Ý kiến của phụ huynh trong việc học online của học sinh

Ý kiến của phụ huynh trong việc học online của học sinh

Học trực tuyến cả thầy và trò đều vất vả. 

24 tỉnh/thành học trực tuyến

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay có 25 địa phương hiện đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh; 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Còn lại 24 tỉnh thành tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để triển khai việc dạy và học ứng phó với dịch bệnh, Bộ GDĐT đã ban hành các công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 để ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, đối với lớp 6 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống Covid-19.

Đặc biệt, đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GDĐT hướng thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học. 

Trước vấn đề học sinh học trực tuyến phải kéo dài hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý từng tỉnh thành xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng. Tùy điều kiện thực tế diễn biến dịch, các địa phương/địa bàn cần linh hoạt áp dụng phương thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy học qua truyền hình.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm không được tổ chức kiểm tra, đánh giá định kì. Những nội dung này cũng sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp THPT.

Phụ huynh lo lắng vì con khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức

Chị Vũ Thị Thương (Bắc Ninh), phụ huynh có con vừa lên lớp 6 chia sẻ, mặc dù con đã học online theo chương trình trên lớp được hơn 1 tuần nhưng chị thấy việc học không ổn. Hầu như ngày nào con cũng hỏi mẹ "Phần này nghĩa là gì?", "Bài tập này làm như thế nào?"... nhưng chị Thương không biết cách trả lời do chương trình học hiện nay đã khác rất nhiều so với thời của chị.

"Thời gian học trên lớp ít hơn trước đây nhưng thời gian con tự học, làm bài tập lại tăng lên. Nhiều phần kiến thức con chưa hiểu cũng không hỏi được vì thầy cô không có nhiều thời gian để giảng chi tiết. Trước đây, tôi thường đăng ký cho con học thêm ngoài giờ học chính khóa để bổ sung kiến thức nhưng với tình hình hiện tại thì không thể", chị Thương bày tỏ.

Bên cạnh đó, trong hơn 2 tuần học online, nhiều học sinh và phụ huynh phàn nàn về tình trạng đường truyền internet thiếu ổn định. Học sinh Nguyễn Huyền My (Bến Tre) vừa lên lớp 12, chia sẻ, việc ngồi học nhiều giờ liên tục dưới tình trạng mạng chập chờn khiến em cảm thấy chán nản. "Gia đình em rất đông thành viên làm việc và học tập tại nhà nên tốc độ đường truyền Internet rất kém. Năm nay là năm cuối cấp nhưng đến hiện tại em vẫn chưa tìm được phương pháp ôn thi phù hợp", Huyền My cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Quảng Bình), phụ huynh có con đang học lớp 7 thì phàn nàn về ứng dụng học trực tuyến theo lớp thường xuyên gặp trục trặc. Tài khoản của con bị thoát ra liên tục, gia đình chị phải mất nhiều thời gian để hỗ trợ, giúp con đăng nhập lại vào lớp học để nghe giảng.

Phần lớn giáo viên chỉ tập trung nỗ lực tương tác trong giờ học

TS. Tôn Quang Cường, trường ĐH Giáo dục cho hay, một trong những nguyên nhân khiến việc dạy học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả chính là vẫn còn hạn chế trong các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh.

"Cần phải hiểu sự tương tác ở đây bao gồm: tương tác trực tiếp nhưng không tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong giờ học online; tương tác gián tiếp giữa thầy trò trước và sau giờ học online;  tương tác với cha mẹ học sinh để đảm bảo kết nối và trợ giúp từ phía họ.

Tuy nhiên, phần lớn giáo viên hiện nay mới chỉ tập trung nỗ lực tương tác trong quá trình giờ học online được diễn ra, mà quên mất các khả năng hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học, đi kèm với đó là sự tham gia trợ giúp của cha mẹ học sinh" - TS Cường nhấn mạnh.

Theo đánh giá của cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội, để giảm thiểu áp lực tự học cho học sinh, phụ huynh nên đồng hành cùng con xây dựng thời gian biểu học tập rõ ràng, cân đối giữa thời gian học tập trực tuyến và làm bài tập trong sách để giúp con lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả.

Phụ huynh cũng nên nhắc nhở con ghi chép đầy đủ những nội dung mà thầy cô truyền tải, chủ động hỏi lại giáo viên khi gặp những phần kiến thức khó hay chưa hiểu rõ nội dung.

Cha mẹ cũng có thể cùng con tìm kiếm một số giải pháp bổ trợ kiến thức ngoài giờ học chính khóa như xem các bài giảng phát sóng trên truyền hình quốc gia, khai thác kho học liệu trên internet, tham khảo các trang học trực tuyến uy tín có bài giảng thu hình sẵn.

"Việc học bằng các video có sẵn được đánh giá là không chỉ an toàn trong mùa dịch mà còn hạn chế được nhiều bất cập của tình trạng việc học online trên lớp", cô Phượng nhấn mạnh.

Thầy Lưu Huy Thưởng, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, phụ huynh nên tìm hiểu các chương trình học online uy tín, được xây dựng bởi đội ngũ giáo viên có chuyên môn cao, kỹ năng sư phạm tốt. Đặc biệt, phụ huynh nên lưu ý các khóa học có chức năng ghi lại bài giảng, cho phép con chủ động lựa chọn thời gian học ôn hợp lí, không vướng vào lịch sinh hoạt chung của cả gia đình gây mất tập trung.

Học online bằng video thu sẵn có ưu điểm là linh động về thời gian học, cho phép học sinh xem lại nhiều lần. Thông thường tại các nền tảng học trực tuyến lớn, học sinh có thể tùy ý lựa chọn giáo viên mà mình yêu thích, có phong cách giảng dạy phù hợp với bản thân. 

Nhật Hồng

Thứ Sáu, 04/03/2022 | 18:18

Ngày 3/3, học sinh một số trường trên địa bàn TP. Bạc Liêu như: Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, Tiểu học Trần Phú; THCS Trần Huỳnh, THCS Võ Thị Sáu chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Việc “quay đầu” cấp tốc này (vì các em bắt đầu học trực tiếp chỉ được hơn một tuần) thật sự là cú sốc với nhiều phụ huynh, nhất là ở cấp tiểu học. Rất nhiều phụ huynh có ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Ý kiến của phụ huynh trong việc học online của học sinh
Học sinh Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay khi đến trường học trực tiếp. Ảnh: K.K

NHIỀU PHỤ HUYNH LO SỢ

Việc chuyển sang học trực tuyến xuất phát từ nguyên nhân, sau khi tập trung học tại trường, bắt đầu xuất hiện các ca F0 rải rác trong lớp học.

Theo đó, từ khi học sinh đến trường học trực tiếp hầu như trường nào cũng có học sinh bị F0, có trường ít có trường nhiều và không phải lớp nào cũng có. Tuy nhiên, với học sinh chưa được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 như các em học sinh tiểu học, mối quan ngại về việc lây nhiễm bệnh đã và đang đè nặng lên nhà trường, các thầy cô giáo, nhất là cha mẹ các em.

Nhiều phụ huynh có tâm lý lo sợ, dù trường của con em mình theo học chưa xuất hiện hoặc xuất hiện rất ít ca F0, đã ngay lập tức cho con nghỉ học để trốn dịch. Những phụ huynh này theo quan điểm, thà để con em học chậm lại một năm, chứ không muốn trẻ bị nhiễm bệnh. Song song đó, không ít phụ huynh còn làm áp lực lên giáo viên, nhà trường với lý do, vì sao lớp có F0 mà vẫn cho con em họ đến trường, vì sao không chuyển đổi hình thức dạy trực tuyến... Rất nhiều phụ huynh mừng vui khi có được thông tin, 4 trường đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Bởi họ cho rằng, tình trạng trẻ chưa được tiêm vắc-xin mà đi học trực tiếp là không an toàn, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Rồi việc học bị gián đoạn, nếu lỡ con em bị F0 hoặc F1 phải nghỉ học ở nhà thì mất bài vở so với các bạn đến trường. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, giáo viên của một lớp học không thể vừa dạy trên lớp vừa dạy trực tuyến.

ỦNG HỘ VIỆC CHO HỌC SINH HỌC TRỰC TIẾP

Trái ngược với quan điểm trên, một bộ phận phụ huynh khác lại ủng hộ việc học trực tiếp. Chị Lan Ngọc (phụ huynh học sinh của một trường tiểu học trên địa bàn TP. Bạc Liêu) cho biết, việc con em được đi học trực tiếp là phụ huynh cảm thấy mừng. Tuy dịch bệnh cũng còn khá phức tạp, nhưng với những phụ huynh không có thời gian ở nhà chăm con, cùng con học trực tuyến như vợ chồng chị, thì việc học trực tuyến quả thật là khó đạt hiệu quả. Rồi bỏ con ở nhà một mình cũng lo nguy hiểm, nhất là với các bé hiếu động. Ở góc độ tiếp cận này, chị Lan Ngọc và nhiều phụ huynh khác cho rằng, không thể vì một vài ca F0 trong trường mà phải đóng cửa trường học. Với tình hình như hiện tại, thật chưa biết đến bao giờ dịch bệnh mới kết thúc, đã sống chung và bình thường mới, thì ngoài việc tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K”, thiết nghĩ chúng ta cũng đừng tỏ ra quá hoảng sợ, dẫn đến lo lắng thái quá.

Không chỉ phụ huynh mà ngay cả các thầy cô cũng mệt mỏi với việc dạy trực tuyến, bởi sự quản lý lớp học hết sức khó khăn. Lớp đông, nhiều bé ngồi trên máy nhưng không tập trung. Gọi các em không lên tiếng thì cũng phải dạy tiếp. Các em không chăm học thì có đủ lý do, đường truyền mạng nhà em bị lắc, em vừa đi vệ sinh…

Tương tự, anh K.T (phụ huynh học sinh Trường THPT Chuyên Bạc Liêu) bày tỏ, anh mừng vì trường vẫn cho các em đến trường. Các em từ lớp 6 trở lên đã tiêm ngừa 2 mũi vắc-xin, ít nhiều đã có miễn dịch. Việc nhiễm bệnh vẫn có khả năng xảy ra, nhưng mức độ lây nhiễm cũng không cao, và bệnh vẫn ở thể nhẹ. Việc học trực tuyến chỉ là tình thế cấp bách, chứ về lâu dài, không chỉ phụ huynh mà ngay cả các em học sinh cũng mệt mỏi. Hôm rồi trường có tổ chức đo và khám mắt cho các em học sinh, kết quả cho thấy rất nhiều em bị tăng độ, cận thị, loạn thị. Như con của anh cũng vậy, từ trước giờ cháu không bị bệnh về mắt, chỉ học online thời gian mà nay khám mắt cho kết quả một bên cận, một bên loạn thị.

Không chỉ như vậy, theo phụ huynh, việc cho con ở nhà cũng chưa chắc là an toàn hơn đến trường học. Nhiều em ở nhà học online, chơi game nhiều, mà khi các em ở nhà trong lúc phụ huynh vẫn ra đường đi làm, tiếp xúc đủ nơi đủ chỗ, liệu có đảm bảo không nhiễm bệnh, không lây cho con mình?

Việc để các em học trực tiếp hay trực tuyến, các địa phương và ngành Giáo dục đều căn cứ vào nhiều yếu tố, dựa trên các quy định của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT mà có phương pháp phù hợp, trên tinh thần đảm bảo sức khỏe, điều kiện học tập tốt nhất cho các em. Do đó, phụ huynh học sinh đừng vì quá lo lắng mà gây thêm áp lực không cần thiết.

KIM KIM