Nấm tràm thường mọc ở đâu

Chị Thoa kể về những chuyến đi hái nấm tràm đầy thú vị vào các mùa nấm trước. Nghe đến nấm tràm đã lâu song chưa có cơ hội khám phá loại nấm vô cùng đặc biệt này, đúng dịp, chúng tôi ngỏ ý xin chị một buổi hẹn cùng đi hái nấm tràm. Chị vui vẻ nhận lời. Đúng một tuần sau, sau những ngày mưa dài, chúng tôi thực sự được trải nghiệm, được hòa vào không khí rộn ràng mùa hái nấm tràm vùng cao cùng đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Xuất phát 5 giờ sáng từ thị trấn Hồ Xá, chúng tôi vượt qua cầu Khe Cáy đến ngã tư thị trấn Bến Quan thì rẽ phải. Đây là con đường được bao quanh bởi vùng gò đồi với những đồi tràm, rừng tràm bao la, bát ngát. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi tìm đến được nhà chị Hồ Thị Vân ở thôn Khe Cát, theo sự liên hệ của chị Thoa. Ngôi nhà cách không quá xa ngọn đồi nên đi một lúc chừng 2km, chúng tôi đã đến được chân đồi tràm. Giờ này vừa bắt đầu buổi sáng nên khá đông người đi hái nấm. Mọi người gọi nhau í ới xôn xao cả một góc chân đồi. Người đi hái nấm rất đa dạng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ phụ nữ đến thanh niên, từ bác nông dân đến cậu học trò. Ai rãnh rỗi đều có thể đi hái nấm tràm, bất kể ngày nắng hay lúc mưa. Chúng tôi vượt qua con đường dốc và trơn hơn, vừa đi chị Vân vừa giới thiệu về loại nấm đặc biệt được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đồi núi này.

Ở miền Trung, nấm tràm có nhiều ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nấm tràm ở Vĩnh Linh thường mọc ở vùng gò đồi, những khu đồi tràm, rừng tràm thuộc các xã Vĩnh Long, Vĩnh Chấp nhưng nhiều nhất vẫn là 3 xã vùng cao Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê. Cứ vào độ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, những cơn mưa thu đầu tiên đổ xuống những rừng tràm cũng là thời điểm dưới các lớp lá, vỏ thân tràm mục, những khoảnh nấm tràm bắt đầu mọc lên. Đặc biệt, những ngày giao mùa, mưa nắng đan xen, nấm tràm đua nhau nở rộ, kín cả những gốc tràm. Nấm tràm thường mọc nhanh nhưng cũng chóng tàn, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 3 đến 5 ngày. Vậy nên người dân thường tranh thủ hái khi nấm vừa nhú lên khỏi mặt đất, khoảng 2 ngày sau mưa, đó cũng là lúc nấm tràm ngon nhất.

Chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào đồi tràm, càng vào sâu, không khí dường như càng trong lành hơn, tiếng mọi người trò chuyện, vui đùa, tiếng bước chân hối hả hòa quyện cùng tiếng chim hót líu lo, tiếng gió rì rào, mơn man tạo thành một bản nhạc rừng nghe rất lạ và vui tai. “Có nấm rồi!”, tiếng một cậu bé nhanh chân đi cách xa đoàn tìm nấm một khoảng khá xa mừng rỡ thông báo cho các bạn. Đám trẻ nhanh chóng truyền nhau, hăng hái chạy đến nơi cậu bé có làn da đen nhẻm ấy. Nhìn theo hướng đám trẻ, chị Vân bảo nấm tràm thường mọc thành từng cụm, nên khi phát hiện được một điểm nấm thì chắc chắn khu đó nấm còn rất nhiều. Hiểu được ý chị nói, chúng tôi tản ra, tìm nấm theo từng nhóm. Một góc đồi tràm chẳng mấy chốc đã kín bóng những người hái nấm. Quan sát kĩ, quả là khu vực quanh đó, nấm vừa nhú dày đặc. Nấm tràm nhận biết khá dễ, với hình dáng giống như một chiếc ô, tai nấm màu tím, bên trong và thân màu trắng ngà. Hái được những cây nấm đầu tiên, cảm giác thật khó tả. Đi tìm hái nấm như đang chơi trò trốn tìm vậy, người may mắn sẽ tìm được, người không may mãi chẳng thấy. Cùng đi chung với nhau, cùng hái một địa điểm nhưng có người hái được đầy giỏ, có người chưa được cây nào; tìm chưa được sẽ muốn tìm bằng được, tìm được một khoảnh nấm sẽ quyết tâm hái cho bằng hết mới về. Cứ thế hẳn đã có một sự cạnh tranh ngầm đầy thú vị giữa các gia đình, các nhóm, các cá nhân xem bên nào hái được nhiều nấm hơn. Và chính điều đó như thôi thúc mọi người tiến mãi, tìm mãi, hái mãi không muốn dừng…. Sau 2 giờ đồng hồ, chị Vân đã hái được một rổ cỡ lớn vừa đầy. Thấy số nấm của chúng tôi cũng được kha khá, chị cười động viên: “Chúng ta về thôi, còn kịp bán nấm”…

