Call put option là gì

Sau khi đã tìm hiểu về 2 sản phẩm rất phổ biến của chứng khoán phái sinh là hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn, thì bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục với một sản phẩm nữa cũng rất quen thuộc, nếu các bạn đang là nhà đầu tư trên các thị trường tài chính như chứng khoán, forex hay tiền điện tử thì không thể không quan tâm đến hợp đồng quyền chọn.

  • Hợp đồng tương lai là gì?
  • Hợp đồng kỳ hạn là gì?

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đang ngày càng phát triển, tuy hiện giờ, các hợp đồng quyền chọn chưa được giao dịch trên sàn mà chỉ thông qua thị trường OTC, và người mua kẻ bán chủ yếu là các tổ chức lớn nhưng trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dự thảo mở rộng thêm các sản phẩm phái sinh khác như hợp đồng quyền chọn trên cổ phiếu và chỉ số… nên việc nghiên cứu về loại chứng khoán này bây giờ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, hiện nay, trên thị trường forex, một số broker đã cung cấp hợp đồng quyền chọn trên một vài loại tài sản nhất định, thu hút rất đông đảo sự quan tâm của nhà đầu tư trong việc phòng ngừa rủi ro cho vị thế đang nắm giữ và cả những nhà đầu cơ.

Vậy thì hợp đồng quyền chọn là gì, đặc điểm của hợp đồng quyền chọn ra sao và cách thức giao dịch hợp đồng quyền chọn như thế nào thì chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ở nội dung của bài viết này.

Hợp đồng quyền chọn là gì?

Hợp đồng quyền chọn (Option Contract) là một loại chứng khoán phái sinh, trong đó, người nắm giữ hợp đồng sẽ có quyền (không phải nghĩa vụ) được mua hoặc được bán một tài sản cơ sở tại một mức giá được ấn định trước ở một thời điểm xác định trong tương lai.

Các yếu tố cấu thành nên một hợp đồng quyền chọn:

  • Tài sản cơ sở: giống như hợp đồng kỳ hạn, tài sản cơ sở của hợp đồng quyền chọn là bất kỳ một loại tài sản nào, có thể là hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số, tiền tệ, lãi suất… và không được chuẩn hóa về khối lượng, chất lượng hay số lượng như hợp đồng tương lai.
  • Thời điểm xác định trong tương lai là ngày đáo hạn.
  • Thời gian từ ngày hợp đồng được ký kết đến ngày đáo hạn được gọi là kỳ hạn của quyền chọn.
  • Mức giá của tài sản cơ sở được ấn định trước gọi là giá thực hiện.

Ví dụ: Vào ngày 23/5/2019 Ông A mua từ ông B một hợp đồng quyền chọn mua 100 tấn gạo với giá 12,000/kg, thời hạn 3 tháng.

  • Ông A là người mua quyền chọn và ông B là người bán quyền chọn
  • Tài sản cơ sở là gạo
  • Giá thực hiện là 12,000 VND/kg
  • Ngày đáo hạn là 23/8/2019.

Theo hợp đồng này, vào ngày đáo hạn, ông A có quyền mua hoặc không mua 100 tấn gạo, miễn sao ông cảm thấy có lợi cho mình, nhưng nếu ông A thực hiện quyền mua thì ông B có nghĩa vụ phải bán cho ông A 100 tấn gạo với mức giá 12,000 VND/kg cho dù lúc đó giá gạo trên thị trường có như thế nào đi nữa.

Đặc điểm của hợp đồng quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn mang các đặc điểm của một loại chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai hay hợp đồng kỳ hạn, nhưng nó cũng có một số đặc điểm khác biệt so với 2 loại kia:

