Giao dịch dân sự vi phạm quy định về hình thức thì vô hiệu

HỢP ĐỒNG VI PHẠM VỀ HÌNH THỨC XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Hợp đồng được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa các chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ xã hội cụ thể. Yếu tố cơ bản nhất của hợp đồng là sự thỏa hiệp giữa các ý chí, tức là có sự ưng thuận giữa các bên với nhau. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nhà nước cho phép tự do hợp đồng một cách tuyệt đối mà trong những trường hợp luật có quy định thì các bên buộc phải tuân thủ theo hình thức đó. Vậy thì hợp đồng vi phạm về hình thức sẽ bị xử lý như thế nào. Công ty Luật HTC Việt Nam sẽ giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

B Lut Dân s 2015

II. Nội dung

Hình thức của hợp đồng dân sự là cách thức biểu hiện ra bên ngoài của những nội dung của nó dưới một dạng vật chất hữu hình nhất định.Theo đó, những điều khoản mà các bên đã cam kết thỏa thuận phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định. Theo quy định của pháp luật dân sự, hình thức của hợp đồng dân sự sẽ được thể hiện bằng các hình thức sau: Hợp đồng bằng hình thức miệng, hợp đồng bằng hình thức viết, hợp đồng bằng hình thức chứng thực xác nhận, hợp đồng bằng các hình thức khác…

Trong các hình thức bắt buộc của hợp đồng thì có hình thức bắt buộc là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng – tức là phải đảm bảo hình thức bắt buộc đó thì hợp đồng mới có hiệu lực; có hình thức bắt buộc không là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng – tức là không tuân thủ hình thức bắt buộc đó thì hợp đồng vẫn có hiệu lực (chỉ chịu những hậu quả pháp lý khác). Do đó, khi xử lý cũng phải căn cứ vào việc hình thức bắt buộc có phải là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng hay không để có hướng xử lý phù hợp.

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Điều 129 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:

“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Giao dịch dân sự vi phạm quy định về hình thức thì vô hiệu

1.Trường hợp hình thức bắt buộc không là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về hướng xử lý đối với giao dịch dân sự vi phạm hình thức bắt buộc không phải là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng của hợp đồng. Khoản 1 Điều 129 quy định chế tài cho “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu”. Tức là chế tài vô hiệu chỉ được áp dụng đối với giao dịch dân sự vi phạm hình thức bắt buộc là điều kiện có hiệu lực, còn nếu hình thức bắt buộc không phải là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì không được nhắc đến, trong khi thực tiễn các trường hợp vi phạm hình thức bắt buộc không là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự xảy ra rất nhiều. Điều này khiến cho các bên tham giao dịch dân sự gặp khó khăn khi tìm kiếm hướng xử lý cho giao dịch vì các quy định liên quan đến từng loại giao dịch dân sự được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau và chưa có sự thống nhất.

Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo quy định của các nước trên thế giới và tổng hợp hướng xử lý trong các văn bản pháp luật chuyên ngành của Việt Nam hiện hành để có hướng xử lý thống nhất cho các Toà án. TANDTC cần ban hành văn bản hướng dẫn, trong đó quy định cụ thể: Với những hợp đồng mà điều kiện về hình thức chỉ là yêu cầu hình thức bắt buộc chứ không phải là điều kiện có hiệu lực thì hợp đồng sẽ không bị vô hiệu. Cần có hướng xử lý thống nhất đối với các vi phạm về hình thức, như: Đối với các hợp đồng mà pháp luật yêu cầu phải được xác lập bằng hình thức là văn bản, nếu các bên không tuân thủ thì hợp đồng vẫn coi như đã được xác lập bằng văn bản và có thể kèm theo chế tài phạt vi phạm hành chính. Một số trường hợp, nếu hợp đồng có nhiều “mức độ” về hình thức thì hợp đồng sẽ được tự động chuyển lên “mức độ” cao hơn.

2.Trường hợp hình thức bắt buộc là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Thứ nhất, hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch. Có hai trường hợp giao dịch được coi là không tuân thủ về hình thức,đó là: Văn bản giao dịch không đúng quy định của pháp luật và văn bản giao dịch vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực. Như vậy, giao dịch dân sự đã được xác lập giữa các bên, trước hết, phải được thể hiệnbằng văn bản vàtrường hợp giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử cũng được coi là giao dịch bằng văn bản (khoản 1 Điều 119 BLDS năm 2015). Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này.