Chỗ bán nấm gồm những sạp nhỏ ngay bên lề đường Hồ Chí Minh. Lúc này, cũng khá nhiều gia đình đã ra và bày bán từ trước. Những sạp hàng cách nhau không quá xa, tất cả như tạo nên một phiên chợ nấm thu nhỏ. Hầu như gian hàng nào cũng có người đang hỏi mua nấm tràm, có cả những tiểu thương vừa đến thu mua nấm. Người biết ăn nấm mua rất nhiều, khách du lịch thì đa phần chưa biết, họ đi ngang qua thấy đông nên dừng lại hỏi, vậy nên những người bán vừa kiêm luôn hướng dẫn viên, bày vẽ tỉ mĩ cách chế biến nấm tràm thế nào cho ngon miệng. Tiếng trao đổi, trò chuyện làm huyên náo cả một đoạn đường dài. Nếu như trước đây, chỉ người dân bản địa sống tại những cánh rừng tràm mới biết ăn và lên đồi hái nấm, chia ra từng mẹt, từng rổ rồi bày bán ngay trước cửa nhà cho khách qua đường, thì nay, dần dần, món ngon này đã được nhiều người thị trấn biết đến, khách du lịch tìm mua, nhiều đến nỗi nấm tràm trở thành một món ăn đặc sản. Thấy được nguồn lợi từ đây, người dân rủ nhau đi hái nấm ngày một đông. Có ngày mỗi gia đình đông người có thể hái được từ 20 - 30 kg nấm, có khi lên đến trên 50 kg. Nhiều tiểu thương mùa vụ cất công đến tận nơi thu mua nấm tràm rồi mang về xuôi bán lại.

Anh Nguyễn Văn Sơn, một tiểu thương từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hằng năm, cứ đến mùa nấm tràm tôi cùng vợ lại vào đây thu mua về bán lẻ cho các hộ gia đình cũng như nhập vào các nhà hàng kinh doanh ăn uống. Nhiều khi nấm không đủ để cung ứng cho thị trường đang ngày càng được mở rộng. Ở xã Vĩnh Khê bà con rất chăm hái nấm tràm nên luôn có mối nấm tràm ổn định. Những mùa sau chúng tôi sẽ lại vào đây thu mua nấm tràm.”. Với giá gốc đầu mùa từ 10.000- 15.000/kg nấm nếu bán trực tiếp; xuống thị trấn, tăng lên dao động từ 20.000-25.000/kg, có gia đình thu được gần cả triệu đồng/ ngày, tiểu thương từ 200.000- 300.000/ngày. Đây là một khoản thu không hề nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn cũng như những tiểu thương mùa vụ.

