Có nên kéo dài Tết Nguyên đán hay không

Chụp lại hình ảnh,

Nhân dịp Tết Nguyên đán bàn về chuyện có nên gộp Tết dương lịch và âm lịch tại Việt Nam

Tết Nguyên đán đến gần, làm dấy trở lại cuộc tranh luận về việc liệu có nên gộp Tết Tây và Tết ta làm một hay không.

Đây cũng là đề tài của chương trình Thảo luận hàng tuần của BBC Tiếng Việt với sự tham gia của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và nhà văn Lê Minh Hà đang sống tại Berlin của Đức.

Đã có không ít các ý kiến ủng hộ, phản bác từ nhiều giới, già trẻ, doanh gia và những người dân bình thường.

Những người ủng hộ ý tưởng gộp hai Tết làm một vì cho rằng kỳ nghỉ Tết ta quá dài và những thủ tục đi kèm nó ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, gộp lại sẽ giúp Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, các ý kiến phản đối thì cho rằng không thể gộp vì như vậy sẽ mất đi nét truyền thống của dân tộc.

Chụp lại hình ảnh,

Nhà văn Lê Minh Hà không nghĩ Tết tây là Tết đi mượn nhưng Tết ta không nên kéo dài.

Mở đầu cuộc thảo luận nhà văn Lê Minh Hà đặt câu hỏi là không hiểu nếu gộp thì sẽ gộp theo cách nào. Chị cho biết hiện nay chị vẫn ăn Tết cổ truyền, hay Tết ta, sau khi ăn cả Giáng sinh lẫn Tết tây.

"Tôi không cho Tết tây là Tết đi mượn như một số người nghĩ thế. Nhưng Tết cổ truyền cũng không phải là một cái gì ghê gớm đến mức ta phải càng ngày càng phải kéo dãn nó ra...

"Tết ta nằm trên lịch mà lịch này là lịch theo con trăng, lịch của nông dân, lịch thời tiết, lịch làm việc. Tết là dịp nghỉ, dịp sống thong thả lại, chuẩn bị cho năm mới.

"Văn minh lúa nước sản sinh ra phong tục này. Nền văn minh nào cũng tạo ra những phong tục nhất định cho những tộc người sống và xây dựng nền văn minh đó.

"Văn minh lúa nước của Việt Nam ngày nay có thể không giống như ngàn năm trước nhưng người nông dân Việt Nam vẫn chiếm đa số" và vì thế nếu bỏ hay gộp thì không hiểu người nông dân sẽ đón nhận ra sao," nhà văn nói.

Thế mhưng nhà báo Hoàng Nguyên Vũ thì lại cho rằng nên gộp hai cái Tết.

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ muốn gộp một cái Tết nhưng cho rằng Tết ta quan trọng hơn và Tết nào không quan trọng thì nên bỏ lại để tránh lãng phí.

"Vì hai Tết khá gần nhau và là hai kỳ nghỉ khá dài, dẫn tới lãng phí. Một số bạn bè đi làm xa thì cũng muốn chỉ có một thôi, hoặc Tết dương lịch hoặc Tết âm lịch và như vậy cũng có nghĩa là muốn gộp.

"Là người đã từng không muốn có Tết dần dà thì có Tết cũng được mà không có Tết cũng chẳng sao, nhưng nay thì muốn có Tết nhưng muốn gộp cả hai Tết lại.

"Ở Việt Nam kỳ nghỉ Tết tây không thực sự quan trọng mà Tết ta mới quan trọng. Nhưng Tết tây vẫn là một kỳ nghỉ. Và bây giờ nên xem cái Tết nào trong ý thức của người Việt quan trọng hơn thì hãy để cho họ sống với cái Tết đó. Còn Tết không quan trọng, không cần thiết thì bỏ đi để tránh gây ra lãng phí," nhà báo nói.

Ý tưởng gộp hai cái Tết cũng được nhiều người nước ngoài quan tâm. Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát về Việt Nam cũng có ý kiến về ý tưởng gộp hai Tết làm một này.

Chụp lại hình ảnh,

Gs Carl Thayer nói: "Tết là một phần rất căn bản trong nền văn hóa của Việt Nam và là một phần của văn minh châu Á, vốn sử dụng âm lịch."

Giáo sư Carl Thayer nói: "Là một người gắn bó với Việt Nam từ những năm 1960 tới nay, tôi rất ngạc nhiên khi nghe ý kiến này. Tết là một phần rất căn bản trong nền văn hóa của Việt Nam và là một phần của văn minh châu Á, vốn sử dụng âm lịch.

