Bị táo bón là dấu hiệu của bệnh gì

Chứng táo bón kéo dài là nỗi khổ khó nói của rất nhiều người. Tình trạng này dai dẳng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến cho tâm lý người bệnh dần trở nên căng thẳng, tiêu cực, do không thể “giải quyết nỗi buồn” đến nơi đến chốn. 

Bị táo bón là dấu hiệu của bệnh gì

Thế nào được hiểu là táo bón kéo dài?

Táo bón là triệu chứng rối loạn tiêu hóa không hiếm gặp. Bất cứ ai, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ đều có thể gặp phải tình trạng này.

Hệ tiêu hóa con người bắt đầu từ miệng cho đến trực tràng (cuối trực tràng là hậu môn). Trong đó, dạ dày, ruột non và ruột già được coi là 3 cơ quan chính. Dọc theo từng điểm của đường tiêu hóa, các chất dinh dưỡng được hấp thụ, nhu động ruột hoạt động nhịp nhàng để đẩy thức ăn qua đường ruột, bã thức ăn thừa phân hủy tạo thành chất thải và tống ra khỏi cơ thể.

Táo bón xảy ra khi quá trình bài tiết phân trở nên khó khăn. Số lần đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần, phân khô cứng, vón cục và khó ra ngoài.

Triệu chứng của táo bón kéo dài

Các triệu chứng của táo bón kéo dài được mô tả như sau:

  • Khó khăn khi đại tiện vì phân không ra ngoài được.
  • Đi tiêu xong nhưng có cảm giác phân chưa được tống ra hết.
  • Sau khi đi đại tiện hay bị đau rát hậu môn, có thể chảy máu.
  • Bụng thường xuyên bị căng cứng, tức nặng.
  • Đôi khi có đau bụng hoặc đau lưng.
  • Người bệnh thường phải cố gắng rặn liên tục khiến tâm lý căng thẳng, lo lắng, mỗi khi đi ngoài vì sợ đau.
  • Táo bón lâu ngày khiến người bệnh dễ trở nên nóng nảy, cáu bẳn do đại tràng hấp thụ độc tố từ phân vào máu, gây ra nhiễm độc thần kinh.

Để điều trị táo bón hiệu quả thì việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là điều rất cần thiết. Vậy, táo bón kéo dài là vì đâu, do những bệnh lý nào gây ra, bạn có thể tìm hiểu chi tiết ở phần dưới đây.

☛ Tham khảo thêm: Mách bạn cách chữa đầy bụng khó tiêu táo bón hiệu quả

Táo bón xuất hiện chủ yếu là bởi thói quen ăn uống kém khoa học. Ngoài ra, một số yếu tố cơ hội khác có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như là:

  • Do lười vận động thể chất
  • Do hay căng thẳng, stress
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc: thuốc kháng axit có chứa canxi, thuốc giảm đau, thuốc bao vết loét dạ dày, thuốc chống trầm cảm…
  • Do những thói quen xấu khi đại tiện: nín nhịn đại tiện, đọc báo, dùng điện thoại khi đi đại tiện,…
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại: điển hình là kim loại Chì

Tuy nhiên, chứng táo bón diễn ra lâu ngày thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, bao gồm:

Táo bón do nhóm bệnh về đường ruột

Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng (tiếng Anh: ulcerative colitis) là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm và tổn thương. Tổn thương ở thể nhẹ có biểu hiện là những vùng sưng đỏ, xung huyết hoặc các vết trợt nông trên bề mặt niêm mạc ruột. Nếu tổn thương nghiêm trọng sẽ hình thành các vết loét, thậm chí là xuất huyết, chảy máu nhiều trên niêm mạc đại tràng.

Triệu chứng điển hình của bệnh là những cơn đau bụng dọc theo khung đại tràng. Mức độ đau khác nhau tùy vào từng thời điểm, lúc âm ỉ, lúc dữ dội theo từng cơn. Bên cạnh đó, người bệnh còn gặp phải những triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác, trong đó có tình trạng táo bón.

Viêm loét đại tràng có tính chất dai dẳng, khó trị dứt điểm. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì, nhưng có thể gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng là: phình giãn đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng, xuất huyết đại tràng ồ ạt, thậm chí là ung thư, nguy hiểm cho tính mạng.

☛ Tìm hiểu chi tiết: Viêm đại tràng thể táo bón – Nguyên nhân và cách khắc phục

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Bị táo bón là dấu hiệu của bệnh gì

Hội chứng ruột kích thích có tên gọi khác là viêm đại tràng co thắt hay viêm đại tràng mãn tính. Bệnh lý này có nhiều biểu hiện khá giống với viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, trong niêm mạc đại tràng của người bệnh không hề có dấu hiệu của các tổn thương.

Trong khi bệnh viêm đại tràng hình thành chủ yếu do tác động của vi khuẩn, kí sinh trùng làm niêm mạc bị tổn thương, thì hội chứng ruột kích thích lại bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi yếu tố thần kinh nhiều hơn, nghĩa là cứ căng thẳng, stress là lại phát bệnh.

Người bị hội chứng ruột kích thích thường gặp phải tình trạng đi đại tiện nhiều lần trong ngày (nhiều hơn ở bệnh nhân viêm đại tràng). Tình trạng tiêu chảy và táo bón xen kẽ, cứ đau bụng là muốn đi ngoài, sau khi giải quyết xong thì thấy đỡ hơn. Thế nhưng, khi đi ngoài thì không thấy dấu hiệu máu lẫn trong phân (triệu chứng này có ở người bị viêm đại tràng). Ngoài ra, khi sờ nắn vào vùng bụng thì sẽ thấy những cục cứng nổi lên.

Nếu bị bệnh lâu ngày, người bệnh dễ trở nên nóng nảy, căng thẳng, cơ thể gầy yếu, suy nhược,  do dinh dưỡng hấp thụ kém và chán ăn.

Viêm túi thừa

Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi phát triển trong thành của đại tràng, thường gặp ở đại tràng sigma và đại tràng trái, cũng có thể gặp ở toàn bộ đại tràng. Khi các túi thừa này bị viêm nhiễm thì gây ra bệnh lý viêm túi thừa.

Phần lớn bệnh nhân bị viêm túi thừa không có triệu chứng rõ rệt. Triệu chứng thường gặp nhất là những cơn đau ở phần bụng dưới bên trái (sau khi trung tiện thì bớt đau), đi kèm với cảm giác đầy hơi, sình bụng, rối loạn đại tiện, mà chủ yếu là táo bón, đôi khi đi ngoài phân lỏng. Các triệu chứng của bệnh này không điển hình nên rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh về đường ruột khác.

Túi thừa bị viêm nhiễm nặng có thể chuyển thành các ổ áp xe, thậm chí là viêm phúc mạc cấp – một tình trạng cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra tử vong.

Mặc dù cho đến nay, nguyên nhân gây ra căn bệnh này vẫn chưa được làm rõ. Song, bệnh viêm túi thừa có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng đối tượng chủ yếu là những người già, những người bị thừa cân do chế độ ăn uống theo kiểu phương Tây, ít chất xơ, thừa chất béo.

Tắc ruột

Hiểu một cách đơn giản, thì tắc ruột chỉ tình trạng tắc nghẽn tại một phần ruột nào đó của ống tiêu hóa khiến cho quá trình di chuyển của thức ăn hoặc các chất cặn bã trong đường ruột bị cản trở.

Ngoài triệu chứng đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, thì người bị tắc ruột còn cảm thấy bí trung tiện và đại tiện. Do phân bị tắc nghẽn suốt một thời gian dài trong trực tràng vì vậy mặc dù cố gắng dặn mỗi lần đi tiêu nhưng phân khó ra, phân bị khô cứng và chuyển thành thể táo bón.

