So sánh chip snapdragon 636 và 710 năm 2024

Snapdragon SoC;(System-on-a-Chip) hay "nền tảng di động" theo cách gọi của Qualcomm là những con chip phổ biến bậc nhất trên thị trường smartphone Android hiện nay. Dù sở hữu chipset Exynos của riêng mình nhưng Samsung vẫn sử dụng Snapdragon trên các điện thoại Galaxy tại Mỹ, giống như các mẫu máy quốc tế khác đến từ các thương hiệu LG, HTC, Sony và OnePlus.

Snapdragon phổ biến đến nỗi, khả năng cao là bạn đang đọc chính bài viết này trên một thiết bị sử dụng vi xử lý của Qualcomm. Những con chip này không chỉ xuất hiện trên các smartphone flagship đắt tiền, Qualcomm còn sản xuất một loạt các sản phẩm phù hợp với nhiều thiết bị có các mức giá khác nhau. Tất nhiên, giữa các mẫu chip khác nhau có sự khác biệt về mặt hiệu năng và tính năng, do đó hãy cùng tìm hiểu và so sánh các SoC gần đây nhất của Qualcomm trong bài viết dưới đây được VnReview chuyển ngữ từ trang Android Authority.

Các vi xử lý cao cấp

Trong khi Snapdragon 850 là một con chip rất mạnh, được sản xuất dành riêng cho các sản phẩm PC luôn kết nối, thì Snapdragon 845 hiện là SoC cao cấp nhất dành cho smartphone của Qualcomm. Nó là sản phẩm đầu tiên của Qualcomm tận dụng kiến trúc DynamIQ của ARM, mang lại hiệu năng đa nhiệm và mức độ tiết kiệm điện "vô đối", đồng thời còn có bộ nhớ đệm chia sẻ L3. Các nhân Cortex-A75s và A55s được tích hợp trong SoC này nhằm vừa mang lại hiệu năng cao, vừa đảm bảo khả năng tiết kiệm điện, và GPU độc quyền của công ty là Adreno 630 mang lại hiệu năng đồ họa nhanh nhất hiện nay.

Bảng so sánh Snapdragon 845, 835 và 821

Series 800 là dòng chip flagship của Qualcomm, sử dụng thiết kế CPU big.LITTLE. Công ty từng tùy biến mạnh các nhân CPU Kryo của chính mình vài năm về trước bên trong Snapdragon 821, nhưng trong vài thế hệ chip gần đây, họ đã tập trung tinh chỉnh và tối ưu các nhân Cortex mua về từ ARM. Thay vì tập trung vào tự tạo ra các nhân CPU, Qualcomm nay chuyển hướng sang GPU (bộ xử lý đồ họa), DSP (bộ xử lý tín hiệu số), ISP (bộ xử lý tín hiệu hình ảnh), và chip sóng (modem) 4G LTE tích hợp bên trong SoC. Những SoC thuộc dòng cao cấp này còn được trang bị những tính năng mới nhất như Quick Charge 4, Bluetooth 5, và hỗ trợ các headphone TrueWireless.

Series 800 của Qualcomm còn là "sàn diễn" cho khả năng điện toán và machine learning phức tạp mà công ty phát triển. Qualcomm tận dụng DSP Hexagon của mình để chạy các mạng thần kinh 16-bit và 8-bit, cũng như tăng tốc nhiều thuật toán nặng về xử lý toán học, như giải mã codec Bluetooth aptX chẳng hạn. Các mẫu 845 và 835 mới nhất còn bao gồm các phần mở rộng HVX được thiết kế đặc biệt để tăng tốc chuẩn mới nổi này. DSP của Qualcomm có kiến trúc khác biệt đáng kể so với NPU (bộ xử lý thần kinh) bên trong vi xử lý Kirin của Huawei. DSP đa năng hơn, nhưng không nhanh bằng NPU trong các tác vụ xử lý thị giác chuyên dụng.

Các chip tương đồng với Qualcomm Snapdragon đến từ các đối thủ khác bao gồm Exynos 9810 của Samsung và Kirin 980/970 của Huawei.

Các vi xử lý tầm trung

Các nền tảng di động tầm trung của Qualcomm khó nắm bắt hơn đôi chút đối với người dùng thông thường, chủ yếu bởi số lượng sản phẩm khá nhiều đã tích lũy qua từng năm và còn bởi sự xuất hiện của Snapdragon 710, một SoC mới không thể được xếp vào series 600 thông thường.

