Đánh giá điều lệ trường tiểu học

Điều lệ trường tiểu học mới nhất được ban hành ngày 04/09/2020 theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng từ ngày 20/10/2020. Những nội dung chú ý của Điều lệ này sẽ được đề cập dưới đây.

Mục lục bài viết

  • Tổ chức bộ máy nhà trường tiểu học: 11 bộ phận
  • Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học: Ít nhất 05 năm đứng lớp
  • Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm: Tham gia chọn sách giáo khoa
  • Quyền của giáo viên chủ nhiệm: Cho học sinh nghỉ 3 ngày liên tục
  • Những điều giáo viên không được làm: Không cấm dùng điện thoại

Câu hỏi: Tôi vừa trúng tuyển làm giáo viên của một trường tiểu học công lập. Tôi cần cập nhật Điều lệ trường tiểu học mới nhất. Tôi muốn biết những quy định nào mới, cần chú ý của Điều lệ này, ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên như tôi - Ngân Hà (Hòa Bình)

Trả lời:

Điều lệ trường tiểu học mới nhất được ban hành ngày 04/09/2020 theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng từ ngày 20/10/2020. Là một giáo viên, bạn cần lưu ý các nội dung sau:


Tổ chức bộ máy nhà trường tiểu học: 11 bộ phận

Theo Điều 9 của Điều lệ, cơ cấu tổ chức trường tiểu học bao gồm:’

- Hội đồng trường;

- Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng;

- Hội đồng thi đua khen thưởng;

- Hội đồng kỉ luật;

- Hội đồng tư vấn;

- Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Tổ chức Công đoàn;

- Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh;

- Các tổ chuyên môn;

- Tổ văn phòng;

- Lớp học sinh.


Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học: Ít nhất 05 năm đứng lớp

Theo Điều 11 của Điều lệ, hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học là các tiêu chuẩn sau:

- Đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông

Theo Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông gồm các tiêu chí:

  • Phẩm chất nghề nghiệp;
  • Quản trị nhà trường
  • Xây dựng môi trường giáo dục
  • Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội
  • Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin

- Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp tiểu học (tức là phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên, theo điểm b khoản 2 Điều 72 Luật Giáo dục 2019)

- Đã dạy học ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp tiểu học. 

Điều lệ trường tiểu học mới nhất cập nhật năm 2022 (Ảnh minh họa)


Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm: Tham gia chọn sách giáo khoa

Các nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm được nêu chi tiết tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 của Điều lệ. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm ở cấp tiểu học có những nhiệm vụ chính sau:

- Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

- Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường

- Xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh, với cha mẹ học sinh và cộng đồng

- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; ứng xử văn hóa, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; gương mẫu trước học sinh

- Thực hiện tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập

- Tham gia lựa chọn sách giáo khoa theo quy định

- Tham gia kiểm định chất lượng giáo dục.

- Tham gia thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở địa phương.

- Chủ động nắm bắt thông tin từng học sinh của lớp; xây dựng các hoạt động giáo dục của lớp

- Thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng và được hiệu trưởng phê duyệt.

- Tổng hợp nhận xét, đánh giá học sinh cuối kỳ I và cuối năm học; hướng dẫn học sinh bình bầu và đề nghị khen thưởng; lập danh sách học sinh đề nghị ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi học bạ cho học sinh.

- Báo cáo thường kì hoặc đột xuất về tình hình của lớp với hiệu trưởng.


Quyền của giáo viên chủ nhiệm: Cho học sinh nghỉ 3 ngày liên tục

Giáo viên tiểu học làm công tác chủ nhiệm có những quyền được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 29 của Điều lệ. Cụ thể:

- Được hưởng tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi và các chính sách khác theo quy định; được thay đổi hạng chức danh nghề nghiệp; được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định.

- Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường trong việc lựa chọn, điều chỉnh nội dung giáo dục; vận dụng các hình thức hoạt động và phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.

- Được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng lương, phụ cấp theo lương và các chế độ chính sách khác theo quy định khi được cấp có thẩm quyền cử đi học tập, bồi dưỡng.

- Được khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác theo quy định.

- Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp mình chủ nhiệm.

- Được dự các cuộc họp của hội đồng thi đua khen thưởng và các hội đồng khác khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp mình chủ nhiệm.

- Được dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm.

-  Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 03 ngày liên tục.

-  Được giảm giờ lên lớp hàng tuần và các quyền khác theo quy định.
 

Những điều giáo viên không được làm: Không cấm dùng điện thoại

Khoản 1 Điều 31 của Điều lệ quy định những điều giáo viên tiểu học không được làm bao gồm:

- Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức.

- Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh.

- Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất.

- Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục.

- Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Trước đây, Điều lệ cũ quy định giáo viên tiểu học tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp.

Như vậy, kể từ ngày 20/10/2020 – thời điểm áp dụng Điều lệ này – giáo viên tiểu học được phép sử dụng điện thoại trên lớp, nếu cần thiết.
 

Giáo viên được tự chủ về phương pháp giáo dục

Cũng theo Thông tư 28, giáo viên có nhiệm vụ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá học sinh) và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách, bảo đảm quy định của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.

Giáo viên tiểu học cũng được phép sáng tạo, linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học.


Kỷ luật học sinh tiểu học: Không được phê bình trước trường, lớp

Thêm một nội dung giáo viên tiểu học cần đặc biệt lưu ý liên quan đến việc kỷ luật học sinh tiểu học.

Khoản 3 Điều 38 của Điều lệ quy định, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau:

- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;

- Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Việc yêu cầu giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp, trường hoặc cuộc họp với phụ huynh học sinh là một quy định hoàn toàn mới mà Điều lệ cũ trước đây chưa từng đề cập.

Trên đây là những nội dung chính trong Điều lệ trường tiểu học mới nhất, ban hành kèm theo Thông tư 28/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể đặt câu hỏi tại đây hoặc liên hệ

 19006199 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Chủ đề