minh rằng hiệu quả của việc lặp đi lặp lại những thói quen nhỏ sẽ tăng theo cấp số nhân tương ứng với thời gian chúng ta duy trì hệ thống thói quen.📌 Những người “quen tay, thạo việc” đã hình thành một thói quen hay một chuỗi hành động “tự nhiên’ với độ chuẩn xác cao, thời gian ngắn và quan trọng là tốn ít năng lượng hơn. Một khi thói quen đã được hình thành, cách vận hành của não chỉ đơn giản là kích hoạt một chuỗi những hành động đã được ghi nhận là hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề, và tiết kiệm năng lượng cho bạn như giải một bài toán quen.

review

atomichabits

thóiquennguyêntử

goodread

behaviorchange

habits

Tôi bắt đầu thức dậy lúc 4h sáng từ năm học lớp 8, sau khi trở về từ một khóa tu mùa hè một tuần. Phần vì dư chấn sự hăng hái, điều gì đó thú vị sau khóa tu, phần vì tôi bắt đầu thấy khoảng thời gian này là khung giờ dễ chịu nhất ngày của mình. Tôi thích cảm giác thức dậy trong cái tinh khôi của sớm mai, thích cảm giác bước ra đường từ lúc trời còn sương, ung dung bước một mình một đường. Bình minh mỗi buổi sáng là bạn đồng hành, là người sẻ chia, là điều gì đó đẹp đẽ kì diệu tôi ngóng trông mỗi ngày. Vậy nên, suốt những tháng ngày sau đó, chỉ cần có thể, tôi sẽ ngủ sớm, dậy sớm, dạo quanh một mình.

Thời niên thiếu, tôi chưa bao giờ nghĩ , dậy sớm, tập thể dục là một thói quen lành mạnh. Dù trước đó, ba mẹ đã luôn khuyến khích việc thực hiện, nhưng con nít choai choai 12 tuổi rưỡi mà, người lớn càng nói, tôi càng làm ngược lại. Chỉ đến khi, rất vô tình, tôi làm việc đó trong 7 ngày liên tiếp, thức dậy và yên lặng. Tôi cựa mình quanh không gian của sớm mai, thấy sao thân thể dễ chịu và tâm trí bình an tới vậy. Sự dễ chịu cuốn tôi đi, ngày này qua ngày khác, tôi quan sát sự dịch chuyển vị trí của mặt trời, cười vui mỗi sớm mai kịp thức dậy trước cả khi tia nắng đầu tiên chiếu rọi. Có rất nhiều yếu tố, giúp một đứa trẻ 13 14 tuổi khi đó, bắt đầu, thực hành và duy trì một nề nếp sinh hoạt điều độ bằng động lực tự thân.

Tới bây giờ, dẫu không phải đoạn đời nào cũng bằng phẳng và dễ dàng để duy trì nhịp độ ấy, tôi vẫn biết, tất cả trải nghiệm, cảm giác mình đã từng có, đã trở thành một phần căn tính (identity) - thứ được định nghĩa là “sự tồn tại lặp đi lặp lại” trong mình. Tôi biết tới góc nhìn này khi đọc Atomic Habits, tác giả có nhắc đến rằng thuật ngữ “identity” có nguồn gốc phái sinh từ một từ Latin - essetitas nghĩa là being - sự tồn tại và identidem - sự lặp đi lặp lại. Cũng nhờ cuốn sách, tôi biết rằng những thói quen, cách duy trì và điều chỉnh hành vi mình làm bấy lâu, được nghiên cứu và gọi tên rõ ràng.

Nếu bạn tìm một bản tóm tắt nội dung sách, hay một bản tổng hợp tips những cách để xây dựng thói quen tốt và bỏ thói quen xấu, bạn có thể thể cân nhắc chuyển kênh vì bạn sẽ không tìm thấy nó trong bài viết này đâu. Cách tôi bắt đầu thực hiện và duy trì thói quen có rất nhiều điểm giao với tác giả, tuy vậy, không phải cả cuốn sách đều hay và hữu ích với tôi.

