Phải làm sao khi gia đình không chấp nhận

Bị đặt vào tình thế ở giữa và phải lựa chọn bao giờ cũng là một việc rất khó khăn, nhất là trong vấn đề tình cảm. Bên tình bên hiếu, bên công ơn sinh thành dưỡng dục, yêu thương, chăm sóc, và hạnh phúc cả đời, biết chọn thế nào cho vẹn cả đôi đường. 

“Bỏ thì thương, vương thì tội”. Phải, nếu bị cha mẹ ra “phán quyết” mà cứ cố tình giữ và bất chấp, hạnh phúc đó, nếu có, cũng có trọn vẹn không? Còn nếu dễ dàng mà chia tay để ngã hẳn vè phía cha mẹ để làm tròn đạo hiếu, liệu trái tim, có đủ yên ổn?

 Nga và Hoàng cũng là một đôi không mấy suôn sẻ trong tình cảm. Hơn Hoàng hai tuổi, laị bắt đầu nảy sinh tình cảm và chấp nhận yêu thương khi đã đến tuổi “gả chồng”, nên lúc nào Nga cũng cảm thấy lo sợ. Vì nhiều lẽ, cô đã định không bước đến bên Hoàng, nhưng tình cảm, biết thế nào mà tính. Tình cảm mỗi lúc một nhiều, không bước đến còn khổ hơn. Cuối cùng, cô đành phó mặc cho số phận, tự tin trong men say hạnh phúc, dù thoảng trong đó là những dự cảm không mấy tốt lành về tương lai. 

Phải làm sao khi gia đình không chấp nhận

Cô say đắm trong tình yêu của mình, cô rạng rỡ và tận hưởng những yêu thương, nhưng chỉ là yêu thương giữa hai người, không có người thứ ba, không bạn bè và gia đình sẻ chia, cô giấu, và Hoàng cũng giấu. Cô sợ, rồi tình yêu của mình sẽ bị phản đối, nên nhiều lần cô đã muốn bước đi….nhưng cô không làm được. Tình yêu mỗi lúc một nhiều, và ngày càng ăn sâu vào trái tim cô, khiến cô vừa hạnh phúc lại vừa đau khổ. Cô chỉ muốn, tình yêu của mình, mãi chỉ có hai người, và đừng khác đi…dù chỉ chút ít thôi.

Nhưng việc gì đến rồi cũng phải đến, bố mẹ Hoàng biết chuyện, họ kiên quyết phản đối, lí do đơn giản vì Nga nhiều tuổi hơn Hoàng, nếu tiếp tục, thì Hoàng sẽ phải cưới ngay trong năm vì Nga cũng không còn trẻ nữa. Nhưng Hoàng mới 25 tuổi đầu, đã chuẩn bị đủ để làm chủ một gia đình đâu, vì thế họ kịch liệt phản đối. Không to tát, không đao to búa lớn, họ chỉ nhẹ nhàng nói ra nói vào, kể công ơn dưỡng dục, phân tích thiệt hơn. Ấy vậy, mà Hoàng đã xiêu lòng.

Anh hẹn Nga đi nói chuyện, anh đề nghị chia tay với lí do: sợ Nga khổ, sợ Nga không chờ được. Đau khổ, bị chạm lòng tự trọng, Nga định buông xuôi, nhưng cô không đành lòng. Nếu cha mẹ anh chê cô về tính nết hay cách cư xử, cô sẵ sàng buông tay, nhưng nếu chỉ vì tuổi tác và ngăn cấm, thì dù đã đoán chắc trước, nhưng cô vẫn không thẻ chấp nhận. Cô muốn anh và cô cùng cho nhau cơ hội, không nên dễ dàng bỏ cuộc nhưu thế, cô níu tình yêu của mình.

Song, cô  càng khổ, anh không biết làm thế nào cả, vì thế, anh chọn cách im lặng, như một lời chia xa ngầm. Không thể chịu đựng nổi sự hờ hững của anh, Nga đành chấp nhận rời xa, trong nước mắt và khổ đau. Không thể mang lại hạnh phúc cho anh, Nga cũng không muốn vì mình mà anh mang tiếng bất hiếu, vì thế Nga chấp nhận phần thiệt cho mình. Nhưng liệu rồi Nga có đủ mạnh để quên anh?

Còn Hoàng, rời xa thành phố này, xa Nga, anh liệu có tìm cho mình, được một hạnh phúc…như thế không?

Thêm yêu… để giữ hạnh phúc cho mình

Thông thường, nếu có phản đối, thì bao giờ nhà trai cũng là người đưa ra nhiều lí do và phản đối hơn hết, và trong bất cứ trường hợp nào như thế, người con gái đều bị vướng vào thế “bất khả kháng”, trừ khi, người con trai ấy phải cực kì kiên quyết và nhẫn đến phút cuối cùng, hoặc giữa họ đã có một mối liên hệ thứ ba: một-đứa-bé, một sợi dây ràng buộc.

Bố mẹ có thể không đồng ý cuộc hôn nhân, không đồng ý mối quan hệ giữa hai người, nhưng phần lớn họ không thể bỏ dòng máu của mình, vì thế họ có thể phải đồng ý dù muốn hay không. Và khi ấy, dù có bị khiên cưỡng, thì việc được chấp thuận cũng là một may mắn, nhất là đối với người con gái mà nói. 

