Có thể dịch vụ công xã hội hóa 100 không năm 2024

Trước đây, dịch vụ công do nhà nước cung cấp, nhưng do nhu cầu ngày càng cao của các tổ chức và công dân, vì vậy buộc phải xã hội hóa. Xã hội hóa dịch vụ công nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội đáp ứng dịch vụ cho công dân, tạo điều kiện cho mọi người tham gia tích cực vào hoạt động này, phát huy khả năng, năng lực tiềm tàng trong xã hội; khơi dậy tính sáng tạo, chủ động, tích cực của người dân, nhờ đó đa dạng hóa và tăng nguồn cung ứng dịch vụ công cho xã hội; huy động sự đóng góp cho hoạt động cung ứng dịch vụ công; giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước để nhà nước tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước.

Về mặt nội dung, xã hội hóa dịch vụ công đòi hỏi phải đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản: các dịch vụ công nào mà kinh tế ngoài nhà nước không làm được, không muốn làm hoặc không được phép làm nhưng xã hội có nhu cầu thì nhà nước phải cung cấp; nhà nước phối hợp với các tổ chức xã hội và tư nhân thực hiện cung ứng dịch vụ công theo pháp luật và quy chế những dịch vụ công nào mà các thành phần kinh tế khác có khả năng và muốn tham gia thì được khuyến khích tham gia cung ứng cho xã hội, nhưng nhà nước vẫn chịu trách nhiệm trước xã hội về số lượng và chất lượng các dịch vụ công để chuyển giao cho khu vực tư.

Trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ, trí tuệ trở thành động lực chính của sự gia tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, do đó giáo dục chính là một dịch vụ công do nhà nước cung cấp cho người dân qua các tổ chức nhà nước hay qua việc hỗ trợ tài chính cho các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và giáo dục được coi là nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi quốc gia trên con đường phát triển.

2. Xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta

Giáo dục luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì có vai trò quyết định tương lai của mỗi người và của cả xã hội. Xã hội hóa giáo dục là một xu hướng tất yếu, là nội dung quan trọng đảm bảo sự thành công của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Quá trình thực hiện cho thấy Nghị định số 69/2008/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta trong những năm qua; tạo ra bước đột phá, thu hút nhiều nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực nhà nước khuyến khích xã hội hóa.

Ở các nước phát triển, giáo dục phổ thông chủ yếu do nhà nước bảo trợ hoặc cung cấp và hoàn toàn miễn phí cho mọi người dân. Bên cạnh các trường công, còn có hệ thống trường tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu cho những người có điều kiện tài chính tốt hoặc các nhóm tôn giáo. Tuy vậy, cần lưu ý rằng: dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục là một loại dịch vụ không thể phó mặc cho thị trường (vốn có tính loại trừ, cạnh tranh và vì lợi nhuận). Những ngành học rất cần cho tương lai quốc gia (như khoa học cơ bản) mà thị trường không thể đáp ứng đủ (vì lý do lợi nhuận) sẽ không được các đại học tư thục chú ý đầu tư. Điều này trong thực tế cho thấy: một thị trường tự do về giáo dục sẽ đào tạo quá nhiều cử nhân quản trị kinh doanh, vi tính, tiếng Anh, kế toán, bởi vì đào tạo những ngành trên đầu tư chi phí thấp, nhu cầu thị trường nhiều, thu lợi nhanh. Trong khi đó, việc đào tạo về khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội), kỹ thuật và công nghệ cao ít được các trường đại học tư thục quan tâm vì cần phải đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm rất đắt tiền, xét trong ngắn hạn và xét về tỷ suất lợi nhuận đối với cơ sở đào tạo không cao. Thị trường giáo dục cũng không có động cơ để chú trọng đến ngành khoa học xã hội và nhân văn, dù đây là một ngành rất cần duy trì để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Đại học tư thục cũng rất ít, thậm chí không đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học. Nếu nghiên cứu khoa học là một tiêu chuẩn của một trường “đại học”, thì phần lớn các đại học tư thục hiện nay ở Việt Nam chỉ là những “cơ sở dạy nghề”. Chính vì vậy, xã hội hóa giáo dục không phải là giao phó hệ thống giáo dục cho thị trường và để nó vận hành theo quy luật thị trường. Vai trò của nhà nước không chỉ là thiết kế khung chính sách cho hoạt động của cả hệ thống giáo dục mà còn là thực hiện nhiệm vụ bổ sung cho những khiếm khuyết của thị trường.

Thực trạng hiện nay cho thấy, xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục đang gặp không ít khó khăn. Do nguồn ngân sách hạn hẹp, chính các trường đại học công cũng đang trở thành những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục qua các hệ đào tạo ngoài chính quy để có những nguồn thu ngoài ngân sách. Nguồn tài chính cho giáo dục ngày càng dựa nhiều hơn vào xã hội và người dân. Trong thực tế, giáo dục đang được “xã hội hóa” theo nghĩa gánh nặng chi phí chủ yếu đặt trên vai người dân.

Năm 2014, ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục trong năm học mới giảm 10% so với năm 2013 (từ khoảng 6.600 tỷ đồng xuống gần 6.000 tỷ đồng). Trong đó, chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục giảm 8%, chương trình mục tiêu quốc gia giảm 8%, riêng ngân sách chi cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học giảm 30%, nên khó kỳ vọng tăng thêm nguồn tài chính cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước(1). Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và không thể tiếp tục bao cấp, nhà nước cần đầu tư cho lĩnh vực nào. Vì vậy, cần có quy hoạch tổng thể, hợp lý trong cả hệ thống để ngân sách nhà nước có thể tập trung đầu tư cho những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không đủ khả năng hoặc động lực đủ mạnh để đáp ứng.

