Sư hộ giới là ai

Cố Đại lão Hòa thượng Hộ Tông, thế danh Lê Văn Giảng, con cụ ông Lê Văn Nhu và cụ bà Đinh Thị Giêng, sinh năm 1893 tại làng Tân An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc.

Ngài trưởng thành và lập nghiệp tại xứ Campuchia. Mặc dù là một công chức uy tín, một bác sĩ tài năng mà đường công danh đang mở ra rạng rỡ, nhưng dường như vốn có túc duyên với Đạo nên Ngài thấy công danh chỉ là ảo ảnh, hạnh phúc chẳng khác mây sương, Ngài thường tự nhủ:

“Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội
Cửa thiền thanh tịnh muôn kiếp nên duyên”.

Đến năm 32 tuổi, nhờ có những linh thị nhiệm mầu thức tỉnh, Ngài quyết thoát ly những cám dỗ trần tục và phát tâm tìm đạo.

Nhưng thấy ra ảo ảnh cõi trần là một việc, còn tìm ra được con đường chân chánh để thoát ly cuộc đời mộng huyễn là một việc hoàn toàn khác. Ngài đã thử qua nhiều pháp môn tu tập như niệm kinh, trì chú, ăn chay, nhịn đói, luyện đơn, khổ hạnh, v.v… với tất cả nỗ lực chuyên cần của một người cư sĩ tại gia, nhưng Ngài sớm nhận ra rằng đó cũng chỉ là ảo ảnh như chính ảo ảnh cuộc đời mà trước đây Ngài đã thấy.

May sẵn có căn duyên cụ túc, tâm đạo chuyên trì, ý chí kiên định, Ngài đã vượt qua mọi thử thách cam go trên đường tìm đạo, cuối cùng Ngài đã gõ đúng cửa chánh pháp. Một vị chơn sư đã chỉ bày cho Ngài Phật Giáo Nguyên Thủy. Như được uống nước tận nguồn, tâm tánh mở khai, trí tuệ thông suốt, Ngài đã liễu ngộ được Bốn Sự Thật. Con đường Bát Chánh Đạo mở ra trước mắt như một thông lộ giải thoát tuyệt vời. Từ đó, Ngài chuyên tâm thực hành hạnh bố thí, trì giới, tham thiền.

Ngài cúng dường đến hàng ngàn Tăng chúng, xây dựng trường Phật học, trùng tu chùa, tháp, Tăng đường, tạo lập liêu, thất, tịnh xá trong rừng sâu cho các vị thọ hạnh đầu đà chuyên tu thiền quán. Và chính Ngài, mặc dù còn là một cư sĩ tại gia, có gia đình với 6 người con, đã nổi tiếng về phương diện hành thiền.

Gặp được chánh pháp, Ngài phấn khởi khuyến khích bạn bè thân hữu cùng nhau tu tập. Ngài lập chùa Sùng Phước tại Campuchia để hướng dẫn Việt kiều thọ Bát Quan Trai Giới. Bấy giờ, chư Tăng và thiện tín gọi Ngài là A-cha Giảng với lòng mến mộ biết ơn. Chùa dần dần có đông chư Tăng và thiện tín. Ngài bắt đầu dịch kinh sách ra tiếng Việt, trong đó có Kinh Nhựt Hành cư sĩ, Kinh Tụng Chư Tăng và bộ Luật Xuất Gia là những dịch phẩm đầu tiền vô cùng quý giá.

Khoảng thập niên 1930, Ngài và một số đạo hữu uyên thâm đạo lý như cụ Nguyễn Văn Hiếu thường về Sài Gòn thuyết giảng, nhờ thế đã quy tụ đông đảo Phật tử hướng về giáo lý uyên nguyên của Đức Phật. Một ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thủy đâu tiên tại Việt Nam đã được thành lập năm 1938 tại Gò Dưa, Thủ Đức, đó là Tổ Đình Bửu Quang ngày nay.

Cũng trong năm đó, nhận thấy đã đến lúc không còn thích hợp với đời sống tại gia mà Đức Phật gọi là “dễ lấm bụi trần”, Ngài đã quyết chí xuất gia, chọn đời sống “không gia đình trắng bạch như vỏ ốc” để có thể chuyên tâm thiền quán. Rằm tháng 10 năm 1941, Ngài đã thọ đại giới với Đức Vua Sãi Chun Nat.

