Những công việc chủ yêu và phương pháp công tác của Chủ tịch công đoàn cơ sở

Nhiệm vụ, quyền hạn công đoàn cơ sở 

 Công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:


- Công đoàn cơ sở các cơ quan hành chính nhà nước.


- Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn.


- Công đoàn cơ sở cơ quan chuyên trách của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội.


- Công đoàn cơ sở các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao... của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang.


Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập


- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.


- Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Cùng với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội trong đoàn viên, người lao động.


- Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.


- Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức vận động đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.


- Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.


- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật.


Công đoàn cơ sở doanh nghiệp: bao gồm các loại hình doanh nghiệp được cấp phép thành lập theo Luật Doanh nghiệp.


Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở doanh nghiệp


- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.


- Đại diện tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; phối hợp với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ, mở hội nghị người lao động, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở, tổ hức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.


- Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phát triển sản xuất, kinh doanh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội.


- Giám sát việc thực hiện pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp; tham gia xây dựng thang bảng lương, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp.


- Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.


- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật.


Công đoàn cơ sở hợp tác xã


Công đoàn cơ sở hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là hợp tác xã) được thành lập trong các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giao thông vận tải, xây dựng; chế biến lương thực, thực phẩm; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản, thủy sản, lâm nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp không thuộc đối tượng tập hợp của tổ chức công đoàn.


Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở hợp tác xã


- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, nghị quyết đại hội thành viên và điều lệ hợp tác xã; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.


- Đại diện người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động (không phải là thành viên) giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Giám sát hội đồng quản trị thực hiện chế độ, chính sách, phân phối thu nhập, lợi nhuận đối với thành viên.


- Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia với hội đồng quản trị, lãnh đạo đơn vị để có biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống, phúc lợi của thành viên và người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động; thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở về tổ chức và lãnh đạo đình công; quản lý mạng lưới an toàn vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong hợp tác xã; vận động thành viên và người lao động tham gia các hoạt động, văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn.


- Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.


- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật.


Công đoàn cơ sở đơn vị sự nghiệp ngoài công lập


Công đoàn cơ sở đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thuộc các lĩnh vực dịch vụ, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao...


Nhiệm vụ, quyền hạn công đoàn cơ sở trong đơn vị sự nghiệp ngoài công lập


- Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.


- Xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động với người đứng đầu đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng của đơn vị có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; cùng với người đứng đầu đơn vị xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua; vận động người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội, hỗ trợ nhau trong công tác và khi gặp khó khăn.


- Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động với người đứng đầu đơn vị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Phối hợp với người đứng đầu đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, hội nghị người lao động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thay mặt người lao động thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.


- Tham gia xây dựng và giám sát thực hiện nội quy, quy chế, điều lệ của đơn vị, các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động.


- Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.


- Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật.

Công đoàn ngành

CHUYÊN ĐỀ

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CỦA CÁN BỘ

CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

I. CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

1. Cán bộ công đoàn

Cán bộ công đoàn là người được bầu vào các chức danh thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn (từ tổ phó tổ công đoàn trở lên); được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của công đoàn chỉ định hoặc bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Cán bộ công đoàn gồm cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách; cán bộ công đoàn cơ sở có chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên ban thường vụ, uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên uỷ ban kiểm tra công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn …

2. Phương pháp hoạt động công đoàn

a. Phương pháp thuyết phục

Thuyết phục là hoạt động có ý thức, mục đích, kế hoạch, bằng lý lẽ và việc làm mẫu mực, sự gương mẫu của cán bộ công đoàn để người lao động hiểu và tự nguyện tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức.

Muốn thuyết phục được người lao động, cán bộ công đoàn cần biết rõ đối tượng, để có nội dung, hình thức thuyết phục phù hợp, kiên trì dẫn dắt, hướng dẫn người lao động hành động theo mục tiêu đề ra. Đối tượng thuyết phục bao gồm: cán bộ, đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động, cần tìm hiểu về tâm lý, tư tưởng, trình độ của đối tượng.

