Benh vien quan doi tỉnh thanh hóa xưa năm 2024

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 21-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 21-8

Sự kiện trong nước

- Từ 21 đến 24-8-1965, liên tiếp trong 4 ngày, hơn 2.000 sinh viên, thanh niên Huế tập trung giữa thành phố để phản đối chế độ quân dịch, và dùng loa phóng thanh đọc một bản tuyên ngôn đòi "lật đổ chính phủ quân sự Thiệu Kỳ"... Ngày 28-8, hơn 4.000 học sinh, sinh viên Huế lại biểu tình đòi lật đổ Thiệu - Kỳ. Đêm hôm ấy thanh niên ở thành phố Đà Nẵng đi xe đạp, xe máy khắp phố kêu gọi đấu tranh. Sáng hôm sau có 3.000 học sinh bãi khoá và nhiều cửa hiệu đóng cửa ủng hộ thanh niên. Để hưởng ứng cuộc đấu tranh của thanh niên, đồng bào Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng tổ chức những "đêm không ngủ". Ở Sài Gòn, ngày 29-8, học sinh, sinh viên cử một đoàn đại biểu đến gặp Nguyễn Hữu Có, "tổng ủy chiến tranh" ngụy, lên án chế độ quân dịch.

- Ngày 21-8-1976 tại căn cứ 301 (Sóng Thần) Bệnh viện Quân y 4 (Cục Hậu cần, Quân đoàn 4) được thành lập. Trải qua các giai đoạn của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với nhiều tên gọi, tổ chức biên chế khác nhau, Bệnh viện Quân y 4 vẫn luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tạo niềm tin yêu của người bệnh, xứng đáng là tuyến cuối thu dung, cấp cứu, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ quân đoàn, các đơn vị quân đội, công nhân lao động và nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, trên đà đổi mới và hội nhập, Bệnh viện Quân y 4 đang từng bước thay đổi mô hình hoạt động khám, chữa bệnh. Lấy mục tiêu “Sức khỏe người bệnh và cộng đồng” là mục tiêu cao nhất, bệnh viện đã chủ động thu hút, trọng dụng và bố trí nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hợp lý, bảo đảm tốt cho công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh, từng bước khẳng định được uy tín, thương hiệu và niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.

Bệnh viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng 3 và nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng, của quân đoàn và chính quyền, nhân dân địa phương các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 21-8-1911, bức họa Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Louvre, Pháp. Đây được coi là vụ trộm tranh quý táo tợn nhất thế kỷ 20. Cho tới tận ngày nay, các chuyên gia vẫn đánh giá bức Mona Lisa là kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất, thu hút nhiều khách tham quan nhất và được đề cập đến cũng như sao chép lại nhiều nhất trên thế giới.

- Ngày 21-8-1959, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký tuyên bố công nhận việc Hawaii gia nhập vào liên bang với tư cách là tiểu bang thứ 50. Tổng thống cũng ban lệnh tạo ra một lá cờ Mỹ gồm 50 ngôi sao được sắp xếp thành các hàng so le: 5 hàng 6 sao và 4 hàng 5 sao. Lá cờ mới này chính thức trở thành quốc kỳ nước Mỹ vào ngày 4-7-1960.

Theo dấu chân Người

- Ngày 21-8-1920, báo cáo mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc bị ốm phải vào Bệnh viện Côsanh (Cochin) ở Paris điều trị.

- Tháng 8-1923, báo “Le Paria” (Người Cùng khổ) đăng bài “Ách áp bức không từ một chủng tộc nào” nhân sự kiện một phái viên của nước Nga Xô viết bị bọn phát xít ám sát tại Thụy Sĩ, và việc một công nhân gốc Tuynidi ở Pháp bị cảnh sát giết, tác giả bài báo lên án: “Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân... đều là những nạn nhân của một kẻ giết người: Chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này luôn tìm thấy nguồn an ủi cao cả nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức - không phân biệt chủng tộc hay xứ sở. Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ”.

- Ngày 21-8-1941, trên báo “Việt Nam Độc lập”, Nguyễn Ái Quốc vẽ và viết lời cổ động cho tờ báo:

“Việt Nam độc lập thổi kèn loa

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”.

- Ngày 21-8-1942, trên báo “Việt Nam Độc lập” đăng bài thơ tuyên truyền đường lối cách mạng của Việt Minh nhằm mục tiêu đoàn kết lực lượng toàn dân, bài thơ có tên “Chơi Giăng”: “... Nước nhà giành lại nhờ tài sắt, / Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng. / Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi, / Tức là cách mệnh chúng thành công”.

- Ngày 21-8-1946, trước nguy cơ tan vỡ của Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp đề nghị hai bên cần trở lại tiếp tục cuộc đàm phán, nhưng phía Pháp trả lời: “… Những sự khác nhau quá sâu xa giữa hai quan điểm về những vấn đề cơ bản làm cho Hội nghị không họp được, vì có họp cũng không đi đến kết quả nào”. Tuy vậy, cùng ngày, Bác vẫn tiếp tục gặp gỡ các chính khách như Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariuýt Mutờ, cựu Toàn quyền Đông Dương Alécxăngđrơ Varen (Alexandre Varenne), ông Giăng Xanhtơni và trả lời báo “Liberation”(Giải phóng)... nhằm cứu vãn tình hình.

- Ngày 21-8-1952, trong bài báo “Kế hoạch gia đình” đăng trên báo “Nhân Dân”, Bác đề cập đến phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm đang được phát động, trong đó có việc hướng dẫn nhân dân xây dựng “kế hoạch gia đình”. Bài báo phê phán cách làm quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, để đi đến kết luận: “Nói tóm lại: Kế hoạch gia đình là một điều rất hay, rất tốt, ích nước lợi dân. Nhưng cán bộ phải biết chuẩn bị, giải thích, đánh thông tư tưởng giúp đồng bào tự giác tự động làm, tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, biết theo dõi, đôn đốc, thì mới chắc chắn thành công”.

- Ngày 21-8-1953, trong bài báo có nhan đề “Chi bộ” đăng trên báo “Cứu Quốc”, Bác nêu rõ vai trò chi bộ “là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng... luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức cho nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng. Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân… Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hoá của nhân dân...” .

- Ngày 21-8-1969, Bác ký Sắc lệnh số 12/LCT ân xá và giảm án cho những phạm nhân thật thà hối cải, tích cực cải tạo, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Quốc khánh. Đây là văn bản pháp quy cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Lo cứu nước tức là lo cứu mình”.

Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bài “Dân cày”, đăng trên Báo Việt Nam độc lập, số 103, ngày 21-8-1941.

Để tập hợp toàn dân tộc đấu tranh giành chính quyền, giành độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị, áp bức của thực dân Pháp xâm lược và chế độ phong kiến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài: “Lo cứu nước tức là lo cứu mình” đăng trên báo Dân cày. Người đã chỉ rõ, trong đời sống của dân ta đang bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân, phong kiến tàn bạo, hà khắc. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải cùng nhau đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng dân tộc và đó cũng chính là cách thức tốt nhất để tự cứu mình trước ách đô hộ, cai trị của đế quốc, thực dân, phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức tỉnh, giác ngộ, động viên và tập hợp lực lượng của cả dân tộc đứng lên chống chế độ phong kiến, chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc và cứu chính bản thân mình, gia đình mình.

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công oanh liệt: Đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa vị thế nước ta ngày càng nổi bật trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường… đặt ra cho Quân đội ta những yêu cầu mới và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, để tập trung xây dựng quân đội nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, đảo, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phi chính trị hóa quân đội, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược (kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao) nếu như chúng liều lĩnh gây ra, đó chính là đã thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy: “Lo cứu nước tức là lo cứu mình”.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1912 ngày 21-8-1966 đã đăng lời khen của Hồ Chủ tịch gửi tặng quân và dân Quảng Ninh vì đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ.