Cần kiệm liêm chính nghĩa là gì năm 2024

Giá trị đức tính 'Cần, Kiệm, Liêm, Chính' trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Cần kiệm liêm chính nghĩa là gì năm 2024

Cách đây gần 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đang trong giai đoạn khó khăn, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Lê Quyết Thắng đã viết 4 bài báo Cần, Kiệm, Liêm, Chính đăng trên báo Cứu quốc vào các ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949, nhằm quán triệt cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tích cực tham gia phong trào 'Thi đua ái quốc', góp phần đưa sự nghiệp 'kháng chiến kiến quốc' đến thắng lợi. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện 'tự diễn biến, 'tự chuyển hóa', thì việc thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn.

“Cần, kiệm, liêm, chính” là tác phẩm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luận bàn về cần, kiệm, liêm, chính một cách đầy đủ nhất. Không chỉ kế thừa những nghĩa vốn có của những khái niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa vào trong bốn khái niệm đó những nội dung có tính đổi mới và cách mạng về những đức tính cần có của một con người trong một xã hội giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, một xã hội văn minh, tiến bộ.

Cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa những tinh hoa tư tưởng đạo đức của dân tộc ta và của Nho giáo, đồng thời được đổi mới phát triển trên lập trường cách mạng, trở thành những đức tính căn bản của con người Việt Nam.

Việc nghiên cứu lại tác phẩm này là một việc làm thiết thực, vừa để tưởng nhớ công lao và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa góp phần thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài, đủ tầm để lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Mở đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc. Người viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”1.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cần” tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Chữ “cần” vừa có nghĩa hẹp là mỗi người phải siêng năng, chăm chỉ, vừa có nghĩa rộng là mọi người đều phải “cần”, cả nước đều phải “cần”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu” và theo Người: “Muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau”. Cần phải gắn liền với chuyên tâm, với sự dẻo dai, bền bỉ mới mang lại hiệu quả công việc. Cần cũng có nghĩa là phải luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.

Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Kết quả cần cộng với kết quả kiệm là bộ đôi sẽ đầy đủ, Nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới. Kết quả chữ cần chữ kiệm to lớn như vậy đó. Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm.

Liêm là trong sạch, không tham lam. Người khẳng định: “Cán bộ phải thực hành chữ liêm, để làm kiểu mẫu cho dân”. Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm, có kiệm mới liêm được. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”. Để thực hiện liêm, trước hết, cán bộ phải gương mẫu, thực hành trước, làm kiểu mẫu cho dân.

Để thực hành liêm có kết quả thì dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm. Mặt khác, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Người kết luận: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”2.

Chữ chính theo Hồ Chí Minh, nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn hảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chính vào trong ba mối quan hệ: Mình đối với mình, mình đối với người và mình đối với công việc.

Gần 75 năm qua, tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Tác phẩm đã thật sự đi vào thực tiễn đời sống xã hội, chứng tỏ giá trị to lớn và sức sống thực tiễn, trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, trở thành phương châm hành động, chỉ dẫn quý báu cho sự rèn luyện về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trên mỗi chặng đường cách mạng. Qua tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện đạo đức cách mạng, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính trên nhiều góc độ, cả lý luận và thực tiễn đã khẳng định giá trị to lớn đối với cán bộ, đảng viên trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc trước đây cũng như sự nghiệp cách mạng, đổi mới đất nước ngày nay.Đặc biệt, bản thân Người là tấm gương mẫu mực về thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Những tư tưởng và hành động của Người là nhất quán, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ. Những lời dạy của Người luôn có sức lan tỏa, tác động sâu sắc ngày nay và mai sau.

Kể từ khi tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ là những người luôn nỗ lực học tập, trau dồi tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ và luôn vì Đảng, vì Nhân dân mà hết lòng, hết sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Họ luôn tu dưỡng đạo đức, sống cần, kiệm, liêm, chính; không quan liêu, kiêu ngạo, tham ô, tham nhũng, lãng phí; luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân; luôn nghiêm khắc, thường xuyên tự phê bình và phê bình... để ngày càng tiến bộ.

Trong những năm qua, cấp ủy các cấp đã và đang triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị.

Sở dĩ, Đảng ta gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là do: “Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”3.

Do đó, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là điều kiện, là cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và có sự liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hành cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thoái hóa, biến chất, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài. Họ sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, của lợi ích nhóm… nên đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước Nhân dân. Tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có căn nguyên gắn với thể chế, tổ chức, con người. Các thể chế đảm bảo hiệu lực thực thi về cần, kiệm, liêm, chính chưa được xây dựng đầy đủ và hoàn thiện kịp thời, đồng bộ.

Ngoài ra, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh vụ việc còn chậm so với yêu cầu. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở còn hạn chế. Ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện cần, kiệm, liêm, chính chưa cao, còn hiện tượng hô khẩu hiệu, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hình thức, chưa gắn với nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, tổ chức Đảng.

Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tổ chức triển khai kém hiệu quả, thiếu kịp thời, chưa gắn với kiểm tra, giám sát đầy đủ, chế tài xử lý thiếu nghiêm minh.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính; để việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Mặt khác, Đảng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt, để đội ngũ này nhận thức được rằng, rèn luyện đạo đức cách mạng là việc phải làm thường xuyên, liên tục, suốt đời và việc rèn luyện này phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi.

Quá trình rèn luyện đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ với tổ chức và cá nhân, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng; phải được sự giám sát của cấp ủy, của Nhân dân.

Hai là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan tới thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện các thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là những nội dung liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, các quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng. Song song đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải coi là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát.

Công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách, vốn, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo thực hành tiết kiệm, ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng cụ thể hóa, “thời sự hóa” các chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính vào hoàn cảnh hiện nay.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải siêng năng làm việc, chú trọng nâng cao năng suất và chất lượng công việc. Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức tiết kiệm từ việc lớn đến việc nhỏ; phải hết sức tránh mọi sự xa hoa, hình thức. Cán bộ cũng phải biết tổ chức công việc hợp lý để khỏi lãng phí thời gian và nhân lực; phải thực hiện phương châm “nói ít làm nhiều”, bắt tay vào hành động thực tế. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, có thái độ rõ ràng trước cái thiện và cái ác, có đủ dũng khí để bảo vệ cái tốt, bài trừ cái xấu.

Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt phải gương mẫu nêu gương mọi mặt, trước hết là cần, kiệm, liêm, chính. Người lãnh đạo phải thực sự tiên phong, mẫu mực để cấp dưới làm theo. Ngoài ra, tất cả cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm; nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát huy sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động thực tiễn. Tránh lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc.

Năm là, nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cán bộ. Các cấp ủy Đảng phải thực hiện có nền nếp và nghiêm túc việc lấy ý kiến phê bình của quần chúng. Đối với những ý kiến đúng thì phải tiếp thu, sửa chữa. Đối với những ý kiến chưa đúng thì giải thích cho Nhân dân hiểu. Phải tạo cơ chế để Nhân dân tích cực và yên tâm thực hiện vai trò giám sát của mình.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Siết chặt kỷ luật trong Đảng nhằm nâng cao tinh thần, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng và luật pháp của Nhà nước đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Phải kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với những cán bộ, đảng viên làm việc kém hiệu quả, có dấu hiệu bất liêm, vi phạm đạo đức công vụ.

Chú thích:

1,2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 6, tr. 117, 128.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 93.

Như thế nào là cần kiệm liêm chính?

Liêm là trong sạch, không tham lam. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Cũng như ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.

Đức tính kiềm là gì?

Kiệm: Là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân; phải tiết kiệm từ cái lớn đến cái nhỏ, không phô trương hình thức, không xa xỉ, hoang phí. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống.

Định nghĩa kiếm là gì?

Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và không phải là bủn xỉn.

Cần tức là gì?

Cần tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ là công tác gì. Kiệm tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình và của dân. Liêm tức là không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân. Chính tức là việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh.