Cây rau nhút phát triển như thế nào

Trồng rau nhút khá đơn giản, không cần chăm sóc, không phân thuốc, cây phát triển mạnh mẽ trong mùa nước, đem lại thu nhập cao cho nông dân nghèo ở vùng lũ miền Tây.

Rau nhút còn có tên rau rút. Loài rau này thuộc thân thảo có hoa màu vàng. Lá rau nhút thuộc loại lá kép hình lông chim, bao giờ cũng mọc nổi trên mặt nước ao, hồ, sông, rạch, ruộng lúa nhờ quanh thân có phao trắng.

 Hiện nay, rau nhút được trồng phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL, nhiều nhất là các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Tư, một nông dân có cuộc sống khá lên nhờ trồng rau nhút ở xã An Thành Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết: "Bà con thả rau nhút quanh năm trên các mặt ao hồ. Nhưng ở những nơi ruộng nước hoặc bãi bồi dọc hai bên bờ sông phải đợi đến mùa nước nổi mới bắt đầu thả. Còn trong mùa khô hạn, bà con tận dụng ao hồ có sẵn hoặc trên ruộng lúa có bờ bao giữ nước để thả".

Cách trồng rau nhút khá đơn giản. Đa phần người trồng đều lợi dụng mặt nước có độ sâu từ 3 - 5 cm. Trước hết người ta chọn những gốc rau khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, mỗi đoạn dài chừng 3 - 4 cm buộc đều khoảng vào những cây trúc hoặc sậy để giữ không cho trôi mất. Sau 30 ngày, rau sẽ phát triển, bò lan khắp mặt nước.

Ông Võ Văn Dữ ở ấp Định Thành, xã Định Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có 5.000 m2 mặt nước ao nhờ đắp bờ bao. Ông cho biết rau nhút dễ trồng, ít bị rủi ro về giá cả nhưng muốn năng suất cao người trồng phải nắm vững quy trình kỹ thuật, nhất là khâu cắm cọc giữ cho rau không trôi giạt và xử lý phân thuốc sao cho an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu trồng đúng kỹ thuật, môi trường nước sạch, chỉ sau 1 tháng là bắt đầu thu hoạch. Bộ phận sử dụng của rau nhút là thân, lá và đọt.

Ông Dữ cho biết thêm, bình quân 1 tấn rau nhút tươi bán tại chỗ cho bạn hàng được 5 triệu đồng, trừ hết các chi phí anh còn lời 3,5 triệu đồng (mỗi tháng lời gần 30 triệu đồng/5.000 m2).

Còn ông Lê Văn Thơm ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trồng gần 1 ha rau nhút cặp theo con kênh phấn khởi cho biết, người trồng rau nhút giỏi có thể “một vốn bốn lời” vì đây là loại rau thủy sinh, phát triển mạnh trong mùa lũ, cây tự nhiên rất sạch nên bán rất chạy.

Ông cũng khẳng định với diện tích trồng rau nhút hiện tại của gia đình, lợi nhuận tương đương với 50 công lúa.

Cây rau nhút phát triển như thế nào

Rau nhút sau khi thu hoạch được phân ra thành từng bó 1 kg

Theo anh Nguyễn Văn Đặng, Trưởng ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới thì mùa lũ năm nay, toàn xã có khoảng 300 ha rau nhút, trong đó ấp Tấn Long chiếm một nửa diện tích. Đa phần người dân ở đây có cuộc sống ổn định nhờ trồng cây rau nhút. Hằng ngày các thương lái đến nhận hàng giao cho các chợ với số lượng từ 5 - 8 tấn.

Với nhiều năm kinh nghiệm, ông đã biết cách chăm sóc, xử lý môi trường nước giúp cho ao rau nhút phát triển quanh năm, mùa nào cũng có thu hoạch. Cứ cách 7 ngày cắt một đợt. Rau cắt xong, thuê người bó lại từng bó, mỗi bó nặng 1 kg bán sỉ với giá dao động từ 5.000 - 10.000 đồng, tùy theo thời vụ.

Sau mỗi đợt hái cần tiến hành phun phân bón lá nhằm giúp cây lấy lại sức và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây mau ra đọt non. Bình quân 1.000 m2 rau nhút có thể thu hoạch 1,5 - 2 tấn, bán được 4 - 5 triệu đồng.

Trồng rau nhút chi phí rất thấp chủ yếu là công thu hoạch, vừa giải quyết việc làm thời gian nhàn rỗi mùa lũ vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Những năm gần đây nhiều nông dân trồng rau nhút mùa nghịch bán được giá, mang lại thu nhập khá cao cho người dân.

Anh Trần Thanh Danh ấp Nam xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) với diện tích 3.000 m2 lên bờ bao xung quanh giữ mức nước sâu khoảng 80 cm để trồng rau nhút mùa nghịch cho biết, trồng rau nhút cứ 10 ngày thu hoạch một lần trung bình từ 350 - 400 kg, giá bán cao gấp đôi so với vụ thuận.

Rau nhút mùa nghịch tuy khó trồng và chi phí nhiều hơn mùa lũ nhưng bán được giá cao, vừa hái ra đã có thương lái đến chân ruộng thu mua. Nếu gia đình có điều kiện đem bán ở chợ thì rau nhút có giá từ 10.000 - 12.000 đ/kg.

Anh cho biết thêm, ngoài bán rau chợ anh còn bán rau nhút giống cho nông dân xung quanh trồng vừa tăng thu nhập, vừa cải tạo lại ruộng.

Vào năm 2003, tình cờ ăn được món rau rút, ông Nguyễn Văn Tấn( xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) quyết định chuyển toàn bộ 5 mẫu ao nuôi cá chuyển sang trồng rau rút. Vào thời điểm đó, chưa kể quê ông chưa có ai trồng rau rút mà ngay cả ở khắp các tỉnh miền Bắc, ông Tấn cũng chưa biết ai từng trồng loại rau này. Bởi rau rút tiêu thụ ở miền Bắc chủ yếu được vận chuyển từ miền Trung, miền Nam. Vì vậy, quyết định bỏ hết diện tích nuôi cá để chuyển sang trồng một loại rau “lạ hoắc” của ông Tấn khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí coi là liều lĩnh.

Tuy nhiên, ông Tấn có những tính toán của riêng mình. Qua tìm hiểu, ông Tấn biết rằng rau rút chế biến được nhiều món ăn ngon, chứa nhiều chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là có thể dùng như một vị thuốc chữa được nhiều bệnh như nhức đầu, khó ngủ, sốt cao, táo bón, bướu cổ…Như vậy là thị trường của loại rau này rất lớn, trong khi đó chi phí lại thấp, thời gian thu hoạch lại nhiều.

“Tôi so sánh giữa cái cá với cái rau ấy thì cá nó thu nhập thấp hơn, rau này thu nhập cao hơn và chi phí nó ít. Thả cá thì 6 tháng tôi mới được thu hoạch, bình quân 6 tháng thì chỉ được 30-40 triệu thôi. Riêng cái rau này trừ chi phí rồi phải được 70-80 triệu. Thế tôi so sánh như thế nên tôi trồng rau, không thả cá nữa.”Ông Tấn chia sẻ.

                                                        

Cây rau nhút phát triển như thế nào

                                                                          Ông Tấn chăm sóc rau rút

Với quá trình năm tự mày mò, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trồng của bản thân, ông Tấn trồng rau rút ngày càng có hiệu quả. Mỗi năm, rau rút mang lại cho ông nguồn thu gần 200 triệu đồng.

Sau đây là một số chia sẻ kinh nghiệm trồng rau rút của ông Tấn.

Ao trồng:

Rau rút là cây trồng quen thuộc ở hầu hết các tỉnh đồng bằng, trung du và cả vùng núi thấp. Loại cây này phát triển mạnh ở môi trường nước, ưa sáng và thường được trồng theo kiểu thả bè ở các ao, hồ, đầm.

Nhờ hệ thống rễ chùm đặc biệt phát triển, cây rau rút có thể hút các chất vô cơ và hữu cơ hòa tan trong nước. Tuy nhiên nếu trồng rau ở khu vực ao hồ có nguồn nước ô nhiễm, dễ gây tích tụ kim loại nặng. Các chất này có trong nước thải chưa được xử lý triệt để. Chúng có thể làm rau rút bị vàng lá, thối phao, thân nhũn, rễ có màu đen, ngọn teo lại, và lá không mở ra được dẫn tới gây chết hàng loạt các bè rau.

Vì vậy khi nuôi thả rau rút, bà con cần chú ý bảo đảm nguồn nước sạch và không bị ô nhiễm. Như vậy cây rau có thể sinh trưởng phát triển mạnh và cho năng suất cao nhất.

                                                    

Cây rau nhút phát triển như thế nào

                                                   Rau rút chứa nhiều protein và là bài thuốc chữa nhiều bệnh

Khi bà con cấy rau rút trên ruộng trũng cải tạo, mực nước trong ruộng cần đảm bảo từ 30- 50cm. Nếu nước trong ruộng bị khô thì rau rút sẽ kém phát triển. Đối với các ao hồ, cần có độ sâu khoảng 1-2m, nước sạch, cấp thoát nước thuận tiện. Như vậy sẽ giữ nhiệt độ nước mát mẻ trong giai đoạn mùa nóng, tránh làm cây bị héo phao. Từ đó, cây sẽ phát triển xanh tốt hơn.

Thời vụ :

Cây rau rút ưa khí hậu nóng, không chịu được mùa đông lạnh. Vì thế việc trồng hay để giống qua mùa đông thường gặp khó khăn. Ở miền Bắc, thời vụ trồng rau rút có thể kéo dài từ tháng 3 – tháng 9 âm lịch. Chính vụ thường vào thời điểm tháng 5 khi thời tiết ấm áp.

Trong cả thời vụ trồng rau rút trong năm, cứ 3 tháng bà con cần tiến hành trồng mới diện tích rau trong ao. Như vậy sẽ giữ được mật độ rau không quá dày, giúp rau rút có diện tích phù hợp để bò lan. Như thế cây rau sẽ to khỏe và xanh non hơn.

Cách trồng :

Trước khi trồng rau bà con cần bơm nước vào ao, ruộng đảm bảo mực nước phù hợp.

Trồng rau rút, phải trồng thành nhiều khóm. Mỗi khóm nên chỉ trồng 2 ngọn. Mật độ : Khóm cách khóm : 2.5m.

Chú ý khi cấy rau rút xong phải cắm một cây tre dóc nhỏ kế bên và dùng dây buộc gốc rau rút vào để gió không đẩy cọng rau nhút đi nơi khác.

                                                       

Cây rau nhút phát triển như thế nào

                                                                        Ao trồng rau rút của ông Tấn

Ngoài ra, bà con nên thả thêm bèo tấm vào ao rau rút. Bởi vì tau rút là loại cây thảo nổi ngang mặt nước nhờ lớp phao xốp màu trắng. Khi vào mùa mưa, thân rau rút thường bị nặng, dễ bị chìm. Bèo ở trong ao sẽ giúp nâng thân, phao rau rút lên. Bên cạnh việc thả bèo tấm trong ao rau rút không chỉ giúp giữ thân rau ổn định trên mặt nước, bèo còn có tác dụng che phủ, làm trong và mát nước ao. Từ đó tạo điều kiện mát mẻ để rau rút sinh trưởng trong mùa nắng nóng. Những ngày thời tiết quá nóng, bà con chú ý dùng loại bèo này che phủ cho thân rau rút để tránh lớp phao quanh thân cây rau bị khô.

Chăm sóc :

Bón phân : Bà con có thể sử dụng phân đạm, phân lân hòa tan với nước để tưới cho khóm rau. Như vậy rau sẽ hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn và tiết kiệm lượng phân hơn khi bón trực tiếp xuống ao ruộng.

Khối lượng : Lúc mới trồng 3kg đạm+2kg lân/ 1 sào Bắc Bộ.Rồi tăng dần lên theo độ lớn của rau. Trong quá trình chăm sóc thì bón phân thành chu kỳ của nó, cứ 3 ngày bón tưới 1 lần.

Ngoài ra bà con có thể kết hợp dùng phân bón qua lá để phun cho cây sau mỗi đợt thu hoạch. Như vậy sẽ giúp cây lấy lại sức và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây mau ra ngọn non. Bà con chú ý không nên phun vào thời điểm gần với ngày thu hoạch để tránh lãng phí dinh dưỡng do cây chưa kịp hấp thu.

Ghìm rau rút: Cứ 3 ngày, bà con nên dùng sào đi ghìm rau rút xuống nước \ 1 lần. Ông Tấn cho biết, làm thế này để dìm các phao của rau rút xuống nước để tránh phao bị nắng nóng làm héo. Bởi nếu phao rau bị héo, rau sẽ không tươi ngon và sinh trưởng phát triển chậm. Còn khi phao ngập nước, rau sẽ mọc nhanh và vươn dài hơn Đồng thời trong quá trình ghìm rau, bà con cũng phải kiểm tra lượng bèo trong ao để kịp thời điều tiết lượng bèo, tránh để bèo quá dầy ảnh hưởng tới rau rút.

Phòng trừ các đối tượng gây hại :

Rau rút hầu như không có sâu bệnh, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên khi trồng rau rút, bà con cần chú ý diệt sạch ốc bươu vàng. Đây là đối tượng gây hại rất lớn cho rau rút.Để khắc phục hiện tượng ốc biêu và cá tạp ăn hại rau rút, bên dưới những bè rau, ông Tấn thả cá trắm đen và cá trê lai. Cá trắm đen để diệt ốc biêu vàng, còn cá trê lai sẽ ăn cá tạp trong đầm.

Thu hoạch :

Sau khi trồng từ 10-15 ngày bà con có thể tiến hành thu hoạch rau. Mỗi lần thu hoạch cách nhau từ 7-10 ngày. Nếu được chăm sóc tốt cây rau rút có thể kéo dài thời gian thu hoạch từ 6-7 tháng.