Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng thế nào đến nghề nghiệp tương lai

Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục

Chuyên đề: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam

Năm: Năm 2018

Số: Số 7 ;

Nội dung:

1. Mở đầu

Tính tới thời điểm hiện tại, thế giới đã và đang trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN). Cuộc CMCN lần thứ nhất diễn ra từ năm 1784 (đánh dấu bởi sự ra đời của động cơ hơi nước, chuyển từ lao động thủ công sang sản xuất cơ khí). Cuộc CMCN lần thứ hai diễn ra từ năm 1870 đến trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (với sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép, đánh dấu việc chuyển nền sản xuất sang sản xuất trên cơ sở điện - cơ khí và tự động hóa cục bộ, tạo ra các ngành mới trên cơ sở khoa học thuần túy và biến khoa học thành một ngành lao động đặc biệt; đây là cuộc CMCN làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và cũng làm thay đổi kết quả sản xuất, từ sản xuất hàng hóa đơn lẻ sang sản xuất hàng hóa hàng loạt bằng máy móc chạy với năng lượng điện). Cuộc CMCN lần thứ ba xuất hiện vào năm 1969 (với sự ra đời và phủ rộng của công nghệ thông tin, điện tử và nhằm tự động hóa sản xuất; với sự hỗ trợ của vật liệu siêu dẫn, máy tính cá nhân và internet, nhờ đó mà thế giới trở nên phẳng, và gần gũi với nhau hơn; thay thế hầu hết lao động của con người thông qua hệ thống máy móc tự động hóa hoàn toàn, từ đó thay đổi chức năng và vị trí của con người trong hệ thống sản xuất xã hội; đồng thời chuyển sản xuất sang nền sản xuất trên cơ sở các ngành công nghệ cao). Cuộc CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) được bắt đầu vào đầu thế kỷ XXI (với đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học [8, tr.4], được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số).

Từ trước đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học quan tâm nghiên cứu chủ đề tác động của của CMCN đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, giáo dục nói riêng. Bài viết này góp phần làm rõ hơn tác động của CMCN 4.0 đối với nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trong các trường đại học; từ đó, đề xuất những giải pháp đổi mới đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.

2. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nội dung dạy học

Hiện nay, tốc độ lan tỏa của CMCN 4.0 trong nền kinh tế rất lớn, ở mọi lĩnh vực, đặt ra thách thức chưa từng có đối với lực lượng sản xuất xã hội. CMCN 4.0 sẽ thay đổi bức tranh của thị trường lao động, làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề và trình độ. Yêu cầuđặt ra đối với quá trình giáo dục hiện nay là cần đáp ứng nhu cầu xã hội, cần đào tạo ra những người lao động có đủ kỹ năng mới để thích nghi với biến đổi nhanh chóng của môi trường sản xuất, kinh doanh. Nếu như trước đây, nội dung đào tạo chỉ chú trọng vào việc truyền tải kiến thức hàn lâm, thì hiện nay, những kiến thức đó nhanh chóng trở nên lạc hậu, thậm chí vô dụng trong nhiều môi trường doanh nghiệp, xí nghiệp năng động. CMCN 4.0 đòi hỏi người lao động cần có đủ kiến thức cơ bản, các kỹ năng và khả năng tự học trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Các nội dung đó bao gồm: các kiến thức và kỹ năng liên quan tới nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, khả năng ứng phó với thay đổi, khả năng làm việc sáng tạo; kỹ năng về thể chất: kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, kỹ năng số và kết nối internet; kỹ năng về xã hội: giao tiếp, ứng xử, giải quyết xung đột, làm việc theo nhóm, tạo lập và duy trì quan hệ

Việc đào tạo cái gì, đào tạo như thế nào không chỉ căn cứ vào những gì mà nhà trường có, mà còn cần chú trọng tới nhu cầu, khả năng của từng người học và của cả xã hội. Dưới tác động của CMCN 4.0, một số công việc sẽ biến mất và con người sẽ bị thay thế bởi robot trong lao động. Vì vậy, nhà trường cần trang bị cho người học cả những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi để tránh nguy cơ bị đào thải; đồng thời trang bị cho người học những công cụ để tự giải quyết vấn đề với cái nhìn đa diện, giải quyết xung đột.