Đức Vua Sãi nhận ra người đệ tử mới xuất gia của mình là bậc pháp khí có thể lãnh trọng trách Như Lai sứ giả, nên không ngần ngại giao phó cho Ngài sứ mạng truyền trao Chánh Pháp Nguyên Thủy về xứ Việt Nam, và chính tại chùa Bửu Quang, Ngài đã khai pháp hội đầu tiên để thắp lên ngọn đuốc chân lý rọi soi vào lòng người dân Việt.

Được thấm nhuần pháp vũ, chẳng bao lâu sau khi Ngài về nước mở đạo, chư Tăng và tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam ngày càng xương thịnh. Năm 1958, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Tịnh Sự, Pháp sư Thông Kham và nhiều vị cao Tăng tài đức khác đã đứng ra thành lập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Ngài được tôn cử chức vụ Tăng Thống đầu tiên của Ban Chưởng Quản Giáo Hội.

Chánh Pháp đã được lan truyền, nhiều ngôi chùa và tịnh xá đã được xây dựng, Ngài cùng với chư tôn Hòa thượng được sự ủng hộ của đông đảo tín đồ, nhất là cụ Nguyễn Văn Hiếu, đã thành lập các chùa như Kỳ Viên, Bàn Cờ năm 1947; Giác Quang, Chợ Lớn 1950; Tam Bảo, Đà Nẵng 1953; Pháp Quang, Gia Định và Bửu Long, Thủ Đức 1958; Tăng Quang, Huế 1959; Định Quang, Phi Nôm 1963; Bồ Đề, Vũng Tàu 1969; Nguyên Thủy, Cát Lái 1970.

Đến năm 80 tuổi, Ngài vẫn được chư Tăng thỉnh cầu đảm nhiệm chức vụ Tăng Thống 2 nhiệm kỳ từ năm 1971 đến năm 1974, và Ngài đã giữ vững con thuyền Giáo Hội giữa cơn phong ba bão táp của thời cuộc lúc bấy giờ.

Cũng nên nhấn mạnh rằng việc du nhập Phật Giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam là một công đức to lớn, bởi vì:

- Về phương diện tín ngưỡng, Phật Giáo Nguyên Thủy đã mở ra một chân trời mới trong tư tưởng Phật học Việt Nam.

- Về phương diện văn hóa, Phật Giáo Nguyên Thủy đã đóng góp cho nước nhà kho tàng trí tuệ của một vị Phật lịch sử.

Nhưng truyền bá Phật Giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam ngay từ đầu đã gặp phải những trở ngại lớn lao:

- Sự chống đối mãnh liệt của các hệ phái Phật Giáo cổ truyền ảnh hưởng màu sắc Trung Hoa.

- Thời kỳ chiến tranh nóng bỏng tại Đông Dương từ năm 1945.

- Tình trạng chia cắt đất nước năm 1954 đã giới hạn con đường hoằng pháp.

- Chính sách kỳ thị tôn giáo dưới thời Ngô Đình Diệm.

Kiên trì vượt qua những trở ngại như thế đòi hỏi phải có một hạnh nguyện xả kỷ độ sinh, một lòng từ bi vô ngại, một trí tuệ thâm uyên và một tâm hồn đại hùng đại lực của vị Bồ tát như Ngài đã phát nguyện.

Nhưng “Công thành thân thoái” là hành xử của bậc thiện trí. Hơn nữa Ngài đã thấy “Thiên địa bỉ” thì “Hiền nhân ẩn” nên sau 80 tuổi Ngài lui về ẩn cư tại chùa Bửu Long, ngôi chùa do chính Ngài lập ra và cũng tại đây Ngài đã để lại biết bao kỷ niệm cuối cùng trước khi viên tịch.

Một tuần trước khi ra đi, hằng đêm Ngài thấy chư thiên hào quang chiếu sáng chung quanh cốc, Ngài nói với các đệ tử: “Ta sắp ra đi, và đang cảm thấy thanh thoát lạ thường. Lẽ đời có sinh có diệt, các con nhớ tinh tấn tu hành.” Biết trước giờ tịch diệt, sau khi sắp đặt mọi Phật sự cho Tăng chúng và Ni chúng trong chùa, Ngài viết di chúc gởi Giáo Hội để chọn người thừa kế, đồng thời Ngài cúng dường tứ sự đến chư Tăng tại 33 ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thủy, tổ chức trai tăng, để bát, thuyết pháp 7 ngày tại Bồ đề Phật cảnh,… cho đến lúc 16 giờ 45 phút ngày 26 tháng 7 năm Tân Dậu (nhằm thứ Ba, ngày 25 tháng 8 năm 1981), Ngài đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 88 tuổi.

Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.

Lễ Trà Tỳ được cử hành một cách đơn giản theo lời di chúc của Ngài vào lúc 9 giờ ngày 29 tháng 7 Tân Dậu (thứ sáu ngày 28 tháng 8 năm 1981) tại hỏa đài chùa Bửu Long. Đặc biệt không hẹn mà chư Tăng về dự lễ Trà Tỳ đúng với số tuổi của Ngài là 88 vị. Kim quang được cung tống đến hỏa đài với sự hiện diện của đông đảo tín đồ, kính thành cầu nguyện trong không khí vô cùng trang nghiêm và xúc động.

“Người đi còn lại nụ cười  Cho yêu thương nối tình người ngàn sau Cho cây đơm lá xanh màu

Cho trăng sáng mãi nhịp cầu thủy chung”.

Để kết thúc tiểu sử sơ lược này, xin nêu lên những đức tính ưu việt của Ngài mà các vị đồng phạm hạnh thường hết lòng ca ngợi:

  - Ngay thẳng, bộc trực, không thiên vị.

  - Giới luật nghiêm minh nhưng bao dung từ ái.

  - Mặc dù có nhiều đồ chúng nhưng ưa thích độc cư thiền tịnh.

  - Mặc dù đầy đủ tứ sự cúng dường, nhưng ưa thích “tam thường bất túc”.

  - Bố thí xả ly là hạnh nổi bật nhất của Ngài mà mọi người đều biết.

Với những công hạnh trên, Ngài quả xứng đáng là Vị Tổ khai sơn Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam vậy.

  Thơ khuyến tu của Hòa thượng Hộ Tông

Đường trần sao lắm cuộc bi ai
Thế sự khác nào chốn chông gai
Mịt mịt hơi sầu vòng gác tía
mù gió thảm vẻ cân đai
Trăm lo nghìn liệu gây oan trái
Năm mỏi tháng mòn vướng nghiệp tai
Đầy đủ phước hồng rồi cũng bỏ
Tội trường oan trái khổ liền tay.

Cửa Phật tháng ngày chẳng thảm ai
Thiền môn nào phải chốn chông gai
Thanh sơn đâu quản khanh cùng tướng
Tịnh thất nào hay mão với đai
Muôn thưở an vui hành Bát Chánh
Kiếp trần thong thả lánh tam tai
Nên chăng hỡi khách công hầu gẫm
Duyên kết Niết-bàn được rảnh tay.

Những kinh sách do Ngài Hòa thượng Hộ Tông dịch thuật hoặc biên soạn:

Kinh Nhật Hành Cư Sĩ. Kinh Tụng Chư Tăng
Bộ Luật Xuât Gia Chú Giải Kim Ngôn Của Đức Phật
Phép Chánh Định Và Sưu Tập Pháp Bộ Văn Phạm Pàli
Thanh Tịnh Đạo Nền Tảng Phật Giáo
Chánh Giác Tông Sơn Thiền Tâm
Phật Giáo Và Đời Sống Thực Tiễn Cấp Cô Độc Khuyến Dụ Kinh
Bát Thánh Đạo Tứ Diệu Đế
Cư Sĩ Vấn Đáp Thập Độ
Triết Lý Về Nghiệp  

Page 2

Hòa thượng Thiện Luật, thế danh Ngô Bảo Hộ, sinh năm Mậu Tuất 1898 tại Sa Ðéc, nay là tỉnh Ðồng Tháp. Phụ thân Ngài là cụ Ngô Văn Nghi - vốn là người Triều Châu, do điều kiện sinh hoạt nên đã đưa cả gia đình sang Cao Miên lập nghiệp tại tỉnh Prey-Veng (hay Lò Veng, tức làng Hòa Mỹ theo cách gọi của cộng đồng người Việt xa xứ).

