Em hãy so sánh xem những đặc tính của mình có hoàn toàn giống với các bạn không

Mỗi sự vật, hiện tượng quanh ta đều được thể hiện ra bên ngoài hàng loạt các  đặc điểm như màu sắc (xanh, đỏ...), trọng lượng (nặng, nhẹ...), khối lượng  (to, nhỏ...). Chúng ta biết được những thuộc tính đó là nhờ bộ não.  Biểu  tượng  của những thuộc tính bề ngoài của sự vật hiện tượng khi  sự vật,  hiện tượng đang trực  tiếp tác động vào ta được gọi là các biểu tượng nhận thức cảm  tính.  Quá  trình  chúng ta nhận biết được các thuộc tính đó là quá trình nhận thức cảm tính.

Ví dụ: khi ta nhắm mắt, người bạn đặt vào lòng bàn tay ta một vật  gì đó. Nếu không sờ mó, nắm,  bóp, ta chỉ  có thể  cảm nhận được  vật  đó nặng hay nhẹ, nóng  hay lạnh.

Chúng ta đang quan sát ngôi nhà.  Trong  đầu  chúng  ta khi  đó  xuất  hiện  hình ảnh ngôi nhà.

Chúng ta có cảm giác nóng,  lạnh, trong  đầu  có  hình   ảnh  ngôi  nhà…  đó chính là biểu tượng nhận thức  cảm  tính.  Khi  chúng  ta  đang cảm thấy nóng hoặc khi chúng ta đang nhìn ngôi nhà thì đó là quá trình nhận thức cảm tính.

Đặc điểm chung nhất của nhận thức cảm tính  là  chỉ  phản  ánh  được  những thuộc tính bên ngoài của  sự  vật,  hiện tượng khi  sự vật  hiện tượng đang trực  tiếp tác động vào giác quan chúng ta.

Nhận thức cảm tính bao gồm 2 quá trình chính là cảm giác và tri giác.

Cảm giác:

Khái niệm:

Cảm giác là quá trình tâm lí phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật hiện tượng đang trực tiếp tác động vào giác quan của ta.

Cảm giác là hình thức phản ánh  tâm  lí,  sơ  đẳng,  đơn giản  nhất.  Biểu  tượng của nó chỉ là những thuộc tính riêng rẽ của sự vật. Tuy  nhiên nó  lại  đóng vai  trò khởi đầu cho các quá trình tâm  lí  khác  như  tưởng tượng, tư duy,  trí nhớ…  Cảm giác cũng là khâu đầu tiên trong sự nhận thức  hiện  thực  khách  quan  của  con người.

Các loại cảm giác:

Cảm giác bên ngoài:

Cảm giác nhìn (thị giác): cho chúng ta biết  thuộc  tính ánh  sáng,  màu  sắc, kích thước của đối tượng.

Cảm giác nghe (thính giác): cho chúng ta biết những thuộc tính của âm thanh.

Cảm giác ngửi (khứu giác): giúp con người nhận biết được mùi.

Cảm giác nếm (vị giác): giúp chúng ta  nhận  biết  các  loại  vị:  mặn,  nhạt,  đắng, cay…

Cảm giác da (mạc giác): cho ta biết về nhiệt độ.

Cảm  giác  bên trong:

Cảm  giác  vận động.

Cảm giác thăng bằng.

Cảm giác nội tạng.

Các quy luật cơ bản của cảm giác:

Quy luật ngưỡng cảm giác (quy luật về tính nhạy cảm):

Muốn có cảm giác thì  phải  có kích thích. Tuy nhiên cường độ kích thích phải đạt đến độ nhất định mới có thể gây ra được cảm giác. Mức độ đó được gọi là ngưỡng cảm giác.

Ngưỡng cảm giác là cường độ tối thiểu của kích thích để có  thể  gây ra được cảm giác.

