Đánh giá học sinh cần làm gì để phát triển kinh tế

PHÁT HUY VAI TRÒ TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG CỦA SINH VIÊN TRONG VIỆC RÈN LUYỆN, PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TƯ DUY

Thời đại Công nghiệp 4.0, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, dẫn đến sự chuyển biến sâu sắc về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, thay đổi toàn diện từ tư duy nhận thức đến hành động. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo là một trong những ngành cần sớm thích nghi và thay đổi tích cực, vừa bắt nhịp vừa đón đầu trước những sự thay đổi chung của đất nước và của thế giới.

Hệ thống các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh hiện nay có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tiếp nối sự nghiệp xây dựng, phát triển hoàn thiện nền kinh tế tỉnh nhà. Sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có trình độ chuyên môn vững vàng, phương pháp làm việc mềm dẻo góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh.

Phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong việc rèn luyện, phát triển năng lực tư duy góp phần quan trọng giúp cho sinh viên không chỉ tôi luyện cho bản thân năng lực nhận thức, vận dụng khái niệm, học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ bản thân, đồng thời còn có khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức mình đã học vào giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn xã hội và thực tiễn nghề nghiệp sau này.

Phát huy vai trò tích cực, chủ động của sinh viên trong việc rèn luyện, phát triển năng lực tư duy

Đối với sinh viên:

- Để trở thành người có đầy đủ trình độ tri thức khoa học, tri thức chuyên ngành, có phẩm chất, lối sống trong sáng, đúng mực, tư cách đạo đức nghề nghiệp, có lý tưởng chính trị xã hội chủ nghĩa thì bắt buộc sinh viên phải nhận thức rõ nhiệm vụ, chức năng của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân sinh viên phải nỗ lực học tập tích lũy, phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn kiến thức khoa học cơ bản, phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức đó vào giải quyết vấn đề hiệu quả trong học tập và trong cuộc sống, phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện để vững vàng về tư duy khoa học, phát triển tư duy cá nhân của bản thân.

- Trong đào tạo sinh viên, sự tác động của giảng viên chỉ là điều kiện cần, còn nỗ lực của bản thân sinh viên là điều kiện đủ để phát triển năng lực tư duy cá nhân mỗi em. Chỉ khi sinh viên tự giác, chủ động tìm tòi, đam mê khám phá, lĩnh hội tri thức, vốn sống, tư duy logic và năng lực giải quyết hiệu quả tình huống nghề nghiệp trong thực tiễn thì sinh viên mới thực sự nâng cao trình độ và năng lực tư duy.

- Để phát huy năng lực tư duy, sinh viên phải nghiên cứu nắm vững các nguyên tắc phương pháp luận biện chứng duy vật, phải tự trang bị cho mình vốn tri thức logic học, phải không ngừng rèn luyện thực tiễn, phải tích cực tự học tập rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân để từng bước hoàn thành và phát triển hoàn thành nhân cách nghề nghiệp tương lai. Ngoài ra sinh viên phải đổi mới phương pháp tự học, tự tìm tòi khám phá đạt hiệu quả. Ý thức tự học của sinh viên phụ thuộc vào năng lực và phương pháp học của các em. Càng hiểu bài, các em sẽ càng say mê, yêu thích, dành nhiều thời gian để nghiên cứu môn học.

Đối với giảng viên

Để giúp sinh viên nâng cao năng lực tư duy độc lập tự chủ, giảng viên phải đổi mới cách dạy, thay đổi cách học của sinh viên, cách kiểm tra, đánh giá sinh viên. Bên cạnh đó để phát triển năng lực tư duy độc lập tự chủ cho sinh viên trước tiên giảng viên phải tạo động cơ học tập cho sinh viên. Từ đó hình thành cho các em lòng say mê tự học, tự nghiên cứu, năng lực độc lập suy nghĩ, tư duy sáng tạo. Giảng viên không chỉ thực hiện việc giảng dạy kiến thức cho sinh viên trong giờ học, mà người giảng viên luôn cố gắng tạo cho sinh viên một ý thức tự giác học tập, một phương pháp tự học, tự cũng cố, phát triển kiến thức trước và sau giờ học. Bằng cách này, qua bài học, giảng viên có thể hình thành cho sinh viên một số kỹ năng tự học như kỹ năng thu thập tư liệu, hình ảnh minh họa, kỹ năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, kỹ năng làm việc nhóm,

Do vậy, giảng viên phải có phương pháp dạy học để phát triển ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện trong sinh viên, phải hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học, giúp sinh viên có khả năng bao quát và rút ra ý nghĩa phương pháp luận của các môn học và ý nghĩa liên ngành của các khoa học.

Đối với nhà trường

Cơ sở vật chất ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Thông qua điều kiện vật chất, giảng viên có thể đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học. Phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật hiện đại, chuẩn bị phòng tự học cho sinh viên thuận lợi nghiên cứu ngoài giờ lên lớp, có wifi để sinh viên có thể khai thác tư liệu khoa học, hoàn thiện kiến thức của mình, có đầy đủ nguồn tài liệu, phòng thí nghiệm, các trang thiết bị kỹ thuật, Cơ sở vật chất hiện đại, thuận lợi phù hợp với yêu cầy dạy học không chỉ thuận lợi cho việc nắm vững tri thức khoa học mà còn rèn luyện cho sinh viên kỹ năng và phương pháp sử dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật đó vào nghiên cứu và phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, nâng cao chất lượng công việc sau này.

Đồng thời, nhà trường cần xây dựng và phát triển duy trì các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ rèn luyện nghiệp vụ chuyên mộn, nghề nghiệp, câu lạc bộ kỹ năng sống,cần phát huy dân chủ và tạo điều kiện để sinh viên tự hoàn thiện mình. Ngoài ra, nhà trường phải định kỳ cập nhật, điều chỉnh các chương trình đào tạo và xây dựng ngành đào tạo mũi nhọn tạo nét riêng cho trường; phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên phù hợp với định hướng phát triển của trường.

Những yếu tố trên có ý nghĩa quan trọng trong phát triển năng lực tư duy cho sinh viên hiện nay. Coi trọng việc phát huy vai trò tích cực, chủ động của sinh viên trong việc rèn luyện, phát triển năng lực tư duy nhằm góp phần nhỏ nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, phương pháp, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.đạt trình độ cao để đáp ứng nhu cầu đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia một cách có hiệu quả vào thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thanh Bình (2010), Một số vấn đề về quản lý nhà nước kinh tế, văn hóa, giáo dục trên thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Đào Thị Minh Hương (2016), Phát triển bền vững con người Việt nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Hoàng Thúc Lân (2014), Phát triển năng lực tư duy biện chứng cho sinh viên Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Phạm Thành Nghị (2004), Quản lý nguồn nhân lực ở Việt Nam Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.