Táo bón do nhóm bệnh lý thần kinh

Đột quỵ

Bị táo bón là dấu hiệu của bệnh gì

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) xảy ra khi một mạch máu nào đó trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, khiến cho quá trình lưu thông của dòng máu lên não bị ngưng trệ. Các tế bào não bắt đầu chết dần do không được cung cấp đủ oxy trong máu. Số lượng tế bào não chết càng nhiều thì tác động của nó ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và vận động càng nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Đột quỵ có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 50%. Hầu hết, những ai sống sót sau một cơn đột quỵ đều phải đối mặt với ít hoặc nhiều di chứng khác nhau.

Khi cơn đột quỵ khởi phát, nếu vùng não bộ đảm nhiệm chức năng điều khiển hoạt động của bàng quang và trực tràng bị tổn thương thì người bệnh sẽ gặp phải di chứng táo bón kéo dài và tiểu tiện không tự chủ. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân sau tai biến bị liệt vận động một phần hoặc hoàn toàn, do đó họ phải nằm trên giường lâu ngày, vận động bị hạn chế nên ảnh hưởng ít nhiều tới khả năng vận hành của hệ tiêu hóa. Các cơ quanh vùng chậu trở nên lỏng lẻo khiến cho quá trình bài tiết của phân chậm lại gây ra táo bón. Thêm vào đó, nếu không được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lí, người bệnh rất dễ bị táo bón và các chứng rối loạn tiêu hóa khác.

Bệnh Parkinson

Parkinson là bệnh thoái hóa hệ thần kinh trung ương, thuộc nhóm các bệnh rối loạn vận động, thường gặp ở người già. Bệnh có 3 triệu chứng điển hình đó là: run rẩy, cứng đơ, giảm khả năng vận động. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ, trầm cảm. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tàn phế rất cao.

Rối loạn tiêu hóa, trong đó có táo bón là một trong những triệu chứng phối hợp của bệnh Parkinson. Đó là bởi hệ thần kinh thực vật bị tổn thương khiến cho hoạt động của đường ruột kém hiệu quả, quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn hơn, chất thải bị giữ lại trong đường ruột lâu hơn dẫn đến táo bón.

Điểm khác biệt giữa táo bón do Parkinson và các nguyên nhân khác là người bệnh thường kèm theo cảm giác no, thậm chí chỉ ăn rất ít nhưng vẫn cảm thấy no trong một thời gian dài.

Ngoài ra, triệu chứng táo bón có thể xuất hiện là do người bệnh ngại vận động khiến chức năng đường ruột bị suy giảm hoặc tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh Parkinson khi sử dụng lâu dài.

Đa xơ cứng

Bị táo bón là dấu hiệu của bệnh gì

Táo bón là vấn đề phổ biến với những bệnh nhân bị đa xơ cứng. Bệnh này là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống, nó làm gián đoạn các thông điệp mà các dây thần kinh gửi đến não và thông báo rằng “đã đến thời gian đại tiện”. Những rối loạn này có thể khiến cho các cơ vùng chậu bị căng cứng, nên phân không thể thoát ra ngoài. Từ đó mà bệnh nhân dễ bị táo bón.

Ngoài ra, do việc ít vận động, tâm lý bị thay đổi hay một chế độ ăn uống kém, không cung cấp đủ chất xơ ở những bệnh nhân đa xơ cưng cũng góp phần làm trầm trọng thêm chứng táo bón.

Bệnh thần kinh tự trị

Bệnh thần kinh tự trị không phải là một bệnh cụ thể, nó không tự phát mà là hậu quả xảy ra bởi những tổn thương của các dây thần kinh hỗ trợ hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau. Những dây thần kinh này bị tổn thương khiến cho quá trình xử lý thông tin giữa hệ thống thần kinh tự trị và não bộ bị rối loạn.

