Làng văn hóa các dân tộc việt nam mai châu

Một số tục lệ và truyền thống vẫn được người dân Mai Châu duy trì nhưng cũng nhiều tập tục khác đã phai nhạt dần theo thời gian.

Mai Châu có 6 nhóm dân tộc sinh sống, trong đó người Thái chiếm đa số với 65,14% dân số. Hai dân tộc có số dân cư đông tiếp theo lần lượt là người Mường và người Hmong. Sau một thời gian cùng chung sống, các đặc tính dân tộc dần dần bị pha trộn, ảnh hưởng lẫn nhau. Một số tục lệ và truyền thống vẫn được người dân duy trì nhưng cũng nhiều tập tục khác đã phai nhạt dần theo thời gian. Tuy nhiên, du khách vẫn có thể dễ dàng phân biệt được từng nhóm người thông qua trang phục, lối sống, âm nhạc, cũng như các yếu tố khác.

1. Dân tộc Thái

Nhóm người Thái sinh sống tại Mai Châu là người Thái trắng. Tên gọi Thái trắng bắt nguồn từ trang phục áo trắng của phụ nữ. Người Thái thường dựng nhà gần suối hoặc các nơi có nguồn nước. Nhà của họ có hình chữ nhật, làm hoàn toàn từ gỗ, tre, mái lợp cọ và xây cao trên mặt đất từ 1,5 đến 2 mét. Khoảng trống dưới sàn nhà được người Thái dùng làm kho lưu trữ dụng cụ nông nghiệp hoặc làm nơi nuôi gia súc.

.jpg)

Một căn nhà sàn truyền thống của người Thái Mai Châu

Trang phục của phụ nữ Thái trắng là váy dài màu đen và một chiếc áo cánh màu trắng (hoặc xanh lá, đỏ, tím), ngắn tay, ôm sát lấy cơ thể, dài đến ngang eo. Một mảnh vải bản ngang rộng, thêu màu sắc, quấn ngang eo, giúp che khoảng da hở giữa áo với cạp váy. Trang sức gồm có bộ vòng tay bằng bạc và khuyên tai nhỏ. Trái với nữ giới, trang phục của nam giới khá đơn giản với quần áo đều màu đen, áo có hàng cúc may dọc thân trước áo.

Thời xưa, mỗi làng của người Thái thường có ít nhất một thầy mo, gọi là pou mor. Họ giúp làm lễ chữa bệnh cho người ốm, giải đáp các giấc mơ, tìm kiếm đồ bị mất và tham gia vào các sự kiện quan trọng của làng.

Người Thái rất thích lễ hội. Trên thực tế, họ có khá nhiều lễ hội tổ chức quanh năm. Trong các dịp hội hè, người Thái thường cùng nhau biểu diễn các điệu múa truyền thống trong âm thanh của chũm chọe, chiêng, và trống. Họ dùng các bài hát và điệu múa để cảm ơn thần linh, đất trời, và tổ tiên đã ban tặng mùa màng bội thu và bình an, sức khỏe.

2. Dân tộc Mường

Người Mường là một trong những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại vùng núi phía Bắc Việt Nam. Người Mường thích xây nhà trên sườn đồi hoặc ven sông, suối, xa các trục giao thông chính. Nhà của người Mường là nhà sàn, lợp lá, tường làm từ những thanh tre chẻ. Họ xây nhà trên cọc gỗ chắc chắn, có hiên rộng làm nơi đan lát, làm nghề thủ công và tiếp khách.

.jpg)

Cô gái người Mường đang dệt vải (Ảnh: Internet)

Trang phục của phụ nữ Mường là sự pha trộn của trang phục người Thái, người Việt, và người Trung Quốc. Đó là một chiếc áo ngắn, bó sát màu trắng, dài tay và một chiếc váy bó, dài đến mắt cá chân. Phụ nữ Mường thường búi tóc, cố định bằng mảnh vải trắng, rồi thả phần đuôi của mảnh vải tự do trên lưng. Xa xưa, phụ nữ Mường thường tự tay may và dệt quần áo cho mình trong khi quần áo của người đàn ông thì được mua bên ngoài.

Người Mường vốn khéo tay nên rất giỏi trong việc săn bắn và đánh cá. Họ cũng là những nông dân giỏi nghề trồng lúa nước và cấy ruộng bậc thang. Ngoài lúa, họ còn trồng ngô, cà tím, cà chua, trồng vừng. Người Mường nuôi cả lợn, gà, và vịt để cung cấp thực phẩm cho cuộc sống hàng ngày. Người Mường nổi tiếng về lòng hiếu khách. Các bữa cơm đãi khách thường rất thịnh soạn, bất kể nhà giàu hay nhà nghèo.

Gia tài âm nhạc của người Mường là các câu chuyện dân gian nổi tiếng như Đẻ Đất Đẻ Nước, các bài hát nổi tiếng như Xéc Bùa, Hát Ví và các điệu múa truyền thống. Người Mường cũng rất nổi tiếng về các bộ chiêng của dân tộc mình.

3. Dân tộc H’mông

Người H’mông ở Mai Châu có dân số ít hơn người Mường và người Thái. Trong quá khứ, họ sống cuộc đời du mục, di chuyển đến vùng đất mới sau mỗi vụ mùa. Nhưng hiện nay, họ đã bắt đầu quen với lối sống định canh định cư để ổn định nơi ở lâu dài. Tại Mai Châu, người H’mông thường cư ngụ tại Hang Kia và Pà Cò là những nơi có địa hình núi cao, gồ ghề.

Cây gai đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người H’mông. Người dân trồng cây gai và thu hoạch sau ba tháng khi cây đã trưởng thành. Họ phơi khô thân cây, ngâm vào nước, rồi sau đó giã dập thân cây cho mềm trước khi dùng tay tước thân thành từng sợi nhỏ. Họ sẽ nối các sợi gai với nhau thành một sợi dây dài và dùng sợi gai dệt vải. Phụ nữ H’mông áp dụng kỹ thuật Batik để tạo nên những tấm vải gai màu xanh chàm nổi tiếng. Sáp ong nóng được sử dụng để vẽ các họa tiết phức tạp trước khi thêu với vải màu.

.jpg)

Vẽ sáp ong trên vải gai tại bản Pà Cò của người H'mông

Trong khi trang phục của phụ nữ H’mông rất nổi bật với nhiều màu sắc, trang phục của nam giới lại giản dị với màu đen chủ đạo. Đàn ông H’mông thường mặc quần ống khá rộng để thuận tiện cho việc leo núi. Tay áo trang trí với họa tiết thêu và thắt lưng vải là điểm nhấn của toàn bộ trang phục.

Người H’mông cũng có khá nhiều nhạc cụ, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là khèn. Khèn của người H’mông tạo thành từ 6 ống nứa và chỉ có đàn ông mới được phép chơi khèn. Trong các kỳ lễ hội, du khách rất dễ dàng gặp hình ảnh những chàng trai người H’mông trong trang phục truyền thống, say sưa vừa thổi khèn, vừa múa uyển chuyển và đầy đam mê trong âm nhạc của riêng mình.