Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo là gì

Cần thay đổi chính sách mua tạm trữ lúa gạo

Thứ Năm, 08:40, 03/04/2014

VOV.VN -Chính sách thu mua tạm trữ hiện còn nhiều bất cập, người nông dân ĐBSCL vẫn có nỗi lo rớt giá ngay trong đợt tạm trữ.

Trước khó khăn của người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013 – 2014, thực hiện từ ngày 15/3 đến hết ngày 30/4 tới. Từ khi chủ trương thu mua tạm trữ được thực hiện, giá lúa gạo đã có những dấu hiệu ổn định hơn nhưng mục tiêu làm cho nông dân có lãi 30% vẫn chưa thực hiện được. Người nông dân ĐBSCL vẫn canh cánh nỗi lo rớt giá ngay trong đợt tạm trữ.

Chính sách có nhiều bất cập

Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo như hiện nay theo các chuyên gia kinh tế và nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL nhận định đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là mỗi khi giá gạo xuất khẩu tăng hay giảm thì nông dân đều thiệt. Chính vì vậy mà đã nhiều lần, các địa phương ở ĐBSCL kiến nghị Chính phủ nên chuyển cho các địa phương chủ động trong thu mua tạm trữ để tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp chủ động định hướng trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa.

Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo là gì
Nông dân Đồng Tháp trúng mùa lúa đông xuân nhưng giá bán thấp

Ngay tại thời điểm tạm trữ lần này, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã nêu rõ quan điểm của mình: “Những lần tạm trữ sau không phải đợi đến thu hoạch mới tạm trữ. Cần cho chủ trương tạm trữ ngay từ đầu năm để có sự chủ động. Tôi đề xuất nếu thấy tình hình thị trường có dấu hiệu không tốt do ứ đọng, nhũng thị trường, đề nghị Thủ tướng xem xét nên ủy quyền chu Chủ tịch địa phương quyết định tạm trữ tại địa bàn. Việc tạm trữ theo cơ chế của Chính phủ. Như vậy sẽ cơ động hơn”.

Đến thời điểm này đã hơn nửa tháng triển khai chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo nhưng tại Cần Thơ, các doanh nghiệp chỉ tiến hành thu mua tạm trữ đạt 40%. Còn tại Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu 174.000 tấn quy gạo nhưng theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương, đến ngày 28/3 vừa qua, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiến hành thu mua mới đạt được gần 42.000 tấn quy gạo, đạt tỷ lệ 24%.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng tình với mục đích của chương trình thu mua tạm trữ là nhằm kích cầu lúa hàng hóa trong dân. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong tình hình thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng đối với nhiều địa phương có sản lượng lúa lớn như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang chỉ tiêu mua tạm trữ được phân bổ rất ít. Chính vì thế, chính sách mua tạm trữ vẫn cần thiết nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Theo ông Hùng, “tạm trữ cần có sự phối hợp giữa Hiệp hội lương thực với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có sản lượng lương thực lớn để giao chỉ tiêu cho phù hợp và khuyến khích giao chỉ tiêu tạm trữ đồng bộ với chỉ tiêu xuất khẩu lương thực tập trung mà Chính phủ với Bộ Công thương đã ký. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp có làm cánh đồng lớn được tạm trữ và giao chỉ tiêu xuất khẩu. Như thế sẽ đồng bộ và thực hiện Quyết định 62 có cơ sở hơn”.

Đề nghị Thủ tướng cho chủ trương tạm trữ trước

Có thể nói, việc mua tạm trữ lúa gạo chỉ là biện pháp tình thế khi lượng cung lớn hơn lượng cầu trong ngắn hạn. Nhưng trong tình hình xuất khẩu gạo khó khăn như hiện nay thì theo các doanh nghiệp, việc mua tạm trữ không giải quyết được vấn đề, thậm chí là còn làm doanh nghiệp “vất vả” hơn. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chương trình mua tạm trữ lúa gạo những năm về trước đã phát huy tác dụng, giúp nông dân có lãi. Nhưng kể từ năm 2012, tính hiệu quả của chương trình này đã mất dần đi.