"Vì thế tôi nghĩ là nên làm ngược lại, là những ngày nghỉ theo Thiên chúa giáo như Giáng sinh mà Việt Nam không phải là nước Thiên chúa giáo nên Tết ta quan trọng hơn.

"Nhưng cần thu xếp hợp lý để có một cái Tết ta lớn chứ không phải là một cái Tết kéo dài vì đó chính là vấn đề. Tết cũng có tính toàn cầu vì nó diễn ra ở Việt Nam và người Việt sống ở hải ngoại trở về quê hương và những người Việt sống ở các nước như ở Úc chẳng hạn, cũng đón Tết tại nước sở tại, và đó là một phần của bản sắc Việt."

Ý tưởng này từng được Giáo sư Võ Tòng Xuân đề xuất từ cách đây nhiều năm.

Ông lại được truyền thông trích thuật lập luận rằng Tết Việt Nam là theo lịch Trung Quốc với nhiều tập quán cổ truyền, có một số bất lợi như mất cơ hội nắm bắt thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài, gượng ép thời khóa biểu của học sinh, dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc, rất tốn kém tiền của và thời gian, và lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây.

Chụp lại hình ảnh,

Đón Tết và ý tưởng gộp hai Tết làm một lại trở thành đề tài thảo luận

Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đưa ví dụ Nhật Bản, một trong số những quốc gia giàu nhất thế giới, đã chuyển tập quán ăn Tết của Nhật sang ăn Tết theo Dương Lịch từ năm 1872.

Tuy nhiên một người dân Hà Nội, nhà thiết kế nội thất Vũ Hương Trà, người không đồng ý gộp hai Tết làm một, thì nói rằng chính nhiều người dân Nhật nay đang tiếc là đã chuyển Tết của Nhật vào cùng với Tết dương lịch.

Trả lời phóng viên báo Lao động, Công sứ Nhật bản, Hideo Suzuki, mới đây nói việc chuyển đổi Tết của Nhật (bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch) diễn ra "vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó", nhưng ông cho rằng Nhật vẫn có thể giữ Tết của Nhật "như một nét văn hóa cổ truyền và sợi dây liên kết cộng đồng."

Và Công sứ Suzuki được trích thuật nói thêm đó là lý do "nhiều người Nhật nay muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng."

Nghệ sĩ hài Trung Dân cũng là người có video nêu quan điểm phản bác ý tưởng gộp hai cái Tết làm một, trong đó ông kết luận:

"Cám ơn Thần nông đã dạy cho dân Bách Việt trồng lúa, dạy cho dân Bách Việt có được bộ lịch âm và có thể ngẩng cao đầu nói rằng người Bách Việt chúng ta thông minh, tham gia vào dòng chảy văn hóa, các dòng chảy sông Nile, sông Hoàng Hà v.v để cuối cùng còn đọng lại một chút gì đó của người Việt.

"Đó là cái chân giá trị được kết tinh, hội tụ vào ngày Tết âm lịch, Tết cổ truyền. Đó là lúc chúng ta nhớ về tổ tiên, ông bà nhiều nhất. Hy vọng rằng nó sẽ trường tồn và không có một lý do gì có thể làm nó mất đi."

(Chương trình bắt đầu từ 19:30 giờ Việt Nam, ngày 26/01/2017, phát trực tiếp trên trang Facebook và được lưu trên trang YouTube của BBC Tiếng Việt.)

Báo Lao Động đã phỏng vấn ý kiến một số độc giả về việc rút ngắn thời gian nghỉ Tết.

Có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian nghỉ Tết từ 7 đến 9 ngày là quá dài ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và kỳ nghỉ Tết chỉ nên kéo dài đến mùng 3 Tết. Vậy, có nên rút ngắn thời gian nghỉ Tết?

Võ Văn Dũng (31 tuổi, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng): Không nên rút ngắn kỳ nghỉ Tết

Ngày Tết nguyên Đán là ngày lễ truyền thống của Việt Nam. Đây được xem như là ngày hướng về cuội nguồn. Ở một số nước như trung quốc, kỳ nghỉ Tết kéo dài 1 tháng. Theo tôi, nhiều người quan điểm muốn rút ngắn để phát triển kinh tế nhưng để phát triển kinh tế không phải vì mấy ngày tết mà ảnh hưởng nhiều.

Quan trọng năng suất lao động đạt được trong từng giờ làm việc có phát huy hiệu quả hay không. Một số nước tư bản không có ngày nghỉ tết nhưng họ có nghỉ đông kéo dài hơn 20 ngày. Dù vậy kinh tế họ cũng phát triển, vì năng suất lao động của họ cao. Đơn cử như Nhật, dù bỏ tết âm lịch nhưng số ngày nghỉ lễ trong năm vẫn rất nhiều. Kinh tế vẫn đứng thứ 3 thế giới.

