Đánh giá giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp

Tranh cãi giảng viên "đuổi" sinh viên ra khỏi lớp vì "nhờ thầy giảng lại"

Mở đầu clip, giọng một nam sinh viên lên tiếng: "Dạ bên em mưa to quá em nghe không rõ, thầy có thể nhắc lại được không ạ?".

Ngay sau đó, người được cho là thầy giáo đã hỏi tên và "đuổi" sinh viên này ra khỏi lớp học online. Trước đó, thầy giáo nói: "Mưa to quá thì học làm gì, đi ngủ đi hén. Việc to hay không thì anh tự giác lấy tai phone đeo vô chứ mắc mớ gì mưa to tôi phải giảng nhiều lần".

Khi nam sinh viên này cho biết dù đeo tai nghe nhưng vẫn không rõ, thầy giáo này đáp: "vậy thì làm sao học, nghỉ môn học hôm nay đi".

Sau khi cho bạn sinh viên đó ra khỏi lớp học online, giảng viên này yêu cầu từng sinh viên trong lớp mở webcam và nói câu: "Tôi tên là Nguyễn Văn A gì đó, có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường".

Sinh viên nào nói không rõ, sẽ bị đuổi ra khỏi lớp học online.

Đánh giá giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp

Thầy giáo yêu cầu sinh viên trong lớp mở webcam sau khi "đuổi" một sinh viên (ảnh cắt từ clip)

Đoạn video dài gần 5 phút nghe rõ đoạn hội thoại giữa thầy giáo và sinh viên trong bối cảnh học online khó khăn và nhiều bất cập.

Dưới phần bình luận nhiều bạn sinh viên thông tin thầy tên L.M.T. là giảng viên của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Trên một diễn đàn cộng đồng sinh viên ở Thủ Đức (TPHCM), nhiều ý kiến sinh viên đã tranh cãi vấn đề này. Đa phần ý kiến sinh viên không đồng tình với cách làm của giảng viên. Tuy nhiên, một số sinh viên cho rằng đoạn clip này không chân thật, có cắt ghép nên bản chất có thể không đúng sự việc.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Phụ trách ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết nhà trường đã nhận được phản ánh này và đang yêu cầu Phòng tổ chức hành chính, Phòng thanh tra và Khoa Điện - điện tử, rà soát xem sự việc có diễn ra hay không.

"Do đoạn clip đã bị cắt ghép rồi, trường xem xét lại có đúng bối cảnh hay không. Nhà trường sẽ làm rõ, nếu xảy ra thực trạng như clip sẽ xử lý đúng chức năng và đảm bảo quyền lợi của sinh viên. Nếu sự việc không đúng, trường sẽ lên tiếng minh oan cho giảng viên", ông Thịnh nói.

Ngẫu nhiên, thời gian vừa qua, có hai vụ việc đều liên quan đến giảng viên gây xôn xao dư luận: Vụ một giảng viên đuổi sinh viên khỏi lớp học online và một vụ giảng viên kiêm MC mỉa mai sinh viên xin nghỉ học do gia đình có chuyện buồn.

Trong vụ thứ nhất, giảng viên (được xác định công tác tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM) đã “đuổi” một sinh viên ra khỏi lớp học online sau khi sinh viên này đề nghị giảng viên nhắc lại bài giảng do mưa to quá nên sinh viên này không nghe rõ. 

Chưa dừng lại, giảng viên này tiếp tục hỏi: "Cả lớp còn ai không nghe nữa?" và yêu cầu từng sinh viên trong lớp mở webcam, nói câu: "Tôi tên là Nguyễn Văn A gì đó…, có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường". Sinh viên nào nói không rõ sẽ tiếp tục bị đuổi ra khỏi lớp.

Công việc giảng bài cho sinh viên luôn rất áp lực, giảng bài online còn áp lực nhiều lần cho giảng viên. Bởi lẽ, bên cạnh yếu tố con người, giảng bài online sẽ có nhiều yếu tố khác chi phối, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy, như: Không gian học, chất lượng thiết bị học của sinh viên, đường truyền Internet… Chỉ cần đường truyền mạng yếu, hay địa điểm ngồi của sinh viên ồn ào… là đã ảnh hưởng đến buổi học, đến tâm lý của giảng viên, dễ gây nên tâm lý ức chế, mệt mỏi, bực bội cho người dạy. 

Tuy nhiên, không thể lấy lý do áp lực khi dạy online để bào chữa cho việc làm như của giảng viên trong clip trên. Trong quá trình giảng dạy, chắc chắn sẽ có những tình huống phát sinh, và giảng viên giỏi là người xử lý tốt những tình huống đó (nghiệp vụ sư phạm) để đạt được mục đích cuối cùng là truyền đạt kiến thức đến sinh viên. Việc giảng viên xúc phạm sinh viên là không thể chấp nhận được, ngay cả khi sinh viên phạm lỗi. Trong khi đó, trường hợp sinh viên trên chỉ là muốn nghe lại lời giảng vì nghe không rõ khi trời mưa. 

Giảng viên xúc phạm sinh viên sẽ làm “vẩn đục” môi trường sư phạm, và xấu đi hình ảnh của người thầy trong mắt các sinh viên. Nhiều em sẽ không còn tôn trọng giảng viên, mà thay vào đó là tâm lý sợ hãi, phục tùng (trước mặt) để làm sao hoàn thành được môn học của mình, không bị điểm thấp, hay nợ môn… 

Trước đó, một sự việc cũng liên quan đến ứng xử của giảng viên cũng xôn xao trong dư luận. 

Đó là vụ việc giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội công khai trên trang Facebook cá nhân mỉa mai sinh viên xin nghỉ học do gia đình có chuyện buồn. Cụ thể, sinh viên này xin phép vắng mặt buổi học đầu tiên do nhà có người mất và giảng viên này đăng tải hình ảnh đoạn email này cùng lời nhắn "Nghỉ học có làm em đỡ buồn không?".

Nhiều người lên án cách ứng xử của giảng viên này, không những không có sự thông cảm, chia sẻ với sinh viên khi gia đình em đang có chuyện buồn mà còn đăng tải những dòng chữ vô tình, mỉa mai như vậy. Giá như lời mỉa mai đó thay bằng một lời hỏi han, chia sẻ thì hình ảnh người thầy sẽ đẹp đẽ hơn, gần gũi hơn nhiều lần. 

Tất nhiên, cách ứng xử của 2 giảng viên trên không thể dùng để đánh đồng đối với những giảng viên khác. Còn rất nhiều giảng viên đang không những làm tốt công việc truyền đạt kiến thức của mình, mà còn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với sinh viên nhờ cách ứng xử đúng mực của mình. 

Nhưng ở góc độ khác, có lẽ, không chỉ 2 giảng viên trên, mà còn không ít những trường hợp khác có những ứng xử không phù hợp với sinh viên. Khi mà mạng xã hội phát triển như hiện nay thì những ứng xử trên sẽ dễ dàng bị “lộ” ra dư luận hơn.

Giảng viên là những người bị dư luận khắt khe trong đánh giá ứng xử, bởi suy cho cùng, sự khắt khe đó cũng xuất phát từ sự trân trọng giảng viên - những người gieo mầm kiến thức cho người học ở tầng bậc cao nhất của hệ thống giáo dục.