Kinh nghiệm vượt qua trầm cảm

HỖ TRỢ NGƯỜI THÂN VƯỢT QUA TRẦM CẢM

25/09/2021
Trầm cảm ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người lớn và trẻ em trên toàn thế giới. Vì rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi vấn đề này, khả năng cao là trong số những người bạn quen biết ít nhất cũng có một người mắc trầm cảm.

Khi ai đó bạn biết có trầm cảm, bạn có thể sẽ tự hỏi bản thân "Tôi có thể giúp được gì?". Điều quan trọng đầu tiên là nhớ chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính bạn trong khi giúp đỡ người khác. Thứ hai, bạn cần tự giáo dục bản thân về trầm cảm, các triệu chứng trầm cảm và cách nói chuyện với bạn bè hoặc người thân về vấn đề này trước khi bạn cố gắng hỗ trợ họ.

Trao đổi với bạn bè hoặc người thân về chủ đề trầm cảm có thể là một cuộc trò chuyện không dễ dàng. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp đỡ những người đang bị trầm cảm.



1.Tìm hiểu những thông tin về trầm cảm

Mặc dù mỗi người trải qua trầm cảm theo cách khác nhau, nhưng việc làm quen với các triệu chứng và thuật ngữ chung có thể giúp bạn trò chuyện sâu sắc hơn với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Bạn có thể đọc sách, trang web hoặc blog, nhưng cần phải đảm bảo rằng bạn đang tiếp cận những nguồn thông tin đáng tin cậy. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn bắt đầu tìm kiếm

- Trầm cảm là gì?
- Trầm cảm có ảnh hưởng khác nhau lên mỗi người như thế nào?
- Cách nhận biết bệnh trầm cảm ở bạn bè và gia đình
- Các phương pháp điều trị cho bệnh trầm cảm là gì?

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây trước khi người thân của bạn nhận ra, bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện và khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ:

- Dường như họ không còn quan tâm đến những điều quan trọng trước đây
- Thể hiện cái nhìn ảm đạm hoặc tiêu cực về cuộc sống
- Thường xuyên kêu đau nhức
- Ngủ ít hơn bình thường hoặc ngủ quá nhiều
- Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
- Sử dụng hoặc lạm dụng rượu bia, chất kích thích

Bạn cần phải nhớ rằng mỗi người trải qua trầm cảm đều phải đối mặt với những khó khăn riêng. Hãy sử dụng một số mẹo trong bài viết này để hỗ trợ người trầm cảm.

2.Làm thế nào để nói chuyện về trầm cảm?

Khi người thân yêu của bạn trải qua trầm cảm, bạn có thể cảm thấy mất kết nối với họ - người mà bạn đã từng rất thân thiết trong quá khứ. Hãy mở lời và nói chuyện một cách không phán xét để giúp đỡ người đó cảm thấy tốt hơn. Hãy nhớ rằng trở thành một người lắng nghe và đồng cảm quan trọng hơn nhiều so với việc đưa ra lời khuyên.

Cuộc nói chuyện với một người thân yêu về trầm cảm có thể rất khó khăn; sau đây là một số mẹo để giúp bạn:

Biết rằng một cuộc trò chuyện duy nhất sẽ không thể giải quyết được vấn đề

Có những câu hỏi để bắt đầu cuộc trò chuyện:
  • Gần đây, mình cảm thấy lo lắng cho bạn
  • Gần đây, mình nhận thấy một số điểm khác biệt ở bạn và tự hỏi dạo này bạn thế nào?

Những câu hỏi nên sử dụng:
  • Từ khi nào bạn bắt đầu cảm thấy như vậy?
  • Mình có thể giúp bạn bằng cách nào?
  • Bạn đã nghĩ đến việc tìm kiếm sự hỗ trợ chưa?
  • Những điều cần nói trong cuộc trò chuyện:
Mình luôn ở bên bạn.
Bạn không cô đơn. Mình sẽ ở đây vì bạn trong thời gian này.
Bạn quan trọng đối với mình, hãy cho mình biết mình có thể làm gì để giúp bạn.
Ngay cả khi mình không thể hiểu cảm giác của bạn, mình vẫn quan tâm đến bạn và muốn giúp đỡ.
  • Tránh những lời nói có thể mang tính phán xét trong cuộc trò chuyện, chẳng hạn như:
Bạn có thể thoát khỏi nó
Mọi người đều trải qua giai đoạn khó khăn
Hãy thử suy nghĩ tích cực hoặc nhìn vào mặt tươi sáng
  • Hãy nhớ là một người lắng nghe đồng cảm trong những cuộc trò chuyện này.
  • Hãy hỏi bạn có thể giúp đỡ họ bằng cách nào.

Điều này có vẻ đơn giản nhưng việc hỏi bạn có thể giúp đỡ như thế nào sẽ cho họ cơ hội trả lời bạn. Họ có thể không trả lời ngay lập tức hoặc nói với bạn bất cứ điều gì, và điều đó không sao cả. Hãy thể hiện rằng bạn quan tâm và bạn đang nỗ lực để giúp đỡ. Nếu họ phản hồi, hãy ở đó và hỗ trợ họ.

3.Hỗ trợ người thân của bạn trước, trong và sau khi điều trị

Trầm cảm có thể tiêu hao năng lượng và khiến cho những người mắc trầm cảm dường như không thể thực hiện được những công việc nhỏ nhất. Hãy cố gắng cho họ hy vọng, tránh phán xét hoặc đổ lỗi và đồng hành cùng họ trong quá trình điều trị. Hãy hiểu rằng hiệu quả của điều trị trầm cảm không xảy ra trong một sớm một chiều; dưới đây là một số cách bạn có thể hỗ trợ bạn bè hoặc người thân trong khi họ cố gắng trở nên tốt hơn.

Khuyến khích họ tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

Hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát quyết định của người khác nhưng bạn có thể khuyến khích bạn bè hoặc người thân tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Giúp người thân điều trị có thể rất khó khăn vì trầm cảm khiến họ có những suy nghĩ tiêu cực, bao gồm niềm tin rằng việc điều trị có thể là vô ích.

Sau khi họ tìm thấy nhà tâm lý mà họ muốn chia sẻ, bạn có thể tiếp tục giúp đỡ họ, thành thật với nhà tâm lý về các triệu chứng của họ. Nếu bạn thân thiết với bạn bè hoặc người thân của mình, bạn có thể đi cùng họ đến cuộc hẹn (nếu họ muốn) để thể hiện sự ủng hộ đối với việc điều trị của họ.

Hỗ trợ điều trị

Điều trị trầm cảm có thể bao gồm nhiều phương pháp khác nhau và có thể quá sức đối với người bị trầm cảm. Bạn có thể tìm hiểu kế hoạch điều trị của họ bao gồm những gì để bạn có thể khuyến khích họ tiếp tục.

Nhiều người trầm cảm dùng thuốc. Một cách bạn có thể hỗ trợ người thân của mình là hiểu họ đang dùng thuốc gì. Hãy tự tìm hiểu về cách thức hoạt động của thuốc, những tác dụng phụ và những triệu chứng khi ngừng dùng thuốc. Bạn cũng có thể đảm bảo rằng họ đang uống thuốc đã được kê đơn. Nếu kế hoạch điều trị của họ bao gồm chế độ ăn uống và tập thể dục thích hợp, thì bạn có thể khuyến khích họ đi dạo với bạn hàng ngày hoặc giúp lập kế hoạch ăn uống trong tuần. Bạn cũng có thể khuyến khích người thân tham dự đầy đủ các cuộc hẹn với nhà trị liệu hoặc bác sĩ của họ.

Cuối cùng, hãy cho họ hy vọng và niềm tin rằng kế hoạch điều trị đang hiệu quả bất cứ khi nào người thân cần nó. Trầm cảm thường trở nên tốt hơn khi được điều trị, nhưng đây cũng có thể là một quá trình chậm. Hãy tìm hiểu những điều quan trọng đối với họ và tìm cách nhắc họ về điều đó khi họ cảm thấy buồn bã hay tuyệt vọng. Những người trầm cảm thường cảm thấy bị kỳ thị là yếu đuối hoặc khiếm khuyết. Hãy giúp chống lại sự kỳ thị bằng cách nói về trầm cảm như một căn bệnh cần được điều trị.

Giữ liên lạc

Nếu bạn không sống cùng họ, bạn cần phải giữ liên lạc. Hãy để họ biết rằng bạn vẫn quan tâm đến họ trong quá trình vượt qua trầm cảm. Tất cả chúng ta đều bận rộn, nhưng một cuộc điện thoại có thể giúp ích rất nhiều. Hãy cố gắng kết nối với họ thường xuyên. Ngay cả một tin nhắn có nội dung: Mình nghĩ đến bạn, chúng ta có thể nói chuyện sớm được không? cũng có ý nghĩa rất lớn.

Hãy rủ họ gặp gỡ thường xuyên. Những người sống chung với trầm cảm thường có thể tự cô lập mình. Họ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với bạn bè và những người thân yêu. Đừng nản lòng nếu họ tránh bạn. Hãy đảm bảo tiếp tục mời họ dù bạn biết rằng họ có thể không tham dự được.

Hãy nhớ rằng sức khỏe tâm thần của bạn cũng rất quan trọng

Khi bạn quan tâm đến một người đang sống chung với trầm cảm, bạn sẽ muốn từ bỏ tất cả mọi thứ để ở bên cạnh và hỗ trợ họ. Muốn giúp đỡ một người bạn hoặc người thân là không sai, nhưng quan tâm đến nhu cầu của chính bản thân cũng rất cần thiết. Hãy đảm bảo rằng bạn không cảm thấy quá tải hoặc kiệt sức. Thỉnh thoảng, bạn có thể lùi lại một bước và chăm sóc, phục hồi sức khỏe tâm thần của mình.

Nguồn: Guide to Supporting Someone with Depression - Salience TMS Neuro Solutions

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:



Video liên quan

Chủ đề