Tại sao tài nguyên khoáng sản nước ta ngày càng có nguy cơ bị cạn kiệt

Cạn kiệt tài nguyên: Nguy cơ rất gần

Duy Phương

06:20 04/12/2015

Ngành khai khoáng của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng về mặt quy mô chỉ trong khoảng 2 thập kỷ qua. Việc khai thác khoáng sản với quy mô ngày một lớn song phương thức quản trị chưa tốt đang đẩy Việt Nam đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác...

Tại sao tài nguyên khoáng sản nước ta ngày càng có nguy cơ bị cạn kiệt

Minh bạch trong quản trị khai khoáng để phát triển bền vững.

Đó là cảnh báo được giới chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách”, tổ chức ngày 3/12 tại Hà Nội.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam hiện đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Còn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn Appatite, 193 ngàn tấn Mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn vào năm 2013.

“Với quy mô khai thác như trên, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần” – nhóm nghiên cứu thuộc Liên minh khoáng sản Việt Nam đánh giá.

Theo ông Phạm Quang Tú - Trung tâm Con người và Thiên nhiên, việc cấp phép hoạt động khai khoáng đang ngày một tràn lan, không có sự chọn lọc, đẩy ngành khai khoáng tới thực trạng tận thu, khai thác tận… xương. “Như một số DN khai thác ti - tan ở ven biển miền Trung hiện nay đã được cảnh báo từ những năm 2009 là sẽ có nguy cơ phá sản và điều này đang trở thành hiện thực”.

“Đặc biệt, dù theo thời gian, số lượng mỏ khai thác khoáng sản ngày càng nhiều hơn, quy mô rộng hơn, song đóng góp cho nguồn ngân sách Nhà nước từ ngành khoáng sản lại rất khiêm tốn” -bà Nguyễn Thị Cúc, Hội Tư vấn thuế Việt Nam nêu lên thực trạng và đưa ra một con số khá bất ngờ: Đó là, nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên cứ sụt giảm dần theo từng năm.

Nếu như năm 2011, thu thuế tài nguyên đạt hơn 39 ngàn tỷ, chiếm tỷ trọng khoảng 5,5% trên tổng thu ngân sách Nhà nước thì đến năm 2014, con số này đã sụt giảm chỉ còn 4,4% (chưa đến 38 ngàn tỷ đồng). Đáng quan ngại, nhiều địa phương có số lượng giấy phép (cấp cho hoạt động khai thác mỏ của DN) lên đến hàng trăm, song thực thu từ thuế tài nguyên chỉ đạt vài tỷ đồng.

Phú Yên là một ví dụ. Tại địa phương này hiện có 200 giấy phép cấp cho các mỏ hoạt động vẫn đang còn hiệu lực, song số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt khoảng 4-5 tỷ đồng/ năm. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản.

Đánh giá về tính hiệu quả của hoạt động khai khoáng hiện nay của các DN Việt Nam, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc quản trị ngành khai khoáng thiếu minh bạch, chính sách chồng chéo đã và đang đẩy Việt Nam đến thực trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng ngày một giãn cách xa hơn, nguồn thu ngân sách cũng không hiệu quả…Thực trạng này đặt ra yêu cầu, cần phải đẩy mạnh sự minh bạch trong quản trị khai khoáng tại Việt Nam (EITI).

Tại sao tài nguyên khoáng sản nước ta ngày càng có nguy cơ bị cạn kiệt

Ngành khai khoáng đang trong thực trạng tận thu, khai thác tận… xương.
(Ảnh: T.L.).

Theo nhận định của giới chuyên gia ngành khai khoáng, thế giới hiện nay có nhiều sáng kiến nhằm hạn chế thất thu ngân sách và quản lý hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản. Trong đó sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI) được coi là một trong những sáng kiến hiệu quả nhất. Đáng tiếc, Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006 và Bộ Công thương được giao là cơ quan chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm, Việt Nam vẫn chưa cam kết thực thi EITI dù nhu cầu cần cải cách lĩnh vực khoáng sản hiện nay là vô cùng cấp thiết. Việc chậm cam kết EITI được cơ quan chủ trì lý giải là do những hạn chế về năng lực thực thi và mức độ đáp ứng về mặt chính sách. Tuy nhiên, bà Trần Thanh Thủy – Điều phối viên Liên minh Khoáng sản lại cho hay: Thực tế, Việt Nam hiện nay hoàn toàn đáp ứng được việc thực thi EITI về cả năng lực và chính sách.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đối với một số DN hoạt động nhỏ lẻ, EITI có thể có tác động tiêu cực nhưng nhìn chung, EITI sẽ có những tác động tích cực đối với ngành khai khoáng.