Thực hiện phương pháp thuyết phục, người cán bộ công đoàn phải kiên trì, nhẫn nại tuyên truyền, vận động; cần kết hợp các biện pháp giáo dục, tâm lý, tình cảm, khuyến khích lợi ích và nêu gương để quần chúng tự giác tham gia hoạt động công đoàn.

b. Tổ chức cho người lao động hoạt động

Nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tích cực tham gia hoạt động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị và xây dựng công đoàn vững mạnh.

Để tổ chức cho người lao động hoạt động, các cấp công đoàn cần: Lựa chọn hình thức sinh hoạt hấp dẫn; nội dung sinh hoạt phù hợp với trình độ người lao động, với tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác của đơn vị.

Trong tổ chức hoạt động, càng thu hút được nhiều người tham gia thì hiệu quả càng cao; cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, thành lập các ban chuyên đề, tập hợp người nhiệt tình, có khả năng làm nòng cốt tham gia các hoạt động.

c. Xây dựng hệ thống quy chế và tổ chức hoạt động bằng quy chế

Hoạt động bằng quy chế là kết quả của việc vận dụng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo và nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ, chức năng công đoàn.

Hoạt động theo quy chế, tức là công đoàn thực hiện chức năng tham gia quản lý đơn vị.

Các loại quy chế cơ bản bao gồm: Quy chế hoạt động của ban chấp hành công đoàn, quy chế phối hợp giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở với người đứng đầu doanh nghiệp hoặc thủ trưởng đơn vị; quy chế dân chủ ở cơ sở.

Để xây dựng và hoạt động bằng quy chế, công đoàn phải chủ động xây dựng và tham gia xây dựng các quy chế và tổ chức hoạt động theo quy chế; cán bộ công đoàn phải am hiểu pháp luật, nắm vững chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, đặc điểm, tình hình đơn vị và tập hợp được mạng lưới có liên quan giúp công đoàn xây dựng và thực hiện quy chế.

Định kỳ tổ chức tổng kết, bổ sung, sửa đổi quy chế.

II. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

Vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Chủ tịch công đoàn cơ sở Vị trí, vai trò của Chủ tịch công đoàn cơ sở

Chủ tịch công đoàn cơ sở do ban chấp hành công đoàn cơ sở bầu ra hoặc đại hội công đoàn cơ sở trực tiếp bầu ra, được công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định  công nhận. Chủ tịch công đoàn cơ sở là người đứng đầu ban thường vụ, ban chấp hành có trách nhiệm điều hành hoạt động của ban thường vụ (nếu có), ban chấp hành. Chủ tịch công đoàn cơ sở là người đại diện theo pháp luật của ban chấp hành công đoàn cơ sở để bảo vệ, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động.

Nhiệm vụ của Chủ tịch công đoàn cơ sở

- Cùng ban chấp hành công đoàn cơ sở vận động, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn cấp trên và nghị quyết của công đoàn cơ sở trong công tác hoạt động của công đoàn cơ sở.

- Điều hành công việc hằng ngày: Chuẩn bị nội dung và chủ trì các cuộc họp ban Thường vụ, ban chấp hành

- Tổ chức, phân công, kiểm tra thực hiện chế độ làm việc của cán bộ công đoàn tại cơ sở.

- Thay mặt ban chấp hành tham gia ý kiến, bàn bạc, thống nhất, phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề có liên quan đến hai bên trong quan hệ lao động.

- Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, công đoàn cấp trên.

- Đôn đốc việc thu, nộp đoàn phí, kinh phí công đoàn.

