Thế nào là khát vọng hòa bình


Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh K.T

Những cuộc chiến tranh mà chúng ta phải tiến hành, đều do kẻ thù áp đặt, người Việt vốn yêu chuộng hòa bình, quý trọng tình hữu nghị, nhưng không bao giờ khuất phục trước uy vũ, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Chúng ta muốn hòa bình, nhưng chúng ta không sợ chiến tranh, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đó là chân lý muôn đời

khi đất nước lâm nguy. Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng Đến em thơ cũng hóa những anh hùng Đến ong dại cũng luyện thành chiến sỹ

Và hoa trái cũng biến thành vũ khí!


(Tố Hữu: Ê mily con)

Khát vọng hòa bình của dân tộc ta bắt nguồn từ ngay những ngày đầu dựng nước qua những truyền thuyết, huyền thoại chống ngoại xâm. Đó là Thánh Gióng lớn lên từ nong cơm, vại cà, vươn vai lớn dậy bảo vệ quê hương, giặc tan thanh thản về trời không màng danh lợi. Đó là chàng Thạch Sanh với tiếng đàn nói lời lẽ thiệt hơn khiến giặc phải lui binh. Đó là lòng khoan dung của dân tộc thể hiện qua niêu cơm Thạch Sanh đãi kẻ đã buông giáo quy hàng. Đó là khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, chúng ta vẫn cấp thuyền, cấp ngựa, cho hàng binh quân Minh trở về nước. Còn nhiều nữa những minh chứng nói lên khát vọng hòa bình, lòng khoan dung của dân tộc Việt Nam.

Nếu nói lịch sử đất nước ta là lịch sử của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến đau thương và mất mát lớn nhất về người và của, với sự tàn phá không thể nào đo đếm được, hậu quả chiến tranh để lại trên đất nước ta là vô cùng nặng nề. Nhưng cuối cùng toàn thắng vẫn về ta, đau thương vô cùng nhưng cũng oanh liệt vô cùng, bất khuất vô cùng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm, dài hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử dân tộc. Nhưng chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: Lựa chọn vì đất nước, vì độc lập, tự do của dân tộc. Mỗi người lính ra trận đều mang trong mình lòng khát khao hòa bình cháy bỏng trong tim, nhưng họ vẫn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì quê hương đất nước.

Dải đất ông cha mấy ngàn năm bồi đắp Yêu hòa bình nhưng không tiếc máu xương Hồn liệt sỹ cháy trong hồn dân tộc

Giặc xâm lăng - lại xốc tới chiến trường


(Hướng Dương: Hồn liệt sỹ thắp sáng hồn dân tộc)


Hội viên CCB tỉnh gặp gỡ thế hệ trẻ nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam.
Ảnh: Quang Hòa

Chúng ta đã chiến thắng, đã giành lại được hòa bình, thống nhất, thế nhưng cái giá để có được hòa bình của chúng ta là những đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi. Không ngôn từ nào có thể diễn tả được một cách đầy đủ những nỗi đau đó. Chiến thắng của chúng ta không chỉ được đo bằng các con số và chiến thắng ngoài mặt trận mà còn được đo bằng cả trái tim bởi những đau thương do chiến tranh gây ra vẫn còn âm ỉ cho đến tận hôm nay.

Chiến tranh bao giờ chấm dứt
Nếu một đứa con của mẹ không về
(Hữu Thỉnh: Đường tới thành phố).

Dân tộc Việt Nam, dân tộc yêu hòa bình, nhưng lại là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh với biết bao đau thương, hy sinh biết bao xương máu, chúng ta mong muốn hòa bình, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng đương đầu với bất cứ kẻ thù nào để bảo vệ độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia. Khát vọng hòa bình của dân tộc ta luôn gắn liền với độc lập tự do.

“Ôi tổ quốc! ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết: Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, 

con sông”


(Chế Lan Viên: Sao chiến thắng)

Chiến tranh dù tàn nhẫn, khốc liệt đến đâu rồi cũng phải nhường chỗ cho hòa bình, nhường chỗ cho yêu thương tràn ngập, cho nụ cười hạnh phúc. Việt Nam một dân tộc có truyền thống nhân ái, nhân văn, nhân nghĩa, luôn mang trong mình khát vọng hòa bình, ngay cả khi phải cầm vũ khí để chiến đấu thì truyền thống ấy vẫn luôn được phát huy; đúng như nhà thơ Huy Cận đã viết:      

Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.

Niềm vui thống nhất đất nước

Khát vọngthống nhất đất nước, khát vọng hòa bình là mong mỏi lớn nhất của người dân Việt Nam khi đất nước bị chia cắt. Chính vì vậy, khi cánh cửa Dinh Độc lập bị húc đổ, lá cờ cách mạng bay trên thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và đặc biệt là lời tuyên bố "TP Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn" trên đài phát thanh đã khiến mọi niềm vui vỡ òa.