Bảng so sánh Snapdragon 710, 670 và 660

Snapdragon 710 và 670 gần như tương đồng nhau và được trang bị một loạt các tính năng vốn chỉ dành cho các chip Snapdragon cao cấp, bao gồm Quick Charge và Bluetooth. Thiết kế CPU DynamIQ của 2 nhân Cortex-A75 và 6 nhân Cortex-A53 khác biệt rõ rệt với series 800, mang lại hiệu năng xử lý đơn luồng tương đồng nhưng lại kém hơn trong các trường hợp đòi hỏi phải sử dụng đến các nhân hiệu năng cao. Điều này trái ngược với Snapdragon 660 với thiết kế CPU 4+4 cho hiệu năng xử lý đa nhân cao hơn. Tuy nhiên, thiết kế 2+6 không thể bàn cãi là thiết kế tốt hơn trong các trường hợp sử dụng thực tế và có khả năng tiết kiệm pin tốt hơn.

Về GPU, Snapdragon 710 và 670 sử dụng GPU Adreno của series 600, vốn mạnh về hiệu năng chơi game, nhưng xung nhịp lại thấp hơn Snapdragon 845. Về modem cũng vậy, mặc dù chúng có tốc độ LTE khá nhanh, đủ sức mang lại một đường truyền tốt khi sử dụng ở vùng rìa hay các khu vực có chất lượng sóng không cao.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ trên dòng CPU tầm trung của Qualcomm đều kém hơn series 800. Snapdragon 710 và 670 đều hỗ trợ các DSP Hexagon tốc độ cao được tăng cường khả năng machine learning. Chúng cũng được trang bị các chuẩn Quick Charge 4 và Bluetooth 5.0 mới nhất, và được lắp ráp trên quy trình FinFET 10nm hiệu quả cao. Các chip 710, 670 và 660 của Qualcomm đều mang trong mình kha khá những tính năng tốt nhất của công ty trong khi có mức giá và hiệu năng chỉ thấp hơn đôi chút so với các chip cao cấp. Chúng rõ ràng là những SoC đáng đồng tiền bát gạo.

Các chip cũ hơn trong series Snapdragon 600 bao gồm Snapdragon 630 và 625. Những con chip này tận dụng CPU Cortex-A53 8 nhân và GPU Adreno 509 và 506 thuộc tầm thấp hơn, do đó chúng có hiệu năng tổng thể cao hơn so với những con chip chỉ vài năm về trước. Mặt mạnh của 630 là nó được trang bị modem X12 LTE mạnh mẽ, hỗ trợ DSP Hexagon và Bluetooth 5. Trong khi 625 chỉ hỗ trợ modem X9 LTE và Bluetooth 4.2 mà thôi.

Các vi xử lý bình dân giá rẻ

Trong năm nay, Qualcomm đã tiến hành "thay máu" các SoC giá rẻ của mình, dần loại bỏ CPU A53 8 nhân để chuyển sang thiết kế big.LITTLE với hiệu năng đơn luồng ưu việt hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi nó giúp những thiết bị với vi xử lý Qualcomm giá rẻ khởi chạy ứng dụng nhanh hơn, đa nhiệm tốt hơn, và chạy được các game đòi hỏi cấu hình cao hơn.

Bảng so sánh Snapdragon 636, 632 và 439

Giống như các mẫu SoC Snapdragon 710 và series 600, các SoC tầm trung mới nhất Snapdragon 636 và 632 mang lại hiệu năng CPU tương đối cao với thiết kế big.LITTLE. Tuy nhiên, khả năng xử lý đồ họa của chúng bị cắt giảm đáng kể khi chỉ được tích hợp GPU thuộc series bình dân Adreno 500 mà thôi. Snapdragon 636 tiếp tục mang lại DSP mạnh mẽ và modem tốc độ cao, và tất nhiên cũng được hưởng lợi từ Quick Charge 4.0.

Snapdragon 632 có CPU tương tự, nhưng lại được trang bị các khe RAM LPDDR3 rẻ hơn và chậm hơn, modem X9 LTE cũ hơn, và chỉ dừng lại ở Quick Charge 3.0. Công nghệ này đã tụt hậu đằng sau các chip flagship hiện tại ít nhất được vài năm, và kết quả là Snapdragon 632 đứng giữa ranh giới tầm trung và dòng vi xử lý Snapdragon bình dân.

Snapdragon 450 và 439 là những con chip mới nhất của Qualcomm trong phân khúc bình dân. Cả hai đều được trang bị các CPU, GPU và modem cấp thấp để giảm giá thành. Một con chip khác cũ hơn nhưng khá phổ biến trong series này là Snapdragon 425, với thiết kế nhân Cortex-A53 8 lõi, modem X4 LTE chậm hơn, màn hình độ phân giải thấp hơn bị giới hạn ở mức 720p, và chỉ hỗ trợ 1 camera. Series 400 là dong chip cuối cùng sử dụng CPU Cortex-A53 của Qualcomm.

Đối với một chiếc smartphone bình dân, những cấu hình như trên là quá đủ. Tất nhiên, chúng không được khuyên dùng cho những người dùng cao cấp muốn chơi game nhiều và muốn có các công nghệ như sạc nhanh hay Bluetooth.

Chủ đề