Trong khi đó, quá trình thực hiện xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục đã bộc lộ những hạn chế, đó là: tốc độ xã hội hóa còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng; mức độ phát triển xã hội hóa không đồng đều giữa các vùng miền và cả giữa các tỉnh, thành phố, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội như nhau; việc triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục còn chậm và nhiều lúng túng. Chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các lực lượng xã hội chưa được tổ chức và phối hợp tốt để chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xã hội hóa.

Nguyên nhân của những hạn chế trước hết là do nhận thức còn chưa đầy đủ, xem xã hội hóa chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp; tư tưởng và thói quen bao cấp vẫn còn khá nặng nề; trong chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công lĩnh vực giáo dục chưa quy định rành mạch về sở hữu của các cơ sở ngoài công lập; chưa phân định rõ sự khác biệt giữa các hoạt động có bản chất lợi nhuận và phi lợi nhuận trong các cơ sở giáo dục, giữa phúc lợi cho người dân và việc bao cấp cho các cơ sở công lập.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu phải tiếp tục thực hiện xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục một cách hợp lý để vừa bảo đảm định hướng phát triển, vừa khuyến khích, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục. Đây vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện để thực sự phát huy vai trò, động lực của xã hội hóa trong quá trình đổi mới, khai thác tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục; đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.

3. Giải pháp thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các mô hình hoạt động và quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

Hoàn thiện các mô hình và quy chế hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo hướng: quy định rõ trách nhiệm, mục tiêu hoạt động, nội dung, chất lượng dịch vụ, sản phẩm, chế độ sở hữu và cơ chế hoạt động; quy định chế độ tài chính, trách nhiệm thực hiện chính sách và nghĩa vụ xã hội của các cơ sở giáo dục hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.

Thứ hai, nhà nước tiếp tục hỗ trợ, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo.

Bảo đảm kinh phí cho giáo dục phổ cập; tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia; đào tạo nhân lực cho các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm, khó huy động nguồn lực từ xã hội; ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Tăng cường hoạt động nghiên cứu lý luận, nâng cao nhận thức về xã hội hóa; tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách khuyến khích xã hội hóa để các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động và sử dụng ngân sách thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

Chuyển đổi cơ chế hoạt động của các cơ sở công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ. Sửa đổi Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập có thu chuyển sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ nhằm tạo điều kiện phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng hiệu quả đầu tư của nhà nước cho phúc lợi xã hội. Hoạt động tài chính của cơ sở giáo dục hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ giáo dục phải được công khai và được kiểm toán; chênh lệch thu chi chủ yếu phải được dùng để đầu tư phát triển cơ sở.

Đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục theo hướng nghiên cứu xây dựng và từng bước thực hiện chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục do nhà nước đặt hàng; khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia.

Thứ tư, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

Xây dựng và thực hiện chính sách huy động nguồn lực của các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục - đào tạo; huy động trí tuệ, nguồn lực của toàn xã hội và ngành giáo dục vào việc đổi mới nội dung, chương trình, thực hiện xã hội hoá dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục một cách toàn diện.

Cụ thể hóa các chính sách khuyến khích và quy định trách nhiệm các ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế - xã hội và người sử dụng lao động tham gia đóng góp xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo; hỗ trợ kinh phí cho người học, thu hút nhân lực đã được đào tạo và giám sát các hoạt động giáo dục.

Thứ năm, đổi mới cơ bản chế độ học phí, trợ cấp học phí và học bổng cho người học.

Về chế độ học phí, ngoài phần hỗ trợ của nhà nước theo khả năng ngân sách, học phí cần bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho giảng dạy, học tập và có tích lũy để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục - đào tạo; bước đầu đủ bù đắp chi phí thường xuyên; xóa bỏ mọi khoản thu khác ngoài học phí.

Nhà nước có chính sách trợ cấp học phí hoặc học bổng cho học sinh giáo dục phổ cập, cho người học là đối tượng chính sách, những người ở vùng khó khăn, những người nghèo và những người học xuất sắc, không phân biệt học ở trường công lập hay ngoài công lập.

Thứ sáu, khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề ngoài công lập; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình ngoài công lập; hạn chế mở thêm các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển; không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công.

Thứ bảy, khuyến khích mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao của nước ngoài; mở các cơ sở giáo dục - đào tạo có chất lượng cao, có uy tín bằng 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; khuyến khích các nhà khoa học, giáo dục có trình độ cao ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục từ xa, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của mọi người, ở mọi nơi, mọi trình độ và mọi lứa tuổi để xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục ngày một thiết thực hơn./.

PGS. TS. Đinh Thị Minh Tuyết - Học viện Hành chính quốc gia

--------

Ghi chú:

(1) Báo cáo trong Hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2014, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ngày 27/12/2013.

Tài liệu tham khảo:

1. GS.TS. Trần Ngọc Hiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Xã hội hóa dịch vụ công: quan điểm tiếp cận và kinh nghiệm từ một số nước.

2. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

3. Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.