Hướng dẫn cách làm mất mụn ruồi

Tẩy nốt ruồi là việc nhiều người muốn làm vì có những nốt ruồi ở vị trí có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngoại hình, dễ tạo tâm lý thiếu tự tin trước người đối diện. Hiện nay có rất nhiều thông tin về cách tẩy nốt ruồi tại nhà. Vậy có nên lựa chọn hình thức này hay không, nếu muốn loại bỏ nốt ruồi thì làm cách nào mới an toàn? Hãy cùng MEDLATEC tìm lời giải đáp ngay sau đây.

1. Tẩy nốt ruồi tại nhà, nên hay không?

1.1. Tổng quan về nốt ruồi

Nốt ruồi là các đốm màu đen, nâu hoặc đỏ có trên da, là kết quả của sự tăng sinh hắc tố và tế bào biểu bì. Nội tiết tố bỏ và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến xu hướng sậm màu của nốt ruồi.

Nốt ruồi hình thành do sự tăng sinh sắc tố và tế bào biểu bì

Tùy thuộc vào cấu tạo của tế bào biểu bì mà nốt ruồi có thể trơn láng, phẳng hoặc thô ráp. Thậm chí có nốt ruồi còn có lông. Càng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời càng có nguy cơ tăng số lượng nốt ruồi trên da. Số lượng nốt ruồi cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố cơ địa.

Đại đa số nốt ruồi trên cơ thể là lành tính nhưng vẫn có một số người có nốt ruồi ác tính có nguy cơ di căn nguy hiểm đến sự sống của người bệnh.

1.2. Có nên tẩy nốt ruồi tại nhà hay không?

Thực tế hiện nay có rất nhiều người truyền tai nhau cách tự tẩy nốt ruồi tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên. Thậm chí có người còn dùng axit nhẹ để tẩy nốt ruồi và thị trường cũng bán khá nhiều sản phẩm được quảng cáo là kem có khả năng tẩy nốt ruồi không đau. Vậy tẩy nốt ruồi tại nhà nên hay không và hiệu quả ra sao?

Tất cả phương pháp này đều chưa có minh chứng về hiệu quả đạt được, chưa kể đến việc tự tẩy nốt ruồi tại nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như:

- Bị chảy máu, nếu không biết cách cầm máu sẽ vô cùng nguy hiểm.

- Dễ có sẹo xấu trên da sau khi tẩy nốt ruồi.

- Bị nhiễm trùng da dẫn đến các biến chứng tiêu cực cho sức khỏe, thậm chí còn tăng nguy cơ ung thư da.

Đặc biệt, với nốt ruồi ăn sâu vào trong biểu bì, kích thước lớn, các phương pháp tẩy nốt ruồi tại nhà không thể làm bong tróc nốt ruồi một cách triệt để nên dễ mọc lại sau đó. Một số trường hợp tẩy nốt ruồi bằng các vật sắc nhọn nếu bất cẩn có thể làm tổn thương dây thần kinh, nhiễm trùng.

Một điều đáng nói nữa là người có ý định tự tẩy nốt ruồi tại nhà không thể xác định đúng đâu là nốt ruồi lành tính đâu là nốt ruồi ác tính. Nếu lỡ xóa phải nốt ruồi ác tính thì có thể phải đối diện với nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Tự tẩy nốt ruồi tại nhà nếu không xác định được nốt ruồi là lành hay ác tính sẽ vô cùng nguy hiểm

2. Làm cách nào để xóa bỏ nốt ruồi an toàn?

Các bác sĩ vẫn khuyến cáo không nên tự tẩy nốt ruồi tại nhà vì hành động này tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro cho sức khỏe. Nếu muốn tẩy nốt ruồi tốt nhất bạn nên tìm hiểu để đến cơ sở y tế uy tín, áp dụng những phương pháp can thiệp y khoa hiện đại để tẩy nốt ruồi.

Hiện nay, tại các cơ sở y tế, tẩy nốt ruồi có thể được thực hiện thông qua các phương pháp:

- Chiếu laser

Đây là cách tẩy nốt ruồi an toàn, hiệu quả mà ít khi để lại sẹo. Bác sĩ sẽ chiếu tia laser vào nốt ruồi cần tẩy để loại bỏ tế bào sắc tố ở thượng bì. Thông qua cơ chế gây bốc hơi mô và tiêu diệt sắc tố bên dưới da, tia laser sẽ loại bỏ nốt ruồi nhanh chóng.

- Đốt điện

Với sự phát triển của y học hiện đại, bác sĩ sẽ dùng tia plasma hoặc sóng RF để đốt nốt ruồi. Đây là phương pháp ít khi gây đau và không lo để lại sẹo xấu sau khi loại bỏ nốt ruồi.

- Tiểu phẫu

Các nốt ruồi có kích thước lớn, nằm sâu dưới da hay nổi lên sần sùi, gồ ghề trên bề mặt da thường áp dụng phương pháp tẩy nốt ruồi này. Trước khi tiểu phẫu diễn ra, bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định nốt ruồi được loại bỏ có phải là nốt ruồi ác tính hay không.

Vết rạch tiểu phẫu loại bỏ nốt ruồi nông hay sâu phụ thuộc rất nhiều vào kích thước, vị trí của nốt ruồi. Tiểu phẫu diễn ra khá đơn giản và nếu được thực hiện bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm, khéo léo thì sẽ không lo để lại sẹo.

Nếu nghi ngờ nốt ruồi cần tẩy là ác tính, bác sĩ vẫn sẽ tiến hành tiểu phẫu nhưng không phải để loại bỏ nốt ruồi mà là để lấy được mô da ở nốt ruồi để gửi đến phòng xét nghiệm tìm tế bào ung thư.

Nên khám bác sĩ da liễu để xác định nốt ruồi lành hay ác tính và có cách tẩy nốt ruồi an toàn

3. Chăm sóc da sau tẩy nốt ruồi

Dù nốt ruồi được tẩy bằng phương pháp nào thì khâu chăm sóc vùng da vừa tẩy nốt ruồi cũng rất quan trọng. Khi nốt ruồi đã được loại bỏ thì khoảng 2 - 3 ngày sau đó vùng da này sẽ đóng vảy rồi tự bong vảy. Nếu quá trình chăm sóc da không được thực hiện tốt thì rất dễ bị sẹo xấu.

Sau khi nốt ruồi đã được loại bỏ thì vết thương do tẩy nốt ruồi cần được băng lại bằng hydrocolloid trong suốt để giữ ẩm. Điều này sẽ giúp cho tổn thương trên da do quá trình tẩy nốt ruồi hạn chế bị sẹo và khi lành lại sẽ có tính thẩm mỹ cao.

Ngoài ra, vết thương ở vùng da được tẩy nốt ruồi cũng cần được vệ sinh sạch bằng polyhexanide hoặc nước muối sinh lý. Tuyệt đối không dùng dung dịch chứa iod hay oxy già để vệ sinh vết thương vì nó làm cho tiến trình liền vết thương trở nên khó khăn hơn.

Hy vọng với những chia sẻ này bạn đã biết được nên tẩy nốt ruồi tại nhà hay không. Nếu đã quyết định tẩy nốt ruồi thì nhất định bạn cần biết chính xác nốt ruồi cần tẩy là lành hay ác tính. Muốn làm được điều này thì thăm khám bác sĩ chuyên khoa là việc nên làm. Thông qua quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ cho bạn biết chính xác hiện trạng nốt ruồi và tư vấn nên tẩy nốt ruồi hay không, tẩy bằng phương pháp nào mới có hiệu quả nhất.

Chủ đề