Theo anh Võ Văn Dũng, không nên rút ngắn kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NVCC

Nói thêm về ngày Tết Việt Nam. Đây không đơn thuần là ngày nghỉ, mà nó mang ý nghĩa của truyền thống, sự sum vầy. Quan điểm thờ tổ tiên, hướng về cuội nguồn của người Việt. Nói về mặt kinh tế, ngày tết có là dịp để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, buôn bán, nhu cầu mua sắm tăng. Cơ hội của nhiều người làm ăn, nhiều người nông dân trông hoa chờ dịp tết để kiếm chút tiền. Theo tôi, không nên rút ngắn kỳ nghỉ Tết.

Anh Trịnh Tuấn Linh (33 tuổi, phòng kỹ thuật báo Quân đội Nhân dân): Nghỉ đến mùng 3 là đủ

Về vấn đề có nên rút ngắn ngày nghỉ Tết xuống còn mùng 3 rồi đi làm, tôi nghĩ là tùy từng nhà. Đối với nhà nào thích đi chơi và du lịch thì muốn nghỉ dài. Còn cá nhân tôi thấy nghỉ đến mùng 3 cũng đủ rồi. Căn bản là tôi công tác ở tòa soạn báo nên cũng không có khái niệm nghỉ Tết dài, ngày nào trực thì vẫn phải có mặt thôi. Như Tết năm nay, tôi vẫn phải đi làm từ mùng 1.

Anh Trịnh Tuấn Linh. Ảnh: NVCC

Thế nên với những người phải làm công việc có tính chất thường xuyên, gần như không nghĩ, tôi nghĩ rút ngắn lại cũng được, hầu như ngày nào cũng giống nhau. Nhưng cùng tuỳ vào tính chất công việc và hoàn cảnh, điều kiện của từng nhà. Có những người cả năm đi làm ăn xa, thậm chí nhiều năm mới được về quê. Mãi đến Tết mới có cơ hội quây quần cùng gia đình được mấy ngày thì nghỉ dài là điều hợp lý.

Chị Ngọc Hương (25 tuổi, Nhân viên bán hàng): 5 ngày là vừa đủ

Với riêng bản thân mình, mình nghĩ không nên rút ngắn lịch nghỉ Tết Nguyên Đán xuống còn 3 ngày. Công việc hiện tại của mình là nhân viên bán hàng, theo như lịch năm nay, mình được nghỉ từ 29 đến mùng 4 Tết, tức 5 ngày. Đối với 5 ngày nghỉ Tết này, mình dành hầu hết thời gian để quây quần, đoàn tụ cùng với gia đình.

Chị Ngọc Hương. Ảnh: NVCc

Sau đó mình sẽ cùng bố mẹ đi gặp gỡ và thăm họ hàng. Như bản thân mình, 5 ngày này là vừa đủ, nếu rút xuống chỉ còn 3 ngày nghỉ, mình sẽ không có đủ thời gian để đi thăm họ hàng vì vậy mình thấy để lịch nghỉ Tết Nguyên Đán như vậy là phù hợp, không nên rút xuống chỉ còn 3 ngày.

Chị Lê Thị Lan Anh (23 tuổi, Nhân viên chăm sóc khách hàng TPBank): 3 ngày sẽ dở dang nhiều việc

Là một người đã thử trải nghiệm đi làm sau mùng 3 Tết thì tôi cảm thấy nếu chỉ nghỉ 3 ngày rất dở dang. Bản thân chưa kết hôn còn có bố mẹ cho công việc nhà cho, mai sau có gia đình thì quỹ thời gian như vậy thực sự không đủ đề nghỉ ngơi và lo lắng, mua sắm, cúng bái gia tiên. Theo ý kiến cá nhân của tôi có nên giữ nguyên lịch nghỉ Tết như hiện tại là 5-6 ngày (1 ngày nghỉ trước tết để chuẩn bị, 3 ngày tết chính, 1 ngày dư âm tiễn các cụ).

Chị Lê Thị Lan Anh. Ảnh: NVCC

Năm hết Tết đến, ai cũng mong được đoàn tụ, sum họp với gia đình, đặc biệt là những người con xa quê. Cả năm có 1 kỳ nghỉ lễ dài ngày, đây là thời gian dành cho gia đình và bản thân nên tôi nghĩ không nên nghỉ chỉ có 3 ngày.

Video liên quan

Chủ đề