Ở đây, cần xác định rõ thế nào là giao dịch bằng văn bản nhưng văn bản đó không đúng quy định của luật,vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn vấn đề này. Theo cách hiểu thông thường thì giao dịch đúng quy định của luật là giao dịch tuân thủ các nội dung mà pháp luật quy định. Chẳng hạn, hợp đồng có thể có các nội dung nội sau đây: Đối tượng của hợp đồng; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phương thức giải quyết tranh chấp (Điều 398 BLDS năm 2015).Hợp đồng vay có các nội dung như: Nghĩa vụ của bên cho vay, nghĩa vụ trả nợ của bên vay, lãi suất, sử dụng tài sản vay (các điều 466, 467, 468 BLDS năm 2015)…; và một số loại hợp đồng theo quy định của luật chuyên ngành cũng có những nội dung bắt buộc.Cụ thể, theo Điều 18, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì nội dung hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng phải có các nội dung chính sau đây: Tên, địa chỉ của các bên; các thông tin về bất động sản; giá mua bán, cho thuê, cho thuê mua;phương thức và thời hạn thanh toán; thời hạn giao, nhận bất động sản và hồ sơ kèm theo; bảo hành; quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phạt vi phạm hợp đồng; các trường hợp chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng và các biện pháp xử lý; giải quyết tranh chấp; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Như vậy, quy định về các nội dung của hợp đồng trong BLDS năm 2015 và Luật chuyên ngành chưa có sự thống nhất. Bộ luật Dân sự không yêu cầu hợp đồng phải có các nội dung bắt buộc, mà chỉ quy định mang tính tùy nghi là “có thể có các nội dung”, trong khi Luật Kinh doanh bất động sản thì quy định các nội dung mang tính bắt buộc.

Những văn bản bắt buộc phải công chứng, chứng thực được quy định trong BLDS và các văn bản luật chuyên ngành. Theo khoản 2 Điều 119 BLDS năm 2015: Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Theo đó, những giao dịch pháp luật bắt buộc phải có công chứng, chứng thực như: Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng (khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở năm 2014); hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013); giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực (Điều 10, Thông tư 15/2014/TT- BCA quy định về đăng ký xe)… Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 thì nếu các bên vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, khi giải quyết thì Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó và các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Thứ hai, điều kiện để văn bản không tuân thủ hình thức được Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực là một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch. Theo Điều 274 BLDS năm 2015: Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).Theo đó, đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không thực hiện, và đối tượng phải xác định được. Quy định đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch có thể hiểu là: (1). Một bên hoặc các bên đã chuyển giao ít nhất hai phần ba vật (nếu là vật cùng loại thì phải giao ít nhất 2/3 số lượng với chất lượng như đã thỏa thuận là hợp lý), nhưng với vật đặc định hoặc vật đồng bộ thì việc xác định 2/3 nghĩa vụ sẽ gặp khó khăn. (2). Đã chuyển giao ít nhất hai phần ba quyền. (3). Một bên hoặc các bên đã trả ít nhất hai phần ba tiền hoặc giấy tờ có giá. (4). Một bên hoặc các bên đã thực hiện hoặc không thực hiện ít nhất hai phần ba công việc đã thỏa thuận. Tuy nhiên, việc xác định thế nào cho chính xác một hoặc các bên đã thực hiện hai phần ba nghĩa vụ sẽ gặp khó khăn trong thực tiễn giải quyết, dễ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba, không phải việc một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì giao dịch đó đương nhiên có hiệu lực, mà cần có thêm điều kiện là phải thông qua con đường Tòa án. Cụ thể là, theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện của giao dịch như đã nêu trên thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Trên đây là các quy định của pháp luật về vấn đề hợp đồng vi phạm về hình thức thì bị xử lý như thế nào của công ty Luật HTC Việt Nam. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ chúng tôi để dược giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

(Đường Linh)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email:

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn

---------------------------------------------

Xem thêm bài viết có liên quan:

Hủy bỏ hoặc đình chỉ việc thực hiện hợp đồng

Các trường hợp hợp đồng vô hiệu

Những loại hợp đồng giấy tờ cần phải thực hiện thủ tục công chứng chứng thực