Duolingo tôi không biết cái nón nào là của tôi năm 2024

TTTĐ - Duolingo là một trong những ứng dụng học ngoại ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Sau khi ra mắt vào ngày 30/11/2011, đến nay, ứng dụng đã thu hút hàng trăm triệu người sử dụng. Nó được khen ngợi bởi thiết kế đẹp mắt cùng với cách sử dụng đơn giản.

Mắng người học “té tát”

Biểu tượng của app Duolingo là hình một chú cú màu xanh lá cây, chú cú này có nhiệm vụ nhắc nhở người dùng vào học cũng như là đồng hành cùng họ trong lúc sử dụng ứng dụng. Chính những tính năng này đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người dùng app tạo ra hàng loạt meme (ảnh chế hài hước) cho chú cú.

Duolingo là một trong những ứng dụng học ngoại ngữ rất phổ biến

Bên cạnh những mặt đáng yêu, biểu tượng này cũng mang đến nhiều phiền phức cho người sử dụng. Đó là khi người dùng không vào học, chú cú liên tục gửi các tin nhắn từ nhắc nhở, dỗi hờn, đến những thông báo hăm dọa nếu không dùng ứng dụng… Ở góc độ này, dường như chú cú đang trở thành nỗi ám ảnh của không ít bạn trẻ.

Trên một số diễn đàn của sinh viên, một vài thành viên đã chia sẻ trạng thái sau một vài hôm không vào phần mềm học ngoại ngữ và ảnh chụp tin nhắn của chú cú Duolingo: “Tôi muốn cưới Na Jaemin tiếng Hàn là gì ấy nhỉ? Sao nào, nhớ cái câu này hồi mới học mày đòi tạo dịch cho không? Giờ mày còn không dành nổi 5 phút một ngày để vào xem con này còn sống hay chết, ốm đau gì không? Cả tuần không thấy mặt mũi đâu, hở ra là thấy tag bạn bè trên Fecebook. Mày nghĩ mày sẽ cưới được Na Jeamin với bộ dạng đó sao?...”. Thậm chí, chú cú còn nhiều từ ngữ khiêu khích và có phần bậy bạ, giễu cợt người học.

Một thông báo từ app Duolingo gửi đến người học

Trên trang cá nhân của mình, một bạn trẻ cũng đã bày tỏ: “Phát sợ với cách học mà Duolingo làm bạn cảm thấy tội lỗi. Vừa mới nhận được email ghi: Vậy là bạn muốn từ bỏ hết những mục tiêu của bản thân rồi nhỉ. Chúng tôi đã định viết một email bằng tiếng Pháp nhưng đột nhiên nhớ ra là bạn có học đâu, đọc sao hiểu được…”.

Không ít bạn trẻ đã phàn nàn với cách nhắc nhở học của ứng dụng này

Có thể nói, chim cú Duolingo gây ấn tượng với người dùng nhờ ngoại hình dễ thương, đồng thời thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Khi bạn bỏ lỡ bài học, chú chim có thể xuất hiện dưới một bộ dạng tội nghiệp, khi bạn không vào học một vài hôm chú sẽ gửi tin nhắn dỗi hờn, khi bạn không vào học nhiều hôm, bạn sẽ nhận được những thông báo khiêu khích, giễu cợt, thậm chí là mắng mỏ, hăm dọa… Ám ảnh hơn nữa là kể cả khi gỡ app học tập này thì những tin nhắn và thông báo của chú cú xanh vẫn bền bỉ đeo đuổi người sử dụng hàng ngày.

Tạo động lực kiểu gây hấn và tác dụng ngược

Có thể nói, phương pháp tạo động lực kiểu gây hấn thụ động của Duolingo không được lòng tất cả. Có người coi đó là động lực bởi thông báo và email của Duolingo đánh vào tâm lý cảm thấy có lỗi của mọi người. Nó thường nhắc nhở người học rằng, thứ duy nhất khiến bạn không vượt qua các câu đố là do chính bản thân bạn, nếu không tiếp tục thì bạn đang chấp nhận thất bại.

Nếu không học, ứng dụng Duolingo sẽ liên tục spam khiến người học ám ảnh

Theo nhận xét của nhiều người học, ứng dụng này rất chăm nhắc người dùng học bài. Vì không phải ai cũng thoải mái với tính năng này nên một số người thấy khó chịu và xoá app.

Bạn Đoàn Thị Hồng Ngọc, sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Khi mới tìm hiểu những app học ngoại ngữ, mình bắt gặp tên app Duolingo xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Thấy quảng cáo nhiều nên mình đã tải app về để thử học với chú chim cú xanh “đáng yêu” này.

Ban đầu, Duolingo mang lại trải nghiệm đơn giản, dễ dùng và nhắc nhở rất đều đặn. Với một đứa lười như mình thì vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, tới một ngày quên không làm bài tập hay do bận những việc cá nhân mà mình không đăng nhập học được thì chú chim xanh lại làm “nổ” điện thoại bằng những tin nhắn, thông báo… làm mình thấy mệt mỏi. Đã thế, ngôn ngữ của chim xanh làm mình hơi hoảng sợ, nó nhắc mình học bài mà như mẹ cầm chổi mắng mỏ mình. Chưa hết, ngày nào cũng có spam và tiếng ting ting thông báo thật ám ảnh, riêng thời gian đi xóa cũng đủ khiến mình mất động lực học tập.

Chưa dừng lại ở đó, Duolingo còn gửi cả email với những lời nói khá “gắt”. Mình nghĩ ai mà dễ khóc đọc xong chắc có thể khóc luôn, cảm giác tủi thân và thấy mình vô cùng ngu dốt thêm phần bất lực. Tiếng nó văng vẳng bên tai mọi lúc, mọi nơi, thật đáng sợ và ám ảnh tới tận bây giờ.

Tóm lại, thông báo của Duolingo vô cùng “gắt”, bạn muốn học app này phải chuẩn bị một tâm hồn thật tốt, trái tim khỏe mạnh để lắng nghe và chịu đựng con cú này làm phiền bạn”.

Bạn Hoàng Oanh, sinh viên năm thứ 3, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ: “Tôi chưa bị con cú này mắng lần nào nhưng mà nó giận dỗi thì nhiều lắm. Ngày nào nó cũng gửi thông báo dỗi hờn để nhắc tôi vào hoàn thành bài học. Cứ thỉnh thoảng con cú lại nhắc: “Tôi nhớ bạn lắm, bạn có nhớ tôi không”… Tôi cảm thấy, kiểu dỗi của Duolingo và bị gửi nhiều thông báo lắm lúc cũng thấy phiền phức hơn các ứng dụng khác”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc app gửi quá nhiều thông báo và "mắng té tát” người học cũng sẽ tạo ra áp lực như áp lực học tập ngoài đời thực. Áp lực học tập chính là nguyên nhân hàng đầu gây stress, trầm cảm và rất nhiều vấn đề tâm lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay.

Có thể nói, phương thức học tập nào cũng tồn tại ưu điểm và khuyết điểm. Mỗi app sẽ có một phương pháp khác nhau để chúng ta học tập dễ dàng hơn. Vì thế các bạn trẻ hãy tham khảo thật kỹ những phần mềm học phù hợp với mình để có những giờ học thú vị và hiệu quả.

Chủ đề