Cơ quan nào có quyền ban hành các đạo luật năm 2024

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định “Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.

Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.”

Vậy Hội đồng nhân dân các cấp được ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong những trường hợp nào?

Theo quy định tại Khoản 4, 12, 14 Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau:

“Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).”

Như vậy, Hội đồng nhân dân các cấp được ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật, đó là nghị quyết.

Nghị quyết là hình thức văn bản do Hội đồng nhân dân các cấp ban hành, quyết định về những vấn đề cơ bản sau khi được hội nghị bàn bạc, thông qua bằng biểu quyết theo đa số, biểu thị ý kiến hay ý định của một cơ quan, tổ chức về một vấn đề nhất định.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Điều 27 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề sau:

- Quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

- Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ví dụ, để quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND về quy định mức thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/09/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện:

Điều 30 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định “Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương”.

Ví dụ, Hội đồng nhân dân huyện A Lưới ban hành Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 về Đề án thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Phong Điền giai đoạn 2021 -2025.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã:

Điều 30 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định quy định Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

Những trường hợp nghị quyết của Hội đồng nhân dân không phải là văn bản quy phạm pháp luật

Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP) quy định nghị quyết do Hội đồng nhân dân ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp sau:

- Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác;

- Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu các chức vụ khác;

- Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân;

- Nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

- Nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, Ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định;

- Nghị quyết tổng biên chế ở địa phương;

- Nghị quyết dự toán, quyết toán ngân sách địa phương;

- Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch;

- Các nghị quyết khác không có nội dung quy định trong Luật.

Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 có sự điều chỉnh về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã theo hướng bổ sung thẩm quyền ban hành nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương; bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để quy định những vấn đề được nghị quyết của Quốc hội giao (theo Luật năm 2015 thì chỉ quy định những vấn đề được luật giao)./.