Nội dung công tác của Chủ tịch công đoàn cơ sở

a. Nghiên cứu, nắm vững chế độ, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến người lao động, nghị quyết của công đoàn cấp trên, tình hình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và nhiệm vụ chính trị của đơn vị …

b. Nắm vững nội dung và tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

c. Xây dựng, triển khai thực hiện chương trình công tác của công đoàn cơ sở. Chỉ đạo hoạt động cử các uỷ viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn cơ sở thành viên (nếu có), ban chấp hành công đoàn bộ phận và tổ công đoàn.

d. Thực hiện công tác sơ kết, tổng kết và thực hiện chế dộ thông tin, báo cáo.

Phương pháp công tác của Chủ tịch công đoàn cơ sở Thuyết phục

Muốn thuyết phục tốt, chủ tịch công đoàn sơ sở phải thực hiện những yêu cầu sau:

- Phải liên hệ mật thiết, gần gũi với công nhân, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn để nắm vững tâm tư nguyện vọng của họ.

- Phải gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Nhiệt tình, tâm huyết với công tác công đoàn, chịu khó học hỏi, tìm hiểu, nâng cao trình độ, đặc biệt là các chế độ chính sách, pháp luật có liên quan đến người lao động.

- Có tinh thần trách nhiệm, trung thực, thẳng thắn đấu tranh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

- Phải kiên trì, nhẫn nại, giải quyết kịp thời những bức xúc của công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn

Tổ chức:

Chủ tịch công đoàn cơ sở cần nắm vững các hình thức tổ chức sau:

- Cơ cấu tổ chức của công đoàn cơ sở.

- Các ban chuyên đề (Thi đua, Nữ công, Bảo hộ lao động…): việc bố trí, phân công cán bộ trong các Ban chuyên đề cần chú ý đến các đoàn viên có chuyên môn, nghiệp vụ và ổn định lâu dài.

- Tổ chức và sử dụng đội ngũ báo cáo viên cho hoạt động công đoàn nhằm tập hợp trí tuệ người lao động

- Tổ chức nhiều hình thức khác nhau như:  Tọa đàm, sinh hoạt các câu lạc bộ... nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ của công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn, đồng thời đổi mới hình thức sinh hoạt công đoàn.

- Chủ động (định kỳ hoặc đột xuất) tổ chức hoặc đề xuất tổ chức đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động đề kịp thời giải quyết những bức xúc, yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thu tập và xử lý thông tin

Thông tin là khâu quan trọng không thể thiếu trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện; là căn cứ đề xây dựng chương trình công tác và đề ra được những quyết định chính xác.

Các nguồn thông tin bao gồm:

- Thông tin từ các cuộc họp, hội nghị.

- Thông tin từ cán bộ công đoàn.

- Thông tin từ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động

Khi có thông tin, chủ tịch công đoàn cơ sở cần xử lý thông tin kịp thời, cụ thể là:

- Kiểm tra độ chính xác, tin cậy của thông tin.

- Phối hợp với chuyên môn và các bộ phận chức năng khác có liên quan để xử lý.

đ. Làm việc theo chương trình công tác:

Chương trình công tác là thể hiện tính khoa học nhằm:

- Khắc phục bệnh quan liêu, hành chính.

- Xác định công việc cần tập trung thực hiện.

- Nắm, kiểm tra được tiến độ công việc để tiếp tục chỉ đạo.

e. Thực hiện dân chủ, công khai

- Chủ tịch công đoàn cơ sở cần bàn bạc với người sử dụng lao động thực hiện công khai các vấn đề có liên quan đến người lao động: Chế độ, chính sách, tiền lương, thưởng, định mức lao động…

- Chỉ đạo và tổ chức cho công nhân, viên chức, lao động tham gia và thực hiện các quy chế và nội quy của đơn vị.

f. Giải quyết các mối quan hệ

Chủ tịch công đoàn cơ sở thay mặt cho ban chấp hành công đoàn cơ sở giải quyết tốt các mối quan hệ phát sinh trong quá trình hoạt động

Các mối quan hệ chủ tịch công đoàn cơ sở thường gặp:

f.1. Quan hệ giữa công đoàn với cấp uỷ Đảng (nếu có)

