Trần quốc tuấn còn có tên gọi là gì

Trần Quốc Tuấn- Vị thánh trong lòng dân.

Nhân dịp kỷ niệm 718 năm ngày hóa Đức Thánh Trần- Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, ngày 20/8 âm lịch. Chúng tôi xin trân trọng gửi tới quý bạn đọc một số tư liệu kể về Đức Thánh Trần với một tâm niệm thành kính và tưởng nhớ vị Quốc Công Tiết chế hóa Thánh trong đời sống nhân dân ta.

Trần Quốc Tuấn (năm sinh của ông có thể là 1231 – năm mất 1300) là nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, được nhân dân tôn sùng và phong thánh: Đức Thánh Trần tức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Có thể nói Trần Quốc Tuấn là vị tướng có đủ các đức: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Tên tuổi ông gắn liền với chiến công Bạch Đằng Giang bất tử, là người góp công lớn nhất trong ba lần kháng chiến đánh thắng giặc Nguyên Mông: 1258, 1285 và 1288. Ông là vị tướng biết dùng người và tiến cử người tài giỏi cho đất nước, sống một đời mà tiếng thơm để đến muôn đời.

Trần quốc tuấn còn có tên gọi là gì
 

Ảnh tượng Đức Thánh Trần

Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng Đại Việt thuở “Bình Nguyên”

Năm 1258, quân Mông Cổ tiến vào nước ta, ông tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mông Cổ dưới trướng của Trần Thái Tông. Sau chiến thắng đầu tiên, triều Trần rất tin tưởng vào khả năng quân sự của ông.

Năm 1285, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, ông lại được cử làm Tiết Chế Quốc Công, thống lĩnh các lực lượng quân sự, lãnh đạo cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến lần hai này, ông đã viết bài “Hịch Tướng Sĩ” nổi tiếng, nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc của mình, kêu gọi lòng yêu nước trong quân sĩ, cổ vũ họ xông vào cuộc chiến đấu vì dân, vì nước. Trước sức mạnh của quân Nguyên, Trần Hưng Đạo thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống”. Thượng hoàng Trần Thánh Tông lo lắng, hỏi ông trong thế ngàn cân treo sợi tóc có nên hàng hay không, ông đã khẳng khái trả lời: “Bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã, rồi hãy hàng!”. Từ đó, hai vua Trần yên tâm cùng ông chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Năm 1288, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần ba. Vua Trần hỏi ông: “Năm nay thế giặc ra sao?”, ông đáp: “Năm nay giặc đến dễ đánh”. Trong lần kháng chiến này,Trần Hưng Đạo đã chọn cửa sông Bạch Đằng làm điểm quyết chiến với quân Nguyên. Việc thất bại trong trận Bạch Đằng lịch sử đã buộc nhà Nguyên từ bỏ mộng xâm lược nước ta.

Không ham phú quý, danh vọng và quyền hành, ông xin về Vạn Kiếp sống những năm tháng cuối đời tuy không lúc nào quên việc phòng thủ đất nước.

Trước khi qua đời, ông đã trả lời câu hỏi của vua Trần Anh Tông “Nếu có sự không lành mà quân Nguyên lại sang xâm lấn thì chống cự bằng cách gì?” và Quốc Tuấn đã trình bày làm vua rất phục. Lời vàng ngọc ấy được ghi lại một cách trân trọng trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Đến phút cuối đời vẫn canh cánh nỗi lòng yêu nước, thương dân thì con người ấy phải là con người của mọi thời. Đất nước này, dân tộc này sẽ mãi ghi ơn sâu nghĩa nặng.

Tháng 8 năm Canh Tý (1300), ông mất ở Vạn Kiếp, hưởng thọ 70 tuổi. Vua Trần đã truy tặng ông chức Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công, tước Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương. Các con ông đều là những danh tướng lập nhiều công trong kháng chiến chống Mông – Nguyên. Ông còn là tác giả hai bộ sách quân sự: “Binh thư yếu lược” “Vạn kiếp tông bí truyền thư” là tinh hoa, là tài sản tinh thần vô giá của Đại Việt, là nguồn bổ sung vô cùng quý giá cho kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Người xưa cho rằng, đã là bậc tài cao đức dày thì ắt là phải sinh vi tướng, tử vi thần, sống được người đời kính trọng, mất được thế gian tôn thờ, tên tuổi phải sáng rỡ trong sử sách. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được nhân dân lập đền thờ ở khắp Bắc, Trung, Nam, ấy cũng bởi ông là bậc tài công đức.

Đặt “Nợ nước” lên trên “Thù nhà”

Trần Quốc Tuấn là anh em con bác của Trần Quang Khải, Quang Khải với Quốc Tuấn vốn trước không hoà hợp với nhau. Đời cha, Trần Liễu có mối bất hòa với Trần Thái Tông, nhưng đến đời con, Trần Quốc Tuấn xử sự hoàn toàn khác. Ông không nghĩ tới thù nhà mà luôn đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên hàng đầu, ông đã dẹp thù riêng và xây đắp mối đoàn kết của họ Trần, cội rễ của đại thắng về sau. Sự hòa hợp giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải là một minh chứng cụ thể, chuyện kể rằng: thời ấy tại bến Đông, ông chủ động mời Thái sư Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ và sai nấu nước thơm tự mình tắm rửa cho Quang Khải... Rồi một lần khác, ông đem việc xích mích trong dòng họ dò ý các con, Trần Quốc Tảng có ý khích ông cướp ngôi vua của chi thứ, ông nổi giận định rút gươm toan chém chết Quốc Tảng. Do các con và những người tâm phúc xúm vào van xin, ông bớt giận dừng gươm nhưng bảo rằng: Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử, phản thầy này nữa!

Xưa nay, người ta dễ nhất trí với nhau về những chuyện lớn, nhưng với những chuyện lặt vặt của đời thường, người ta lại rất khó bỏ qua cho nhau. Cũng xưa nay, đôi khi chuyện lớn lại được giải quyết một cách dễ dàng bắt đầu từ một chuyện ngỡ như rất nhỏ. Chuyện nhỏ vì thế không nhỏ nữa, bởi chỉ có những đấng trượng phu chính tâm thành ý mới có thể dũng cảm làm được. Về mặt này, Trần Quốc Tuấn quả là một bậc kỳ tài, nhân hậu!

Trần Hưng Đạo - bậc tài công đức

Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng có đủ tài đức. Là tướng nhân, ông thương dân, thương quân, chỉ cho quân dân con đường sáng. Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi. Là tướng chí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu. Là tướng dũng, ông sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm để đánh giặc, lập công, cho nên trận Bạch Đằng oanh liệt nghìn đời là đại công của ông. Là tướng tín, ông bày tỏ trước cho quân lính biết theo ông thì sẽ được gì, trái lời ông thì sẽ bị gì. Cho nên cả ba lần đánh giặc Nguyên Mông, Trần Quốc Tuấn đều lập công lớn.

Câu trả lời của Trần Quốc Tuấn “Bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã, rồi hãy hàng” tượng trưng cho khí phách Đại Việt, cho đỉnh cao của lòng yêu nước mà lịch sử gọi là “Hào khí Đông A” rực sáng đến nghìn thu.

Trong bài thơ “Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, Chế Lan Viên đã lắng sâu cảm xúc:

“Hỡi sông Hồng khúc hát bốn ngàn năm

Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng

Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng”

Nước Việt Nam tự hào có một Trần Hưng Đạo - nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự thiên tài và là nhà văn hóa lớn của dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi sáng ngời với sử sách.

Ban quản lý Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa  Đền Trần, Chùa Tháp