Tại sao lại có mâu thuẫn?

Những tranh chấp phát sinh trong cuộc sống thường ngày có thể được biểu hiện dưới một hình thức cụ thể nào đó, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó có thể là những vấn đề hoàn toàn không có liên quan đến nội dung tranh chấp. Nói cách khác, các bên trong quan hệ tranh chấp phát sinh có thể sử dụng hình thức tranh chấp này để giải quyết một mâu thuẫn khác. Ví dụ: Hai hộ gia đình có mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại phát sinh mâu thuẫn biểu hiện dưới hình thức tranh chấp về quyền sử dụng đất. Nếu hòa giải viên chỉ hướng nội dung hòa giải đến việc xác minh vấn đề sử dụng đất thì sẽ không giải quyết được ngọn nguồn của mâu thuẫn.

 Để tìm ra mâu thuẫn, các xung đột lợi ích cốt lõi và nguyên nhân chủ yếu của vụ việc, hòa giải viên cần liên tục đặt ra những câu hỏi tại sao lại như vậy đối với các thông tin, tình tiết của vụ việc mà mình được tiếp nhận.

- Các loại lợi ích trong mâu thuẫn, tranh chấp

Dựa trên những căn cứ khác nhau, các nhà nghiên cứu đã chia lợi ích thành nhiều loại khác nhau: dựa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội: chia thành lợi ích kinh tế, lợi ích văn hoá, lợi ích chính trị... khái quát hơn là lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần; dựa vào phạm vi hoạt động của chủ thể: chia thành lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích giai cấp, lợi ích toàn xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích nhân loại... khái quát hơn là lợi ích riêng và lợi ích chung; dựa vào thời gian tồn tại của lợi ích: chia thành lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; dựa vào tầm quan trọng của lợi ích: chia thành lợi ích căn bản và lợi ích không căn bản, lợi ích cấp bách và lợi ích không cấp bách; dựa vào tính chất và các biện pháp thực hiện lợi ích: chia thành lợi ích chính đáng và lợi ích không chính đáng... 

Lợi ích cá nhân là cái phản ánh quan hệ nhu cầu giữa cá nhân và các chủ thể xã hội khác dùng để thỏa mãn nhu cầu riêng tư cụ thể của cá nhân đó, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân. Bao gồm: lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị,... Đó chính là những lợi ích cụ thể phản ánh nhu cầu, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân thể hiện qua các quyền của con người như: quyền sống, quyền tự do, được an toàn, được lao động, được học tập, được chăm sóc y tế, được hưởng các giá trị an sinh xã hội - phúc lợi xã hội, quyền về kinh tế, quyền về chính trị... Lợi ích kinh tế của cá nhân ngày nay được biểu hiện khá phong phú, đa dạng, dưới nhiều dạng như: các nguồn thu nhập (tiền công, tiền lương, lợi tức, cổ phiếu, thu nhập từ lao động, các nguồn thu nhập khác), việc làm, tài sản gắn với cá nhân (đất đai, nhà ở, sở hữu trí tuệ, tài sản khác),...

Thu thập thông tin về lợi ích của các bên tranh chấp cho phép hòa giải viên khám phá ra các vấn đề, tạo cơ hội để đưa ra các giải pháp cho vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp.

Tìm hiểu về lợi ích cũng giúp xác định những người liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp. Các giải pháp giải quyết tranh chấp cần đề cập đến các lợi ích luật định (pháp lý), tuy nhiên chúng cũng phải đáp ứng các nhu cầu tâm lý (tình cảm) và các nhu cầu thủ tục của các bên tranh chấp. Điều này cho phép tìm ra một số giải pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp và tạo ra nhiều lựa chọn đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các bên tranh chấp. Nắm bắt đúng lợi ích cốt lõi dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, giúp tìm được các giải pháp thích hợp, kết quả là các giải pháp giải quyết tranh chấp trở nên bền vững (giải quyết được cái “gốc” của vấn đề).

Làm cách nào chúng ta biết được lợi ích của các bên tranh chấp là những lợi ích gì?

Lắng nghe các bên giúp họ bộc lộ tình huống và suy nghĩ thấu đáo hơn về những động lực của họ trong vụ tranh chấp. Các hòa giải viên cần bảo đảm phát triển các kỹ năng lắng nghe hiệu quả. Bên cạnh đó, để làm rõ thêm thông tin về các lợi ích, hòa giải viên cần có kỹ năng đặt câu hỏi (như đã trình bày ở phần trên).

- Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp

* Do vấn đề truyền đạt

Sự thiếu thông tin (rào cản giao tiếp) là một trong những nguyên nhân gây ra xung đột, do kĩ năng lắng nghe chưa tốt, chia sẻ thông tin không đầy đủ, khác biệt trong cách giải thích và nhận thức vấn đề, hay các biểu hiện phi ngôn từ bị bỏ qua hoặc không được nhận biết. Nội dung của người nói được người nghe hiểu không hoàn toàn chính xác. Mức độ không chính xác càng cao càng có nguy cơ gây ra những hiểu lầm.

Ví dụ: Một người không truyền đạt thông tin rõ ràng cho hàng xóm của mình về việc sử dụng nhờ phương tiện giao thông của anh ta. Khi anh ta thực hiện hành vi sẽ làm cho quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng, điều này có thể dẫn đến xung đột giữa hai gia đình.

* Sự phụ thuộc lẫn nhau trong công việc

Sự phụ thuộc lẫn nhau đối với công việc xảy ra khi hai hay nhiều người phụ thuộc lẫn nhau để hoàn thành công việc của họ và tiềm năng xung đột tăng lên khi mức độ phụ thuộc lẫn nhau tăng lên. Có ba hình thức phụ thuộc lẫn nhau đối với công việc sau đây:

- Sự phụ thuộc lẫn nhau khi cùng làm việc với nhau: Nhiều người phối hợp với nhau cùng thực hiện một công việc nhằm hoàn thành nhiệm vụ, về tổng thể được gọi là sự phụ thuộc lẫn nhau khi cùng làm việc với nhau.

- Sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính nối tiếp nhau: Khi một người không thể thực hiện công việc của mình nếu người trước đó không kết thúc. Sự phụ thuộc này diễn ra phổ biến trong quá trình sản xuất. Ví dụ trong hoạt động vận tải, người sửa xe không hoàn thành công việc sẽ dẫn tới người lái xe không thể làm được việc của mình.

- Sự phụ thuộc qua lại lẫn nhau: Loại này xảy ra đối với những nhiệm vụ nối tiếp nhau khi mỗi người phụ thuộc vào việc thực hiện hoạt động của người khác. A phụ thuộc vào B và C. Trong khi B và C phụ thuộc lẫn nhau và cũng phụ thuộc vào A.

* Mục tiêu không tương đồng

Mục tiêu cá nhân của các thành viên cộng đồng không thể giống nhau do lợi ích khác nhau. Khi có những hoạt động ảnh hưởng tới không gian, thời gian chung của cộng đồng sẽ dễ dàng này sinh mâu thuẫn.

* Sử dụng đe dọa

Khi không có sự đe dọa hầu như các cá thể sẽ hợp tác nhiều hơn. Mức xung đột tăng lên khi một bên có sự đe dọa đối với phía bên kia.

* Do khan hiếm nguồn lực

Khả năng xung đột sẽ tăng lên trong những điều kiện khan hiếm. Khi các nguồn lực bị giới hạn, các cá thể bị đẩy vào cuộc cạnh tranh mang tính thắng thua và những cuộc cạnh tranh như vậy thường dẫn đến xung đột.

Ví dụ về tranh chấp đất đai thì những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai thường là:

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Người dân thiếu hiểu biết: Có nhiều trường hợp đất công cộng được sử dụng cho mục đích làm đường đi, sinh hoạt,… lại bị người dân vô tư phân chia, sử dụng theo các luật lệ, tập quán xưa mà không dựa vào luật hiện hành, dẫn đến tranh chấp.

+ Mâu thuẫn lợi ích cá nhân: Quá trình phân chia tài sản, mâu thuẫn khi chuyển nhượng,… cũng rất dễ phát sinh tranh chấp đất đai.

- Nguyên nhân khách quan:

+ Cơ chế quản lý của Nhà nước còn thiếu sót: Nhiều trường hợp các địa phương có quan hệ đất đai phức tạp, Nhà nước vẫn chưa có hồ sơ địa chính hoàn chỉnh. Ngoài ra, việc phân cấp quản lý cho quá nhiều ban ngành dẫn đến việc quản lý còn nhiều thiếu sót cũng là nguyên nhân gây ra tranh chấp đất.

+ Cán bộ thực hiện công vụ đất đai không tốt: Một số cán bộ thực hiện công vụ không gương mẫu, lợi dụng chức quyền và vì lợi ích riêng tư hoặc thiếu trình độ quản lý, gây ra nhiều bức xúc cho người dân.

+ Bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng: Một số trường hợp giải tỏa khu đất đang thuộc quyền sở hữu của người dân không bồi thường thỏa đáng hoặc đưa giá tái định cư quá cao, gây ra mâu thuẫn giữa người dân và các nhà quản lý.

+ Công tác giải quyết khiếu nại chưa tốt: Một số cơ quan nhà nước không làm việc đúng trách nhiệm trong vấn đề hòa giải, hướng dẫn người dân làm hồ sơ khiếu nại, né tránh trách nhiệm khi xảy ra khiếu kiện. Cũng có trường hợp đưa ra phương án giải quyết thiếu khả thi và công bằng, dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn phức tạp hơn.

+ Thủ tục chuyển nhượng không đúng: Đã có một số trường hợp khi xem lại các hồ sơ đã lập trước đó không đúng với quy định của pháp luật hiện hành nên dẫn đến khởi kiện để giành lại quyền lợi.

- Nguyên nhân khác: Nhận thức của nhiều người dân về quan hệ đất đai không phù hợp với quy định của pháp luật. Vẫn còn tồn tại các phong tục, tập quán truyền thống, hương ước, luật tục về đất đai, thiếu căn cứ pháp lý đang chi phối sinh hoạt kinh tế - xã hội nhiều địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng núi. Vì vậy, khi có xung đột, người dân không căn cứ vào pháp luật mà chỉ căn cứ vào tập quán để giải quyết, dẫn đến xung đột. Không ít người dân, không phân biệt được quyền sở hữu và quyền sử dụng, đồng nhất việc cấp “sổ đỏ” với thừa nhận quyền sở hữu đất đai, nhất là đất nông nghiệp, đất ở. Ở Tây Nguyên, đồng bào các tộc người thiểu số coi đất đai của mình là bất kỳ nơi nào họ đã canh tác, thậm chí là đất đốt rừng, phá rừng.

Ví dụ nguyên nhân dẫn đến các vụ việc bạo lực gia đình như do rượu và ma túy, do mâu thuẫn trong làm ăn, khó khăn về kinh tế, ngoại tình, do nhận thức về vấn đề bình đẳng giới rất hạn chế…

Bạo lực gia đình là do rượu và ma túy: Khi sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy… nam giới thường có nguy cơ giải quyết những khó khăn bằng hành vi bạo lực, chẳng hạn như nhiều người thường lấy cớ say rượu, thua bạc để đánh đập, hành hạ vợ con, bắt vợ phải đưa tiền để đi uống rượu và chơi cờ bạc.

Bạo lực gia đình thường xảy ra trong những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn: Những cặp vợ chồng phải bươn chải vất vả để kiếm sống thường có sự căng thẳng về thần kinh hơn và do đó dễ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi trong gia đình và cuối cùng nam giới thường sử dụng quyền và sức mạnh của mình để gây ra bạo lực với phụ nữ…