Calci máu là gì

I. TĂNG CALCI MÁU:

Tăng canxi máu do bất kỳ nguyên nhân nào cũng gây ra mệt mỏi, trầm uất, lú lẫn, chán ăn, buồn nôn, bón, tổn thương ống thận rối loạn nhịp tim….

Những triệu chứng thần kinh và tiêu hóa có thể xảy ra ở mức calci huyết thanh > 2.9 mmol/L (> 11.5 mg/dL), nhiễm canxi thận và suy chức năng thận xảy ra khi calci huyết thanh là > 3.2 mmol/L (> 13mg/dL). Tăng calci máu trầm trọng thường được định nghĩa là > 3.7 mmol/L (> 15 mg/dL), có thể là một cấp cứu nội khoa, đưa đến hôn mê và ngừng tim.

1. Bệnh nguyên

- Nguyên nhân tăng canxi máu chủ yếu là cường tuyến cận giáp và các bệnh ác tính, chiếm khoảng 90% trường hợp.

- Cường tuyến cận giáp nguyên phát là một rối loạn chuyển hóa xương toàn thân do tăng tiểt hormon cận giáp (PTH), do u tuyến (81%) hoặc ung thư (4%) trên một tuyến đơn độc hoặc do quá sản tuyến cận giáp (15%). Bệnh cường tuyến cận giáp gia đình có thể là một phần của tân sản đa tuyến nội tiết tip 1 (MEN1), bao gồm cả u tuyến yên và tụy, hoặc MEN2A, trong đó cường tuyến cận giáp xảy ra với u thượng thận (pheochromocytoma) và ung thư tủy của tuyến giáp.

- Tăng canxi máu kết hợp với bệnh ác tính thường trầm trọng và khó xử trí. Những cơ chế trong tình trạng này gồm tiết protein liên kết PTH (PTHrP) trong ung thư phổi, thận và ung thư tế bào vảy; sự hủy hoại xương tại chỗ trong myeloma và ung thư vú; sự hoạt hóa tế bào lympho đưa đến sự tiết IL-1 và TNF trong myeloma và u lympho; hoặc tăng tổng hợp 1,25(OH)2D trong u lympho.

- Vài bệnh khác kết hợp tăng calci máu gồm sarcoid và những bệnh u hạt khác, những bệnh này làm tăng tổng hợp 1,25(OH)2D; nhiễm độc vitamin D do ăn vào lâu dài những lượng vitamin lớn (50-100 lần nhu cầu sinh lý); điều trị lithium, gây tăng hoạt tuyến cận giáp; và bệnh tăng canxi máu giảm calci niệu gia đình (FHH) do yếu tố di truyền tự thân của một đột biến trong thụ thể cảm biến calci, gây ra tiết không thích hợp PTH và gia tăng tái hấp thu canxi ở thận. Bệnh cường tuyến cận giáp cũng có thể gây ra biến chứng bệnh thận giai đoạn cuối và sự tiến triển đến cường tuyến cận giáp kỳ 3 xảy ra khi sự tăng tiết FTH trở nên tự động và không còn đáp ứng điều trị nữa.

2. Đặc điểm lâm sàng: Hầu hết bệnh nhân cường tuyến cận giáp không có triệu chứng, ngay khi bệnh ảnh hưởng đến thận và hệ xương. Bệnh nhân thường tăng canxi niệu và đa niệu, và canxi có thể đọng trong nhu mô thận hoặc hình thành sạn oxalat. Tổn thương đặc thù ở xương là osteopenia hoặc hiếm gặp và trầm trọng hơn là bệnh viêm xương xơ nang (osteitis fibrosa cystica). Tăng canxi máu có thể từng đợt hoặc trường diễn và phosphat huyết thanh thường thấp song có thể bình thường.

3. Chẩn đoán: Cường tuyến cận giáp nguyên phát được xác định bởi sự chứng minh một mức PTH cao không phù hợp đối với độ tăng calci máu. Tăng calci niệu giúp phân biệt bệnh này với FHH trong đó mức PTH thường ở mức bình thường và mức calci niệu thấp. Mức PTH thấp trong tăng calci máu của bệnh ác tính

4. Phân loại nguyên nhân tăng calci máu

- Bệnh liên quan đến tuyến cận giáp

     A. Cường tuyến giáp nguyên phát

             1. U tuyến đơn độc

             2. Tân sản đa nội tiết tố

     B. Trị liệu Lithium

     C. Tăng calci máu giảm calci niệu gia đình

- Liên quan bệnh ác tính

     A. U rắn có trung gian thể dịch tăng calci máu (phổi, thận)

     B. U rắn có di căn (vú)

     C. Bệnh huyết học ác tính (đa u tủy, u lympho, bệnh bạch cầu)

-  Liên quan vitamin D

     A. Nhiễm độc vitamin D

     B. Tăng 1,25(OH)2D; sarcoid và những bệnh u hạt khác

     C. Tăng calci máu vô căn ở nhủ nhi

-  Kết hợp với turn over xương cao

     A. Cường giáp

     B. Bất động

     C. Thiazides

     D. Nhiễm độc vitamin A

- Kết hợp với suy thận

     A. Cường cận giáp thứ phát nặng

     B.  Nhiễm độc Alumin

     C. Hội chứng milk-alkali

II. HẠ CALCI MÁU

- Hạ calci máu ít gặp hơn tăng calci máu song thường có triệu chứng và đòi hỏi điều trị. Triệu chứng gồm mất cảm giác nhẹ (tê) ngoại biên và quanh miệng, co rút cơ, co quắp cổ tay chân, co quắp thanh quản, động kinh và ngưng hô hấp. Tăng áp lực nội sọ và phù gai thị có thể xảy ra với tình trạng hạ calci máu kéo dài, và những thể hiện khác gồm dễ cáu giận, trầm uất, loạn thần, chuột rút ruột và kém hấp thu mãn.

Dấu Chovostek và Trousseau thường dương tính, và khoảng QT kéo dài. Tình trạng hạ magnesi máu và nhiễm kiềm đều làm thấp ngưỡng của co giật.

1. Bệnh nguyên

- Hạ calci máu thoáng qua thường xảy ra ở những bệnh nhân bị bỏng, nhiễm trùng và suy thận cấp; sau khi chuyền máu (citrat) hoặc với thuốc như protamine và heparin. Hạ albumin máu có thể làm giảm calci huyết thanh dưới mức bình thường, mặc dầu mức calci ion hóa vẫn còn bình thường. Một điều chỉnh đơn giản đôi lúc được dùng để đánh giá nồng độ calci huyết thanh là bất thường hay không khi protein huyết thanh thấp. Điều chỉnh bằng cách thêm 0.2mmol/L (0.8mg/dL) cho mức calci huyết thanh cho mỗi 10g/L (1g/dL) bằng cách đó mức albumin huyết thanh là dưới 40g/L (4.0d/dL).

- Nhiễm kiềm tăng calci gắn protein và trong môi trường này những phép đo trực tiếp calci ion hóa nên sử dụng.

2. Nguyên nhân hạ calci máu có thể chia thành: PTH vắng mặt (nhược tuyến cận giáp bẩm sinh hoặc mắc phải, hạ magnesi máu), và PTH không hiệu quả (suy thận mãn, thiếu vitamin D, kém hấp thu ruột, giả nhược tuyến cận giáp), hoặc PTH tràn ngập (tăng phosphat máu cấp, trầm trọng trong phân hủy u, suy thận cấp, phân hủy cơ vân, hội chứng xương đói sau phẫu thuật cắt tuyến cận giáp). Nguyên nhân hạ calci máu kết hợp với viêm tụy cấp là chưa rõ.

BS. TRẦN ĐÌNH LẬP lược dịch

Calci máu là gì
Calci máu là gì

Tăng canxi máu là tình trạng nồng độ canxi (Ca2+) trong huyết thanh cao hơn mức bình thường. Giới hạn bình thường của nồng độ canxi là 2,1–2,6 mmol/L (8,8–10,7 mg/dL hay 4,3-5,2 mEq/L). Mức độ lớn hơn 2,6 mmol/L được xác định là tăng canxi máu. Khi nồng độ canxi trong máu quá nhiều có thể khiến xương bị suy yếu, gây sỏi thận, can thiệp vào cách thức hoạt động của tim và não.

Bệnh thường do tuyến cận giáp (nằm phía sau tuyến giáp) hoạt động quá mức. Các nguyên nhân khác gây ra tình trạng này bao gồm ung thư, một số rối loạn trong cơ thể, một số loại thuốc hoặc uống quá nhiều canxi và vitamin D.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng canxi máu là gì?