Với nội dung có tính ứng dụng và thực hành cao, cả cuốn sách chỉ ra cách bạn xây dựng một hệ thống suy nghĩ, hành vi, môi trường để xây dựng thói quen tốt và tạm biệt thói quen xấu. Tôi rất thích chương “Thói quen định hình căn tính bạn như thế nào và ngược lại” bởi tôi thấy đây là chương sâu nhất của cuốn sách. Suy nghĩ về quá trình hình thành thói quen của bản thân, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả khi nói về sự thay đổi trong cách tư duy, gọi tên mục tiêu, thói quen sẽ giúp chúng ta định nghĩa lại mình. “Tiến bộ chỉ có tính tạm bợ nếu như nó không trở thành một phần con người bạn.”

“Mục tiêu không phải là đọc một cuốn sách, mục tiêu là trở thành người đọc sách.

Mục tiêu không phải là tham gia một cuộc chạy marathon, mục tiêu là trở thành một người chạy bộ.

Mục tiêu không phải là học chơi một nhạc cụ, mục tiêu là trở thành người chơi nhạc cụ”

Thật tình cờ, đây chính là nền tảng tôi đã xây dựng cho mình trước khi muốn theo đuổi dài lâu bất kì điều gì. Tôi cũng từng chật vật với suy nghĩ mình nên tập thể dục điều độ, nên mở Youtube để tập cardio hay đến phòng gym. Tôi cũng từng thử nhưng mỗi lần đều rất khó khăn để bắt đầu và duy trì, bởi lẽ, cân nặng và số đo vốn chưa từng là những giá trị tôi ưu tiên trong đời. Thứ tôi ưu tiên là sức khỏe, sự quan sát và thấu hiểu cơ thể, tôi muốn xây dựng và cảm nhận mối liên kết giữa cơ thể và tâm trí. Nên tôi có thể mỗi ngày, trải thảm, dù ít dù nhiều, tập pilates, tập yoga, khi mục tiêu duy nhất hướng tới là được ở lại với mình đôi phút ngày hôm nay.

Tôi cũng không áp lực chuyện phải đọc bao nhiêu cuốn sách một năm, hay bao nhiêu trang một ngày. Đặt KPI cũng tốt, nhưng không hoàn thành KPI dễ khiến ta cảm thấy tội lỗi với chính mình. Tôi đọc vì việc đọc khiến tôi thấy gần mình, thấy mở mang và dễ chịu. Thiết nghĩ sẽ thật khó nếu ai đó để duy trì nếu biết, ừ, đọc sách là một thói quen tốt, nhưng mình thích những niềm vui khác hơn việc đọc. Nhưng nếu bạn muốn thử bắt đầu với một điều gì đó bạn cho là tốt, Atomic Habits có những thông tin cần thiết để bạn xây dựng một chiến lược thử phù hợp dẫu điểm xuất phát của bạn ở đâu.

Cá nhân tôi nghĩ, rõ ràng, mạch lạc về mong muốn tận sâu trong mình là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất để chúng ta tìm và xây dựng được những thói quen phù hợp với mình. Thói quen tốt là thứ ai cũng biết, nhưng thói quen đó có phù hợp với mình hay không, chỉ mình ta mới rõ. Nếu giờ có ai đó bảo tôi em hãy xây dựng thói quen đọc sách vào buổi tối trước khi ngủ, thì tôi cũng khó mà làm được, vì sau 9h tối là tôi bắt đầu nhìn 2 thành 1, viết 10 thành 0 rồi. Tôi cũng không có nhu cầu đọc sách để dễ ngủ hơn.

Cuối cùng, tôi nghĩ cuốn sách là một cuốn cẩm nang khá đầy đủ, chi tiết về các thông tin liên quan tới Tâm lý học Hành vi, cách áp dụng những kiến thức đó vào việc lựa chọn, xây dựng bản thân, môi trường sống lành mạnh xung quanh mình. Thật mong, sau khi đọc sách, bạn sẽ cho mình không gian để thử, để cựa mình quay trái, quay phải coi đâu là nhịp điệu phù hợp nhất với đời sống mình mong.