Khi dây thần kinh tự trị chịu trách nhiệm cho quá trình tiêu hóa bị tổn thương, hoạt động của đường ruột bị suy giảm, tất yếu sẽ xảy ra một loạt các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác nhau, trong đó có tình trạng táo bón kéo dài.

Táo bón do nhóm bệnh lý nội tiết

Tiểu đường

Tiểu đường là một trong những nguyên nhân có thể gây tổn thương hệ thần kinh tự trị như nói ở trên. Vì lẽ đó bệnh nhân tiểu đường cũng có thể bị táo bón mạn tính.

Khi lượng đường trong máu lên cao sẽ gây ra tình trạng kém hấp thu trong đường ruột, người bệnh bị đi ngoài phân lỏng, thậm chí tiêu chảy tới chục lần trong ngày. Bệnh nhân thường bị tiêu chảy thường xuyên hơn vào ban đêm.

Những đợt tiêu chảy có thể dừng lại xen kẽ với những lần đại tiện bình thường hoặc táo bón kéo dài, nối tiếp nhau khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi.

Suy tuyến giáp

Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Việc suy giảm chức năng tuyến giáp khiến cho quá trình sản xuất hormone bị ức chế. Điều này có thể làm chậm hoạt động tại đường ruột và gây ra chứng táo bón.

U xơ tử cung

Bị táo bón là dấu hiệu của bệnh gì

U xơ tử cung là những khối u lành tính, hình thành từ những tế bào cơ trơn và các mô liên kết sợi tại tử cung. Đây là một bệnh lý phụ khoa rất phổ biến ở nữ giới độ tuổi sinh sản. Theo thống kê, có khoảng 70% phụ nữ trung niên (từ 50 tuổi trở lên) bị mắc phải căn bệnh này.

Hầu hết u xơ tử cung là dạng khối u lành tính, không phải ai có u xơ cũng cần phải điều trị. Thế nhưng, những khối u có thể phát triển đến rất lớn, tương đương với kích thước của một quả dưa hấu nếu không phát hiện kịp thời.

Những khối u xơ tử cung lớn dần có thể chèn ép lên bàng quang gây ra chứng táo bón thường xuyên. Đây cũng có thể được coi là một trong những dấu hiệu nhận biết biến chứng của bệnh u xơ tử cung.

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một túi chứa dịch lỏng hoặc hỗn hợp phức tạp phát triển bên trong hoặc trên buồng trứng. U nang có thể xuất hiện đồng thời ở cả hai bên của buồng trứng.

Tương tự như u xơ tử cung, thì u nang buồng trứng cũng chủ yếu là những khối u lành tính. Chỉ có khoảng 2% u nang buồng trứng có thể chuyển thành ung thư trong tương lai.

Mặc dù vậy, u nang buồng trứng có thể gây ra các biến chứng tương tự như u xơ tử cung, bao gồm: xoắn u nang, vỡ u nang, u chèn ép các cơ quan lân cận. Trong đó, nếu u chèn ép lên niệu quản sẽ gây đái rắt, đi tiêu nhiều lần. U chèn ép lên bàng quang gây táo bón. U chèn ép lên tĩnh mạch chậu gây phù 2 chi dưới.

Hầu như các chị em phụ nữ ít khi để ý tới những triệu chứng này, mà chỉ coi đó là một loại rối loạn tiêu hóa thông thường do ăn uống không điều độ.

Họ phát hiện ra bản thân bị xơ tử cung, u nang buồng trứng một cách tình cờ khi đi khám phụ khoa hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó. Chính vì vậy, phụ nữ cần kiểm tra phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm giúp điều trị bệnh hiệu quả.

Trên đây là tổng hợp thông tin về những bệnh lý có liên quan tới chứng táo bón kéo dài. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho công tác chẩn đoán của các y bác sĩ. Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa, bạn nên chủ động tới bệnh viện để được kiểm tra và điều trị đúng cách.

☛ Tham khảo thêm: Đại tiện ra máu bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa