Mục đích ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là phương pháp giảng dạy tiến bộ, khoa học và hiệu quả, đã và đang dần được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ mang đến những thông tin chi tiết hơn, cũng như cách thức sinh hoạt chuyên môn về phương pháp này cho đội ngũ giáo viên các trường.

Sinh hoạt chuyên môn dạy học theo hướng nghiên cứu bài học: Giới thiệu sơ lược

Nghiên cứu bài học là thuật ngữ chỉ một phương pháp nâng cao năng lực sư phạm của giáo viên có nguồn gốc từ Nhật Bản. Khái niệm này đề cập đến việc nghiên cứu và cải thiện chất lượng dạy học thông qua các nội dung bài học cụ thể, trong đó học sinh là trọng tâm. Từ đó, thầy cô có thể thay đổi cách truyền đạt, hướng dẫn học sinh sao cho hiệu quả nhất.

Quá trình nghiên cứu và đổi mới dạy học theo hướng nghiên cứu bài học thường dựa trên các câu hỏi như:

  • Học sinh tiếp thu và học hỏi như thế nào?
  • Học sinh có đang gặp phải vấn đề hay khó khăn gì trong việc học hay không?
  • Nội dung dạy học hiện tại có phù hợp và tạo được hứng thú học tập cho học sinh hay không?
  • Kết quả học tập hiện tại của học sinh ra sao, có tiến bộ so với trước hay không?
  • Nội dung dạy học hiện tại có cần điều chỉnh không? Nếu có thì điều chỉnh những gì và như thế nào?

Mục đích ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Việc thực hiện giảng dạy định hướng nghiên cứu bài học có những lợi ích thiết thực sau đây:

  • Nghiên cứu bài học là mô hình giúp người dạy học phát triển chuyên môn và năng lực, giúp giáo viên thấu hiểu học sinh và truyền tải bài học hiệu quả hơn.
  • Nghiên cứu bài học lấy học sinh làm trung tâm, tất cả đều nhằm mục đích giúp các em củng cố, đào sâu kiến thức và nâng cao kỹ năng mềm;
  • Hoạt động này cũng giúp các giáo viên trong tổ bộ môn tăng cường hoạt động hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

3 bước tổ chức sinh hoạt chuyên môn “Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học” cho giáo viên

Để tổ chức một buổi chuyên đề sinh hoạt cho giáo viên về phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học, chúng ta sẽ tiến hành theo quy trình 3 bước, bao gồm: Chuẩn bị bài giảng minh họa, tổ chức dự giờ và dạy minh họa, cuối cùng là trao đổi, thảo luận về buổi học vừa tổ chức. 

Bước 1: Chuẩn bị nội dung dạy học theo hướng nghiên cứu bài học minh họa

Ở bước đầu tiên này, giáo viên cần xác định mục tiêu hướng đến là kiến thức và kỹ năng mà học sinh sẽ có được từ phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học. Mục tiêu cụ thể sẽ khác nhau theo chuẩn riêng của từng bộ môn. Từ mục tiêu đặt ra, các giáo viên thuộc tổ bộ môn của trường sẽ cùng nhau đào sâu chi tiết về nội dung bài học, phương pháp và phương tiện giảng dạy, cách tổ chức giảng dạy theo năng lực của học sinh, cách giúp học sinh trau dồi kỹ năng và hướng dẫn các em ứng dụng những gì đã học vào thực tế. Đồng thời, giáo viên cũng cần dự tính trước những khó khăn cũng như thách thức mà học sinh có thể phải đối mặt khi tham gia các hoạt động học tập thử nghiệm này, kèm theo giải pháp xử lý. 

Bài giảng minh họa theo phương pháp mới không nên phụ thuộc quá nhiều vào nội dung có sẵn trong sách giáo khoa, mà nên có thêm sự sáng tạo, linh hoạt và mang tính ứng dụng cao. Bài giảng nên gần gũi với học sinh, kích thích sự chú ý và hào hứng tìm hiểu của các em.