Sau một hồi bán liền tay, chị Vân phấn khởi báo đã bán gần hết số nấm và thu về gần 400 ngàn đồng. Với số tiền này chị đủ mua sắm thêm sách vở, áo quần để 2 đứa con nhỏ đến trường thêm phần tươm tất. Niềm vui trong ánh mắt giản dị song thật quá đong đầy. Trên đường về nhà, chị bảo hôm nay sẽ đãi đoàn chúng tôi một món đặc biệt từ chính những cây nấm chúng tôi vừa hái được. Được biết, tùy mỗi vùng miền, tùy vào khẩu vị của từng gia đình, nấm tràm được chế biến thành nhiều món ngon, chẳng hạn như nấm xào khoai lang, nấm xào lòng heo, lẩu nấm, súp nấm… Nhưng dù với món nào, dân dã, mộc mạc hay cầu kì, chế biến món ăn từ nấm tràm đều phải đúng điệu. Và hôm nay, chúng tôi được biết thêm một cách nấu độc đáo, rất riêng của đồng bào dân tộc Vân Kiều: Cháo nấm tràm cà xanh. Trước tiên, hầm cháo bằng gạo cùng một ít xương heo. Trong lúc đợi gạo nở mềm sẽ gọt nấm. Khi gọt nấm, nhất là loại nấm tràm vừa nhú búp tròn, không nên chẻ ra mà để nguyên nhằm giữ vị. Gọt xong bỏ nấm vào nước muối pha loãng, ngâm một lúc, xả lại nước sạch, để ráo. Phi ít hành tím đến vàng dòn thì cho nấm vào xào chung, nêm nếm gia vị vừa thấm, bắc chảo ra khỏi bếp. Khi gạo nở hoa, trút chảo nấm cùng quả cà xanh đã bổ đôi vào nồi cháo, quấy nhẹ đều tay, đợi nồi cháo sôi lại rồi bắc xuống bếp. Cháo được múc ra bát lớn, bỏ thêm hành lá, rắc ít hạt tiêu, thêm khoanh chanh, khoanh ớt trái rồi dùng nóng. Thử một cây nấm nguyên, cảm nhận rất đắng, đúng như cái vị đặc trưng của nấm tràm mà người ta thường nhắc đến.

Thấy một anh trong đoàn nhăn mặt có lẽ vì đắng quá, ông Hồ Ang, bố chồng của chị Vân cười: “Nhiều người như chú ấy lắm, lúc đầu kiên quyết từ chối vì ngại đắng, song khi ăn được lần đầu sẽ có lần thứ hai và một khi đã ăn quen vài lần thì chính vị đắng của nấm lại khiến người ta muốn ăn mãi, nhớ mãi. Cũng như thuốc đắng dã tật, nấm đắng vậy nhưng lại có tác dụng thanh nhiệt trong cơ thể rất tốt, còn hiệu quả hơn cả chục thứ thuốc mát gan mát phổi bán dưới thị trấn ấy chứ…”. Quả vậy, nhai kĩ hơn và dần nuốt nhẹ, nấm sẽ cho vị ngọt thanh mát bất ngờ, tựa như lúc được thưởng thức chén trà ngon, nóng hổi vậy. Cứ thế, bỏ qua sự e ngại ban đầu, bát cháo của chúng tôi dần vơi đi. Những ngày vào thu tiết trời se se lạnh, thật thú vị khi được ngồi quây quần bên nồi cháo nấm tràm còn tỏa khói nghi ngút. Thưởng thức một bát cháo đầy đủ hương vị, vị ngọt béo từ gạo, xương kết hợp vị đắng, dai của nấm tràm, vị chát của cà xanh chưa chín hẳn, vị chua rất nhẹ, có mà như không của chanh; vị cay nồng của hạt tiêu, ớt và vị thơm rất đặc biệt của rau rừng…. Tất cả hòa quyện tạo thành một món ngon đặc trưng mang hương vị rất riêng nơi miền sơn cước.

Sẽ còn đó biết bao mùa nấm tràm nữa lại về cùng bà con trên các bản vùng cao này, những mùa nấm tràm rộn ràng tiếng cười và ấm áp lòng người.

