Bài hát đường chúng ta đi sáng tác năm nào năm 2024

1. Sinh ra ở vùng Kinh Bắc, sát dòng sông Đuống, những giai điệu mềm mại của những làn quan họ Bắc Ninh quấn lấy nhạc sĩ Huy Du từ thuở ông biết “mở mắt nhìn ra xung quanh”. Nhạc sĩ kể, âm nhạc ngấm vào máu ông từ bé lắm, ban đầu chỉ là những giai điệu dân gian rồi sau đó là những ca khúc lãng mạn của phong trào văn nghệ trước cách mạng. Ông học văn hóa rất bình thường, nhưng học nhạc thì đặc biệt nhanh, dù chỉ là mày mò tự học chứ chẳng qua trường lớp nào hết. Ban đầu, ông chơi đàn tứ, sau đó là sáo trúc rồi đến kèn harmonica, mãi sau này khi tham gia cách mạng, nhạc sĩ Huy Du mới có tiền mua một cây vĩ cầm. Cây đàn ấy sau này đã theo ông vào ra kháng chiến suốt bao nhiêu năm.

Mười sáu tuổi, với cây vĩ cầm rẻ tiền của mình, nhạc sĩ Huy Du sáng tác những ca khúc đầu tiên đầy chất lãng mạn. Mười tám tuổi, ông đã tham gia đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ngày tổng khởi nghĩa 19-8-1945, ông có mặt trong lực lượng cướp trại bảo an binh và vệ quốc đoàn, chính thức giã từ những ngày lãng mạn.

Bắt đầu những ngày kháng chiến, hàng loạt ca khúc cách mạng của ông đã ra đời như Bài ca thiếu sinh quân, Sẽ về thủ đô... Với Anh vẫn hành quân, Nổi lửa lên em, Bài ca đường 9, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Tiếng hát pháo binh... và đặc biệt là Đường chúng ta đi, nhạc sĩ Huy Du đã thắp lên niềm tin và hy vọng trong hàng triệu con người đang vượt qua những ngày mưa bom, lửa đạn ác liệt nhất...

2. Nhắc đến nhạc sĩ Huy Du, người ta nhớ ngay đến ca khúc Đường chúng ta đi, và đó có thể coi là bài hát "để đời" của ông. Việt Nam trên đường chúng ta đi... là những câu hát được cả nước biết đến trên làn sóng Đài Tiếng nói VN, trên khắp các chiến trường miền Nam trong những năm tháng chuẩn bị kết thúc chiến tranh. Nhạc sĩ Huy Du cho biết, bài hát này ban đầu chỉ là một chương trong bản đại hợp xướng chuẩn bị mừng ngày miền Nam đại thắng, đất nước hoàn toàn độc lập vào Tết Mậu Thân 1968.

Với Đường chúng ta đi, ban đầu, nhạc sĩ Huy Du định phác thảo lời. Nhưng để có được một tác phẩm ưng ý nhất, ông tìm đến cuốn thơ kháng chiến chống Mỹ và thật may mắn, tìm được hai bài thơ của Chế Lan Viên và Hoàng Trung Thông. Chỉ trong thời gian rất ngắn, ông đã hoàn thành xong phần nhạc và lời phác thảo, trong đó có những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Miền Nam ơi miền Nam/ Ơi những dòng sông soi bóng dừa xanh/ Những đỉnh núi khuất mây mù xa tắp/ Ta sẽ đến những nơi đâu còn giặc/ Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên... Viết xong, Huy Du đưa phần lời cho nhà thơ Xuân Sách sửa nhưng nhà thơ đã giữ lại phần này. Ông chỉ sửa câu thơ Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng của Chế Lan Viên thành Lớn lên rồi đẹp những mùa xuân... Trong những năm tháng chiến đấu, hy sinh gian khổ của dân tộc, bản đại hợp xướng này chưa có điều kiện để phổ biến. Mãi đến năm 1972, sau khi hiệp định Paris được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, đất nước gần kề ngày toàn thắng, bản hợp xướng mới được phát rộng rãi. Người đầu tiên hát Đường chúng ta đi là ca sĩ Kim Oanh của Đài Tiếng nói VN, người tiếp theo là nhạc sĩ Doãn Tần. Với những cảm xúc dâng trào trong những ngày đất nước chuẩn bị cho chiến thắng, Đường chúng ta đi đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt và trở thành một ca khúc độc lập có sức sống mãnh liệt...