Nói như  thế, không có nghĩa là khi không được mẹ cha chấp thuận, các bạn trẻ chỉ việc “làm liều” để ràng buộc là xong, bởi đó không phải là giải pháp tốt nhất và có lợi, cho cả hai bên. Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi người con gái đã trót mang trong mình thêm “một-ai đó” khác, thì chưa chắc cha mẹ đã chấp thuận, khi đó, có phải áp lực và mệt mỏi sẽ lại càng đè nặng lên không?

Nhung và  Lợi yêu nhau, nhưng bị cha mẹ ngăn cấm dữ dội. Dù đã thưa chuyện rõ ràng, dù nhà trai đã lên tận nơi xin cho Lợi đi lại, nhưng cha mẹ Nhung vẫn một mực chối từ. Không chỉ cấm liên lạc, cấm đi lại, ông bà còn tìm mọi cách tách Nhung ra, bằng mọi cách, kể cả việc nhốt Nhung hàng tháng trời trong nhà, để Lợi quên Nhung.

Nhưng càng cấm, họ càng yêu nhau, càng quyết tâm đến với nhau, không phải đơn thuần vì tình yêu, mà hơn thế, như một sự chứng tỏ để cha mẹ hiểu: tình yêu của họ có thể vượt qua mọi thứ, sự phản đối của cha mẹ chỉ làm tăng thêm sự yêu thương giữa họ mà thôi.

Và vì  thế, Nhung đã trốn đi gặp Lợi, và cái gì đến, đã phải đến. Khi biết trong mình đã mang đứa con của Lợi, Nhung vừa lo, vừa mừng. Lo vì không biết mình sẽ làm gì tiếp đây, lo vì tương lai bấp bênh, lo vì cha mẹ cứ mãi nói ra nói vào. Nhưng Nhung lại thấy ánh lên một tia hy vọng, biết đâu, đứa con sẽ làm cho cha mẹ hồi tâm chuyển ý.

Vì vậy, dù sợ nhưng Nhung vẫn thu hết can đảm để nói với mẹ, với cha, thật bất ngờ, và đau khổ, không những ông bà không hồi tâm chuyển ý, trái lại, còn nhiếc mắng Nhung nhiều hơn. Dù ngay sau đó, gia đình nhà trai đã lên thưa chuyện xin cưới hỏi, dù Lợi đã hết lời nài xin, dù Nhung ra sức thuyết phục, và viện đủ lí dó, hai ông bà vẫn nhất quyết không. Ông bà còn tuyên bố và bắt Nhung phải chọn: hoặc là cha mẹ, hoặc là Lợi, không bao giờ có cả hai, khiến Nhung không biết làm sao cho phải.

Mà lí do thì có gì to tát, nào có phải ông bà chê gì Lợi, đơn giản, Lợi là con trai vùng cao, nhà lại không mấy khá giả, nên ông bà sợ lấy Lợi, Nhung sẽ khổ, sẽ thiệt thòi. Cũng là thương và lo mà ông bà ngăn cấm đấy thôi. Nhưng ông bà đâu có biết, tình yêu thương của ông bà đã khiến hai bên đau khổ gấp bội lần.

Yêu Nhung, và lo cho Nhung khi bụng mỗi ngày một lớn, sức khỏe không tốt, lại phải lo lắng đủ đường, nhưng Lợi không biết làm thế nào cho phải. Anh chỉ biết dành yêu thương cho Nhung nhiều hơn, an ủi cô nhiều hơn, và cứ năn nỉ cha mẹ lên nói chuyện với bố mẹ Nhung lần nữa. Nhưng rồi, hai gia đình vẫn không có tiếng nói chung.

Bất quá, gia đình nhà trai, vì thương con và lo cho cháu, vẫn nhất quyết tổ chức đám cưới. Vẫn rước dâu, nhưng thật khổ, có cô dâu nào về nhà chồng, mà không một lời chúc phúc của mẹ cha, không một dặn dò âu yếm, không một sự đông vui, chỉ một mình, và yêu thương đong đầy…từ một phía, như Nhung không?

Như vậy, bằng tình yêu của mình và sự yêu thương hết lòng của Lợi, Nhung đã đến được với người mình yêu, nhưng liệu hạnh phúc khuyết đi một nửa ấy, có vẹn tròn?

Phản đối hay không, suy cho cùng cũng chỉ xuất phát từ  một mong ước: mong cho con mình có một nơi nương tựa như ý, nhưng khi nó bị làm quá đi, hay quá cứng nhắc, thì tình yêu sẽ như con dao hai lưỡi, sẽ khiến tất cả đều “bị thương", sẽ khiến các bạn trẻ cứ mãi loay hoay trong việc tìm cho mình một câu trả lời sao cho vẹn cả đôi đường: thêm yêu hay là thôi biết yêu.

Và tình yêu thương thực sự sẽ trở thành một sự mệt mỏi, một rào chắn với ngay chính hạnh phúc của con cái mình và cả bản thân các bậc sinh thành nữa, với không ít những điều đáng tiếc đã xảy ra.