Dàn ý phát biểu cảm nghĩ của em về dòng cảm xúc của nhân vật tôi trong truyện ngắn Tôi đi học

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: “Tôi đi học” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh.

– Khái quát nội dung, nghệ thuật chính của tác phẩm: Tác phẩm là dòng hồi tưởng về những kỉ niệm trong sáng của ngày đầu tiên đi học.

II. Thân bài:

Luận điểm 1: Cảm nhận về nội dung: Diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” trong ngày đầu tiên đến trường

* Tâm trạng nhân vật tôi trên con đường tới trường

– Thiên nhiên: Những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên trong đời được nhân vật “tôi” nhớ lại là thời điểm cuối thu, cây cối đang mùa thay lá. Những chiếc lá khô xào xạc trên đường tưởng như vô tri vô giác ấy đã trở thành những màu sắc thông điệp, thanh âm riêng hối gọi lòng người nhớ về ngày khai trường đầu tiên.

– Con người: Hình ảnh trực tiếp tác động đến tác giả để tác giả nhớ tới buổi khai trường của chính mình đó là hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè trong lần đầu tiên tới trường

– Tâm trạng nhân vật:

   + Nhớ về những kỉ niệm mơn man thuở bé của mình

   + Vui sướng, háo hức như buổi khai giảng của chính mình

– Những kỉ niệm của nhân vật tôi:

   + Tác giả nhớ rất rõ từng chi tiết trong khung cảnh trên con đường đến trường, sương thu và gió lạnh với con đường dài và hẹp dường như trở nên khác lạ trong đôi mắt trẻ thơ bởi một điều vô cùng đơn giản: “Hôm nay tôi đi học”.

   + Những suy nghĩ, hành động, từng cảm nhận về chính bản thân mình, từ bộ quần áo đến những hành trang mang theo đều cho thấy sự thay đổi, khôn lớn trong cậu bé nhưng đâu đó vẫn còn nét hồn nhiên, ngây thơ của một đứa trẻ lên 5.

* Tâm trạng nhân vật “tôi” khi tập trung ở sân trường

– Cảm nhận của cậu học trò về ngôi trường đã có sự thay đổi rõ rệt, cậu vừa ngỡ ngàng, vừa cảm thấy nhỏ bé, lo sợ trước một ngồi trường đầy uy nghi, trang trọng trước mắt.

– Cả cậu bé và những người bạn xung quanh đều “như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”. Hình ảnh so sánh thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ trong tâm hồn cậu bé và tâm trạng lo sợ, hoang mang trong bước đi đầu tiên của cuộc đời.

– Những suy nghĩ, cảm nhận của cậu bé trước tất cả sự thay đổi, trước bạn bè, trước thầy cô vừa thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ, vừa bộc lộ tâm trạng bối rối, cảm xúc vừa háo hức vừa có chút bơ vơ, lạc lõng bởi đây là lần đầu tiên cậu xa mẹ.

* Tâm trạng nhân vật khi vào lớp và học bài học đầu tiên

– Lớp học là một thế giới khác biệt, cách biệt với thế giới ở bên ngoài khung cửa. Ngồi trong lớp, cậu bé thấy xốn xang những cảm giác lạ và quen đan xen, trái ngược nhau bởi đó là giây phút sang trang của một tâm hồn trẻ dại, tạm biệt thế giới ấu thơ chỉ biết nô đùa, nghịch ngợm để bước vào thế giới tuổi học trò nghiêm chỉnh đầy khó khăn mà biết bao hấp dẫn.

⇒ Diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc, không chỉ bởi sự hồn nhiên, ngây thơ mà còn bởi nó khiến mỗi chúng ta nhớ về tuổi thơ của chính bản thân mình.

Luận điểm 2: Cảm nhận về nghệ thuật

– Nghệ thuật khắc họa tâm ký nhân vật vô cùng tinh tế

– Sự kết hợp giữa phương thức tả và kể giúp cho cảm xúc, tâm trạng nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên hợp lí.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị tác phẩm: “Tôi đi học” không chỉ hấp dẫn người đọc ở nghệ thuật kể chuyện, xây dựng hình ảnh, mà còn khơi gợi trong mỗi chúng ta những kỉ niệm riêng, đẹp đẽ, trong sáng của ngày tựu trường.

– Liên hệ, đánh giá: Truyện ngắn “Tôi đi học” làm nên thành công cho nhà văn Thanh Tịnh.

Dàn ý số 2

I. Mở Bài: Những dòng cảm xúc của nhân vật "tôi" trong truyện ngắn "Tôi đi học" của Thanh Tịnh được tái hiện thật xúc động và khơi gợi nhiều tình cảm lớn lao.

II. Thân Bài

– Những ngày cuối thu, cảnh vật khiến tác giả nhớ lại buổi tựu trường ngày xưa– Cảm xúc trên con đường đến trường:+ Mọi vật dường như cũng đang thay đổi, cậu thấy thật lạ lẫm+ Con đường dài và hẹp thường ngày hôm nay câu thấy lạ+ Trong lòng "tôi" có sự đổi thay lớn:" hôm nay, tôi đi học"+ Trong bộ quần áo mới, cậu cảm thấy mình vô cùng trang trọng và đứng đắn+ Cậu cũng muốn xin mẹ được tự cầm thước bút như một sự khẳng định mình– Cảm xúc khi đứng trước sân trường Mỹ Lý:+ Ngôi trường trông thật xinh xắn và oai nghiêm vô cùng+ Sân trường dày đặc những người, ai cũng thật xinh đẹp trong những bộ quần áo sạch sẽ với nụ cười vui tươi, sáng sủa+ Những dòng suy nghĩ vấn vương lo sợ thoảng qua trong đầu cậu khiến cậu lo lắng, bồi hồi+ Tiếng ông quản đốc xếp hàng vào lớp khiến tim "tôi" rung lên hồi hộp, nỗi mong chờ nghe tiếng gọi tên mình rồi lại vô cùng lúng túng, giật mình.+ Cậu sợ phải xa mẹ, sợ phải xa vòng tay âu yếm của mẹ để một mình tự bước đi, nghe tiếng khóc sụt sùi của những người bạn cậu cảm thấy lo sợ vẩn vơ.=> Những cảm xúc khác nhau trong tâm hồn cho thấy dấu hiệu của sự trưởng thành trong suy nghĩ khi bắt đầu bước vào một môi trường mới- môi trường giáo dục.– Cảm xúc khi vào lớp học:+ Mùi hương lạ xông lên trong lớp cùng mọi vật khiến "tôi" cảm thấy cái gì cùng lạ lạ, hay hay.+ Nhìn người bạn cùng bàn tuy chưa một lần nói chuyện nhưng cảm thấy gần gũi vô ngần.

+ Nhân vật "tôi" hiểu được rằng sự gắn bó thân thiết gần gũi và bền chặt với mọi thứ nơi đây, đó là những thứ sẽ cùng đồng hành với cậu trên một chặng đường dài của đời học sinh.

III. Kết Bài

– Bằng ngòi bút đầy tài năng của mình, tác giả đã miêu tả đầy tinh tế những cảm xúc đáng trân quý của mình trong ngày đầu tiên đến trường.

– Những hình ảnh độc đáo, câu thơ mượt mà, dạt dào cảm xúc cùng với những hình so sánh, liên tưởng độc đáo, Thanh Tịnh đã ghi lại một khoảnh khắc đầy ấn tượng.

Dàn ý số 3

I. Mở bài

– Giới thiệu đôi nét về tác giả Thanh Tịnh: Nhà văn với những sáng tác toát lên vẻ đẹp đằm thắm, tình cảm êm dịu, trong trẻo.

– Vài nét về văn bản “Tôi đi học”: in trong tập “Quê mẹ”, xuất bản 1941, kể lại những kỉ niệm và cảm xúc của nhân vật “tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên

II. Thân bài

1. Cơ sở để nhân vật tôi có những liên tưởng về ngày đầu tiên đi học của mình

– Biến chuyển của cảnh vật sang thu: Cuối thu, thời điểm tựu trường, cảnh thiên nhiên với lá rụng nhiều, mây bàng bạc khiến lòng người nhẹ nhàng mà bồi hồi nhớ lại

– Hình ảnh những em bé núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường,…

⇒ gợi nhớ, cơ sở liên tưởng tương đồng tự nhiên

2. Những hồi tưởng của nhân vật tôi

a. Tâm trạng khi cùng mẹ đi trên đường đến trường

– Cảnh vật, con đường vốn rất quen nhưng lần này cảm thấy lạ.

– Tự cảm thấy có sự thay đổi lớn trong lòng mình, cảm thấy trang trọng, đứng đắn hơn.

– Bỡ ngỡ, lúng túng

⇒ Từ ngữ gợi tả, nghệ thuật so sánh, chọn lọc chi tiết tiêu biểu, cụ thể: tâm trạng bỡ ngỡ của “tôi” trong bổi tựu trường đầu tiên

b. Khi đứng giữa sân trường và nghe gọi tên vào lớp học

– Không khí của ngày hội tựu trường: náo nức, vui vẻ nhưng cũng rất trang trọng.

– Cảm thấy nhỏ bé so với trường, lo sợ vẩn vơ.

