Quan hệ với nhóm thiểu số minority relations là gì

Mối quan hệ cùng giới có ổn định hơn mối quan hệ khác giới hay không? Và những thay đổi trong pháp luật và văn hóa đối với mối quan hệ cùng giới có ảnh hưởng đến sự ổn định của nó không? Ngày nay, nhóm người thiểu số này đang bắt đầu có được những đặc quyền như những cặp đôi khác giới, vd như: ở rất nhiều nơi, hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp hóa và họ được bảo hộ khỏi sự phân biệt đối xử nơi làm việc và trong gia đình. Nhờ có những sự thay đổi này, một cách nhìn khác về mối quan hệ cùng giới và sự ổn định lâu dài của nó mang nhiều ý nghĩa.

Hiện nay, người Mỹ hết sức ủng hộ mối quan hệ đồng giới. Sự ủng hộ này dần dần tăng lên từ năm 2009 (theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 2017) và quyết định tán thành hôn nhân đồng giới của Hội đồng Tòa án Tối cao (Supreme Court) năm 2015 được coi như một chiến thắng đối với nhiều cá nhân đồng giới nữ, đồng giới nam và song tính (LGB). Với những tiến bộ về xã hội và pháp luật như thế này, sự ổn định của mối quan hệ đồng giới ngày càng được đảm bảo.

Hiện nay, sự ổn định trong các mối quan hệ đồng giới trông như thế nào?

Những nhà nghiên cứu ở đại học Bowling Green State (BGSU) đã phân tích các dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu dọc quốc gia về sức khỏe từ vị thành niên đến khi trưởng thành (National Longitudinal Study of Adolescent to Adult Health) (Joyner, Manning, & Bogle, 2017). Đối tượng nghiên cứu của họ gồm hơn 14,000 người với 3 loại cặp đôi khác nhau: cặp khác giới, cặp cùng giới nữ và cặp cùng giới nam. Để định nghĩa sự ổn định tương quan với tỉ lệ chia tay và thời gian của một mối quan hệ, các nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi: Mối quan hệ của 3 loại cặp đôi trên ổn định đến mức nào? Hơn nữa, sự ổn định đó có bị ảnh hưởng bởi việc sống chung và sống riêng không?

Điểm lại những xu hướng trước đây

Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những cặp đôi cùng giới sống chung với nhau có tỉ lệ chia tay cao hơn những cặp đôi khác giới sống chung với nhau hoặc những đôi đã kết hôn. Những điểm khác nhau này trong sự ổn định được cho là phát sinh từ sự khác nhau trong phần thưởng, lựa chọn hoặc rào cản trong mối quan hệ (Lau, 2012). Một rào cản điển hình được biết với cái tên “áp lực thiểu số” (minority stress). Nó là tác nhân gây ra áp lực cho một nhóm thiểu số, ví dụ như nhóm LGB (Meyer, 2003). Những cuộc công kích nhỏ, bạo lực, phân biệt đối xử, quấy rối, và sự phản đối từ bạn bè, gia đình đều là biểu hiện của áp lực thiểu số. Chúng có thể gây bất lợi cho sự ổn định của mối quan hệ.

Vậy thì mối quan hệ nào là ổn định nhất/ thiếu ổn định nhất?

Khoảng cách trong sự ổn định giữa mối quan hệ cùng giới và khác giới đang được thu hẹp. Nhưng nếu bạn nghĩ ngày nay, với luật pháp và văn hóa như hiện tại, mọi mối quan hệ sẽ có mức độ ổn định như nhau, thì bạn nhầm rồi. Nhìn chung, những cặp đôi đồng giới được báo cáo là không được lâu dài như các cặp khác giới (Joyner et al., 2017). Và những cặp đồng giới nam có tỷ lệ chia tay cao hơn những cặp đồng giới nữ. Điều này khá nhất quán với những kết quả trước đó:

Đàn ông đồng tính và song tính dưới sự tác động của những tác nhân gây ra áp lực thiểu số dễ dàng làm lung lay các mối quan hệ (Meyer, 2003; Lau, 2012). Điểm khác biệt của phụ nữ trong các cặp đồng giới nữ là thái độ của họ đối với các nhân tố bảo vệ: Nhiều đàn ông không quan trọng sự thân mật về cảm xúc và việc xóa mờ các giới hạn như phụ nữ (Umberson, Thomeer, Kroeger, Lodge, & Xu, 2015).