Ông Phong đề nghị: “Đề nghị Thủ tướng cho chủ trương tạm trữ trước. Đến thời điểm thị trường các nước tuôn ra quá nhiều như Thái Lan và Trung Quốc tìm cách ép giá mình thì Bộ trưởng Nông nghiệp quyết định mua tạm trữ. Cũng không nhất thiết mua tới 1 triệu tấn mà có thể mua ít hơn. Ở đây không phải chúng ta làm cho nông dân thiệt thòi, mà là mua đủ liều lượng và ngân sách cũng chi ít thôi”.

Có thể thấy, việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, điển hình ở vựa lúa khu vực ĐBSCL như hiện nay rõ ràng sẽ phải được tổ chức lại toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó, để tất cả các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị này đều phải có tiếng nói cho việc quản lý thị trường. Tuy nhiên, điều “đau xót” cần phải rút ra ngay từ bây giờ là cần phải có chiến lược về thị trường tiêu thụ, rồi sau đó mới phát triển sản xuất./.

Hết tháng 3-2014, toàn vùng ĐBSCL thu hoạch hơn 1 triệu ha lúa với khoảng 8,5 triệu tấn, tương đương 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã dành 8.000 tỉ đồng tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) trong việc triển khai chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, chính sách này không được kỳ vọng nhiều.

Nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Thông báo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết giá thành sản xuất bình quân vụ Đông Xuân năm nay vào khoảng 3.769 đồng/kg. Như vậy, để nông dân có lãi 30% thì DN phải mua hơn 4.800 đồng/kg.

Ông Lê Văn Lam (ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết trong vài ngày gần đây, khi vừa có thông tin về việc thu mua tạm trữ lúa gạo thì giá lúa trong vùng tăng nhẹ và đang đứng ở mức 4.450 đồng/kg đối với loại lúa thường IR50404 nên nông dân khó đạt lợi nhuận 30%.

Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo là gì

Thương lái thu mua lúa tươi của nông dân ĐBSCL

Theo tính toán của ông Lam, với giá hiện tại, mỗi hecta nông dân chỉ lời khoảng 2 triệu đồng. Một gia đình có 4 nhân khẩu thì mỗi người chỉ có 500.000 đồng để sống trong 3 tháng. Còn theo ông Nguyễn Lợi Đức (ngụ tỉnh An Giang), chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo tuy tác động tốt trong lúc giá lúa sụt giảm nhưng chỉ tiêu thu mua quá ít và chưa kịp thời nên nhiều nông dân không được thụ hưởng, nhất là khi thu hoạch trễ.

Điều bất hợp lý lớn nhất là ngành nông nghiệp luôn khuyến khích nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao nhưng lại khó tìm đầu ra và giá lúa này cũng chỉ hơn lúa thường khoảng 300 đồng/kg.

“Theo tôi, nhà nước hỗ trợ trực tiếp nông dân về vốn để đầu tư sản xuất cũng như tạm trữ lúa gạo thay vì phải giao cho DN xuất khẩu. Nếu có thể được, tôi đề nghị cho nông dân được hỗ trợ vốn chuyển đổi cây trồng để nhằm giảm áp lực cho cây lúa” - ông Đức đề xuất.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Theo nhiều chuyên gia, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã bộc lộ nhiều bất cập từ lâu nhưng chưa được khắc phục. Đó là mỗi khi giá gạo xuất khẩu tăng hay giảm thì nông dân đều thiệt. Chính phủ chi ra hàng ngàn tỉ đồng nhưng người trồng lúa chưa được hưởng lợi gì nhiều, chủ yếu tập trung vào DN và thương lái.  Và có chăng cũng chỉ là hạn chế giá lúa rớt dưới 4.000 đồng/kg khi thu hoạch rộ.

Chính vì vậy mà trước đây, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL kiến nghị Chính phủ nên chuyển cho các địa phương chủ động trong thu mua tạm trữ để tạo điều kiện cho nông dân và DN chủ động định hướng trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa. Thế nhưng, sau đó Chính phủ giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với địa phương phân chia chỉ tiêu cho các DN có điều kiện tham gia thu mua tạm trữ.

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho biết mục đích của chương trình thu mua tạm trữ là rất rõ ràng và nhằm kích cầu lúa hàng hóa trong dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong tình hình thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn vì tổng sản lượng lúa trong tỉnh này đã lên đến hơn 2,4 triệu tấn nhưng mỗi năm các DN trên địa bàn chỉ được phân bổ chỉ tiêu thu mua hơn 84.000 tấn.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chính sách mua tạm trữ vẫn cần thiết nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp. Bởi hiện tại, nông dân đã thu hoạch hơn 55% diện tích trong khi các DN thì chờ phân bổ chỉ tiêu thu mua. Tình trạng này cũng giống như những gì đã diễn ra trong vụ Đông Xuân năm 2013.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng việc mua tạm trữ lúa chỉ là giúp cho nông dân bán được lúa nhưng với giá thấp. Trong khi đó, DN nhận tiền rồi để đó hoặc chậm mua lúa. Đến khi mua xong rồi chờ giá lên để bán kiếm lời. Vì thế, nhà nước phải bắt buộc DN mua lúa cho nông dân theo hướng có lãi 30% và nếu như DN lỗ thì nhà nước cũng phải gánh khoản này.

Kế đến là nên vận động nông dân tham gia vào HTX để trở thành “nông dân lớn” với sự hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật để họ cùng làm chung một loại giống lúa, cùng làm theo một quy trình chuẩn. Để từ đó, DN cũng có nguồn gạo bảo đảm chất lượng đồng nhất cho chế biến xuất khẩu; cùng với đó là chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng các loại cây khác hiệu quả hơn. Nếu làm được những điều này thì sẽ không cần thiết phải thu mua tạm trữ nữa để làm gì. 

Bên mua tạm trữ được hỗ trợ lãi suất 100%

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân năm 2013-2014 ở ĐBSCL  từ ngày 15-3 đến hết ngày 30-4-2014; giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày 20-3 đến hết ngày 20-9-2014; mức lãi suất cho vay tối đa 7%/năm.

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày 20-3 đến hết ngày 20-7-2014. VFA tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn theo quy định...A.Q

Doanh nghiệp bị lật kèo

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (tỉnh Bến Tre), cho biết DN này đón đầu mua lúa dù vẫn chưa có thông tin chính thức về việc vay vốn ưu đãi tạm trữ gạo. Tuy nhiên, DN bị “bẻ kèo” hợp đồng thu mua 400 tấn gạo dự kiến. DN ký hợp đồng liên kết với nông dân tỉnh Tiền Giang theo phương thức bao tiêu theo giá thị trường tùy thời điểm. Nếu giá thị trường rớt không ai mua, DN cam kết mua theo giá thành Bộ Tài chính công bố cộng 30% lãi; nếu giá quá cao, DN mua không nổi thì nông dân có thể bán cho nơi khác. Ngày 1-3, DN đưa giá lúa tươi 4.200 đồng (lúa IR50404, độ ẩm 25%, tương đương 4.800 đồng lúa phơi khô, quạt sạch, sấy khô), đặt cọc 100 triệu đồng, có lập biên bản ghi nhớ và xác nhận của chính quyền địa phương. Sau đó, bên bán liên tục thay đổi tăng giá 50 đồng - 100 đồng/kg mỗi lần, lên 4.450 đồng/kg và hạ lượng giao còn 100 tấn. DN đồng ý và điều ghe vào chở lúa nhưng khi đến nơi, bên bán lại đòi giá 4.500 đồng/kg (tăng 50 đồng) mới chịu giao. Lỡ điều phương tiện vào ruộng nên DN buộc phải mua nhưng số lượng cũng chỉ được hơn 43 tấn và khi về đo độ ẩm lên đến 28%.

“Nhà nước khuyến khích DN thu mua lúa trực tiếp từ nông dân nhưng các tổ liên kết hay hợp tác xã hiện nay chỉ mang tính hình thức nên họ có “bẻ kèo” thì DN cũng chẳng biết thưa kiện ai!” - ông Tuấn bức xúc.Ng.Ánh

Kỳ tới: Chủ thể không được bảo vệ