– Hồi hộp, lo sợ chờ nghe gọi tên mình.

– Khi sắp vào lớp học thì lo sợ, bật khóc

⇒ Diễn tả sinh động tâm trạng của nhân vật “tôi” với từng cung bậc, cảm xúc, có nhiều trạng thái cảm xúc đối lập, tâm trạng phức tạp

c. Khi ngồi trong lớp học

– Cảm thấy vừa xa lạ, vừa gần gũi với mọi vật, với nguời bạn ngồi bên …

+ Làm quen, tìm hiểu phòng học, bàn ghế, … ⇒ thấy quyến luyến.

⇒ Tâm trạng, cảm giác của nv “tôi” khi ngồi trong lớp học, đón nhận giờ học đầu tiên hợp tự nhiên, sinh động, hấp dẫn.

3. Hình ảnh những người lớn

– Ông đốc: hình ảnh một người thầy, một người lãnh đạo rất hiểu tâm lý trẻ, hiền từ, bao dung …

– Thầy giáo trẻ vui vẻ, giàu lòng yêu thương

⇒ Thể hiện rõ trách nhiệm, tấm lòng của gia đình, nhà trường đối với thế hệ trẻ, đồng thời yạo môi trường giáo dục thân thiện, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn các em.

⇒ Truyện kết thúc tự nhiên, khép lại bài văn nhưng mở ra một bầu trời mới, một khoảng không gian mới, tình cảm mới.

III. Kết bài

– Khẳng định lại những nét tiêu biểu về nghệ thuật làm nên thành công của đoạn trích: Miêu tả tinh tế, chân thật diễn biến tâm trạng, ngôn ngữ giàu yếu tố biểu cảm, hình ảnh so sánh độc đáo và giọng điệu trữ tình, trong sáng.

– Đoạn trích ngắn gọn nhưng để lại trong lòng người bao niềm bồi hồi, xúc động khi nhớ về ngày đầu tiên đi học của mình

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Tôi đi học là truyện ngắn của nhà văn Thanh Tịnh, in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941. Đây là dòng cảm xúc trữ tình của nhân vật “tôi” - tức tác giả, khi nhớ về kỉ niệm của ngày đầu tiên đi học.

- Trong cuộc đời mỗi con người, kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, nhất là buổi tựu trường đầu tiên, thường được ghi nhớ mãi, Thanh Tịnh đã diễn tả dòng cảm xúc này bằng nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm, với những rung động chân thành, tinh tế.

- Bài văn gợi lên trong lòng người đọc những kỉ niệm đẹp đẽ, sâu sắc và sự liên tưởng thú vị.

2. Thân bài:

* Tác nhân gợi nhớ:

- Khung cảnh thiên nhiên mùa thu (bầu trời, mặt đất...) gợi cho tác giả nhớ lại ngày khai trường đầu tiên.

* Dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” được thể hiện theo trình tự thời gian:

- Ngày đầu tiên đi học để lại ấn tượng sâu đậm, không thể nào quên trong kí ức.

- Sau ba chục năm, nhớ về ngày ấy, tác giả vẫn còn bồi hồi, xúc động.

- Những hình ảnh trong quá khứ hiện lên rõ ràng trong tâm tưởng. (Con đường đến trường, ngôi trường, học trò cũ, học trò mới, thầy giáo...)

- Được mẹ dắt tay đi học, cậu bé thấy cái gì cũng khác lạ, tâm trạng rụt rè xen lẫn háo hức, khát khao tìm hiểu, được làm quen với bạn, với thầy...

- Vừa ngỡ ngàng, vừa tự tin, cậu bé bước vào giờ học đầu tiên.

* Cảm nghĩ của bản thân khi đọc truyện ngắn Tôi đi học:

- Truyện ngắn Tôi đi học được viết bằng cảm xúc trong sáng, hồn nhiên và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.

- Thanh Tịnh đã nói lên cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên. Kỉ niệm sâu sắc ấy sẽ sống mãi trong tâm hồn của mỗi con người.

3. Kết bài:

- Bài văn làm rung động tâm hồn người đọc nhiều thế hệ.

II. BÀI LÀM

Truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941. Đây là dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” - tức là tác giả, về những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường ba mươi năm về trước.

Dòng cảm xúc được thể hiện theo trình tự thời gian. Tâm trạng nhân vật phát triển song song cùng với các sự kiện đáng nhớ của ngày đầu tiên đi học. Từ cảnh cậu bé được mẹ âu yếm dắt tay dẫn đi trên con đường tới trường, đến cảnh cậu say mê nhìn ngắm ngôi trường; cảnh hồi hộp nghe thầy gọi tên, lo lắng khi phải rời tay mẹ để cùng các bạn vào lớp nhận chỗ của mình và học giờ học đầu tiên. Sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp tự sự, miêu tả và cảm xúc chân thành đã tạo nên tính trữ tình đậm đà của thiên tự truyện.