Sống chung có giúp ích gì không?

Khi các cặp đôi sống chung với nhau, tỷ lệ chia tay của họ thay đổi (Joyner et al., 2017). Các cặp đôi cùng giới vẫn không thể kéo dài được mối quan hệ như các cặp khác giới. Tuy nhiên, tỷ lệ đó đã giảm khi họ sống cùng nhau trong khi hẹn hò. Khi cân nhắc đến việc sống chung, đàn ông, đặc biệt, sẽ chọn đối phương có những đặc điểm ổn định. Tuy nhiên, tỉ lệ chia tay của các cặp đồng giới nữ không giảm đi dù họ đã quyết định sống chung. Và không có lý do nào rõ ràng cho việc này.

Hôn nhân hợp pháp thì sao?

Hôn nhân góp phần vào sự ổn định của mối quan hệ bằng sự tin tưởng theo thời gian và những đầu tư quan hệ đặc biệt (relationship-specific investments) (Cherlin, 2004). Hôn nhân hợp pháp cho người đồng giới, cái mà mới chỉ được thông qua trong vài năm gần đây ở Mỹ, rất có thể thể sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của mối quan hệ đồng giới. Thực tế là, dù tồn tại những ảnh hưởng của áp lực thiểu số lên cộng đồng LGB, Joyner và đồng nghiệp (2017) đã khám phá ra rằng những cặp đôi đồng giới đã kết hôn có mức độ ổn định ngang, nếu không muốn nói là hơn, những cặp đôi khác giới đã kết hôn.

Những nhân tố khác

Joyner và đồng nghiệp (2017) cũng khám phá ra một vài yếu tố tương quan đến nhân khẩu học đối với sự ổn định của một mối quan hệ. Những yếu tố này bao gồm sự thật rằng người Mỹ gốc Phi có những mối quan hệ ít ổn định hơn người da trắng và sự dị giao (sự khác nhau trong sắc tộc và tuổi tác giữa 2 người cũng có liên quan đến tỷ lệ chia tay). Thêm vào đó, trạng thái kinh tế xã hội và số lượng bạn tình trước đó cũng ảnh hưởng đến độ bền của mối quan hệ. (Vị thế kinh tế xã hội càng cao và số lượng bạn tình trước đó càng nhiều thì tỷ lệ chia tay càng cao.) Vài yếu tố có thể được giải thích bằng sự giao thoa của các kiểu phân biệt đối xử. Học thuyết này hướng đến những đối tượng thiểu số (vd: đồng giới nữ, nữ giới và người da đen) và có thể gây ra áp lực và bất lợi cho họ.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Dù tồn tại những khác biệt trong sự ổn định liên quan đến áp lực thiểu số, Joyner và đồng nghiệp (2017) nhận ra rằng sự ổn định của mối quan hệ đồng giới có nhiều nét tương đồng với mối quan hệ khác giới hơn so với quá khứ. Điều này phản ánh thái độ văn hóa tích cực hơn đối với những cặp đôi đồng giới. Vì Mỹ tiếp tục có những tiến bộ trong pháp luật, bảo vệ mọi cặp đôi bất kể xu hướng tính dục, nên chúng ta có quyền được hy vọng rằng những khác biệt này sẽ ngày càng được thu hẹp và xóa bỏ. Mục tiêu cuối cùng không phải là mọi mối quan hệ đều diễn ra theo cùng một cách, mà là các số liệu phản ánh sự ổn định sẽ không bị ràng buộc bởi định kiến xã hội hay phân biệt đối xử.

Chủ đề