Dưới tác động của CMCN 4.0, toàn bộ quá trình sản xuất, tái sản xuất xã hội đều thay đổi. Trí tuệ nhân tạo và nhà máy thông minh dần dần thay thế lao động chân tay và thậm chí cả lao động trí óc của con người. Muốn tồn tại, muốn có việc làm, bản thân người lao động cần thay đổi. Muốn tồn tại, muốn tuyển sinh được, các trường đại học cần phải tiếp cận việc dạy và học theo cách mới, lợi dụng tối đa những tiến bộ công nghệ và vạn vật kết nối (IoT) để tạo nên chất lượng riêng cho từng trường. Trường đại học không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học, mà cần dành cả cho những người chỉ có thể chắt chiu thời gian để đầu tư cho tương lai. Các trường đại học cần định hướng lại những ngành nghề đào tạo, những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu để đón đầu, bám sát yêu cầu của thị trường trong nước, trong khu vực và thế giới.

3. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với phương pháp dạy học

Để giúp người học tiếp cận nhanh với công nghệ mới, quá trình dạy học và đào tạo nghề cũng cần ứng dụng các công nghệ mới nhất của cách mạng 4.0, để biến người giáo viên trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp. Quá trình dạy học không đơn thuần được triển khai trên giấy bút, theo hình thức lớp học truyền thống, mà cần có sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, thông qua các lớp học trực tuyến. Điều này cho phép giáo viên có thể phát huy hết khả năng, tạo môi trường thuận lợi cho người học tự học, tự tiến bộ, tự tư duy. Thông qua việc cải tiến chất lượng làm việc của thầy và trò, với sự hỗ trợ của các thiết bị nghe - nhìn - kỹ thuật số, giáo dục thời đại 4.0 giúp tăng cường thông tin liên tục, bổ sung chuẩn xác vào độ xác thực của nhiệm vụ học tập và thông tin nâng cao; giúp tăng động cơ của người học; thúc đẩy việc học độc lập và trang bị cho người học cách tự kiểm soát việc học của mình; phát triển tư duy người học ở cấp độ cao hơn, có năng lực ứng dụng kiến thức và kỹ năng phân tích vấn đề thách thức, nắm bắt khái niệm rộng, có khả năng sáng tạo ý tưởng và đưa ra giải pháp mới. Không chỉ đóng khung trong kiến thức hàn lâm, khoa học cơ bản, với khối lượng tài liệu, giáo trình đồ sộ, nhà trường cần phải kết nối với các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ đó, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho việc liên kết, tự chủ và nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng cho giảng viên của trường.

Đặc biệt, trong môi trường giáo dục của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người thầy còn đảm nhiệm thêm các vai trò xúc tác, điều phối và hướng dẫn người học nắm bắt được các nhu cầu, xu hướng mới cũng như chuẩn bị cho họ các công cụ cần thiết để tự học, tự rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Trước lượng kiến thức và thông tin khổng lồ của thời đại, giảng viên cần sử dụng nhiều phương pháp, phương tiện kết nối internet để điều chỉnh định hướng chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, tạo nên tương tác tích cực và hỗ trợ hiệu quả cho người học, cung cấp cho họ những tri thức mới và năng lực giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, góp phần tạo nên các công dân toàn cầu.

4. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hình thức tổ chức dạy học

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người giảng viên phải đóng vai trò là tác nhân tích cực tác động tới người học thông qua việc tìm tòi phương thức và cấu trúc hỗ trợ người học phát triển các kỹ năng học tương tác, học công tác và học độc lập; giúp hình thành tư duy phản biện, óc sáng tạo và nhiệt tình khoa học trong người học, từ đó giúp họ có thể tự học, tự đổi mới suốt đời. Muốn vậy, bên cạnh những kiến thức chuyên môn, giảng viên còn phải là người chủ học thuật hỗ trợ tâm lý con người, tâm lý xã hội, cung cấp các dịch vụ hướng dẫn cho người học; làm chủ các công nghệ nhằm trao quyền cho người học được phép sử dụng công cụ và công nghệ trong cải tiến việc dạy và học. Họ phải mài sắc kỹ năng của mình trên quan điểm, phương pháp dạy - học có tính cạnh tranh với công nghệ số. Khi thay đổi trong cách dạy, cách học, giáo dục sẽ thay đổi cách đánh giá người học không còn đóng khung trong các lớp học và giờ học trên lớp. Bên cạnh đánh giá kiến thức lý thuyết, cần kết hợp đánh giá các kỹ năng mà người học được đào tạo, cũng như thái độ đối với nghề nghiệp bản thân.

Hoạt động quản trị trong các trường đại học cũng cần đổi mới nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng (những người lao động tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh). CMCN 4.0 đòi hỏi phải thay đổi phương thức và phương pháp đào tạo, với việc ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Việc đưa các mô hình đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa vào áp dụng sẽ trở nên phổ biến tác động tới việc bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của nhà trường. Các trường cần chuyển đổi sang mô hình đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, hoặc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung, trong đó lấy người học làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng.