3. Nhưng với nhạc sĩ Huy Du, Đường chúng ta đi chưa hẳn là tác phẩm ông tâm đắc nhất. Ông bảo, vì khán giả thấy thích, vì tác phẩm này khái quát cả một chặng đường nên người ta nhắc đến nhiều nhất. Nếu thích, thì ông thích Tình em với “Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh vời vợi...”. Năm 1962, khi tốt nghiệp Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh về nước, vô tình ông đọc được bài Tình em của tác giả Ngọc Sơn trên Báo Văn nghệ. Đọc xong thấy hay quá, rung động quá nên chỉ sau một đêm là viết hoàn thiện. Tình em được rất nhiều người thích, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, tình cảm như thế có vẻ không phù hợp. Quý Dương là người đầu tiên thể hiện ca khúc này tại Nhà hát Lớn năm 1964, ông đã được vỗ tay chúc mừng đến ba lần. Với Tình em, không phải chỉ mình nhạc sĩ Huy Du mà cả nhạc sĩ Hoàng Vân, Phạm Đình Sáu cùng phổ nhạc, nhưng chỉ có Tình em của Huy Du là đứng được. Nhạc sĩ bảo, cả sự nghiệp của ông là những ca khúc cách mạng nhưng ông vẫn thích sự trữ tình. Chính vì thế, bây giờ, ở tuổi 82, ông vẫn nghe nhạc trẻ, nghe để hiểu giới trẻ bây giờ như thế nào. Với ông, sự thành công của ca khúc phụ thuộc vào phần cốt lõi là nội dung, còn âm nhạc là hình thức thể hiện. Mỗi thời có một sự sáng tạo riêng, nhưng những sáng tác hiện nay của các nhạc sĩ trẻ chịu ảnh hưởng của nước ngoài khá nhiều mà không bám vào chất liệu quê hương mình. Vì thế, không nảy mầm được những cái hay.

4. Nếu tổng kết về cuộc đời, ông sẽ nói gì? “Chỉ ngắn gọn thôi, tôi cám ơn cuộc đời đã dành cho tôi tình yêu âm nhạc. Tôi không nghĩ mình đã là người thành công, nhưng tôi rất vui vì những sáng tác của mình sống được trong lòng khán giả", nhạc sĩ tâm sự.

Nhà thơ Xuân Sách, tác giả của những tác phẩm được bạn đọc yêu mến như “Đội du kích thiếu nhi Đình Bảng”, “Mặt trận quê hương”, “Chân dung nhà văn”… và đặc biệt là bài thơ “Đường chúng ta đi” được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc, đã qua đời lúc 23h55’ ngày 2/6 tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.

Nhà thơ Xuân Sách tên thật là Ngô Xuân Sách, sinh ngày 4/7/1932 tại Trường Giang, Nông Cống, Thanh Hóa.

Khi còn ở bộ đội pháo binh, ông ký bút danh Lê Hoài Đăng. Năm 1960, ông bắt đầu công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Từ năm 1981 đến năm 1986, nhà thơ Xuân Sách làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội. Năm 1987, ông chuyển vào làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 1997.

Đầu năm 2008, nhà thơ Xuân Sách chuyển ra Hà Nội sống với con gái để có điều kiện chữa bệnh suy gan và suy thận. Thế nhưng, do tuổi cao sức yếu, sau mấy ngày nằm ở bệnh viện, khuya ngày 2/6 nhà thơ Xuân Sách đã lặng lẽ từ biệt cõi đời với bao nhiêu mến yêu mà ông đã viết: “Việt Nam trên đường chúng ta đi. Nghe gió thoảng đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa vọng tới chân trời…”.

Xin vĩnh biệt ông, một nhà thơ can trường “ta sẽ đến nơi đâu còn giặc, ta chưa về khi tổ quốc chưa yên”!