Tác nhân gợi nhớ là khung cảnh thiên nhiên. Mùa thu thường đẹp và buồn. Cảnh vật đã khơi gợi dòng hồi tưởng. Những chuyển biến của đất trời làm cho tác giả nhớ về dĩ vãng xa xôi.

Tác giả kể rằng hằng năm cứ đến cuối thu, khi lá vàng rơi và nhìn thấy mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường thì nhà văn lại nhớ ngày đầu tiên đi học của mình. Sau mấy chục năm, tác giả - là cậu bé ngày xưa vẫn nhớ như in: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.

Dòng cảm xúc khởi nguồn từ tâm trạng bồi hồi và cảm giác mới mẻ trong ngày đi học đầu tiên. Được mẹ mặc cho bộ quần áo mới, cậu bé thấy mình đã là người lớn, cho nên tất cả mọi thứ đều phải thay đổi. Ý nghĩ ngây thơ và nghiêm túc của cậu học trò trong buổi đầu đi học hồn nhiên và đáng yêu biết chừng nào! Chính suy nghĩ và cảm nhận ấy khiến cho điệu bộ của cậu bé khác hẳn ngày thường. Mọi cử chỉ, hành động của cậu đều trở nên lúng túng, vụng về. Trí óc non nớt của cậu không thể hình dung ra được những điều gì xảy ra hằng ngày trong ngôi trường đẹp đẽ kia. Tâm trạng lo sợ phập phồng, khao khát tìm hiểu, ước muốn được biết bạn, biết thầy trong ngày đầu đi học giờ đây vẫn hiển hiện rõ nét trong kí ức nhà văn. Ngỡ ngàng và tự tin, cậu bé nghiêm trang bước vào giờ học đầu tiên của đời mình.

Dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Tôi đi học được tạo nên từ cảm xúc trong sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế của nhà văn. Bằng câu chuyện của mình, Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.

Bài văn đã gợi cho em nhớ lại buổi học đầu tiên của mình. Đêm hôm trước, em sống trong tâm trạng nôn nao, háo hức. Có một điều gì đó lạ lắm, quan trọng lắm đang xảy ra trong căn nhà bé nhỏ của em. Em đi học mà làm như cả nhà cũng đi học. Mọi người thức rất khuya để chuyện trò, bàn bạc xoay quanh việc đi học của em. Sáng hôm sau, mẹ đưa em tới trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ. Trước cổng trường đã có nhiều bạn nhỏ hớn hở bên cạnh mẹ cha. Em cảm thấy trước mắt em cái gì cũng đẹp. Từ bầu trời trong xanh, từ màu nắng tinh khôi, từ tiếng chim líu lo trên vòm lá bàng, lá phượng... Tất cả đều mới lạ đối với em.

Một hồi trống vang lên giòn giã. Phụ huynh trao con cho các thầy cô giáo để nhận vào lớp Một. Em không khóc nhưng hai mắt đỏ hoe. Một nỗi xúc động khó tả dâng lên trong lòng. Em bịn rịn rời tay mẹ, cùng các bạn xếp hàng vào lớp.

Tiếng trống khai giảng hôm ấy có cái gì đó rất đặc biệt. Dường như nó vẫn đang vang vọng trong tâm tưởng em lúc này. Tiếng trống vang vang, trầm ấm lạ lùng. Nó gợi cho em một niềm tự hào và phấn khích mà sau này em mới hiểu rằng, sau tiếng trống ấy là bước ngoặt của cuộc đời em. Từ đó, em bắt đầu một quãng đời học sinh trong sáng tuyệt vời. Cho đến bây giờ, những hình ảnh ấy vẫn hiện lên nguyên vẹn trước mắt em. Nó đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ không thể nào quên của thời thơ ấu.

Trong kí ức mỗi con người, những kỉ niệm vui buồn của tuổi học trò thường được lưu giữ bền lâu hơn cả, nhất là ấn tượng về ngày đầu tiên đi học. Thanh Tịnh bồi hồi nhớ về ngày ấy và tâm hồn ông vẫn rung động thiết tha như thuở nào. Bằng ngòi bút giàu chất thơ, tác giả đã diễn tả dòng cảm xúc này bằng nghệ thuật tự sự xen miêu tả và biểu cảm với những rung động tinh tế. Bài văn đã gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Chính vì vậy mà nó đã sống mãi trong trái tim bao thế hệ bạn đọc hơn nửa thế kỉ qua.

Video liên quan

Chủ đề