5. Giải pháp đổi mới đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục do sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Thư nhất, đổi mới nhận thức về vai trò của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ngày nay, do sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, giáo viên cần có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung giáo dục; sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội; sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy-học hiện đại; hợp tác rộng rãi và chặt chẽ hơn với các giáo viên cùng trường.

Giáo viên cần phải là một nhà khoa học, phải truyền được cảm hứng tới người học, thúc đẩy và lan tỏa cả nhân cách, thái độ và kỹ năng nghề nghiệp của mình cho người học. Đặc biệt, giảng viên sư phạm cần là người có ý tưởng mới, đi trước thời đại, khai sáng, thúc đẩy, tìm tòi và tạo điều kiện cho người học phát triển.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý cần đổi mới. Việc xuất hiện những hình thức dạy - học mới đòi hỏi công tác quản lý chung cũng cần thay đổi bắt kịp với mặt bằng chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của kinh tế - xã hội. Chất lượng của đội ngũ quản lý giáo dục cần được nâng cao một bước. Cần tăng cường phân cấp, phân quyền và tự chịu trách nhiệm; giảm dần sự can thiệp của các cơ quan chủ quản vào hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường; cần tăng cường sự chuyên nghiệp, chuẩn hóa trong đội ngũ quản lý giáo dục ở các cấp; tăng khả năng sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào quản lý giáo dục.

Thứ hai, cần liên tục đổi mới tư duy về phát triển giáo dục. Trong tổng thể chiến lược phát triển quốc gia, đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh CMCN 4.0, vai trò của nhà nước rất quan trọng, nhất là trong việc xây dựng mối quan hệ tương tác với thị trường lao động, tạo động lực phát triển nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết; khuyến khích phát triển thị trường nhân lực chất lượng cao, thị trường sản phẩm khoa học công nghệ; tạo căn cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển giáo dục. Cần có chính sách cụ thể để phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học; gắn kết các trường đại học với các doanh nghiệp và đẩy mạnh việc đưa kết quả các công trình nghiên cứu khoa học của các trường vào ứng dụng trên thực tế. Đối với các trường sư phạm, Nhà nước cần nhanh chóng và quyết tâm cơ cấu có định hướng và quy hoạch hệ thống tổng thể mạng lưới các trường đại học sư phạm trong cả nước; khắc phục những chồng chéo, liên kết không có tính hệ thống mang tính mạnh ai người đó làm của toàn ngành sư phạm; có những ưu đãi để tuyển người có năng lực và tâm huyết phù hợp vào học sư phạm, có những dự báo về đào tạo để góp phần vào giải quyết những khó khăn trong vấn đề việc làm cho người học sư phạm sau khi ra trường, nhanh chóng tiếp tục khẳng định niềm tin của xã hội vào đội ngũ giảng viên, giáo viên nhà trường và công tác giáo dục các cấp.