Khi đến du lịch tại Quảng Bình vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 Âm lịch trong năm, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp một loại nấm đặc sản của vùng đất nơi đây được bày bán trong các khu chợ – nấm tràm. Dưới đây là những thông tin mà QBTravel muốn cung cấp cho du khách khi đến thăm Quảng Bình về loại nấm tràm có hương vị vô cùng độc đáo này.

Nấm tràm là một loại nấm thường phân bố ở vùng Bắc Mỹ và Đông Bắc châu Âu. Ở Việt Nam, đặc sản nấm tràm được tìm thấy nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế và khu vực miền nam như Phú Quốc, Hà Tiên. Đây là một loại nấm mang hương vị thơm ngon đặc trưng mà du khách nhất định phải nếm thử khi đến với Quảng Bình.

Nấm tràm là loại nấm có hình dạng khá đa dạng. Tai nấm màu tím nhạt, phần thân tròn và béo múp. Có hai loại nấm chính, một là nấm nhỏ mới nhú có búp tròn, hai là nấm lớn có phần tai cụp xuống trông như chiếc ô. Lúc còn non tai nấm mỏng và tấm tấm như sương mai, khi nấm trưởng thành thì mũ nấm trông sẽ mịn màng hơn. Thân nấm dài khoảng 4-20 cm có hình dạng cong cong mập mạp.

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nấm tràm Quảng Bình có màu tím nhạt, phần thân tròn béo múp

Bạn đã biết nấm tràm mọc ở đâu chưa? Giống như tên gọi của loài nấm này, nấm tràm thường mọc ở trên thân cây hoặc những đám lá cây mục dưới gốc cây tràm. Khu vực sườn đồi hay dọc theo những con suối là những nơi có thể tìm thấy nấm tràm Quảng Bình nhiều nhất. Nấm tràm có thể coi là một món ăn đặc sản Quảng Bình của người dân vì chúng sinh sôi rất nhiều ở nơi đây.

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nấm tràm thường mọc trên những đám lá cây mục dưới gốc cây tràm

Mỗi năm có hai mùa nấm tràm vào khoảng tháng 4 và tháng 7 Âm lịch. Nấm tràm thường mọc lên sau những cơn mưa đầu mùa trong các rừng tràm rậm rạp . Đặc biệt là vào mùa thu khi những cơn mưa trút xuống những khu rừng tràm cũng là lúc những cây nấm tràm béo múp thi nhau mọc lên. Nấm tràm Quảng Bình sinh trưởng nhanh nhưng cũng chóng tàn, vòng đời chỉ kéo dài trong khoảng 5-7 ngày. Bởi vậy, tuy gọi là mùa nấm tràm nhưng thực ra thời gian người dân có thể lên rừng hái nấm cũng chỉ diễn ra trong khoảng một tuần lễ.

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Người dân tìm hái nấm tràm khi đến mùa

Có lẽ bạn đang thắc mắc, vậy nấm tràm ăn được không? Câu trả lời là có, hơn nữa nấm tràm Quảng Bình còn là một món ăn đặc sản rất được ưa chuộng. Không giống với vị ngọt của các loại nấm khác, đặc sản nấm tràm có vị đắng tương đối lạ miệng. Do nấm tràm ký sinh trên thân cây tràm có vị đắng cho nên mới ăn lần đầu có thể sẽ không quen với hương vị độc đáo này của chúng. 

Vị đắng của nấm tràm không gay gắt như mướp đắng mà dịu hơn kèm theo hương vị beo béo. Càng về sau vị đắng càng dịu khiến bạn dần cảm nhận được vị ngọt vương lại trong khoang miệng. Nấm tràm mang hương vị ngai ngái của mặt đất sau cơn mưa sẽ khiến bạn có một trải nghiệm vị giác cực kỳ thú vị. 

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nấm tràm có hương vị thơm ngon và lạ

Theo kinh nghiệm của người dân, những búp nấm nhỏ thường có vị ngọt thanh và thơm ngon hơn, nấm lớn sẽ mang vị đắng trội hơn nhưng vẫn đi kèm vị ngọt. Nếu là lần đầu tiên thưởng thức món ăn này thì bạn nên lựa chọn những búp nấm nhỏ để chế biến sẽ mang lại hương vị ngon hơn.

Nấm tràm có hương vị thơm ngon lạ miệng, vậy ăn nấm tràm có tốt không? Hãy cùng điểm xem những tác dụng của nấm tràm dưới đây để hiểu hơn về loại nấm này nhé.

Nấm tràm là một loại thực phẩm rất giàu vitamin nhóm B, D và các loại khoáng chất khác như sắt, kẽm. Hàm lượng protein trong nấm cũng rất cao so với các loại thịt động vật, trong khi đó lượng chất béo lại ít hơn rất nhiều. Do đó, nấm tràm là một loại thực phẩm có thể giúp cơ thể bổ sung và cân bằng các chất dinh dưỡng thiết yếu, phù hợp cho người mới ốm dậy cần phải bồi bổ sức khỏe.

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nấm tràm có hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe

Nấm tràm chứa rất nhiều chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn sự phát triển của các khối u. Chất selenium chứa trong nấm tràm cũng hỗ trợ tiêu viêm, thu nhỏ kích thước các khối u một cách hiệu quả.

Tuy nấm mang tính ấm nhưng không hề nóng, hiệu quả trong việc thanh nhiệt giải độc cơ thể của nấm tràm cũng rất được đề cao. Người dân thường kết hợp nấm tràm với các loại rau có tính mát như rau khoai lang, lá lốt giúp làm giảm chứng nóng rất hiệu quả.

Đến du lịch tại Quảng Bình bạn sẽ dễ dàng bắt gặp nấm tràm Quảng Bình được bày bán tại khác khu chợ, siêu thị hoặc nhà hàng với đủ loại nấm tươi, nấm khô. Nếu bạn mua nấm tươi vào chính vụ thì giá bán khá rẻ khoảng từ 20.000 – 25.000đ một cân. Nhưng nếu mua ở các khu vực khác thì giá bán sẽ cao hơn do chi phí vận chuyển và bảo quản nấm. 

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nấm tràm được bán với giá không quá cao

Đặc sản nấm tràm tươi đã qua sơ chế tại các siêu thị, nhà hàng sẽ có giá khoảng 150.000 – 200.000đ một cân tùy theo giai đoạn thu hoạch. Ngoài ra nấm tràm sấy khô dùng để sử dụng lâu dài cũng là một mặt hàng được ưa chuộng với giá khoảng 500.000đ/kg.

Nấm tràm Quảng Bình sau khi được hái về sẽ được người ta đem gọt bỏ đi phần chân, cạo đi lớp màng bên ngoài của nấm để giảm bớt độ đắng. Sau khi cạo bỏ lớp màng bên ngoài thì đem đi rửa với nước lạnh một vài lần sau đó ngâm trong nước muối nhạt tầm 5 phút để loại bỏ đi độ nhớt sau đó với đem đi chế biến.

Nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị độc đáo, nấm tràm đã trở thành một loại thực phẩm được người dân Quảng Bình vô cùng ưa chuộng. Đến với Quảng Bình bạn sẽ có cơ hội thưởng thức nấm tràm với rất nhiều cách chế biến khác nhau. Nấm tràm làm gì ngon, hãy cùng QBTravel lưu lại những món dưới đây để làm phong phú thêm cho thực đơn gia đình nhé!

Nấm tràm kho tiêu là một món ăn có hương vị thơm ngon khó cưỡng, rất đưa cơm và được nhiều người yêu thích. Cách chế biến món ăn này cũng rất đơn giản, rất nhanh bạn sẽ có được một món kho chay lạ miệng trong bữa cơm gia đình.

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nấm tràm kho tiêu cực kỳ đưa cơm

Một trong những cách kho nấm tràm ngon mà du khách có thể tham khảo đó là:sau khi sơ chế, đem nấm tràm đi trụng qua nước sôi để khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Phi thơm tỏi, cho nấm vào xào sơ. Cho một chút muối, hạt nêm, nước tương, ớt băm nhuyễn vào bát khuấy đều rồi đổ hỗn hợp này vào chảo nấm. Chờ cho nước cạn dần rồi cho tiêu vào và tắt bếp. Nấm tràm kho tiêu ăn cùng với cơm trắng cực kỳ đưa cơm.