“Kinh nghiệm quốc tế cho hay, Nigieria đã tránh thất thu được 1 tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực khai khoáng nhờ thực hiện sáng kiến này. Do đó gia nhập EITI là một xu thế mà chính Doanh nghiệp cũng mong muốn và mang lại tích cực cho cả ngành khai khoáng cũng như doanh nghiệp. Thêm nữa, minh bạch hóa giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước thay vì tăng thuế ” – ông Tuấn chia sẻ.

“Việc công khai, minh bạch trong quản trị ngành khai khoáng ở nước ta dù không còn sớm song cũng chưa quá muộn để Việt Nam có thể “sốc” lại hoạt động của ngành này. Nếu vẫn chậm trễ và cảm thấy khó thực thi, cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ đứng trước những nguy cơ rất lớn: Đó là cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn xa” – Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh thẳng thắn nêu quan điểm.

Chủ đề: cạn kiệt tài nguyên nguy cơ rất gần

Mục lục nội dung

2. Sự hình thành các vùng mỏ chính ở nước ta

3.Nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta

Câu hỏi: Nêu một số nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta

Lời giải:

- Do nhu cầu sử dụng ngày càng cao của con người.

- Khai thác thủ công, kĩ thuật khai thác lạc hậu.

- Sự quản lí còn lỏng lẻo. Khai thác bừa bãi.

- Phần lớn còn khai thác lộ thiên, lãng phí nhiều.

Kiến thức mở rộng:

1. Việt Nam là nước giàu tài nguyên khoáng sản

- Nước ta có khoảng 5000 điểm quặng và tụ khoáng của gần 60 loại khoáng sản khác nhau.

- Phần lớn các khoáng sản của nước ta có trữ lượng vừa và nhỏ.

- Một số loại tiêu biểu: than, dầu khí, apatit, đá vôi, sắt, crom, đồng, thiếc, bôxit,…


2. Sự hình thành các vùng mỏ chính ở nước ta

a) Giai đoạn Tiền Cambri

Giai đoạn này hình thành các mỏ than chì, đồng, sắt, đá quý,…phân bố ỏ Việt Bắc, Hoàng Liên Sơn, Kom Tum,…

b) Giai đoạn Cổ kiến tạo

Trong giai đoạn này có nhiều vận động tạo núi lớn, đã sản sinh ra nhiều loại khoáng sản như apatit, than, sắt, thiếc, mangan, titan, vàng, đất hiếm, bôxit trầm tích, đá vôi, đá quý, …phân bố rộng khắp cả nước.

c) Giai đoạn Tân kiến tạo

Giai đoạn này hình thành các mỏ dầu mỏ, khí đốt, than nâu, than bùn tập trung các trầm tích ngoài thềm lục địa và dưới đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long…và hình thành các mỏ bôxit ở Tây Nguyên.


3.Nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta

a.Nguyên nhânquản lý và khai thác

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Hiện cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác. Nhưng do quản lý thiếu chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, rất bừa bãi đối với các mỏ nhỏ, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường, thảm thực vật, gây sự cố môi trường như sạt lở, sập hầm lò…

Đặc biệt, các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.

Bên cạnh đó, phương thức chế biến và và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa thân thiện với môi trường nên đã và đang tác động xấu đến nhiều vùng trong cả nước, đe dọa đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống xã hội trong hiện tại và tương lai.

– Kĩ thuật khai thác lạc hậu, hàm lượng quặng còn nhiều trong chất thải.

– Thăm dò đánh giá không chính xác về trữ lượng, hàm lượng, phân bố làm cho khai thác gặp khó khăn và đầu tư lãng phí.

b. Vấn đề khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản

- Khoáng sản là tài nguyên không thể phục hồi do đó cần phải khai thác hợp lí, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên này.

- Đổi mới công nghệ khai thác, sàng tuyển và chế biến để tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường. Áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng các loại quặng có hàm lượng thấp, góp phần giảm thiểu tối đa khối lượng đất đá thải; thu hẹp diện tích bãi thải; thu hồi các chất hữu ích từ các bãi thải quặng vừa làm sạch môi trường lại vừa tránh được lãng phí tài nguyên.