Đây là mối quan hệ của người đứng đầu tổ chức công đoàn cơ sở, đại diện người lao động với tổ chức, cơ quan lãnh đạo Đảng. Trong quan hệ này, vai trò của công đoàn là "sợi dây chuyền" nối giữa Đảng với công nhân, viên chức, lao động, gồm hai chiều như sau:

- Cấp uỷ Đảng lãnh đạo công đoàn: Cấp uỷ Đảng lãnh đạo công đoàn bằng nghị quyết của Đảng, thông qua đảng viên hoạt động công đoàn, bằng việc phân công cán bộ và tôn trọng độc lập của tổ chức công đoàn.

- Công đoàn có trách nhiệm với Đảng:

Công đoàn cơ sở thực hiện những việc sau:

+ Công đoàn tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, nghị quyết của Đảng đến công nhân, viên chức, lao động.

+ Tập hợp phản ánh tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động     cho Đảng.

+ Tham gia xây dựng Đảng: Giáo dục, bồi dưỡng giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Những đoàn viên công đoàn hết tuổi đoàn hoặc ở những nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì ban chấp hành công đoàn cơ sở thay cho một đảng viên chính thức giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng

+ Công đoàn tổ chức cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và góp ý cho từng đảng viên trong chi bộ.

+ Luôn đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của cấp uỷ Đảng.

f.2. Quan hệ giữa chủ tịch công đoàn với người sử dụng lao động:

Đây là mối quan hệ giữa đại diện công nhân, viên chức, lao động với người sử dụng lao động, là mối quan hệ cơ bản nhất trong việc phối hợp tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn

Để giải quyết tốt quan hệ hài hoà này, hai bên phải tôn trọng, hợp tác đề thực hiện mục tiêu chung của đơn vị, doanh nghiệp, cụ thể là:

- Tạo cho việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp ngày càng có hiệu quả và phát triển bền vững.

- Xây dựng đội ngũ công nhân, lao động ngày càng phát triển về mọi mặt.

Luật công đoàn năm 2012 cũng đã quy định: Công đoàn cùng với người sử dụng lao động cùng bàn bạc, thảo luận, thống nhất những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích của ngưòi lao động.

Trong mối quan hệ này, chủ tịch công đoàn cơ sở cần sáng tạo, linh hoạt và có nguyên tắc xử lý thực hiện các tình huống sau:

- Khi Thủ trưởng đơn vị/giám đốc làm đúng: Chủ tịch công đoàn cơ sở vận động công nhân, viên chức, lao động tìm mọi cách cùng thủ trưởng/giám đốc tháo gỡ những khó khăn đó, chủ tịch công đoàn cơ sở không thể "đứng ngoài xem".

- Khi thủ trưởng/giám đốc làm sai, vi phạm chế độ, chính sách, pháp luật:

Về nguyên tắc, không thể để cho giám đốc làm sai hoặc vi phạm. Do vậy, khi phát hiện hành vi sai phạm hoặc có dấu hiệu sai phạm, chủ tịch công đoàn cơ sở phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo để xử lý các bước sau:

+ Chủ tịch công đoàn cơ sở gặp riêng giám đốc để chỉ ra và bày tỏ công đoàn không đồng tình với việc làm sai của giám đốc.

+ Nếu không được, ban chấp hành công đoàn cơ sở họp và có văn bản kiến nghị Ban giám đốc, yêu cầu không được sai phạm.

+ Nếu không được, ban chấp hành công đoàn cơ sở có văn bản kiến nghị lên cấp uỷ Đảng và công đoàn cấp trên trực tiếp, đề nghị giúp đỡ giải quyết.

f.3. Quan hệ giữa chủ tịch công đoàn cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lao động:

Chủ tịch công đoàn là thủ lĩnh, người đại diện cho công nhân, viên chức, lao động trong đơn vị/doanh nghiệp

- Phải giữ mối quan hệ mật thiết với công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn.