Thứ ba, các trường sư phạm phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, phương thức đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra của người học đáp ứng nhu cầu của xã hội; cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ giáo dục tiên tiến; áp dụng đào tạo online; kết nối mạng để bồi dưỡng năng lực nghề cho người học sư phạm, giáo viên, giáo sinh tập sự trong hệ thống nối mạng thống nhất trong toàn quốc và trên toàn cầu; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng - đào tạo giáo viên theo hướng thực học, thực nghiệp, tăng cường khả năng sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; tập trung nguồn lực đầu tư cho hoạt động nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục ở các trường sư phạm. Các trường sư phạm có những chương trình học tập công nghệ tiến bộ, hay hợp tác sâu rộng với giới công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu, sẽ có ưu thế thu hút người học hơn. Trong CMCN 4.0, các trường sư phạm càng phải tăng cường gắn với thực tiễn dạy - học ở phổ thông; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học tiên tiến; nâng cao đãi ngộ người thầy có trình độ, mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào quá trình dạy học. Đặc biệt, cần tôn vinh theo đúng nghĩa nghề dạy học, đi đôi với đề cao đổi mới vai trò của người thầy trong điều kiện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Thứ tư, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và công nghệ cho giáo dục, thông qua việc xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo giáo viên. Bên cạnh chính sách đào tạo, cũng cần có chính sách thu hút nhân tài, giữ chân cán bộ giỏi ở các trường sư phạm, hoặc áp dụng thông qua các hình thức liên kết, hợp tác, giao lưu cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước trong hoạt động giảng dạy, cũng như đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần gắn hoạt động đào tạo giáo viên ở trường sư phạm với thực tiễn dạy - học ở các bậc giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, đầu tư nhiều hơn về công nghệ giáo dục tiên tiến, lấy hoạt động của người học làm trung tâm, thông qua kết nối mạng để bồi dưỡng phát triển năng lực sư phạm cho người học, giáo viên, trong mối liên hệ chung với hệ thống giáo dục quốc gia và toàn cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thông qua đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, phương tiện dạy học và công nghệ thông tin trong công tác dạy - học và quản lý đào tạo; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở các trường, gắn chặt việc nghiên cứu với chuyển giao công nghệ tại cơ sở. Cần xây dựng nên cơ chế phối hợp giữa nhà trường sư phạm với các trường phổ thông, với các cơ sở trong hệ thống giáo dục, để xây dựng các hình thức hợp tác dạy - học thích hợp; tạo điều kiện cho người học thực hành nghề, phát triển nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của chính quyền các địa phương, từ đó, có khả năng sớm nắm bắt xu thế công nghệ của CMCN 4.0. Các trường sư phạm cũng cần chủ động tăng cường trao đổi học thuật, giao lưu nghiên cứu khoa học với các viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước, hình thành mạng lưới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, nhất là với các quốc gia có nền khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo tiên tiến.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục, đặc biệt với các cơ sở đào tạo sư phạm hàng đầu trên thế giới, với nhiều hình thức (như nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, liên kết đào tạo, công nhận chứng chỉ quốc tế, trao đổi người học với các trường đại học nước ngoài, trao đổi hợp tác giáo viên, quốc tế hóa các chương trình đào tạo trình độ đại học), áp dụng tiêu chí hội nhập quốc tế, quốc tế hóa trong đánh giá giáo dục đại học. Đặc biệt, Nhà nước cần thu hút và sử dụng các nguồn đầu tư nước ngoài có sẵn, nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên, tăng cường năng lực giảng dạy, tăng cơ hội tiếp cận tri thức nghề mới, tăng khả năng nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là một cú hích, một động lực cạnh tranh cho các trường đại học Việt Nam.

6. Kết luận

Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, các trường đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sáng tạo tri thức mới, chuyển giao và chia sẻ tri thức, ứng dụng tri thức và công nghệ hiện đại, cũng như đào tạo nguồn nhân lực. CMCN 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ nền sản xuất xã hội, từ đó kéo theo những biến đổi căn bản của thị trường lao động quốc gia. Điều đó đòi hỏi ngành giáo dục, nhất là giáo dục đại học, cần có những thay đổi phù hợp. Các trường đại học cần tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển giáo dục và đào tạo; đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, phương thức đánh giá kết quả học tập; đổi mới công tác bồi dưỡng và đào tạo giáo viên theo hướng thực học, thực nghiệp; tăng cường khả năng sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; có chính sách thu hút nhân tài; tăng cường liên kết, hợp tác, giao lưu cán bộ, chuyên gia trong hoạt động giảng dạy; hình thành các trường đại học nghiên cứu; tạo môi trường giáo dục đại học có tính sáng tạo cao; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và công nghệ cho giáo dục; thu hút các nguồn ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy - học và quản lý đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Tuấn Anh, Huỳnh Thành Công, Phạm Minh Khôi (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: bối cảnh, các xu hướng lớn và những sản phẩm điển hình, Tạp chí Tự động hóa ngày nay, số 5.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Lưu hành nội bộ), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

[3] Nguyễn Hùng Hậu (2017), Một số vấn đề triết học của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7.

[4] Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (2017), Kỷ yếu Hội thảo quốc tế - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

[5] Trần Thị Vân Hoa (Chủ biên) (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 - Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[6] Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hà Nội.

[7] Klaus Schwab (2016), The Fouth Industrial Revolution, First edition, ISBN: 9781524758868, Crown Business, New York, USA.

[8] http://thuvienso.dastic.vn:8080/dspace/bitstream/TKHCNDaNang_123456789/41/1/TL8_2016%20-%20Cuc%20TT.pdf

[9] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-ducdai-hoc-phai-lam-gi-truoc-thach-thuc-cuacach-mang-cong-nghiep-40-post178343.gd

[10] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/So-phancua-cac-truong-su-pham-se-ra-sao-khi-cuoccach-mang-cong-nghiep-40-toi-post172154.gd

http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Cachmang-cong-nghiep-lan-thu-tu-Uu-tien-caicach-the-che-va-doi-moi-giao-duc-10772