Cụ ông Ngô Văn Nghi tinh thâm Hán văn, giỏi Ðông y, Tử vi đẩu số và còn là một Kỳ vương kiệt xuất. Ðược lớn lên bên một người cha đa tài như vậy, nên từ thuở trẻ Ngài đã sớm hấp thụ những tinh hoa ấy. Ngoài kiến thức lập thân học được từ thân phụ, Ngài còn là một thanh niên được bạn bè nể phục vì bản tính cương liệt, khả năng võ thuật hơn người và ngón đàn độc huyền một thời xao động những đêm trăng vàng ở làng Hòa Mỹ xa xôi kia. Cũng không ít những thanh niên bản xứ của đất nước chùa tháp kia đã từng theo học những ngón nghề của nam tử tài hoa Ngô Bảo Hộ.

Thuận theo thế thường, năm 26 tuổi Ngài lập gia đình cùng bà Lưu Kim Phùng, con gái của một gia đình kiều bào cùng sinh sống tại làng Hòa Mỹ. Cuộc sống gia đình chỉ tròn 8 năm thì bà qua đời, để lại cho Ngài 4 người con thơ, 1 trai 3 gái, rồi đến con gái thứ cũng ra đi theo bà. Buồn vì nỗi bất hạnh của gia đình, Ngài được các vị Sư ở chùa làng thuyết giảng, bỗng nhận chân ra lý vô thường, thế là Ngài quyết định chọn cho mình hướng đi giải thoát.

Năm Giáp Tuất 1934, Ngài dẫn theo con trai là Ngô Bửu Ðạt đến chùa Prek-Reng, một ngôi chùa ở ven sông xin xuất gia. Hòa thượng trụ trì chấp thuận cho Ngài thọ giới Sa di, ban cho pháp danh là Thiện Luật, còn con trai Ngài thì được Hòa thượng nhận làm nghĩa tử, dưỡng nuôi trong chùa hầu cận chư Tăng.

Tu học tại đây một thời gian, Ngài quyết định rời chùa Prek-Reng, đưa con trai đến gởi nơi Niệm Phật Đường Thiền Lâm của kiều bào lập nên, do Bác sĩ Lê Văn Giảng quản trị (sau này là Hòa thượng Hộ Tông). Riêng Ngài, đến tu học tại chùa Sùng Phúc ở quận 5, thành phố Phnom-Pênh, cũng là ngôi chùa do kiều bào Việt Nam xây dựng trên đất Cao Miên. Có thể nói đây là cơ sở đầu tiên để hệ phái Phật giáo Nam Tông du nhập vào xã hội người Việt sau này. Chùa đây là nơi phát hành tờ đặc san đầu tiên của Phật giáo Nam Tông Việt Nam, cùng một số kinh sách Nam Tông bằng tiếng Việt.

Năm Ðinh Sửu 1937, lúc 39 tuổi, Ngài chính thức thọ giới Tỳ kheo với Thầy Tế độ là Ngài Phó Tăng Thống Cao Miên là Hòa thượng Uttamamuni Um-Su, Thầy Yết ma là Hòa thượng Som Dach Choun Nath (sau là vua Sãi Cao Miên) và Thầy Giáo thọ hướng dẫn Phật học là Ngài Hout-That (về sau là Phó Tăng thống, cuối cùng là vua Sãi, bị Pôn-Pốt sát hại năm 1975). Ba vị trên đây cùng Hòa thượng Chan-Wang là bốn vị học giả uyên thâm, lừng danh nhất của Cao Miên thời bấy giờ.

Sau khi thọ đại giới Tỳ kheo, Ngài nhập chúng tu học tại chùa Sri Sagor, tại đây có khoảng 25 vị Tăng Việt Nam cùng tu học, Ngài được xem là Sư huynh chăm sóc vấn đề ăn ở cho anh em đồng hương. Ngài bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu Luật tạng, trước là để tu trì, sau là để chuẩn bị cho tâm nguyện hoằng truyền Phật pháp về quê hương, mà Ngài tự cảm nhận mình có phần lớn trách nhiệm gánh vác.

Năm Canh Thìn 1940, sau khi xin phép cho con trai được thọ giới Sa di, Ngài cũng xin phép Hòa thượng trụ trì chùa Sri Sagor cho mình trở về Niệm Phật Đường Thiền Lâm để tu học và xây dựng lại vì chùa đổ nát. Về đây, Ngài nhặt nhạnh từng thanh gỗ viên ngói, dốc lòng tái thiết chùa Thiền Lâm khang trang hơn trước. Với tâm nguyện cũ ngày nào vẫn canh cánh bên lòng, Ngài tiếp tục tạo mọi điều kiện nâng đỡ chư Tăng Việt Nam. Một số vị Giáo thọ Sư từ hệ phái Bắc Tông cũng đã tìm đến đây tá túc tầm đạo. Trong đó có Ngài Ấn Lâm, khi mới chuyển từ Bắc phái sang Nam truyền (về sau là Tăng thống hệ phái Nam Tông Việt Nam) cũng đã một thời cư ngụ tại đây.

Cùng năm này, nhận thấy con đường hành đạo của mình không thể chỉ là những tháng ngày gởi mình nơi đất khách, Ngài bắt đầu nghĩ nhiều về quê hương Việt Nam. Nhân duyên đến lúc chín muồi, được sự động viên của Hòa thượng Choun Nath cùng chư Tăng Phật tử Việt Nam, Ngài về nước thu nhận chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Ðức làm ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam. Cùng đi với Ngài còn có Sư Hộ Tông, Sư Hộ Giác và các Phật tử kiều bào.

Năm Tân Tỵ 1941, do Sư Hộ Giác không quen được với phong thổ mới nên ngã bệnh, buộc lòng Ngài đưa Sư trở lại Phnom-Pênh, Ngài đến ngụ tại chùa Mahàmantrey, và được xem là huynh trưởng của một nhóm chư Tăng Việt Nam mười mấy vị. Ngài ngụ tại chùa Mahàmantrey tiếp tục nghiên cứu Luật tạng cho đến kỳ kiết tập Tam tạng lần thứ 6 năm 1954 tại Miến Ðiện.

Năm Bính Thân 1956, Ngài được Phật tử Việt Nam thỉnh về chùa Kỳ Viên ở Bàn Cờ, Sài Gòn để thuyết giảng Phật pháp thường kỳ tại đây. Tháng 4 năm 1957, Giáo hội Phật giáo Nam Tông Việt Nam được chính thức thành lập, một Hội đồng Tăng Già Chưởng quản do Ngài Bửu Chơn đảm nhiệm Tăng thống và Ngài làm Phó Tăng thống.

Năm Ðinh Dậu 1957, Ngài được Phật tử cung thỉnh về chùa Phổ Minh ở Gò Vấp, Gia Ðịnh. Tại đây, Ngài đã thu nhận các đệ tử xuất gia, mở lớp giảng dạy chư Tăng Nam Tông được trên mười vị, hầu hết đều còn trẻ tuổi, đó là lớp chư Tăng Nam Tông đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam, do Ngài và Sư Hộ Giác sau khi tốt nghiệp về nước trực tiếp phụ trách giảng dạy.

Năm Mậu Tuất 1958, Ngài cùng Sư Hộ Giác kiến lập chùa Pháp Quang ở gần cầu Bình Lợi, Gia Ðịnh và về đây trụ trì. Chư Tăng Nam Tông từ đó có một Học viện hẳn hoi. Ngôi trường này đã đào tạo nên nhiều Tăng tài phục vụ cho Giáo hội cũng như tu học hoằng truyền Phật pháp trên khắp thế giới.

Năm Quý Mão 1963, chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Ðình Diệm được thực hiện khốc liệt với Phật giáo Việt Nam. Trong tư cách một tu sĩ, một vị lãnh đạo tinh thần cho nhiều Tăng Ni Phật tử, Ngài đã có mặt trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của Phật giáo đến khi thành công.

Năm Giáp Thìn 1964, sau khi chế độ Ngô Ðình Diệm cáo chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài được suy cử ngôi vị Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hiến chương Phật giáo, và Ngài giữ chức vụ này cho đến cuối đời. Tuy Phật sự nặng gánh nhưng việc tu tập và truyền pháp lợi sanh của Ngài vẫn không hề giảm bớt, như tâm nguyện góp phần tạo nên một hệ phái Phật giáo Nguyên thủy của người Việt ngày càng phát triển vững chắc trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam.

Tuổi già sức yếu, Hòa thượng Thiện Luật đã viên tịch vào ngày mùng 9 tháng 7 năm Kỷ Dậu, nhằm ngày 21 tháng 8 năm 1969, tại chùa Pháp Quang, thọ thế 71 năm, có 32 tuổi Hạ.

Video liên quan

Chủ đề