Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp

Ngành Kiểm sát Kiên Giang tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp
Vào lúc: 15:14 20/08/2014 Mã TL: 5 Mã tin: 204

Căn cứ sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (gọi tắt là Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị).

Theo đó, việc triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên ở hai cấp Kiểm sát trong tỉnh trong việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc triển khai lần này phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ với việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nêu trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, các quy định của Hiến pháp năm 2013; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân và chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp kiểm sát. Đồng thời phải thực hiện ở cả hai cấp Kiểm sát; đến từng chi bộ, cán bộ, đảng viên và công chức một cách thiết thực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo từng đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của ngành Kiểm sát Kiên Giang.

Về nội dung triển khai, Kế hoạch số 37-KH/BCSĐ ngày 14-8-2014 của Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng và thủ trưởng hai cấp Kiểm sát quán triệt cho cán bộ, đảng viên và công chức của từng đơn vị thấy rõ: Việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong 8 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của hoạt động tư pháp, sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp có nhiều tiến bộ; đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, thi hành án, luật sư, công chứng, giám định tư pháp theo đúng chủ trương, định hướng nêu trong Chiến lược cải cách tư pháp. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được kiện toàn và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả chủ trương tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đã đổi mới tổ chức, hoạt động của luật sư, công chứng, giám định tư pháp. Chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên; việc tranh tụng tại phiên tòa bước đầu đạt được một số kết quả tích cực; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, luật sư và bổ trợ tư pháp có chuyển biến rõ nét; số lượng, chất lượng cán bộ tư pháp được nâng lên; đã chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ; quy định rõ hơn cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp; chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tư pháp từng bước được cải thiện. Việc đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp được quan tâm hơn. Hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp được mở rộng phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Phương thức lãnh đạo của Đảng và công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp tiếp tục đổi mới. Kết quả cải cách tư pháp đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đã chỉ ra một số tồn tại cần phải được khắc phục đó là: Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp vẫn còn chậm, chưa theo đúng lộ trình của Chiến lược cải cách tư pháp. Một số nhiệm vụ khi triển khai thực hiện có ý kiến khác nhau, nhưng chưa được nghiên cứu, kết luận kịp thời. Việc nghiên cứu, xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế phân bổ ngân sách và việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp còn chậm. Vẫn còn một số cán bộ tư pháp phẩm chất chính trị, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực chưa giảm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chất lượng hoạt động tư pháp. Công tác giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động tư pháp hiệu quả thấp. Sự phối hợp giũa cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan tư pháp Trung ương với các cấp ủy địa phương và giữa các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp với nhau trong việc lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp chưa thật sự chặt chẽ. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp chưa thật sự đầy đủ, nhất quán; chưa thể hiện quyết tâm cao trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại cơ quan, tổ chức mình.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới các cấp ủy đảng, thủ trưởng các đơn vị của hai cấp Kiểm sát trong tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, tiếp tục thực hiện mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) vẫn còn phù hợp. Đồng thời phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI và các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 có liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp.

Liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành, Viện Kiểm sát hai cấp cần chú ý đến một số quan điểm và nhiệm vụ được nêu trong Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị đó là:

Thứ nhất, về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Kết luận của Bộ Chính trị đã bổ sung nội dung kiểm soát vào quan điểm 2.1 của Nghị quyết số 49-NQ/TW cho phù hợp với văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp.

Thứ hai, về tổ chức cơ quan điều tra. Giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an, Quân đội và ngành Kiểm sát như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ; xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự và hoạt động trinh sát. Xác định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra của cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát quân sự Trung ương. Giữ nguyên quyền hạn và quy định rõ hơn nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án nhân dân được tổ chức 4 cấp như Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị. Đối với Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm và Viện Kiểm sát nhân dân tương ứng, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng 2 phương án: Phương án 1, tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; phương án 2, tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện. Vấn đề này phải báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Ngoài ra Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị còn giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì, phối hợp với các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xác định rõ nội hàm và xây dựng cơ chế để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp; hoàn thiện cơ chế quản lí tổ chức, cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế phân bổ ngân sách của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; chuẩn bị những nội dung có liên quan đến việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp và cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020, phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội XII của Đảng.

ThS. Huỳnh Đông Bắc

(Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Kiên Giang)

Video liên quan

Chủ đề