Bước 2: Tổ chức buổi dự giờ minh họa phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học

Đây được xem là bước quan trọng nhất trong quy trình nghiên cứu và sinh hoạt chuyên môn về một phương pháp dạy học. Đầu tiên, về việc dạy minh họa, giáo viên chỉ tiến hành dạy học theo giáo án đã chuẩn bị sẵn mà không có sự tập dượt từ trước. Không gian lớp học cần được bố trí sao cho giáo viên dự giờ có thể quan sát được hoạt động học tập của cả lớp. Các hoạt động diễn ra trong tiết học minh họa phải đảm bảo không vượt quá thời lượng của một tiết học thông thường. 

Mục đích ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Trong buổi dự giờ, sẽ có sự tham gia của Ban giám hiệu và giáo viên trường. Người dự giờ sẽ tập trung quan sát và ghi nhận lại hoạt động, biểu hiện của học sinh trong buổi học nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến các em. Sự quan sát này sẽ giúp người dự giờ đánh giá được học sinh có chăm chú hay không, có hứng thú với bài học không và có hiểu bài hay không. Trong buổi học, học sinh có đóng góp xây dựng bài không. Ngoài ra, đội ngũ dự giờ còn chú ý đến cả những học sinh thụ động, không phát biểu hoặc có biểu hiện chưa hiểu bài; từ đó nghiên cứu lại vấn đề các em đang gặp phải là gì để tìm ra phương án cải thiện phù hợp.

Việc thường xuyên tổ chức dạy minh họa và dự giờ sẽ giúp giáo viên trực tiếp đứng lớp được thực hành dạy học theo hướng nghiên cứu bài học nhiều hơn, từ đó phát hiện ra những điểm cần cải thiện. Ngoài ra, sự quan sát và góp ý của người dự giờ cũng sẽ giúp ích cho việc phát triển phương pháp giảng dạy của thầy cô đứng lớp.

Bước 3: Thảo luận về tiết dạy học theo hướng nghiên cứu bài học vừa tổ chức và rút kinh nghiệm

Sau khi tổ chức thành công bài giảng minh họa, các giáo viên sẽ cùng nhau thảo luận về tiết học đó. Một số vấn đề gợi ý được nêu ra trong buổi họp bao gồm:

  • Đâu là những điều mà giáo viên rút ra được sau buổi dạy minh họa?
  • Đâu là những điểm tốt mà thầy và trò đã gặt hái được sau buổi học?
  • Đâu là những vấn đề, hạn chế vẫn còn tồn đọng?
  • Với những học sinh có biểu hiện đặc biệt, ví dụ tỏ ra không hiểu, không chú ý, thụ động trong tiết học, cần tìm hiểu xem nguyên nhân là gì.
  • Học sinh có phản ứng tích cực với nội dung và cách dạy mới hay không?
  • Các học sinh học kém có nhận được sự chú ý và quan tâm từ phía giáo viên trong buổi học hay không?

Mục đích ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Để buổi sinh hoạt chuyên diễn ra trong bầu không khí cởi mở, không áp lực, giáo viên chủ trì cần tích cực lắng nghe và đưa ra các góp ý khéo léo nhằm dẫn dắt buổi thảo luận đi đúng hướng và đạt được kết quả như mong muốn. Các giáo viên bộ môn khi đưa ra góp ý cần dựa trên mục tiêu của bài học và hạn chế áp đặt các quan điểm, ý kiến mang tính phiến diện, cá nhân. Sau khi kết thúc thảo luận, giáo viên có thể cùng nhau đưa ra các biện pháp cải thiện cho buổi học lần sau. 

Nhìn chung, phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học nếu được nghiên cứu và tiến hành bài bản, từ đó đưa vào ứng dụng trong dạy học hằng ngày, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Giáo viên sẽ được nâng cao năng lực chuyên môn, còn học sinh sẽ được tham gia các tiết học hấp dẫn và chất lượng hơn.

Tổ chức nâng cao chất lượng dạy Chương trình sách giáo khoa mới 2018  gắn với Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, giúp chất lượng dạy học của các nhà trường ngày một vững mạnh hơn.

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là hoạt động giáo viên cùng nhau học tập từ thực tế việc học của học sinh. Ở đó giáo viên cùng nhau thiết kế kế hoạch học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ ( tập trung chủ yếu vào việc học của học sinh). Đồng thời đưa ra những nhận xét về sự tác động của lời giảng, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập mà giáo viên đưa ra,…có ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hằng ngày một các có hiệu quả.

Mục đích ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Chuyên đề Định hướng Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tại trường Tiểu học An Hòa

Mục đích ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

Hôm nay ngày 22/3/2021, phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã tổ chức Chuyên đề Định hướng Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tại trường Tiểu học An Hòa. Thông qua buổi chuyên đề các đồng chí Ban Giám hiệu các trường, các đồng chí Tổ trưởng chuyên môn khối 1 đến từ các trường trên địa bàn quận Cầu Giấy đã có cơ hội giao lưu, chia sẻ, nắm rõ hình thức tổ chức và nội dung buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Tất cả các thành viên đã được tham gia đóng góp ý kiến, được nắm bắt và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Phòng GD&ĐT đã đồng thời chỉ đạo các nhà trường tăng cường số tiết dạy, số môn dạy để nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn trong các nhà trường, đặc biệt chú trọng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên khối lớp 1, đang sử dụng sách giáo khoa mới. Buổi chuyên đề đã minh chứng rõ nét:

1. Thế nào là sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học (NCBH)?

- Là hoạt động chuyên môn nhưng ở đó giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học (học sinh).

- Không tập trung vào việc đánh giá giờ học, xếp loại giáo viên mà nhằm khuyến khích giáo viên tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn và có biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho HS được tham gia vào quá trình học tập; giúp giáo viên có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

2. Các bước tiến hành Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học:

     Chu trình gồm 4 bước:

- Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu.

- Tiến hành bài học và dự giờ.

- Suy ngẫm, thảo luận về bài học nghiên cứu.

- Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày.

* Bước 1. Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu

         Cần xác định mục tiêu kiến thức và kĩ năng mà học sinh cần đạt được khi tiến hành nghiên cứu. Mục tiêu bài học được nghiên cứu, được đề xuất bởi một thành viên trong tổ chuyên môn, sau đó được góp ý, hoàn thiện qua Sinh hoạt chuyên môn.

         Các giáo viên sẽ có một một cuộc thảo luận chi tiết, cụ thể bài học tiến hành nghiên cứu như:

- Đặt câu hỏi xem đây là loại bài học gì?

- Cách giới thiệu bài học như thế nào?

* Bước 2. Tiến hành bài học và dự giờ

  Sau khi hoàn thành kế hoạch dạy học chi tiết, một giáo viên sẽ dạy minh hoạ bài học nghiên cứu ở một lớp cụ thể.

*Các yêu cầu cụ thể của việc dự giờ như sau:

          + Chuẩn bị lớp dạy minh hoạ, bố trí lớp có đủ chỗ ngồi quan sát thuận lợi cho người dự.

            + Điều chỉnh số lượng người dự ở mức vừa phải, không quá đông.

        + Việc dự giờ cần đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, không gây khó khăn cho người dạy minh hoạ.

*Giáo viên cần quan sát học sinh học, cách phản ứng của học sinh trong giờ học, cách làm việc nhóm, những sai lầm học sinh mắc phải. Quan sát tất cả đối tượng học sinh, không được “bỏ rơi” một học sinh nào.

*Từ bỏ thói quen đánh giá giờ dạy của giáo viên, người dự cần học tập, hiểu và thông cảm với khó khăn của người dạy. Đặt mình vào vị trí của người dạy để phát hiện những khó khăn trong việc học của học sinh để tìm cách giải quyết.

* Bước 3. Suy ngẫm, thảo luận về bài học nghiên cứu

   - Suy ngẫm và chia sẻ các ý kiến của giáo viên về bài học sau khi dự giờ. Các ý kiến đưa ra nhiều hay ít, tinh tế và sâu sắc hay hời hợt và nông cạn sẽ quyết định hiệu quả học tập, phát triển  năng lực của tất cả giáo viên tham gia vào Sinh hoạt chuyên môn.

  -  Người dự tập trung quan sát việc học của học sinh, đưa ra bằng chứng về những gì họ nhìn thấy được về cách học, suy nghĩ, giải quyết vấn đề của học sinh trên lớp học, để rút kinh nghiệm, bổ sung, đưa ra biện pháp nâng cao hiệu quả.

  - Mọi người phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau khi thảo luận, không nên quan tâm đến các tiêu chuẩn truyền thống của một giờ dạy.

- Tuyệt đối không xếp loại giờ dạy minh hoạ trong Sinh hoạt chuyên môn. Bởi giờ dạy là sản phẩm chung của mọi người khi tham gia Sinh hoạt chuyên môn.

* Bước 4. Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày

- Sau khi thảo luận về tiết dạy đầu tiên, tất cả cùng suy ngẫm xem có tiếp tục thực hiện nghiên cứu bài học này nữa không? Nếu bài học nghiên cứu vẫn chưa hoàn thiện thì cần tiếp tục nghiên cứu để tiến hành dạy ở các lớp sau cho hoàn thiện hơn.

- Cuối cùng các giáo viên viết bài báo cáo vạch ra những gì họ được học liên quan đến chủ đề nghiên cứu và mục tiêu của họ trong giảng dạy.

3. Tổ chức thực hiện Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

3.1. Điều kiện để thực hiện nghiên cứu bài học

- Nhóm giáo viên hợp tác xây dựng giáo án.

- Tiết học minh hoạ là tiết học như bình thường hàng ngày.

- Phát giáo án của tiết học cho giáo viên dự giờ.

- Vị trí giáo viên dự giờ có thể quan sát được nét mặt của học sinh.

- Các giáo viên cần học cách quan sát.

- Nêu lại những ấn tượng của mình khi quan sát học sinh học.

- Chỉ ra thực tế và có bằng chứng (quay video, chụp ảnh)

Không đánh giá giờ dạy của giáo viên.

- Sự ủng hộ từ phía lãnh đạo.

3.2. Tổ chức thực hiện Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

*Giai đoạn thứ nhất: Hình thành cách dự giờ, suy ngẫm, xây dựng quan hệ đồng nghiệp mới

     Trong giai đoạn này, Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học cần tập trung thực hiện các mục tiêu sau:

- Luyện tập cách quan sát và suy nghĩ về việc học của học sinh trong giờ học, có khả năng phán đoán nhanh nhạy, chính xác để điều chỉnh việc dạy phù hợp, việc học của học sinh.

- Làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cảm nhận của giáo viên về học sinh trong từng hoàn cảnh khác nhau.

- Hình thành thói quen lắng nghe lẫn nhau; rèn luyện cách chia sẻ ý kiến, từ đó hoàn thành mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện, cộng tác và học tập lẫn nhau.

*Giai đoạn thứ hai: Tập trung phân tích các nguyên nhân, các mối quan hệ trong giờ học và tìm biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng các bài học.

- Đi sâu nghiên cứu, phân tích các phương án dạy học đáp ứng tối thiểu việc học của học sinh, các mối quan hệ trong lớp học, các kĩ năng cần thiết để nâng cao chất lượng việc học của học sinh.

- Tăng cường, vận dụng, thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo khi dạy minh hoạ, lấy học sinh làm trung tâm đều được vận dụng, trải nghiệm trong Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

- SHCM nên tổ chức càng nhiều lần càng tốt.

4. Các lợi ích có được khi tham gia nghiên cứu bài học

- Học cách quan sát tinh tế, nhạy cảm việc học của học sinh.

- Hiểu sâu, rộng hơn về học sinh và đồng nghiệp.

- Cùng nhau xây dựng và tạo nên văn hoá nhà trường.

- Tạo cơ hội cho Cán bộ quản lý, giáo viên hiểu về quy định, chính sách của ngành và công việc của mỗi giáo viên.

- Tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng dạy học tích cực, lấy việc học của học sinh làm trung tâm của giáo viên khi tham gia Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

   Giáo dục Tiểu học quận Cầu Giấy luôn tìm tòi những hướng đi mới, cách làm mới để duy trì và phát triển chất lượng giáo dục. Đây cũng là thế mạnh để chất lượng giáo dục của quận Cầu Giấy luôn được các cấp các ban ngành đánh giá cao. Việc tổ chức nâng cao chất lượng dạy Chương trình sách giáo khoa mới 2018 đã được gắn với Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, giúp chất lượng dạy học của các nhà trường ngày một vững mạnh hơn. Thật tự hào về Giáo dục Tiểu học quận Cầu Giấy.