Một tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được bảo hộ khi

Bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian theo quy định của pháp luật Việt Nam

Tóm tắt

Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sản phẩm sáng tạo tập thể trong quá trình lao động, học tập, sinh hoạt, phản ánh đời sống văn hóa và khát vọng cộng đồng của nhân dân. Đây được xem như di sản vô giá của dân tộc, kết tinh của những sáng tạo tinh thần của nhân dân ta, được gìn giữ và phát huy qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là loại hình tác phẩm rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai. Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến việc bảo hộ đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian sẽ là cơ sở quan trọng giúp bảo tồn, phát huy bản sắc và tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Xem thêm:

1. Khái niệm, đặc điểm và phân loại tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

1.1. Khái niệm tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian (tác phẩm VHNTDG) là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, được liệt kê tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019).

Theo khoản 1 Điều 23 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, tác phẩm VHNTDG là sản phẩm sáng tạo tinh thần của một tập thể, một cộng đồng trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác.

Có thể nói, tác phẩm VHNTDG là tài sản tinh thần chung của tập thể, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một cộng đồng bằng trí nhớ, bằng ngôn từ hoặc bằng thị giác, phản ánh một bản sắc văn hóa và xã hội cộng đồng. Ví dụ, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường, sử thi “Trường ca Đam San” của người Êđê, truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) của người Thái, hát bài chòi của một số địa phương miền Trung (Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên…), hát xoan (Phú Thọ), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế), truyện cổ tích Tấm Cám, truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh…

Một số điều ước quốc tế, pháp luật khu vực và pháp luật quốc gia đã có những sự điều chỉnh trực tiếp đối với tác phẩm VHNTDG và ghi nhận sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với loại hình tác phẩm này. Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật “xem tác phẩm VHNTDG như một loại đặc biệt của các tác phẩm khuyết danh”. Tác phẩm VHNTDG được xem như là kết quả của sự sáng tạo tập thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, danh tính tác giả của các tác phẩm này thông thường là không xác định được. Sự bảo hộ của loại hình tác phẩm này không phải vì lợi ích của cá nhân những người đã sáng tạo ra mà vì lợi ích của cả cộng đồng.

1.2. Đặc điểm của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

So với các loại hình tác phẩm khác, tác phẩm VHNTDG có những đặc thù riêng như tính tập thể, tính truyền miệng, tính dị bản và tính diễn xướng.

Tính tập thể: Tác phẩm VHNTDG thường là kết quả của quá trình sáng tác tập thể. Đầu tiên một người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận. Sau đó, những người khác tiếp tục lưu truyền và sáng tác lại làm cho tác phẩm biến đổi dần, hoàn thiện và phong phú thêm về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. Tác phẩm VHNTDG được xem như tài sản chung của mỗi tập thể; mỗi cá nhân đều có thể sửa chữa, bổ sung tác phẩm VHNTDG theo quan điểm và khả năng nghệ thuật của mình.

Tính truyền miệng: Tác phẩm VHNTDG được lưu giữ bằng phương thức truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Tính truyền miệng giúp cho tác phẩm VHNTDG lan tỏa nhanh đến nhiều người. Đặc trưng này một mặt làm cho tác phẩm VHNTDG được trau chuốt, hoàn thiện, phù hợp hơn với tâm tình của nhân dân lao động nhưng mặt khác cũng hình thành nên nhiều dị bản.

Tinh dị bản: Tính dị bản là hệ quả tất yếu từ tính truyền miệng của tác phẩm VHNTDG. Do được truyền miệng từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác nên tác phẩm VHNTDG được lưu giữ bằng trí nhớ. Mỗi người có một khả năng ghi nhớ khác nhau và khi tiếp nhận lại có những thay đổi ít nhiều theo văn hóa, tập tục, hiểu biết, cảm nhận, tâm tư, tình cảm của riêng mình để từ đó hình thành nên dị bản. Chính điều này nên cũng rất khó để xác định như thế nào là sáng tạo và làm giàu có thêm cho tác phẩm VHNTDG và như thế nào là bóp méo, xâm phạm tác phẩm ban đầu.

Tính diễn xướng: Nhờ vào các hình thức diễn xướng như nói, kể, hát, diễn, tác phẩm VHNTDG phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng, làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho nhân dân lao động. Diễn xướng là một phương thức giúp tác phẩm VHNTDG tồn tại và phát triển.

1.3. Phân loại tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

Tác phẩm VHNTDG rất phong phú về thể loại, bao gồm:

(i) Truyện, thơ, câu đố: truyện tiếu lâm, ngụ ngôn, sử thi, thần thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố…

(ii) Điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi: tuồng, chèo, cải lương, điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian…

(iii) Sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc….

Căn cứ vào hình thức biểu đạt, tác phẩm VHNTDG có thể được chia thành bốn loại:

– Thứ nhất, tác phẩm VHNTDG được thể hiện bằng ngôn từ (verbal expression) như ca dao, tục ngữ, câu đố, truyện tiếu lâm, ngụ ngôn, sử thi, thần thoại, truyền thuyết, câu đối…

– Thứ hai, tác phẩm VHNTDG được thể hiện bằng âm nhạc (musical expression) như hát xoan, hát xẩm, ca trù, quan họ, ví dặm, các điệu hò, tuồng, chèo, cải lương,…

– Thứ ba, tác phẩm VHNTDG được thể hiện bằng hành động, cử chỉ (expression by action) như các điệu múa, các nghi lễ dân gian,…

– Thứ tư, tác phẩm VHNTDG được thể hiện thông qua vật thể (expression in tangible forms) như tranh vẽ, tượng, phù điêu, nhạc cụ….

Căn cứ vào loại hình, tác phẩm VHNTDG có thể được chia thành hai loại:

– Thứ nhất, tác phẩm văn học dân gian (bao gồm truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện tiếu lâm, ca dao, tục ngữ, câu đố, sử thi…).

– Thứ hai, tác phẩm nghệ thuật dân gian (bao gồm các điệu hát, điệu múa dân gian, các nghi lễ dân gian, tranh dân gian, các loại hình nghệ thuật thủ công dân gian…).

2. Cơ chế bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian theo quy định của pháp luật hiện hành

2.1. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Tác phẩm có thể được định hình trên giấy, trên các chất liệu tương tự, trên gỗ, trên ổ đĩa, trên các phương tiện kỹ thuật số… Ví dụ, một bài hát có thể được thể hiện bằng những khuông nhạc trên giấy hoặc bằng bản thu âm. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, các hình thức vật chất định hình tác phẩm ngày càng trở nên đa dạng hơn. Việc định hình tác phẩm không chỉ dừng lại ở việc viết, in, vẽ, chụp, ghi âm, ghi hình, chạm khắc trên các hình thức vật chất cổ điển như giấy, vải, lụa, gỗ, đá, gốm, sành, sứ, xi măng, thủy tinh, kim loại,… mà còn trên những hình thức khác nhờ vào sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật như trên băng video, băng từ, ổ cứng, đĩa từ, đĩa CD, VCD, DVD, CD-ROM, đĩa vi tính và các loại thiết bị, phương tiện kỹ thuật số khác. Như vậy, theo quy định pháp luật Việt Nam, việc định hình dưới một hình thức vật chất là một điều kiện quan trọng để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Tuy nhiên, đối với tác phẩm VHNTDG quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (bao gồm truyện, thơ, câu đố, điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, nghi lễ, trò chơi dân gian và hội làng) thì yêu cầu về việc định hình dưới một hình thức vật chất không được đặt ra. Nói cách khác, các tác phẩm VHNTDG này vẫn được pháp luật bảo hộ mà không phụ thuộc vào việc định hình. Đây có thể được xem là một ngoại lệ đối với cơ sở xác lập quyền tác giả tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Ngoại lệ này xuất phát từ đặc thù của tác phẩm VHNTDG so với các loại hình tác phẩm khác. Tác phẩm VHNTDG là kết quả lao động sáng tạo trí tuệ của một tập thể, một cộng đồng, được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thường là dưới hình thức truyền miệng. Xuất phát từ đặc trưng mang tính truyền miệng nên nếu yêu cầu các tác phẩm VHNTDG phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định mới được bảo hộ thì sẽ không phù hợp. Thật vậy, rất nhiều điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn và các nghi lễ không được ghi chép lại hoặc định hình dưới các hình thức vật chất khác. Do vậy, việc buộc tất cả tác phẩm VHNTDG phải được định hình dưới một hình thức vật chất sẽ cản trở khả năng được bảo hộ của loại hình tác phẩm này và đi ngược lại với chính sách của Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của tác phẩm VHNTDG.

Đối với tác phẩm VHNTDG là sản phẩm nghệ thuật được biểu đạt trong một vật thể hữu hình như đồ họa, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới một hình thức vật chất (điểm d khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) thì yêu cầu về việc định hình là cần thiết. Đó là lý do mà Điều 18 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định “tác phẩm VHNTDG quy định tại các điểm а, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ được bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình”, còn tác phẩm VHNTDG quy định tại các điểm d khoản 1 Điều 23 của Luật này vẫn phải đáp ứng yêu cầu về việc định hình để được pháp luật bảo hộ.

Ngoài ra, tác phẩm VHNTDG được bảo hộ mà không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật. Điều này có nghĩa là nếu cho rằng các bài vè, bài ca dao, câu đối, truyện ngụ ngôn, các điệu hò, điệu múa, điệu hát hay các bức tranh dân gian,… phải đáp ứng những yêu cầu nghệ thuật nhất định mới được bảo hộ thì không chính xác. Bởi vì tác phẩm VHNTDG được bảo hộ mà không phân biệt nội dung hay chất lượng. Điều này xuất phát từ đặc điểm chung của quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được bảo hộ. Tuy nhiên, giống như tất cả các tác phẩm khác, tác phẩm VHNTDG chỉ được bảo hộ khi nội dung của tác phẩm không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, không có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia. Đây là chính sách chung của Nhà nước về sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

2.2. Phạm vi bảo hộ quyền đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị của tác phẩm VHNTDG, tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm VHNTDG phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo 12 đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm VHNTDG. Sử dụng tác phẩm VHNTDG ở đây được hiểu là việc sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm VHNTDG3. Theo khoản 5 Điều 18 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP thì dẫn chiếu xuất xứ loại hình tác phẩm VHNTDG là việc chỉ ra nguồn gốc, địa danh của cộng đồng cư dân nơi tác phẩm VHNTDG được hình thành. Ví dụ, khi sử dụng các bức tranh Đông Hồ để đưa vào một ấn phẩm (sách, báo, lịch…), các tổ chức, cá nhân phải chi rõ tên bức tranh (chẳng hạn: Đám cưới chuột, hứng dừa, đấu vật, đánh ghen…) và nơi xuất xứ (làng tranh Đông Hồ). Tuy nhiên, quy định tại Điều 23 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 chưa giải thích rõ thế nào là “giá trị đích thực” của tác phẩm VHNTDG. Ví dụ như nhạc sỹ Trần Tiến sử dụng các làn điệu dân ca như lý qua cầu, lý ngựa ô để sáng tác bài hát có ảnh hưởng đến “giá trị đích thực” của các làn điệu dân ca đó không…

Ngoài yêu cầu về việc các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm VHNTDG phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm VHNTDG thì Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 không đặt ra vấn đề liên quan đến nghĩa vụ trả tiền đối với việc sử dụng tác phẩm VHNTDG. Về vấn đề này, hiện nay có hai luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất đồng tình với quy định hiện tại của pháp luật sở hữu trí tuệ. Tức là các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm VHNTDG thì không phải trả phí cho việc sử dụng (nói cách khác là không phải thực hiện bất cứ một nghĩa vụ kinh tế nào) mà chỉ cần thực hiện nghĩa vụ về tinh thần là dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm VHNTDG được sử dụng. Quan điểm thứ hai cho rằng cần thiết phải thu phí khi các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm VHNTDG cho mục đích lợi nhuận. Đồng thời, pháp luật cũng cần có quy định liên quan đến việc sử dụng số tiền thu được, chẳng hạn như số tiền thu được từ việc sử dụng tác phẩm VHNTDG của các tổ chức, cá nhân sẽ được đưa vào quỹ phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm VHNTDG. Ý kiến cá nhân của tác giả đồng tình với quan điểm này. Bởi lẽ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các loại hình tác phẩm VHNTDG có nguy cơ bị mai một, thậm chí biển mất. Việc thu phí sử dụng khi các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm VHNTDG cho mục đích lợi nhuận nhằm để phục vụ trở lại công tác bảo tồn, gìn giữ các tác phẩm VHNTDG. Đó cũng chính là bảo tồn, gìn giữ các giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc. Ở đây, không phải mọi hành vi sử dụng tác phẩm VHNTDG đều bị thu phí. Nếu các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm VHNTDG nhằm mục đích cá nhân, nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm VHNTDG hoặc những trường hợp theo quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì không phải trả phí. Việc thu phí sẽ được đặt ra trong trường hợp sử dụng, khai thác các quyền tài sản đối với tác phẩm VHNTDG nhằm mục đích lợi nhuận. Việc thu và quản lý phí này nên được giao cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan. Khoản phí thu được sẽ được dành cho các hoạt động phát triển văn hóa, trong đó có bảo tồn tác phẩm VHNTDG.

2.3. Thời hạn bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Theo đó, các quyền nhân thân không gắn tài sản (khoản 1, 2, 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) được bảo hộ vô thời hạn. Quyền nhân thân gắn tài sản (khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) và các quyền tài sản (Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) được bảo hộ trong một thời hạn nhất định. Thời hạn bảo hộ cụ thể tùy thuộc vào từng loại hình tác phẩm. Hết thời hạn bảo hộ, tác phẩm thuộc về công chúng và mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả. Đối với quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản thì thời hạn bảo hộ như sau:

– Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Nếu các tác phẩm trên chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm được tính từ khi tác phẩm được định hình.

– Các tác phẩm khác có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết (hay gọi tắt là 50 năm PMA). Đối với tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Tuy nhiên, xuất phát từ tính tập thể và tính truyền miệng nên tác phẩm VHNTDG thường không thể xác định được chính xác tác giả. Do vậy, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm VHNTDG rất khác so với các loại tác phẩm khác. Các quyền nhân thân gắn với tác phẩm VHNTDG (quyền được dẫn chiếu xuất xứ, bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực, không xuyên tạc tác phẩm…) được bảo hộ vô thời hạn. Còn thời hạn bảo hộ đối với các quyền tài sản gắn với tác phẩm VHNTDG thì hiện nay pháp luật sở hữu trí tuệ chưa có quy định riêng cho loại hình tác phẩm này mà chỉ có quy định chung tại khoản 2 Điều 27. Nếu căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì tác phẩm VHNTDG có thời hạn bảo hộ đối với các quyền tài sản là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Tuy nhiên, do thường là sáng tạo của cộng đồng, không thể xác định chính xác tác giả của tác phẩm nên có thể nói thời hạn bảo hộ đối với các quyền tài sản gắn với tác phẩm VHNTDG là không xác định.

3. Kết luận

Bảo hộ tác phẩm VHNTDG giúp gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc được kết tinh trong các tác phẩm VHNTDG. Nếu không bảo hộ thì các tác phẩm VHNTDG có nguy cơ bị mai một, thất truyền, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế 8. Để thực hiện điều này, việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm Á 18 VHNTDG phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm VHNTDG, không xuyên tạc, bóp méo tác phẩm là điều hết sức cần thiết. Thậm chí, chúng ta phải xem xét đến việc thu phí khi các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm VHNTDG cho mục đích lợi nhuận nhằm để có thêm nguồn kinh phí phục vụ trở lại công tác bảo tồn, gìn giữ loại hình tác phẩm này. Ngoài ra, bảo hộ tác phẩm VHNTDG còn là để công nhận nguồn gốc sáng tạo tác phẩm, tôn trọng công sức sáng tạo của các tác giả và đồng thời chống lại những hành vi xâm phạm, nhất là hành vi bóp méo, xuyên tạc nội dung, vi phạm giá trị đích thực của các tác phẩm VHNTDG. Việc hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm VHNTDG sẽ giúp tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho công tác bảo tồn và phát huy loại hình tác phẩm đặc biệt này, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi mà các giá trị văn hóa dân gian truyền thống có nguy cơ bị mai một, lãng quên hay bị thay thế bởi văn hóa ngoại lai.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật.
  2. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2014/QH14.
  3. Lê Nết (2006), Quyền sở hữu trí tuệ, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
  5. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2019), Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam (tái bản, có sửa chữa, bổ sung), Nxb Hồng Đức. 6. P.V. Valsala G. Kutty (2002), National experiences with the protection of expressions of folklore, Traditional cultural expressions: India, Indonesia and The Philippines, WIPO.
  6. Luo Li (2014), Intellectual Property protection of traditional cultural expressions, Springer International Publishing.
  7. Lucas-Schloetter (2004), “Folklore” in Indigenous Heritage and Intellectual Property, ed. S. von Lewinski (The Hague, Netherlands, Kluwer).

Nguyễn Trọng Luận – ThS. GV Khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật TP. HCM.

Share by Fanpage Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn

Video liên quan

Chủ đề