Kịch bản kém chất lượng, diễn viên phải kiếm sống nên nhắm mắt nhận kịch bản dù dở. Tuy nhiên, để cho ra nhiều phim truyền hình có chất lượng xuống dốc như hiện nay trách nhiệm chính thuộc về sự quản lý của các đài truyền hình.Trước thực trạng phim truyền hình Việt Nam kém chất lượng, điển hình với các bộ phim được cho là thảm họa như Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Nợ đa tình… liên tiếp lên sóng giờ vàng, chiều 5-5, báo Phụ Nữ TP.HCM đã tổ chức tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam. Nhiều thực tế mà các hãng sản xuất phim, đạo diễn, biên kịch, diễn viên… nêu thẳng thắn tại tọa đàm đã gây sốc ngay chính những người trong cuộc.3.000 tập phim một năm - kịch bản tốt ở đâu ra?Đây là số tập phim để đáp ứng yêu cầu phải phát sóng 30% phim Việt Nam ở các giờ chiếu phim của các đài trong nước. Nhà báo-nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long bảo làm nhiều như thế mà nhân lực không có nên các nhà đài duyệt phim quá lỏng lẻo, đồng thời nguồn kịch bản hay cũng thiếu nghiêm trọng.Đại diện hãng phim MT Picture kêu rằng các nhà đài phải cho tăng thêm việc sử dụng nguồn kịch bản nước ngoài được Việt hóa làm giải pháp cho chuyện thiếu nguồn kịch bản hay trong nước. Hiện nguồn kịch bản Việt hóa bị các đài khống chế dưới 20% trên tổng số tập phim phát ra. Đồng ý chất lượng kịch bản quyết định đến 50% thành công của bộ phim nhưng theo đạo diễn Lê Cung Bắc lưu ý, việc Việt hóa kịch bản nước ngoài phải thật sự Việt hơn nữa chứ như hiện nay “chưa thật sự Việt lắm”.Bà Minh Hà, biên tập của phòng khai thác phim truyện Đài Truyền hình TP.HCM, phản đối việc Việt hóa kịch bản phim nước ngoài. Bà cho rằng nguồn kịch bản hay hiện nay không thiếu mà thiếu do không có nơi tiếp nhận kịch bản rõ ràng. Bà đề nghị nên có một trung tâm tiếp nhận kịch bản của đài truyền hình. Sau đó đài truyền hình sẽ đọc, chọn kịch bản để gửi về các hãng sản xuất phim, như vậy chất lượng phim sẽ ổn định hơn.Cảnh trong bộ phim được cho là “thảm họa phim truyền hình Việt” - Anh chàng vượt thời gian, do một nhà sản xuất không biết gì về phim ảnh vừa là tác giả vừa làm đạo diễn. Ảnh: TLNhà báo Lê Minh Quốc bức xúc chuyện các hãng phim, một số nhà biên kịch tên tuổi thường sử dụng sinh viên mới ra trường, lập thành nhóm, chia nhau các tình huống nhân vật để viết rồi ráp lại thành kịch bản phim. Theo ông, người viết trẻ thường thiếu vốn sống nên logic, tình huống kịch, các vấn đề trong phim thường thể hiện không đến nơi đến chốn, không sâu sắc, hợp lý hợp tình. Ông đề nghị các nhà sản xuất phim nên liên kết với các nhà văn, hội nhà văn để có đội ngũ viết lách chuyên nghiệp.Lương tâm hay lương tháng?“Đạo diễn, diễn viên hãy vì lương tâm mà từ chối những kịch bản phim dở” - đạo diễn Lê Cung Bắc thẳng thắn. Tuy nhiên, khi nhà báo Bạch Mai thắc mắc tại sao ngay cả diễn viên giỏi bây giờ xuất hiện trong nhiều phim Việt cũng thành diễn viên dở thì đụng phải vấn đề “lương tháng” để sống của họ.Diễn viên Hạnh Thúy thẳng thừng: “Nói lương tâm nhưng còn phải có lương tháng nữa. Diễn viên chúng tôi rất muốn một năm chỉ đóng 1-2 phim để có thời gian sống với nhân vật nhưng thù lao liệu có đủ sống? Chúng tôi buộc phải nhận nhiều phim, buộc phải chạy show mới sống được”.