Trong trường hợp bị nhẹ, người bệnh có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Nếu mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ thể hiện triệu chứng liên quan đến các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bởi nồng độ canxi cao trong máu, chẳng hạn như:

  • Thận. Lượng canxi dư thừa trong máu sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc, khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy khát nước và cần đi tiểu.
  • Hệ thống tiêu hóa. Tăng canxi máu có thể gây khó chịu cho dạ dày, gây buồn nôn, nôn và táo bón.
  • Xương và cơ bắp. Trong hầu hết các trường hợp, lượng canxi dư thừa trong máu được lọc ra từ xương nên sẽ khiến xương suy yếu, gây đau xương, yếu cơ.
  • Não bộ. Tăng canxi máu có thể can thiệp vào cách thức hoạt động của não, dẫn đến nhầm lẫn, lờ đờ, mệt mỏi, thậm chí là trầm cảm.
  • Tim mạch. Tăng canxi máu nghiêm trọng hiếm khi can thiệp vào chức năng tim mạch nhưng bệnh cũng có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực, ngất xỉu, rối loạn nhịp tim và các vấn đề về tim khác.

Nếu người bệnh cảm thấy rất khát, thường xuyên phải đi tiểu và đau vùng bụng, cần nhanh chóng kiểm tra vì chúng có thể là các dấu hiệu sớm của tình trạng tăng canxi máu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của tăng canxi máu là gì?

Bên cạnh việc góp phần làm xương và răng chắc khỏe, canxi còn giúp cơ bắp có thể hoạt động hiệu quả (giúp co cơ), tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh. Thông thường, nếu không có đủ canxi trong máu, tuyến cận giáp sẽ tiết ra một loại hormone nhằm:

  • Kích hoạt xương giải phóng canxi vào máu
  • Kích hoạt hệ tiêu hóa để hấp thụ nhiều canxi
  • Kích hoạt thận để bài tiết ít canxi và tạo nhiều vitamin D hơn – vốn đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi

Sự cân bằng nồng độ canxi trong máu có thể bị phá vỡ bởi nhiều yếu tố. Thông thường, tình trạng tăng canxi máu xảy ra là do:

  • Tuyến cận giáp hoạt động quá mức. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của tăng canxi máu, tuyến cận giáp hoạt động quá mức hay còn gọi là cường cận giáp có thể xuất phát từ một khối u nhỏ, không ung thư (lành tính) hoặc do sự phì đại của một hoặc nhiều tuyến cận giáp.
  • Ung thư. Ung thư phổi và ung thư vú cũng như một số bệnh ung thư máu hay ung thư di căn xương đều có thể làm tăng nguy cơ tăng canxi máu.
  • Một số tình trạng bệnh khác. Bệnh lao và u hạt (sarcoidosis) có thể làm tăng nồng độ vitamin D trong máu, kích thích đường tiêu hóa hấp thụ nhiều canxi hơn.
  • Các yếu tố di truyền. Một rối loạn di truyền hiếm gặp do các thụ thể canxi bị lỗi có thể gây ra sự gia tăng canxi trong máu. Tình trạng này không gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng bệnh.
  • Tình trạng không vận động. Những người bệnh phải ngồi hoặc nằm trong thời gian trên xe lăn hay giường bệnh có thể bị tăng canxi máu vì theo thời gian, phần xương không chịu trọng lượng sẽ giải phóng canxi vào máu.
  • Mất nước nghiêm trọng. Một nguyên nhân phổ biến của tăng canxi máu nhẹ hoặc thoáng qua là do mất nước.
  • Thuốc. Một số loại thuốc chẳng hạn như lithium được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực và có thể kích thích giải phóng hormone tuyến cận giáp.
  • Viên uống bổ sung. Uống quá nhiều canxi hoặc vitamin D bổ sung theo thời gian có thể làm tăng mức canxi trong máu trên mức bình thường.
  • Các yếu tố rủi ro. Phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ cao mắc phải tình trạng tuyến cận giáp hoạt động quá mức.
Calci máu là gì
Bổ sung canxi không đúng cách có thể khiến cơ thể gặp phải tình trạng tăng canxi máu

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng canxi máu có thể không rõ ràng. Người bệnh thường chỉ biết được tình trạng khi thực hiện xét nghiệm máu thường xuyên và cho kết quả nồng độ canxi trong máu cao. Xét nghiệm máu cũng có thể cho biết nồng độ hormone tuyến cận giáp cao hay không nhằm chẩn đoán cường cận giáp.

Để xác định căn nguyên của tình trạng này, chẳng hạn như ung thư hoặc u hạt sarcoidosis, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện những xét nghiệm kiểm tra hình ảnh của xương hoặc phổi của người bệnh, chẳng hạn như:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp nhũ ảnh

Những phương pháp điều trị bệnh

Nếu mức độ tăng canxi máu nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần đợi và theo dõi tiến triển của bệnh qua tình trạng của xương, thận chặt chẽ theo thời gian cũng như tuân thủ những khuyến nghị của bác sĩ.

Dùng thuốc. Trong một số trường hợp từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể điều trị cho người bệnh bằng thuốc, gồm:

  • Calcitonin. Thuốc có nguồn gốc hormone từ cá hồi giúp kiểm soát nồng độ canxi trong máu. Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ là buồn nôn nhẹ.
  • Calcimimetics (Cinacalcet). Loại thuốc này “bắt chước” canxi lưu hành trong máu, thuốc có thể “lừa” các tuyến cận giáp vào giải phóng hormone tuyến cận giáp, có thể giúp kiểm soát tuyến cận giáp hoạt động quá mức.
  • Bisphosphonate. Thuốc trị loãng xương tiêm tĩnh mạch có thể nhanh chóng hạ thấp mức canxi, thường được sử dụng để điều trị tăng canxi máu do ung thư. Các rủi ro liên quan đến phương pháp điều trị này thường là về hoại tử xương hàm và một số loại gãy xương đùi.
  • Denosumab. Thuốc này thường được sử dụng để điều trị cho những người bị tăng canxi máu do ung thư không đáp ứng tốt với bisphosphonates.
  • Prednisone. Nếu tình trạng tăng canxi máu là do nồng độ vitamin D cao, việc sử dụng ngắn hạn các loại thuốc steroid như prednisone thường rất hữu ích.
  • Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch và thuốc lợi tiểu quai (furosemide). Đây là lựa chọn trong những trường hợp nồng độ canxi trong máu quá cao cần cấp cứu để nhanh chóng hạ mức canxi này xuống, ngăn ngừa các vấn đề về tim hoặc tổn thương hệ thần kinh.

Phẫu thuật và các thủ thuật khác. Trong một số trường hợp liên quan đến cường cận giáp, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật, xét nghiệm hình ảnh có dùng chất đánh dấu phóng xạ để xác định tuyến cận giáp nào không hoạt động bình thường.

Biến chứng

Biến chứng của tăng canxi máu là gì?

Những biến chứng của tình trạng tăng canxi máu là:

  • Loãng xương. Nếu xương tiếp tục giải phóng canxi vào máu, người bệnh có thể bị loãng xương dễ dẫn đến gãy xương, cong cột sống và giảm chiều cao (khòm lưng).
  • Sỏi thận. Nếu nước tiểu chứa quá nhiều canxi, các tinh thể có thể hình thành trong thận, theo thời gian sẽ tạo thành sỏi thận.
  • Suy thận. Tăng canxi máu nặng có thể làm hỏng thận của người bệnh, hạn chế khả năng làm sạch máu và bài tiết nước tiểu.
  • Vấn đề về hệ thống thần kinh. Tăng canxi máu nặng có thể dẫn đến nhầm lẫn, mất trí nhớ và hôn mê, thậm chí có thể gây tử vong.
  • Nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim). Tăng canxi máu có thể ảnh hưởng đến các xung điện điều hòa nhịp tim, khiến tim đập không đều.

Tiên lượng

Tiên lượng của tăng canxi máu là gì?

Tiên lượng tốt hay xấu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Người bệnh cần thực hiện lối sống lành mạnh để bảo vệ thận và xương khỏi bị tổn thương do tăng canxi máu. Bên cạnh đó cần uống nhiều nước để giữ mức canxi cân bằng trong máu và giảm nguy cơ phát triển sỏi thận.

Hút thuốc có thể tăng tốc độ giảm khối xương cũng như gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nên người bệnh cần phải bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ về các bài tập rèn luyện thể dục thể thao để giữ cho xương chắc khỏe. Ngoài ra, cần bảo đảm thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng sử dụng thuốc không kê đơn hay viên uống bổ sung nhằm giảm nguy cơ gây dư thừa vitamin D và canxi.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.