Quy luật này còn gọi là quy luật  về tính  nhạy  cảm  bởi  lẽ  khi  nói  đến tính nhạy cảm cao thì điều đó  có  nghĩa là chỉ  cần cường độ  kích thích nhỏ  nhưng  đã có thể có cảm giác. Ví dụ: người ta nói một người  nào  đó có đôi tai rất thính có nghĩa là với âm thanh khá nhỏ, trong khi  người  khác  chưa nghe  thấy thì  người  đó đã nghe thấy. Như vậy độ nhạy cảm càng  cao  thì  có  nghĩa  là ngưỡng  cảm  giác càng thấp.

Điểm đáng lưu ý ở  đây là khi  chúng ta nói  đến ngưỡng  cảm giác  là chúng ta  đề cập đến đại lượng vật lí,  ví  dụ  như  cường độ  âm  thanh, trọng lượng… còn khi ta nói độ nhạy cảm thì  đó lại  là “đại  lượng” tâm lí. Do  không đo được  trực  tiếp độ nhạy cảm của giác quan nên người ta phải  đo nó  một cách gián tiếp, thông qua việc đo các kích thích vật lí bên ngoài.

Quy luật thích ứng cảm giác:

Để phản ánh được tốt nhất và  bảo  vệ  hệ  thần kinh, cảm giác của con người có khả năng thích ứng với kích thích.

Thích ứng là khả năng  thay  đổi  độ  nhạy  cảm  của cảm  giác  cho  phù hợp với sự thay đổi của cường độ kích thích: khi cường độ kích thích tăng thì độ nhạy cảm giảm và ngược lại, độ  nhạy  cảm  tăng  khi  cường độ  kích thích giảm.  Ví  dụ: khi đang ở chỗ sáng (cường độ kích thích mạnh), đi vào chỗ tối  (cường độ  kích thích yếu) thì lúc đầu ta không nhìn thấy gì, sau đó dần dần mới  nhìn rõ mọi vật.  Điều này là do độ nhạy cảm tăng dần.

Tất cả các giác quan đều tuân  theo  quy  luật  thích  ứng.  Tuy  nhiên  mức  độ khác nhau. Cảm giác thị giác có khả  năng  thích  ứng  cao.  Trong  bóng  tối  tuyệt đối, độ nhạy cảm với ánh sáng tăng  gần  200.000  lần  sau 40 phút.  Bên cạnh đó, cảm giác đau hầu như không thích ứng.

Khả năng thích ứng  của cảm  giác  cũng  có  thể  được phát  triển do  rèn luyện. Ví dụ: công nhân luyện kim có thể chịu đựng được nhiệt độ cao tới 500  -  600C  trong hàng giờ đồng hồ.

Quy luật tác động lẫn nhau của cảm giác:

Các cảm giác không tồn tại  độc  lập mà luôn tác  động qua lại lẫn nhau. Do  sự tác động qua lại như vậy, tính nhạy  cảm của cảm giác  bị  thay đổi. Kích thích yếu  lên cơ quan phân tích này lại làm  tăng độ  nhạy  cảm của giác quan kia. Ngược lại,  tác động mạnh lên giác quan này làm giảm độ nhạy cảm của cơ quan phân tích khác.

Ví dụ: khi nghe nhạc, có ánh sáng mầu kèm theo thì  các  bản nhạc  cũng được  cảm nhận rõ nét hơn.

Tri giác:

Khái niệm:

Tri giác là một quá trình tâm  lí  nhận  thức  cảm tính, phản ánh một  cách trọn  vẹn các thuộc tính bề  ngoài  của sự vật,  hiện tượng đang trực  tiếp tác  động vào  giác quan người ta.

Cũng giống với cảm giác, tri giác là một quá trình nhận thức cảm tính.

Là một quá trình vì có khởi đầu, diễn biến và kết thúc.

Là quá trình nhận thức vì biểu tượng tri giác giúp cho con người  nhận  biết được hiện thực khách quan bên ngoài.

Là cảm tính vì  chỉ  gọi  là biểu tượng tri  giác  khi  sự vật,  hiện tượng đang  trực tiếp tác động vào giác quan.

Tuy nhiên biểu tượng tri giác là là một hình ảnh trọn vẹn về sự vật, hiện tượng. Biểu tượng này được cấu thành từ các cảm giác. Ví  dụ:  hình  ảnh  ngôi  nhà  mà chúng ta đang nhìn thấy bao gồm những cảm giác  khác nhau về màu sắc, kích thước. Lẽ đương nhiên đó không phải là một tổng số học mà là một tổng thể các  cảm giác.

Các loại tri giác:

Tri giác không gian: tri giác không gian giúp người ta nhận biết được  kích thước, hình dạng, khoảng cách, phương hướng của đối tượng.

Tri  giác  thời  gian:  tri  giác  thời  gian là sự phản ánh độ lâu, vận  tốc và  tính  kế tục của các hiện tượng.

Tri giác vận động: phản ánh những thay đổi về  vị  trí  của các sự vật  trong  không gian.

Ngoài cách phân loại theo đối tượng tri giác như  trên còn có  cách phân  loại theo giác quan. Theo cách phân loại này, người  ta  có  các  loại  tri giác: thị giác, thính giác, khứu giác…

Các quy luật cơ bản của tri giác:

Quy luật về tính đối tượng của tri giác:

Hình ảnh mà tri giác đem lại bao giờ cũng là biểu tượng của một sự vật, hiện tượng nhất định của thế giới  bên ngoài. Tính đối tượng của tri giác  nói lên cái mà  tri giác đem lại. Trong quy luật này đã hàm chứa tính chân thực của tri giác.

Quy luật về tính lựa chọn của tri giác:

Tri giác không thể phản ánh được toàn bộ  những  kích thích đang tác động lên giác quan của con người ở tại một thời điểm. Do  vậy  để tri giác, con người  phải  tách đối tượng ra khỏi bối cảnh.

Sự lựa chọn của tri giác cũng không mang tính cố  định.  Nó  phụ  thuộc  vào nhiều yếu tố bên ngoài cũng như bên trong của chủ thể.

Quy luật về tính lựa chọn của tri giác được ứng dụng nhiều trong thực tiễn:  kiến trúc, quảng cáo, quân sự (nguỵ trang), trong giáo dục và dạy học.

Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác:

Tri giác của con người gắn chặt với tư  duy,  với  bản  chất  của  sự  vật,  hiện tượng. Chính vì lẽ đó, biểu tượng tri giác cho phép  người  ta gọi  tên được  sự vật hiện tượng, có thể sắp xếp chúng vào một nhóm, lớp nhất định.

Quy luật về tính ổn định của tri giác:

Tính ổn định của tri giác thể hiện ở chỗ  trong các  điều kiện khác  nhau nhưng nội dung của biểu tượng tri giác vẫn không thay  đổi. Ngôi  nhà,  dù  có  cách  xa chúng ta hàng ngàn mét và hình ảnh của nó trên võng mạc nhỏ hơn hình ảnh của một người đang đứng trước mặt chúng ta thì  ngôi  nhà  vẫn  được  tiếp nhận  to  hơn so với con người. Sự ổn định tri giác còn thể hiện ở cả về mầu sắc, kích thước...

Quy luật tổng giác:

Quy luật này thể hiện ở chỗ  nội  dung  các  biểu tượng tri  giác  còn phụ thuộc vào nội dung đời sống tâm lí của chủ thể: thái độ, nhu cầu, cảm xúc, động cơ... (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ - Nguyễn Du).

Tri giác nhầm:

Trong một số trường hợp, hình ảnh  của tri  giác  không  phù  hợp  với  thực tại. Cần phân biệt tri giác nhầm với ảo giác.  Tri  giác  nhầm  là quá  trình chúng  ta vẫn đang tri giác (sự vật, hiện tượng vẫn  đang  tác  động  vào  giác  quan) song  biểu tượng tri giác không tương xứng với thực tiễn. Ví dụ: khi  ta nhìn cái thìa đang để trong nửa cốc nước, ta thấy như cái thìa bị gãy ở chỗ mặt nước. Ảo  giác  là hiện tượng con người vẫn “nhìn” thấy, ví dụ: nhìn thấy rắn  rết  bò   đầy  trên  giường nhưng thực tế không có, nghe  thấy  tiếng  nói  nhưng xung quanh  không có  ai. Tri giác nhầm là hiện tượng bình thường còn ảo giác là hiện tượng bệnh lí.

Cảm giác và tri giác đều là quá trình nhận  thức  cảm tính. Trong thực tế, khi chúng ta quan sát sự vật  hiện tượng thì  sự xuất  hiện của cảm  giác  và  tri giác  là  đan xen nhau, có thể cái này xuất hiện trước  cái  kia.  Ví  dụ:  “bắt  mắt” là màu đỏ, sau đó chúng ta mới quan sát tổng  thể  ngôi  nhà.  Cũng có thể  hình ảnh ngôi  nhà xuất hiện trước, sau đó với xuất hiện các cảm giác.

Tư duy.

Tư duy là gì ?

Cảm giác, tri giác đã giúp cho con người nhận biết được các của sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên đó mới chỉ  là  các  đặc  điểm bên ngoài. Để  nhận biết được  cái bên trong, cái cốt lõi của các sự vật hiện tượng đó, con người cần đến tư duy.

Tư duy là một quá trình  nhận  thức  phản  ánh  những  thuộc  tính  bản  chất,  những liên hệ, quan hệ có tính quy luật  của  sự  vật  hiện  tượng  khách  quan  mà trước đó ta chưa biết.

Các đặc điểm tư duy:

Tư duy xuất phát từ hoàn cảnh có vấn đề:

Hoàn cảnh có vấn đề có thể là một bài toán, một  nhiệm  vụ cần  phải  giải quyết… Cùng một hoàn cảnh song đối với người  này  là  hoàn  cảnh  có  vấn  đề nhưng đối với người khác lại không.  Như  vậy  hoàn cảnh có  vấn  đề  là hoàn cảnh kích thích con người suy nghĩ.

Tính gián tiếp của tư duy:

Tư duy nhận biết được bản chất của  sự  vật  hiện  tượng  nhờ  sử dụng công cụ (các dụng cụ đo đạc, máy móc…); các  kết quả của nhận thức  (quy tắc, công thức, quy luật…). Tính gián tiếp của tư duy còn thể hiện ở  chỗ nó được thể hiện thông  qua ngôn ngữ.

Tính trừu tượng và khái quát của tư duy:

Tư duy phản ánh cái bản chất, cái chung  nhất  cho  một  loại,  một  lớp  hiện tượng sự vật  và  khái  quát  chung bởi  khái  niệm. Nhờ  có tư duy,  con người  có thể đi sâu vào đối tượng, cho phép họ nhận  thức  được  những vấn đề mà cảm giác, tri giác không tiếp cận được.

Tư duy liên quan chặt chẽ tới ngôn ngữ:

Tư duy trừu tượng không thể tồn tại nếu không  có  ngôn  ngữ.  Nhờ  có  ngôn ngữ, tư duy có được  tính khái  quát  và  gián  tiếp. Cũng  nhờ  có  ngôn  ngữ, những  sản phẩm của tư duy mới được truyền đạt cho  người  khác.  Trong  lâm sàng tâm thần, ngôn ngữ được coi là hình thức  của tư  duy  và  việc  phân  loại  các rối loạn  hình thức tư duy dựa trên ngôn ngữ.

Tư duy liên hệ chặt chẽ với nhận thức cảm tính:

Nhận thức cảm tính  thu  thập  tư  liệu. Các  biểu tượng của nhận  thức  cảm tính là nguyên liệu cho tư duy. Tư duy phát triển cũng giúp định hướng nhận thức cảm  tính.

Các thao tác tư duy:

So sánh:

Dùng trí óc đối chiếu các đối tượng hoặc  những thuộc tính, bộ  phận... để xem xét sự giống nhau hay khác nhau, đồng nhất hay không đồng nhất.

So sánh là cơ sở của mọi hiểu biết và của tư duy. Chúng ta nhận biết thế giới không ngoài cách thông qua  so  sánh  và  phân  biệt  với  một  vật  gì  khác  thì chúng  ta không thể có ý niệm nào và không thể nói lên một điểm nào về sự vật đó cả (Usinxki).

Phân tích và tổng hợp:

Phân tích: dùng óc phân chia đối tượng thành bộ phận, thuộc tính, quan hệ.

Tổng hợp: kết hợp những đối tượng, thuộc tính quan hệ v.v.. thành tổng thể.

Trừu tượng hoá và khái quát hoá:

Trừu tượng hoá: gạt bỏ những bộ  phận,  thuộc  tính, quan hệ  thứ yếu, chỉ giữ  lại những yếu tố cần thiết của đối tượng để tư duy.

Khái quát hoá là dùng trí óc bao  quát  nhiều đối tượng khác  nhau trên cơ sở một số thuộc tính, quan hệ, bộ phận giống  nhau  sau  khi  đã gạt  bỏ  những  điểm khác nhau.

Khái quát hoá là loại tổng hợp mới sau khi đã trừu tượng hoá.

Trong tư duy, các thao tác được thực hiện theo một hệ thống nhất định.

Các loại tư duy:

Theo lịch sử hình thành:

Tư duy trực quan - hành động:

Đây là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ  được  thực  hiện nhờ  sự cải  tổ các tình huống bằng các  hành  động  vận  động  có  thể quan sát được. Loại tư duy  này có ở cả động vật cao cấp.

Tư duy trực quan - hình ảnh:

Đây là loại tư duy mà việc  giải  quyết  các  nhiệm  vụ  được thực  hiện bằng sự  cải tổ tình huống chỉ trên bình diện hình  ảnh  mà  thôi.  Loại  này  đã  phát  triển mạnh ở trẻ nhỏ.

Tư duy trừu tượng:

Loại tư duy được thực hiện trên cơ sở sử dụng các khái  niệm, kết  cấu logic, được tồn tại trên cơ sở tiếng nói

Ba loại tư duy trên tạo thành các giai đoạn  của  phát  triển tư  duy  trong  quá trình phát sinh chủng loại và cá thể.

Theo hình thức biểu hiện của vấn đề (nhiệm vụ) và phương thức  giải  quyết vấn đề:

Tư duy thực hành:

Tư duy thực hành là loại tư  duy  mà nhiệm  vụ  của nó  được  đề  ra một  cách  trực quan, dưới hình thức cụ  thể,  phương  thức  giải  quyết  là  những  hành  động  thực hành. Ví dụ: tư duy của người thợ sửa xe hơi khi xe hỏng.

Tư duy hình ảnh cụ thể:

Đây là loại tư duy  mà nhiệm  vụ  của nó  được đề ra dưới  hình thức một hình  ảnh cụ thể và sự  giải  quyết  nhiệm  vụ  cũng được  dựa trên những  hình ảnh  đã có. Ví dụ: suy nghĩ xem từ trường về nhà đi đường nào là tối ưu cho xe máy.

Tư duy lí luận:

Đó là loại tư duy mà nhiệm vụ được đề ra dưới hình thức lí  luận và  việc giải quyết nhiệm vụ đó đòi hỏi phải sử dụng hệ  thống khái  niệm trừu tượng, những tri thức lí luận. Ví dụ: giải quyết các bài toán về kinh doanh.

Ngôn ngữ.

Mặc dù ngôn  ngữ  không  phải  hoàn  toàn là quá  trình nhận  thức  song nó  gắn  bó một cách mật  thiết với  tư duy  nên chúng  ta đề cập sâu thêm về  hiện tượng tâm  lí này cũng là nhằm hiểu sâu sắc hơn lĩnh vực nhận thức.

Khái niệm về ngôn ngữ:

Con người có khả năng truyền đạt kinh nghiệm cá nhân cho người  khác  và sử dụng kinh nghiệm của người khác vào hoạt động của mình nhờ có ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội - lịch sử .  Do  sống và hoạt  động cùng nhau nên con người có nhu cầu giao tiếp.

Nói một cách chung nhất, ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu từ ngữ.

Kí hiệu: Pavlov đã nói ngôn ngữ là tín hiệu của tín hiệu.

Hệ thống: chỉ có ý nghĩa và thực hiện một  chức  năng  nhất  định trong hệ  thống của mình.

Ngôn ngữ - hệ thống kí hiệu từ ngữ gồm 3 bộ phận:

Ngữ âm

Từ  vựng

Ngữ pháp – hệ thống các quy tắc thành lập từ, cấu thành câu (từ pháp và cú pháp), sự phát âm (âm pháp).

Các đơn vị của ngôn ngữ là âm vị, hình vị, từ, câu, ngữ đoạn, văn bản...

Các chức năng của ngôn ngữ:

Chức năng chỉ nghĩa:

Ngôn ngữ để chỉ chính sự vật, hiện  tượng,  tức  là thay  thế  chúng.  Nói  một cách khác, ý nghĩa của sự vật, hiện tượng có  thể  được  khách  quan  hoá lần nữa  và có thể di chuyển đi nơi khác, làm  cho  con người  có  thể  nhận thức  được chúng ngay cả khi chúng không xuất hiện trước mặt.

Chức năng chỉ nghĩa còn được gọi là chức năng  làm  phương  tiện  tồn  tại, truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm xã hội - lịch sử loài người.

Ngôn ngữ khác hẳn với những tiếng kêu của động vật. Về bản chất,  động vật không có ngôn ngữ.

Chức năng thông báo:

Ngôn ngữ được dùng để truyền  đạt,  tiếp nhận  thông tin, để  biểu cảm và  nhờ đó, điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động của con người.

Chức năng thông báo của ngôn ngữ còn được gọi là chức năng giao tiếp.

Chức năng khái quát hoá:

Ngôn ngữ  không  chỉ  một  sự  vật,  hiện tượng riêng rẽ  mà cả một loại, lớp  có chung một/một số thuộc tính: phạm trù, khái niệm, thuật ngữ... Nhờ vậy nó là phương tiện đắc lực cho hoạt động trí tuệ.

Ngôn ngữ vừa là công cụ tồn tại của hoạt động trí tuệ, vừa là phương tiện lưu lại kết quả  của hoạt  động này. Do vậy hoạt động trí tuệ không bị  gián đoạn, không  bị lặp lại và có cơ sở cho sự phát triển tiếp theo.

Chức năng khái quát hoá của ngôn ngữ còn gọi là chức năng nhận  thức  hay chức năng làm công cụ hoạt động trí tuệ.

Trong 3 chức  năng  của  ngôn  ngữ  kể  trên, chức  năng giao  tiếp là chức  năng cơ bản nhất. Chỉ trong  quá  trình giao  tiếp, con người  mới  lĩnh hội  được  tri  thức về hiện thực, điều chỉnh hành vi của  mình  cho  phù  hợp  với  hoàn cảnh sống. Về thực chất, chức năng nhận thức cũng là quá trình giao tiếp, ở đây là giao  tiếp với chính bản thân mình. Còn chức năng chỉ nghĩa chỉ  là điều kiện để  thực  hiện hai chức năng kia.

Vai trò của ngôn ngữ đối với nhận thức:

Vai trò của ngôn ngữ đối với nhận thức cảm tính:

Đối với cảm giác: ảnh hưởng mạnh đến ngưỡng cảm giác.

Đối với tri giác: làm cho quá trình tri giác dễ dàng hơn, đặc biệt trong quan sát.

Đối với trí nhớ:

Vai trò của ngôn ngữ trong nhận thức lí tính.

Gắn bó rất mật thiết với tư duy. Ở người trưởng thành, tư duy và  ngôn  ngữ không tách rời nhau.

Ngôn ngữ là phương tiện để truyền tải tư duy.

Mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính và lí tính.

Nhận thức của con người bắt đầu từ nhận thức cảm tính.

Các biểu tượng nhận thức cảm tính được trí nhớ lưu giữ lại.

Nhiều biểu tượng cùng loại với nhau được “cô đặc” lại vào từ.

Các từ, khái niệm (hoặc cũng có thể các biểu tượng cảm tính) được sử dụng cho tư duy: giải quyết một nhiệm vụ nào đó.

Biểu tượng cảm tính càng phong  phú  thì  hệ  thống khái  niệm  cũng  phong phú theo và là điều kiện tốt cho tư duy.

Tư duy, ngôn ngữ phát triển nó sẽ định hướng, lựa chọn, hỗ trợ đắc lực (cùng với cảm xúc, tình cảm) cho nhận thức cảm tính.