Tại sao Nguyễn Thái Học lại nói Không thành công cũng thành nhân

t/g Trần Trung Đạo

15-06-2015

Tưởng Niệm 85 năm Ngày Tang Yên Bái

Vào khoảng thời gian này 85 năm trước, tức vài hôm sau Ngày Tang Yên Bái, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình bên đây được đăng trên báo Pháp. Mười ba chiếc đầu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém còn phơi trên bãi cỏ. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú “đây là đầu của Nguyễn Thái Học”.

Theo tác giả Hoàng Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò”: Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.

Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”

Trong hồi ký Từ Yên Bái Đến Côn Lôn, Nguyễn Hải Hàm tức Ký Thân, người bị kết án tử hình sau Khởi Nghĩa Yên Bái nhưng sau giảm xuống chung thân nơi Côn Đảo, kể lại lời của vị Linh mục chứng kiến giờ phút cuối cùng của 13 Anh hùng Yên Bái: “Ông Học thật tốt. Ông không hề tỏ ra một cử chỉ hay lời nói nào buồn trách Cha như những người kia. Trái lại ông Học nói chuyện với Cha tự nhiên, bình thản như ngày thường …Quá vui tính…12 anh kia bị chém trước rồi sau mới là anh Học…Anh Học trước khi lên đoạn đầu đài hô lớn câu Việt Nam Vạn Tuế, và khi hô lớn xong đầu cũng lọt vào thùng mạt cưa bên cạnh. Anh nào cũng hô Việt Nam Vạn Tuế, có anh thì hô Việt Nam Muôn Năm… Nhưng đau lòng nhất là có một vài anh chưa hô hết câu đầu đã rơi xuống thùng mạt cưa”. 

Mười ba liệt sĩ lên máy chém thực dân sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930: Nguyễn Thái Học, Phó Ðức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Ðào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Ðức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Ðỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu và Nguyễn Như Liên.

Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bước lên máy chém. Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”. 

Đó cũng là điểm khác biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân tộc và đảng CSVN. Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông trong khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.

Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, số phận của Nguyễn Thái Học cũng giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi. 

Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học chỉ mới 28 tuổi. 

Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau. Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.

Tưởng Niệm Những Anh Hùng Yên Bái
t/g Thiên Kim

Một sáng tinh sương trời đất ngậm ngùi

Nguyễn Thái Học vị anh hùng dân tộc

Chống Pháp đô hộ dầy xéo quê hương

Cùng toàn dân nuôi ngọn lửa quật cường

Chung vai bên "Việt Nam Quốc Dân  Đảng"

Đổ bao năng lực hầu mang Thành Công

Đảng trưởng quyết cùng anh em hành động...

Ai oán thay! Sứ mạng vận mong manh

Mười ba anh hùng gẫy gánh nửa đường

Quân Pháp đem xử trảm giữa pháp trường

Đồng bào tiễn đưa nước mắt xót thương

Những cụ già nấc lên lòng hận oán

Trong đám đông Cô Giang hồn phách tán

Khóc người yêu một đồng chí nghĩa trung

Vĩnh biệt người chồng chưa cưới ngàn trùng

Các anh hùng Yên Bái đã Thành Nhân 

Danh người đang chói chang vào lịch sử

Cô Giang anh thư trung trinh vạn thuở

Tìm đến nhau cõi vĩnh cửu quang minh

t/g Thiên Kim - Ngày 17/6/2015.

Khởi nghĩa Yên Bái không chỉ làm rung động lòng yêu nước của toàn dân tộc mà chính những người Pháp cũng phải nhìn nhận lại cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khởi nghĩa Yên Bái cách nay 80 năm (9/2/1930-9/2/2010), như một tiếng bom báo hiệu sự lung lay của chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam. Khởi nghĩa Yên Bái không chỉ làm rung động lòng yêu nước của toàn dân tộc mà chính những người Pháp phải nhìn nhận lại cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bi hùng cuộc khởi nghĩa Yên Bái

Nguyễn Thái Học sinh năm 1902 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).

Lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Thái Học

Ông là một trí thức yêu nước, từ năm 1925 -1927 đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne một số bức thư kêu gọi chính quyền thực dân Pháp tiến hành cải cách xã hội ở Việt Nam, nhưng không được hồi đáp. Đêm 24/12/1927, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của ông cùng những người bạn yêu nước đã thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ), ông được bầu làm Chủ tịch đảng. Với đường lối: dùng bạo lực để lật đổ chế độ thực dân Pháp.

Sau vụ một nhóm đảng viên VNQDĐ tổ chức ám sát trùm mộ phu đồn điền Bazin ngày 9/2/1929, VNQDĐ bị nhà cầm quyền lùng sục, bắt bớ. Trước nguy cơ VNQDĐ bị tan vỡ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã quyết định tiến hành cuộc "tổng khởi nghĩa vũ trang". Nếu thất bại cũng là tấm gương cho đời sau tiếp bước, "Không thành công cũng thành nhân". 

Lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Khắc Nhu

Lực lượng khởi nghĩa gồm khoảng 60 người từ dưới Phú Thọ đi tàu hoả lên Yên Bái từ ngày hôm trước. Tại Yên Bái, lực lượng VNQDĐ có khoảng 40 người, chủ yếu là lính khố đỏ thuộc đại đội 5,6,7 tiểu đoàn 2, trung đoàn lính khố đỏ số 4 Bắc Kỳ. Lính khố xanh không tham dự khởi nghĩa. Đêm 9 rạng ngày 10/2/1930 khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ, nghĩa quân đã hạ sát được hầu hết bọn sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy ở các nhà riêng, phối hợp với nghĩa quân hai cơ lính khố đỏ đồn 5 và 6 đồn dưới nổi dậy.

Trước sân trại lính, một đại biểu của VNQDĐ đọc bài Hịch khởi nghĩa, với những khẩu hiệu: “Đuổi giặc Pháp về nước Pháp/ Đem nước Nam trả người Nam/ Cho trăm họ khỏi lầm than/ Được thêm phần hạnh phúc”. Từng toán quân khởi nghĩa chia nhau đi chiếm nhà ga, bến xe và các cơ quan chính quyền của Pháp, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng và ủng hộ nghĩa quân khởi nghĩa. Lá cờ của VNQDĐ tung bay trên trại lính và các công sở. Do không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh cơ số 7 và số 8 ở trên đồn cao, Pháp đã củng cố lực lượng dưới sự chỉ huy của tên trung tá Tacon đã phản công lại với sự yểm trợ của máy bay từ Hà Nội bay lên. Nghĩa quân bị đánh bật khỏi các vị trí đã chiếm, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.

Phối hợp với khởi nghĩa Yên Bái, đêm 9/2/1930 lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Khắc Nhu đã lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa đánh đồn Hưng Hoá, chiếm phủ Lâm Thao. Theo kế hoạch khi giành thắng lợi ở Yên Bái và Hưng Hoá hai nghĩa quân này sẽ hội quân tại Hưng Hoá vượt bến Trung Hà tiến đánh đồn Thông ở Sơn Tây, hợp với quân của Phó Đức Chính chiến đấu tại đây.

Nghĩa quân đánh đồn Hưng Hoá, do không có nội ứng và vũ khí kém nên không đánh chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút về Lâm Thao. Tại đây quân nghĩa khởi do Phạm Nhận chỉ huy đã đánh chiếm được phủ Lâm Thao. Được sự chi viện của của quân Pháp từ Phú Thọ, chúng tổ chức phản công dữ dội, do thiếu vũ khí lại thiếu người chỉ huy sau khi Nguyễn Khắc Nhu bị thương và bị bắt, nghĩa quân tan vỡ.

Cùng tiếng súng khởi nghĩa Yên Bái, nhiều đảng viên VNQDĐ đã tổ chức cài bom nổ khắp thành phố Hà Nội, như: Sở Mật thám, bóp Cảnh sát Hàng Trống…để uy hiếp tinh thần và gây hoang mang cho quân Pháp. Khiến chúng phải đề phòng và nâng cao cảnh giác, chúng ráo riết truy lùng những đảng viên VNQDĐ và những người yêu nước.

Tượng đài Khởi nghĩa Yên Bái

Sau Khởi nghĩa Yên Bái 5 ngày, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, chủ trương tiến tới chiếm toàn bộ Hải Phòng, một thành phố lớn, có cảng biển, tiếp đến là Hải Dương, Phả Lại… Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện lỵ Vĩnh Bảo, giết chết tên tri huyện Hoàng Gia Mô, một tên quan lại tham tàn độc ác. Với sự phản công quyết liệt của quân Pháp với vũ khí hiện đại, quân khởi nghĩa bị tiêu diệt.

Khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Thái Học trốn thoát do được sự che chở của nhân dân. Cùng một số đảng viên tiêu biểu còn lại của VNQDĐ, Nguyễn Thái Học bàn bạc và dự định cải tổ lại đảng và thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của Đảng. Chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ngày 23/3/1930 ông bị kết án tử hình. Ngày 17/6/1930, Pháp đưa Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ khác của VNQDĐ tại Yên Bái lên máy chém. Bước lên đoạn đầu đài, trước khi đưa đầu vào máy chém, Nguyễn Thái Học hô vang "Việt Nam vạn tuế!"

Pháp phải thừa nhận khởi nghĩa Yên Bái đã giáng một đòn chí mạng vào chính quyền thuộc địa. Báo cáo của mật thám Đông Dương gửi Toàn quyền Đông Dương và Bộ Thuộc địa số 2037, phông RST/NF đã viết: “VNQDĐ đã thành công trong việc tổ chức và đánh ngay vào quân đội, mà đội quân ấy được thành lập dành cho mục đích thực hiện chức năng đàn áp và sự kiện lịch sử này đã giáng một đòn đặc biết nghiêm trọng vào chính quyền thuộc địa…”

Nhà thơ Cộng sản Pháp Louis Aragon súc động trước cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, với những tấm gương yêu nước và tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam đã viết:

"Yên Bái,

Đây là điều nhắc nhở ta rằng,

không thể bịt miệng một dân tộc

mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ".

" Yên Bái,

Xin gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này,

để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu của một tên Varenne".

Video liên quan

Chủ đề