- Luôn gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi, giúp đỡ công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn.

f.4. Quan hệ với các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội trong cùng đơn vị. Đây là mối quan hệ giữa tổ chức (công đoàn) với một số tổ chức (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh…). Chủ tịch công đoàn phải tôn trọng, phối hợp và giúp đỡ, vì các thành viên của đoàn, hội cũng là đoàn viên công đoàn.

f.5. Chủ tịch công đoàn cơ sở quan hệ với cán bộ công đoàn là uỷ viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn cơ sở bộ phận, tổ công đoàn, các Ban hoạt động chuyên đề của công đoàn

Đây là quan hệ chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cơ sở

f.6. Quan hệ với công đoàn cấp trên: Nắm bắt thông tin, báo cáo; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo.

Quan hệ hợp tác, giao lưu, học tập với các công đoàn bạn trong cùng ngành nghề, trên cùng địa bàn, khu vực.

Kiểm tra và tự kiểm tra

- Kiểm tra và tự kiểm tra là một nguyên tắc của người lãnh đạo. Chủ tịch công đoàn cơ sở là người lãnh đạo công đoàn cơ sở, phải coi trọng công tác kiểm tra và tự kiểm tra.

- Kiểm tra phải căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

- Kiểm tra phải được tiến hành dân chủ, công khai.

- Kiểm tra phải dựa vào cán bộ công đoàn và đoàn viên công đoàn.

- Kiểm tra phải khách quan, trung thực, tránh tình trạng moi móc, cá nhân chủ nghĩa.

Kinh nghiệm công tác của Chủ tịch công đoàn cơ sở Kết hợp tính tổ chức-kỷ luật với tinh thần sáng tạo, linh hoạt

Chủ tịch công đoàn phải coi trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi chủ trương của cấp trên phải được chấp hành nghiêm túc, dù có thể có những vấn đề cá nhân chưa đồng tình nhưng khi tập thể đã biểu quyết thông qua, phải thực hiện và chỉ đạo thực hiện. Tránh việc lồng ghép ý kiến cá nhân để làm những việc trái với những điều tập thể đã quyết định.

- Xây dựng, triển khai các hoạt động và thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo quy chế đã đề ra.

Kết hợp tính khoa học và tính nghệ thuật trong công việc

- Chủ tịch công đoàn phải hết sức nhạy bén với thực tế ở cơ sở mình, việc triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch công tác phải tuỳ đặc điểm, tình hình tại đơn vị, doanh nghiệp để giao việc phù hợp với khả năng của số đông đoàn viên, công nhân, lao động. Chủ trương, kế hoạch công tác phải được thể hiện bằng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và thời gian hoàn thành, có phân công người thực hiện kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện.

- Kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ hoặc hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ, đoàn viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cấp mình.

Phải bảo đảm tính lịch sử, cụ thể với tính quần chúng rộng lớn

- Mọi sự phát sinh đều có bối cảnh cụ thể, đòi hỏi chủ tịch công đoàn phải có cách nhìn thực tế, khách quan, trung thực và phải xem tính lịch sử của sự việc

- Hoạt động công đoàn mang tính quần chúng rộng lớn, sức mạnh của công đoàn là ở chỗ tập hợp được đông đảo công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn tham gia. Do vậy, tập hợp và thống nhất được tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công đoàn đề ra.

Các bước tổ chức, thực hiện kế hoạch công tác

Bước 1: Xây dựng kế hoạch công tác

- Kế hoạch công tác của chủ tịch công đoàn cơ sở phải cụ thể, thiết thực đối với từng việc, từng nội dung.

- Nội dung, thời gian thực hiện kế hoạch phải bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hay sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (mang màu sắc và thể hiện tính đặc trung của đơn vị/doanh nghiệp)

- Tránh việc xây dựng kế hoạch mang tính hình thức, không thực tế, khó thực hiện hoặc không sát, đúng với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, tình hình thực tế sản xuất- kinh doanh của đơn vị/doanh nghiệp.