Nụ cười, nước mắt chan chứa niềm vui, những cái ôm, cái nắm tay thật chặt giữa người dân Sài Gòn và các chiến sĩ cách mạng đã xóa nhòa ranh giới giữa hai miền chiến tuyến và chỉ còn lại những người con Việt Nam hòa chung niềm vui đất nước hòa bình.

Bức ảnh "Hai người lính" - Khát khao hòa bình giữa lòng chiến sự

Lý giải về sự hòa hợp nhanh chóng của những con người đã ở hai bên chiến tuyến, các cựu chiến sĩ quân giải phóng cho rằng đó là do khát vọng về độc lập, thống nhất dân tộc cao hơn, mạnh mẽ hơn sự hận thù. Không phải đợi đến ngày 30/4/1975 điều này mới được bộc lộ ra.

Bức ảnh "Hai người lính" - một người là lính Việt Nam Cộng hòa và một người là lính quân Giải phóng được chụp năm 1973 tại chiến trường Quảng Trị của phóng viên chiến trường Chu Chí Thành. Cả hai người đã khoác vai thân thiết chụp ảnh với nhau ngay khi tiếng súng vừa ngớt.

Tác giả bức ảnh từng cho biết, ông có dự cảm ngày thống nhất đất nước đang đến rất gần khi chứng kiến hai người lính bên vùng chiến tuyến thực sự không muốn bắn giết lẫn nhau hay nói cách khác là họ cùng chung khát vọng thống nhất đất nước. Khát vọng ấy được thể hiện rõ nhất trong những gia đình của người miền Nam lúc bấy giờ khi những người con có chung bố mẹ nhưng đi lính hai bên, người mẹ luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ ngày nào đó các con sẽ chạm mặt trên chiến trường.

Lá thư "Gửi những người đang sống"

Đất nước đãhòa bìnhđược 46 năm từ ngày 30/4 lịch sử. Cái giá của sự bình yên mà chúng ta có được hôm nay là sự hi sinh xương máu của biết bao nhiêu anh hùng liệt sỹ, từ những người có danh tính rõ ràng đến hàng nghìn ngôi mộ vô danh. Hơn ai hết, các bác, các chú, các anh là những người hiểu rõ thế nào là sự hi sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho đồng bào.

Điều này cũng được cảm nhận sâu sắc qua bức thư của 3 liệt sỹ, những người đã nằm xuống tại cánh rừng nguyên sinh nơi thượng nguồn sông Đồng Nai. Trước khi biết mình sắp ra đi, 3 chiến sĩ thuộc trung đoàn Bình Giã đã lần lượt viết thư tay gửi thế hệ sau, những người đang sống.

"Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi cảm thấy gần đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư phải về với tay những người đang sống".

Tâm nguyện mang thông điệp hòa bình của người lính mũ nồi xanh

Đất nước đã tự do như mong muốn của các bác, các chú, các anh đã ngã xuống. "Việc sống đúng với ý nghĩa của sự tự do quý giá ấy sẽ càng làm cho những cái chết trở nên ý nghĩa hơn" - lời dặn dò sâu sắc và chân thành này đã trở thành mạch nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta, những người đang sống, đang hưởng thành quả của tự do, hòa bình.

Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam

Với các bạn trẻ thanh niên Việt Nam sẵn sàng lên đường gìn giữ hòa bình của thế giới thì việc sống ý nghĩa, trách nhiệm với tuổi trẻ trở thành một nguồn động lực vượt qua nhiều khó khăn và thử thách. Họ - một thế hệ trẻ ở một đất nước đã trải qua nhiều biến cố chiến tranh với bao thế hệ sẵn sàng lên đường với mục tiêu bảo vệ Tổ quốc thì việc xuất hiện ở những nơi bất ổn của thế giới như gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình.

Lại một thế hệ tiếp nối con đường của cha ông, những người đã cầm súng hi sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Chính tình yêu Tổ quốc đậm sâu đã khiến các chiến sĩ cách mạng chiến đấu quên mình và các bác, các chú, các anh cũng mong những người còn sống cũng sẽ lao động quên mình để xây dựng đất nước ngày một ấm no, hạnh phúc.

Cứ mỗi lần đến dịp lễ 30/4, chúng ta cùng nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Có mất mát, có đau thương nhưng cũng có những chiến thắng vang dội để rồi người Việt Nam của chúng ta cùng nhau chung tay xây dựng đất nước như trách nhiệm của những người còn sống đối với những hi sinh, mất mát to lớn của cha ông đi trước.

Vững niềm tin viết tiếp trang sử vẻ vang

Video liên quan

Chủ đề