  • Không cần được chuẩn hóa về khối lượng, số lượng, các điều khoản hay giá trị của tài sản cơ sở. Và tài sản cơ sở của hợp đồng quyền chọn là bất kỳ loại hàng hóa nào.
  • Được giao dịch trên thị trường OTC và không được niêm yết. Tính đến nay, trên thị trường Việt Nam thì chỉ có hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh duy nhất được niêm yết.
  • Việc thanh toán tiền và trao đổi tài sản không xảy ra tại thời điểm ký kết hợp đồng mà hoạt động này sẽ được thực hiện sau đó hoặc tại thời điểm đáo hạn (tùy vào kiểu quyền chọn).
  • Các bên tham gia hợp đồng không cần phải ký quỹ, nhưng người mua quyền chọn phải trả cho người bán quyền chọn một khoản phí, gọi là phí quyền chọn (premium).
  • Đến thời điểm đáo hạn, người mua được thực hiện quyền hoặc không (có quyền mua, bán hoặc không chứ không bắt buộc). Nếu người mua thực hiện quyền thì người bán phải có nghĩa vụ thực hiện theo các điều khoản trong hợp đồng, nghĩa là bán (nếu quyền chọn mua) hoặc mua (nếu quyền chọn bán) tài sản cơ sở với mức giá thực hiện cho người mua.
  • Các bên trong hợp đồng quyền chọn có thể đóng vị thế bằng cách tham gia một hợp đồng quyền chọn tương tự với vị thế đối của vị thế trước đó. Nghĩa là, nếu đang nắm giữ quyền chọn mua thì có thể đóng vị thế bằng việc bán chính quyền chọn mua đó, hoặc đã bán một hợp đồng quyền chọn mua thì sẽ đóng vị thế bằng cách mua một quyền chọn mua với cùng tài sản cơ sở, cùng giá thực hiện và cùng ngày đáo hạn.

Phân loại hợp đồng quyền chọn

Cách phân loại cơ bản trên thị trường chứng khoán phái sinh chính là dựa vào vị thế đối với tài sản cơ sở, theo đó, hợp đồng quyền chọn có 2 loại: quyền chọn mua và quyền chọn bán.

Quyền chọn mua (Call Option): là hợp đồng quyền chọn trao cho người nắm giữ hợp đồng hay người mua một quyền (không phải nghĩa vụ) được mua tài sản cơ sở tại mức giá xác định vào một thời điểm trong tương lai hoặc trước thời điểm đó.

Người mua quyền chọn mua (người nắm giữ quyền chọn hay người mua) phải trả phí premium cho người bán quyền chọn mua (người bán). Người bán có nghĩa vụ phải bán tài sản cơ sở với giá thực hiện nếu người mua thực hiện quyền.

Quyền chọn bán (Put Option): là hợp đồng quyền chọn cho phép người nắm giữ hợp đồng hay người mua một quyền (không phải nghĩa vụ) được bán tài sản cơ sở tại mức giá xác định vào một thời điểm trong tương lai hoặc trước thời điểm đó.

Tương tự, người mua quyền chọn bán phải trả phí premium cho người bán quyền chọn bán. Người bán có nghĩa vụ phải mua tài sản cơ sở với giá thực hiện trong trường hợp người mua thực hiện quyền.

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng quyền chọn được tóm tắt trong bảng sau:

Call put option là gì

Các kiểu quyền chọn

Có 2 kiểu quyền chọn chính, đó là quyền chọn kiểu Mỹ và quyền chọn kiểu châu Âu.

  • Quyền chọn kiểu châu Âu (European Option): người mua chỉ được thực hiện quyền vào ngày đáo hạn.
  • Quyền chọn kiểu Mỹ (American Option): người mua được thực hiện quyền vào bất kỳ thời điểm nào trước ngày đáo hạn.

Ngoài ra, còn có một số kiểu quyền chọn đặc biệt khác như: Quyền chọn châu Á (Asian Option), Quyền chọn rào cản (Barrier Option), Quyền chọn Bermudan (Bermudan Option), Quyền chọn kép (Binary Option), Quyền chọn kỳ cục (Exotic Option), Quyền chọn tiêu chuẩn (Vanilla Option). Mỗi kiểu quyền chọn sẽ có một đặc tính riêng nhất định, trong đó, có 2 kiểu quyền chọn mà chắc chắn các bạn đã từng nghe qua hoặc cảm thấy rất quen thuộc, đó là Binary Option và Vanilla Option.

  • Binary Option là quyền chọn kép hay còn được gọi là quyền chọn nhị phân, là một dạng quyền chọn với tính chất “tất cả hoặc không có gì”, theo đó, tại thời điểm đáo hạn, nếu giá trị của tài sản cơ sở thỏa mãn điều kiện đã được định trước từ lúc ký kết hợp đồng thì người nắm giữ quyền chọn sẽ được thanh toán giá trị nhận được từ hợp đồng, nếu không thì sẽ chẳng có gì cả. Thị trường quyền chọn nhị phân hiện nay cũng hoạt động dựa trên nguyên tắc này nhưng có một số đặc điểm riêng của thị trường này và phụ thuộc vào cả những sàn BO. Các bạn có thể tham khảo về thị trường Binary Option qua bài viết Binary Option là gì? Cách kiếm tiền từ Binary Option.
  • Vanilla Option (quyền chọn tiêu chuẩn): thật ra đây là tên gọi chung cho tất cả các kiểu quyền chọn kể trên, ngoại trừ Exotic Option vì kiểu quyền chọn này có một số cấu trúc tài chính phức tạp nên được xếp riêng vào một loại khác. Đôi khi, người ta cũng sẽ chỉ xếp quyền chọn kiểu Mỹ và châu Âu vào loại Vanilla Option.

Phân loại quyền chọn dựa vào tài sản cơ sở

Bên cạnh việc phân loại hợp đồng quyền chọn theo vị thế đối với tài sản cơ sở hay các kiểu quyền chọn như trên thì hợp đồng quyền chọn còn được phân loại dựa vào tài sản cơ sở.

Vì tài sản cơ sở đối với hợp đồng quyền chọn không được chuẩn hóa nên phân loại theo cách này làm cho hợp đồng quyền chọn trở nên đa dạng hơn, trong đó, một số loại phổ biến đang được giao dịch trên thế giới như:

  • Hợp đồng quyền chọn hàng hóa
  • Hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán/cổ phiếu/trái phiếu
  • Hợp đồng quyền chọn ngoại hối: cho phép người nắm giữ hợp đồng được mua hoặc bán một lượng ngoại tệ nhất định với tỷ giá được ấn định trước vào một thời điểm xác định trong tương lai hoặc trước thời điểm đó. Tài sản cơ sở là tiền tệ, giá thực hiện là tỷ giá giữa 2 đồng tiền đã được xác định trước.
  • Hợp đồng quyền chọn lãi suất: người nắm giữ quyền chọn được áp dụng một mức lãi suất ấn định trước cho một khoản tiền gửi hoặc một khoản tiền cho vay vào một thời điểm xác định trong tương lai hoặc trước thời điểm đó.
  • Hợp đồng quyền chọn hợp đồng tương lai: là loại hợp đồng quyền chọn cho phép người mua được quyền mua hoặc bán một số lượng cụ thể các hợp đồng tương lai với mức giá ấn định trước vào một thời điểm trong tương lai hoặc trước thời điểm đó. Tài sản cơ sở trong loại này chính là hợp đồng tương lai.

Kết quả của hợp đồng quyền chọn

Kết quả của hợp đồng quyền chọn cũng chính là lãi hay lỗ của người mua và người bán khi người mua thực hiện quyền tại thời điểm đáo hạn.

ST là giá của tài sản cơ sở tại thời điểm đáo hạn

X là giá thực hiện

p là phí quyền chọn (phí premium)

Quyền chọn mua (Call Option)

Người mua kỳ vọng giá tăng, nên, nếu:

  • ST > X, người mua thực hiện quyền
  • ST < X, người mua không thực hiện quyền
  • ST = X, có thể thực hiện quyền hoặc không

Đồ thị thể hiện lãi/lỗ của người mua và người bán đối với hợp đồng quyền chọn mua:

Call put option là gì

  • Đối với người mua, mức lỗ được giới hạn chính là phí quyền chọn và lợi nhuận thì không giới hạn.
  • Đối với người bán, lợi nhuận bị giới hạn chính là mức phí quyền chọn nhận được lúc ký hợp đồng nhưng mức lỗ thì không giới hạn.

Ví dụ: ông A mua một quyền chọn mua cổ phiếu của công ty B vào ngày 20/04/2020 với các thông tin sau:

  • Số lượng quyền chọn : 1000 (mỗi quyền chọn được mua 1 cổ phiếu)
  • Giá thực hiện : 65,000 VND/cổ phiếu
  • Phí quyền chọn: 4,000 VND/cổ phiếu
  • Kỳ hạn quyền chọn là 6 tháng

Để đơn giản thì chúng ta sẽ bỏ qua phí giao dịch.

Nếu vào ngày đáo hạn (20/10/2020) giá cổ phiếu của công ty B lần lượt là 58,000 VND, 65,000 VND, 67,000 VND và 72,000 VND thì ông A nên quyết định như thế nào?

Tổng số phí quyền chọn mà ông A đã chi trả là 4,000 x 1000 = 4,000,000 VND.

Tổng số tiền mà ông A bỏ ra để mua 1000 cổ phiếu của công ty B lúc đáo hạn, tức là ông A thực hiện quyền sẽ là 65,000 x 1000 = 65,000,000 VND.

  • Giá cổ phiếu lúc đáo hạn là 58,000 VND

Tổng số tiền để mua 1000 cổ phiếu ở thị trường giao ngay là 58,000,000

Nếu thực hiện quyền, ông A sẽ lỗ 65,000,000 – 58,000,000 = 7,000,000, chưa tính 4 triệu đã bỏ ra lúc đầu để mua quyền chọn. Chính vì thế, ông A sẽ không thực hiện quyền để khóa khoản lỗ ở mức 4 triệu.

  • Giá cổ phiếu lúc đáo hạn là 65,000 VND

Tổng số tiền để mua 1000 cổ phiếu ở thị trường giao ngay là 65,000,000 bằng với số tiền bỏ ra nếu thực hiện quyền nên ông A có quyền thực hiện hoặc không, dù sao thì cũng đã lỗ 4 triệu phí premium.

  • Giá cổ phiếu lúc đáo hạn là 67,000 VND

Tổng số tiền để mua 1000 cổ phiếu ở thị trường giao ngay là 67 triệu.

Nếu thực hiện quyền, ông A sẽ lời 2 triệu. Thay vì lỗ đến 4 triệu phí premium thì ông sẽ thực hiện quyền để chỉ còn lỗ 2 triệu cho hợp đồng này.

  • Giá cổ phiếu lúc đáo hạn là 72,000 VND

Tổng số tiền để mua 1000 cổ phiếu trên thị trường giao ngay là 72 triệu.

Trong trường hợp này chắc chắn là ông A sẽ thực hiện quyền vì ông sẽ lời được 7 triệu, nếu trừ đi phí quyền chọn thì ông vẫn còn lời 3 triệu cho việc mua hợp đồng này.

Quyền chọn bán (Put Option)

Ngược lại, người mua kỳ vọng giá tài sản cơ sở sẽ giảm

  • ST < X, người mua thực hiện quyền
  • ST > X, người mua không thực hiện quyền
  • ST = X, có thể thực hiện quyền hoặc không

Đồ thị thể hiện lãi/lỗ của người mua và người bán đối với hợp đồng quyền chọn bán:

Call put option là gì

  • Với người mua, mức lỗ được giới hạn (phí premium), theo lý thuyết, lợi nhuận của người mua sẽ không giới hạn, nhưng vì giá của tài sản cơ sở trên thực tế không thể âm, nên lợi nhuận bị giới hạn (như trên hình vẽ).
  • Với người bán, lợi nhuận bị giới hạn (phí premium) và thua lỗ được giới hạn.

Ví dụ: ông A đang nắm giữ 2000 cổ phiếu của công ty B và đang cần tiền cho một kế hoạch đầu tư trong 6 tháng tới. Mức giá hiện tại của cổ phiếu này là 55,000 VND và được dự đoán sẽ tăng lên đến 70,000 VND sau 6 tháng tới. Với dự đoán này, ông A có thể chờ đợi sau 6 tháng để bán cổ phiếu và lấy tiền đó để đầu tư, nhưng để phòng ngừa rủi ro rằng giá cổ phiếu sẽ giảm, ông quyết định mua quyền chọn bán được phát hành từ công ty B vào ngày 20/04/2020, chi tiết của hợp đồng quyền chọn này như sau:

  • Số lượng quyền chọn : 1000 (mỗi quyền chọn được mua 1 cổ phiếu)
  • Giá thực hiện : 65,000 VND/cổ phiếu
  • Phí quyền chọn: 4,000 VND/cổ phiếu
  • Kỳ hạn quyền chọn là 6 tháng

Để đơn giản thì chúng ta sẽ bỏ qua phí giao dịch

Câu hỏi được đặt ra tương tự như ví dụ trên: nếu vào ngày đáo hạn (20/10/2020) giá cổ phiếu của công ty B lần lượt là 58,000 VND, 62,000 VND, 65,000 VND và 72,000 VND thì ông A nên quyết định như thế nào?

Các bạn có thể theo dõi kết quả phân tích ở bảng sau:

Call put option là gì

Chiến lược giao dịch quyền chọn

Có rất nhiều chiến lược giao dịch với hợp đồng quyền chọn được các nhà đầu tư sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro, đầu tư sinh lợi và đầu cơ, trong đó, 4 chiến lược được sử dụng phổ biến nhất chính là Long Straddle, Long Strangle , Đầu cơ chênh lệch giá lên bằng Call Option và Đầu cơ chênh lệch giá xuống bằng Call Option.

Long Straddle: là chiến lược mà nhà đầu tư nắm giữ cả quyền chọn mua và quyền chọn bán, tức là mua đồng thời Call Option và Put Option. Trong đó, cả 2 quyền chọn này phải cùng tài sản cơ sở, cùng giá thực hiện và thời gian đáo hạn. Nhà đầu tư sử dụng chiến lược này khi kỳ vọng rằng giá của tài sản cơ sở sẽ biến động rất mạnh nhưng chưa biết sẽ tăng hay giảm. Chiến lược này giúp nhà đầu tư có được lợi nhuận bất kể thị trường đi theo hướng nào, chỉ cần biến động đủ lớn để có thể chi trả được 2 phí quyền chọn.

Long Strangle: tương tự như Long Straddle, nhà đầu tư cũng nắm giữ cả quyền chọn mua và quyền chọn bán của cùng một tài sản cơ sở, cùng ngày đáo hạn nhưng giá thực hiện của quyền chọn mua cao hơn giá thực hiện của quyền chọn bán. Chiến lược này cũng được sử dụng khi kỳ vọng giá sẽ biến động mạnh.

Call put option là gì

Ở chiến lược Long Straddle, nếu giá tài sản cơ sở vào thời điểm đáo hạn bằng với giá thực hiện (ST = X) thì thua lỗ của chiến lược này chính là 2 khoản phí quyền chọn (p1+p2, trong hình vẽ là F1+F2), ST càng ra xa X thì thua lỗ càng ít đi, đến khi ST vượt ra khỏi một trong 2 điểm hòa vốn (ST1 và ST2) thì chiến lược sẽ có lời, ST càng ra xa điểm hòa vốn thì lợi nhuận càng cao.

Trong khi với chiến lược Long Strangle, khoản lỗ tối đa vẫn là F1+F2, nhưng điều kiện xảy ra khoản lỗ này là giá tài sản cơ sở khi đáo hạn giao động trong khoảng giữa X1 và X2, phạm vi rộng hơn so với chiến lược Long Straddle. Lý do để nhà đầu tư chấp nhận chiến lược này thay vì Long Straddle là vì phí quyền chọn của 2 hợp đồng này thấp hơn so với 2 quyền chọn trong chiến lược Long Straddle. Sở dĩ chi phí thấp hơn là do quyền mua với giá thực hiện cao hơn so với quyền bán (X2>X1), trong khi nguyên tắc đầu tư là “mua thấp bán cao”.

Đầu cơ chênh lệch giá bằng Option Contract

Với các tính chất đặc trưng của mình mà hợp đồng quyền chọn là một trong những công cụ ưa thích của những nhà đầu cơ kinh doanh chênh lệch giá.

Đầu cơ chênh lệch giá lên bằng Call Option được thực hiện khi nhà đầu cơ đang kỳ vọng giá sẽ tăng lên vừa phải trong tương lai. Chiến lược này được thực hiện bằng cách cùng một lúc mua một Call Option (1) và bán một Call Option (2) cùng tài sản cơ sở, cùng ngày đáo hạn với Call Option (1) đã mua nhưng với giá thực hiện cao hơn (X2>X1), vì X2>X1 nên p2<p1, nghĩa là nhà đầu cơ cũng phải bỏ ra một số vốn để thực hiện chiến lược này (bỏ p1 để mua Call Option (1) và nhận lại p2 khi bán Call Option (2)). Số vốn ban đầu bỏ ra là p1 – p2.

  • Nếu ST >= X2, thì nhà đầu cơ sẽ được mua tài sản với giá X1 và có nghĩa vụ phải bán tài sản cho bên mua Call Option (2) với giá X2, mà X1<X2, nên nhà đầu cơ có lời. Lợi nhuận là X2 – X1 – (p1 – p2)
  • Nếu X1<ST<X2 thì nhà đầu cơ có lời khi nắm giữ Call Option (X1) và không phải thực hiện nghĩa vụ bán tài sản cho bên mua kia. Lợi nhuận ST – X1 – (p1 – p2)
  • Nếu ST < = X1 thì nhà đầu cơ sẽ không thực hiện quyền đối với Call Option 1 mà cũng không cần phải thực hiện nghĩa vụ với Call Option 2, mặc dù không có lợi nhuận nhưng cũng đã giảm bớt chi phí.

Tổng thua lỗ tối đa cho chiến lược này là p1 – p2 khi ST <= X1 và lợi nhuận tối đa được giới hạn là X2 – X1 – (p1 – p2).

Chiến lược đầu cơ chênh lệch giá xuống bằng Call Option được thực hiện ngược lại. Nhà đầu cơ sẽ cùng một lúc mua một Call Option (1) và bán một Call Option (2) cùng tài sản cơ sở, cùng khối lượng, cùng ngày đáo hạn nhưng với X2<X1. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chiến lược này có thể thu được lợi nhuận ngay từ ban đầu vì p2>p1. Phần lợi nhuận thu được ban đầu sẽ là chênh lệch giữa 2 mức phí quyền chọn p2 – p1.

Giải thích về hành vi và lợi nhuận/thua lỗ của nhà đầu cơ trong các trường hợp của ST được thực hiện tương tự như chiến lược đầu cơ giá lên. Lợi nhuận tối đa của chiến lược này cũng chính là lợi nhuận ban đầu p2 – p1. Thua lỗ tối đa là X2 – X1 + (p2 – p1). Và tất nhiên là chiến lược này chỉ được thực hiện khi nhà đầu cơ tin rằng giá sẽ giảm một mức độ vừa phải trong khoảng thời gian từ ngày giao dịch đến ngày đáo hạn.

Call put option là gì

Giao dịch hợp đồng quyền chọn trên thị trường forex

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chưa hỗ trợ giao dịch hợp đồng quyền chọn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng ta, nhưng các bạn vẫn có cơ hội để tham gia giao dịch loại công cụ này trên những thị trường khác. Đại diện là thị trường quyền chọn nhị phân (Binary Option) và thị trường forex.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sàn nhị phân và đây cũng là một loại hình đầu tư khá rủi ro. Tính chất của quyền chọn nhị phân hay quyền chọn kép khác xa so với các loại quyền chọn tiêu chuẩn, nên chúng được hình thành một thị trường riêng. Để tham gia vào thị trường này, các bạn cần chọn một sàn BO uy tín và quan trọng là phải nghiên cứu về loại hình đầu tư này thật kỹ lưỡng nếu không muốn mất trắng.

  • Binary Option là gì?
  • Top các sàn Binary Option uy tín nhất.

Bên cạnh đó, trên thị trường forex, một số broker cũng hỗ trợ cho khách hàng của mình giao dịch hợp đồng quyền chọn tiêu chuẩn trên một số tài sản cơ sở nhất định. Một vài sàn trong số đó phải kể đến như IG, LCG, easyMarket…, sàn BO cho phép giao dịch vanilla option như Expert Option…

Sàn IG cho phép trader giao dịch hợp đồng quyền chọn trên các tài sản tài chính bao gồm forex, chỉ số và hàng hóa.

Call put option là gì

Với easyMarkets, sàn này chủ yếu cho phép giao dịch hợp đồng quyền chọn trên các cặp tiền chính. Nền tảng giao dịch quyền chọn tách riêng so với CFDs và sàn này cung cấp rất nhiều công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư phân tích các chiến lược của mình.

Call put option là gì

Hợp đồng quyền chọn đang được rất nhiều nhà đầu tư sử dụng để phòng ngừa các vị thế trên thị trường forex nên ngày càng nhiều broker bổ sung công cụ này vào danh mục sản phẩm của mình. Điều này càng giúp cho trader có nhiều cơ hội lựa chọn sàn uy tín và các điều kiện giao dịch tốt nhất.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã nắm được cơ bản phần nào về khái niệm, đặc điểm cũng như cách thức hoạt động của loại chứng khoán phái sinh này. Không riêng gì hợp đồng quyền chọn mà cả hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn, cả 3 đều mang những đặc tính của chứng khoán phái sinh nên rất khó để nắm bắt và mức độ rủi ro cũng khá lớn. Quan trọng là hiểu được bản chất và biết sử dụng các chiến lược giao dịch hiệu quả.