Bước 2: Triển khai kế hoạch công tác

Khi tổ chức thực hiện cần lưu ý một số điểm sau:

- Việc truyền đạt các chủ trương, quyết định của công đoàn là chuyển hoá nhận thức thành tình cảm và hành động nên chủ tịch công đoàn phải biết phát động, tổ chức cho đoàn viên hành động.

- Khi cần thiết hoặc đối với những việc phức tạp, nên tổ chức làm thử, làm điểm để rút ra kinh nghiệm ttrước khi nhân ra diện rộng.

Bước 3: Kiểm tra giám sát thực hiện kế hoạch

Nội dung kiểm tra giám sát phải căn cứ vào nội dung công việc đã đề ra, khi kiểm tra phải bảo đảm những nguyên tắc sau:

- Bảo đảm tính quần chúng rộng lớn. Phải dựa vào đoàn viên, công nhân, lao động để tiến hành kiểm tra. Khi kiểm tra phát hiện có vấn đề phải tham khảo ý kiến đoàn viên và các văn bản trước khi xử lý.

- Động viên, khích lệ kịp thời những ưu điểm, giứp đỡ bộ phận được kiểm tra khắc phục những sai sót, yếu kém của mình. Cần tránh việc thổi phồng khuyết điểm để trừng trị hoặc phê phán.

- Kiểm tra phải tiến hành công khai, khách quan. Những vi phạm được phát hiện cũng cần xử lý dân chủ, công khai, công bằng, hợp lý và kịp thời.

Bước 4: Sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến

Sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm những mục tiêu, nội dung theo kế hoạch đã được xây dựng, triển khai thực hiện. Phương châm phải cụ thể, ngắn gọn, nhìn nhận, đánh giá, khen, chê mang tính khách quan; chú ý những vấn đề phát sinh trong qúa trình thực hiện.

Tóm lại: Nội dung, phương pháp công tác của chủ tịch công đoàn hết sức phong phú, đa dạng, chủ tịch công đoàn cơ sở cần phải có:

- Nhiệt tình với công tác công đoàn.

- Có trình độ nhất định để nắm bắt và vận dụng chủ trương, đường lối, pháp luật với thực tiễn cơ sở mình một cách linh hoạt, thích hợp và biến nó thành hiện thực.

- Chủ tịch công đoàn phải có trách nhiệm cao; có uy tín với công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn; có bản lĩnh đấu tranh để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động

Chủ tịch công đoàn cơ sở đóng vai trò quyết định hoạt động của công đoàn cơ sở. Do vậy, chủ tịch công đoàn phải luôn tìm tòi, sáng tạo, bổ sung kinh nghiệm hoạt động, làm phong phú thêm nội dung hoạt động của công đoàn. Chủ tịch công đoàn cơ sở phải thực sự trở thành "người thủ lĩnh" và chỗ dựa tin cậy của công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn

III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THƯỜNG VỤ, BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ, CÔNG ĐOÀN BỘ PHẬN

1. Nhiệm vụ, phương pháp, nguyên tắc hoạt động của ban Thường vụ công đoàn cơ sở

a. Nhiệm vụ của ban Thường vụ công đoàn cơ sở:

- Thay mặt ban chấp hành công đoàn cơ sở chuẩn bị nội dung các kỳ họp ban chấp hành (chương trình, kế hoạch, nghị quyết)

- Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của ban chấp hành khi đã được hội nghị ban chấp hành thông qua.

- Thay mặt ban chấp hành, điều hành các hoạt động của ban thường vụ tại hội nghị thường kỳ của ban chấp hành.

- Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của công đoàn cơ sở thành viên(nếu có) công đoàn bộ phận, các Ban quần chúng của công đoàn

- Đại diện tập hợp ý kiến của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động để tham gia với giám đôc (doanh nghiệp), thủ trưởng (đơn vị).