Nấm tràm xào cũng là một món ăn quen thuộc. Nấm tràm có thể xào cùng với tôm thịt hoặc đơn giản là xào với lá lốt, đặc biệt món nấm tràm xào lá lốt chính là một món ăn thông dụng trong bữa cơm của người dân Quảng Bình. 

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nấm tràm xào là một món ăn phổ biến với người dân Quảng Bình

Cách chế biến món ăn này cũng không quá phức tạp. Đầu tiên, bắc một chảo nóng trên bếp, cho một muỗng nhỏ dầu ăn cùng hành tím băm nhỏ vào phi thơm. Bạn có thể cho thêm thịt nạc xào xào săn để làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Sau khi thịt đã săn lại thì cho nấm vào đảo đều. Khi nấm đã nở ra và ngả sang màu trắng thì cho lá lốt vào đảo đều một lần nữa rồi tắt bếp. Món ăn được chế biến từ đặc sản nấm tràm mang hương vị béo ngậy, hơi đắng nhưng có vị ngọt đi kèm cực kỳ đưa cơm.

Bên cạnh các cách chế biến như kho, xào, nấu cháo thì nấm tràm Quảng Bình cũng thường được dùng để nấu canh. Canh nấm tràm thường được nấu cùng với thịt gà và rau khoai, là một món canh rất được ưa chuộng.

Nấm tràm sau khi sơ chế thì luộc sơ qua trong nước sôi, vớt ra ngâm với nước lạnh để giữ được độ giòn của nấm. Thịt gà chặt nhỏ thành từng miếng vừa ăn, rau cần tàu cắt khúc và rau khoai lang rửa sạch.

Bắc lên bếp một nồi nước tùy theo khẩu phần ăn, thả thịt gà đã sơ chế vào trước, có thể thêm tỏi hoặc tiêu để tăng thêm hương vị. Đợi đến khi nước sôi thì cho rau khoai lang vào, tiếp tục đun đến thi sôi thì nhanh tay thả nấm tràm vào nồi. Sau đó nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. 

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Canh nấm tràm là một món ăn thơm ngon bổ dưỡng

Món canh có vị béo ngậy của gà, vị đắng dịu của nấm tràm cùng rau khoai lang ngọt bùi chắc chắn sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm vị giác tuyệt vời.

Vậy khi chế biến nấm tràm chúng ta có cần phải lưu ý điều gì không? Nấm tràm không nên ăn cùng với gì? Hãy cùng QBTravel khám phá ngay dưới đây.

Nấm tràm nên nấu chín hoàn toàn để phát huy tối đa các chất dinh dưỡng, tránh nấu chín sơ sẽ khiến người dùng đầy bụng, khó tiêu. Nấm tràm có tính thanh nhiệt nên kiêng kỵ dùng với những đồ lạnh như nước đá sẽ gây lạnh bụng.

Khi chế biến nấm tràm không nên dùng quá nhiều dầu mỡ. Không chế biến nấm tràm bằng nồi nhôm  vì nấm tràm mang nhiều khoáng chất như sắt và canxi nếu để lâu trong nồi nhôm sẽ làm cho nấm bị oxy hóa chuyển sang màu đen.

Nấm tràm thường mọc ở đâu
Nên nấu chín hoàn toàn để nấm tràm phát huy tối đa các chất dinh dưỡng

Trên đây là những thông tin hữu ích về nấm tràm Quảng Bình, một loại thực phẩm thơm ngon bổ dưỡng mà bạn nên thưởng thức và mua về làm quà khi du lịch tại đây. QBTravel hy vọng bạn sẽ có được thêm nhiều kiến thức để làm phong phú thêm thực đơn cho gia đình mình cũng có thêm gợi ý cho chuyến du lịch Quảng Bình sắp tới.

⏩⏩⏩    BÀI VIẾT LIÊN QUAN    ⏪⏪⏪