Đại diện cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động tham gia vào các hội đồng tại đơn vị/doanh nghiệp có liên quan.

b. Phương pháp và nguyên tắc hoạt động

- Tổ chức phân công cho các uỷ viên theo đúng chức trách nhiệm vụ.

- Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của từng năm và nhiệm kỳ.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các công đoàn cơ sở thành viên (nếu có) công đoàn bộ phân, tổ công đoàn thực hiện.

Ban Thường vụ công đoàn cơ sở hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở

a. Hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của đại hội công đoàn cấp mình; nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của công đoàn cấp trên thật sát, đúng với điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của công đoàn cơ sở thành viên (nếu có), công đoàn bộ phận, tổ công đoàn, uỷ ban kiểm tra, ban thanh tra nhân dân…

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với cấp uỷ Đảng, công đoàn cấp trên, thủ trưởng đơn vị hoặc giám đốc doanh nghiệp, công đoàn cấp dưới, cán bộ công nhân, viên chức, lao động.

- Đại diện cho đoàn viên công đoàn tham gia quản lý, tham dự các cuộc họp tại đơn vị/doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện thu - chi tài chính, quản lý tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn theo đúng quy định.

b. Nguyên tắc, phương pháp hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số. Nghị quyết của ban chấp hành phải được đa số uỷ viên ban chấp hành công đoàn cơ sở thông qua.

- Các uỷ viên ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền và nghĩa vụ thảo luận, biểu quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động của công đoàn cơ sở.

- Xây dựng quy chế hoạt động của ban chấp hành và tổ chức hoạt động có nề nếp.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động thiết thực.

- Phân công, giúp đỡ các uỷ viên ban chấp hành, uỷ ban kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.

- Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động.

c. Tổ chức hội nghị ban chấp hành công đoàn cơ sở

c.1. Nguyên tắc chung:

- Xây dựng quy chế làm việc của ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ chức các hoạt động theo quy chế đã được ban hành.

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở thành viên 3 thánh họp ít nhất một lần (trừ lần đầu họp trong vòng 15 ngày, sau đại hội công đoàn cơ sở).

- Hội nghị ban chấp hành công đoàn cơ sở phải có ít nhất 2/3 uỷ viên ban chấp hành công đoàn cơ sở đến dự mới có giá trị. Hội nghị phải ghi biên bản, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác… (nếu có).

- Các uỷ viên ban chấp hành có quyền và nghĩa vụ thảo luận, biểu quyết những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn,

- Nghị quyết hội nghị ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ có giá trị khi có trên 50% uỷ viên ban chấp hành dự họp tán thành.

c.2. Tổ chức hội nghị thường kỳ ban chấp hành công đoàn cơ sở

- Hội nghị thường kỳ ban chấp hành công đoàn cơ sở không bầu đoàn chủ tịch hoặc bầu người chủ trì mà chủ tịch công đoàn cơ sở có trách nhiệm chủ trì hội nghị.

Để tăng cường tính dân chủ và thuận lợi cho việc điều hành hội nghị, chủ tịch công đoàn có thể cử thêm một hoặc một số phó chủ tịch công đoàn cơ sở tham gia điều hành hội nghị (nếu có)

Chủ trì hội nghị có trách nhiệm khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và báo cáo về nội dung, chương trình làm việc để hội nghị thông qua, trực tiếp điều hành các nội dung, chương trình của hội nghị.

- Nội dung thường kỳ của ban chấp hành gồm:

+ Thảo luận thông qua kết quả hoạt động công đoàn thời gian qua (giữa hai kỳ họp ban chấp hành hoặc mỗi quý, 6 tháng, 1 năm), kế hoạch tổ chức hoạt động công đoàn thời gian tới và các giải pháp thực hiện;

+ Thảo luận và ra nghị quyết về các nội dung như: Xem xét kết nạp đoàn viên mới; sắp xếp, kiện toàn về công tác tổ chức công đoàn cơ sở; công tác cán bộ công đoàn cơ sở; triển khai thực hiện chỉ đạo các hoạt động của công đoàn cấp trên, cấp uỷ đồng cấp (nếu có); công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đoàn viên; phân công, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ uỷ viên chấp hành, uỷ ban kiểm tra.

+ Bầu bổ sung uỷ viên chấp hành, uỷ viên uỷ ban kiểm tra công đoàn cơ sở (nếu có), thủ tục, trình tự bầu bổ sung theo quy định của Điều lệ và hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Hội nghị ban chấp hành phải ghi biên bản đầy đủ, làm cơ sở để ban thường vụ, chủ tịch công đoàn cơ sở triển khai thực hiện theo nghị quyết của ban chấp hành đã thông qua.

3. Hoạt động của ban chấp hành công đoàn bộ phận

Ban chấp hành công đoàn bộ phận nối liền giữa công đoàn cơ sở (nền tảng của tổ chức công đoàn) với tổ công đoàn.

Công đoàn bộ phận nằm trong cơ cấu tổ chức của công đoàn cơ sở hoặc uỷ quyền cho công đoàn cơ sở thành viên quyết định thành lập khi cần thiết.

Nhiệm vụ, quyền hạn của ban chấp hành công đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cơ sở thành viên quy định (trong quy chế hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở)

a. Nội dung hoạt động

- Vận động tổ chức các phong trào thi đua, khuyến khích động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn có ý tưởng mới, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sử dụng, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

- Phối hợp với lãnh đạo chuyên môn tạo cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động được tham gia vào nội dung các quy chế về tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, nội quy lao động, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi … của đơn vị, doanh nghiệp (nếu có)

- Tham gia với chuyên môn bảo đảm dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, nội quy, quy chế nội bộ có liên quan đến người lao động.

- Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động.

- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp và công đoàn cấp dưới trực thuộc.

- Chỉ đạo các tổ chức công đoàn, cộng tác viên quần chúng hoạt động.

b. Phương pháp hoạt động:

- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể, khoa học sát thực với nhiệm vụ của đơn vị/doanh nghiệp.

- Phân công trách nhiệm cụ thể rõ ràng theo từng công việc hoặc nhóm công việc, theo nội dung hoạt động cho từng uỷ viên ban chấp hành công đoàn bộ phận, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng động viên kịp thời.

- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của công đoàn bộ phận, tổ công đoàn cho phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị/doanh nghiệp.

- Coi trọng việc hướng dẫn, chỉ đạo, có tổng kết, đánh giá để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công đoàn.

4. Điều kiện bảo đảm cho cán bộ công đoàn

a. Bộ luật Lao động năm 2012

Điều 192. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn

- Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.

- Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở.

Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định.

Điều 193. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức

1. Công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động công đoàn.

2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng thời gian trong giờ làm việc để hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn và được người sử dụng lao động trả lương.

3. Cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức do công đoàn trả lương, được người sử dụng lao động bảo đảm phúc lợi tập thể như người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức theo thoả ước lao động tập thể hoặc quy chế của người sử dụng lao động.

b. Luật Công đoàn năm 2012

Điều 24. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động.

2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuỳ theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm.

3. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được nghỉ làm việc và được hưởng lương do đơn vị sử dụng lao động chi trả trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập; chi phí đi lại, ăn ở và sinh hoạt trong những ngày tham dự cuộc họp, tập huấn do cấp công đoàn triệu tập chi trả.

4. Cán bộ công đoàn không chuyên trách do đơn vị sử dụng lao động trả lương, được hưởng phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

5. Cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn trả lương, được đơn vị sử dụng lao động bảo đảm quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Điều 25. Bảo đảm cho cán bộ công đoàn

1. Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ.

2. Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì Công đoàn đại diện khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn; đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới và trợ cấp trong thời gian gián đoạn việc làm theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.