Cuộc đời có lẽ nào là một thoáng bâng quơ năm 2024

Cái tên Trần Tiến đã quá quen thuộc với gần một trăm ca khúc đa dạng, mới lạ và vang xa trong đời sống âm nhạc: Quê nhà, Dấu chân tròn trên cát, Giấc mơ Chapi, Mặt trời bé con, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Hà Nội những năm 2000, Mẹ tôi, Ngẫu hứng lý qua cầu, Chị tôi, Tóc gió thôi bay… Nhưng ít ai biết người nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng ấy còn thích viết ra những suy tư tản mạn về trải nghiệm sống của chính bản thân mình. Người Đô Thị đã chọn từ 60 khúc suy tư tản mạn mà Trần Tiến viết ra từ hơn một năm trước để giới thiệu cùng bạn đọc trong số báo Tết năm nay, như thêm góc nhìn khác về người nhạc sĩ tài hoa, lãng tử...

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến trong “ngôi nhà ven biển, phía hoàng hôn rơi”. Ảnh TL

1. Ngoài kia, những con sóng nhấp nhô, trông như những cái đầu của kẻ đắm tàu đang cố bơi vào bờ...

2. Ta sinh ra, như sóng sinh ra trên đại dương. Cố xô vào đá để chứng tỏ mình. Dẫu dịu dàng, mơn trớn. Hay bão tố thét gào, thì rồi cũng phải tan ra... như bọt bèo.

3. Ngày bé, tôi muốn được chơi với chim. Bèn làm một cái tổ rơm thật xinh, đặt dưới gốc cây, chờ chim tới. Ngày ngày trôi qua, không một bóng chim về ở, dù một con bé nhất.

Tôi buồn và khóc một mình. Chả nói với ai. Lớn lên một chút, tôi bỗng nghĩ ra. Phải có thức ăn và nước chứ. Thế là tôi thực hiện và ngồi chờ chim tới. Trước khi đi học tôi ghé nhìn. Chiều về tôi lại ghé nhìn cái tổ chim đẹp đẽ của tôi. Thức ăn thì vơi đi, nhưng chẳng có ai ở lại với tôi...

Giá kể cho mẹ, thì tuổi thơ tôi đâu buồn đến thế. Chỉ sau này tôi mới biết. Chim tự làm tổ, và phải ở trên cây. Không như loài người...

4. Đôi khi ta giống kẻ trên sa mạc, đang cố chạy về phia ảo ảnh.

11. Bạn hỏi không gian âm nhạc của tôi ư? Có lẽ nó là con đường bất tận của kẻ lang thang đi tìm giấc mơ chính mình. Có thể là những cánh đồng dài và những dòng sông rộng. Có thể chỉ là cái trần nhà loang lổ dấu bao mơ mộng. Là cái ngõ hẻm chật chội, bốc mùi của người nghèo khổ. Là bàn tay chơi đàn của nàng tiểu thư.

Hay chỉ đơn giản là một đêm sóng vỗ. Ngôi nhà có tiếng guitar bập bùng, giọng hát khê nồng và mùi thuốc lá rẻ tiền của tôi. Là nơi tụ tập những cán bộ, công nhân nghèo thời bao cấp, những người lính già hoặc những thức giả cô đơn thường ghé qua.

Ở đây lạc lõng những âm bản của một thời quá khứ, không có gì hấp dẫn ngoài sự thấu hiểu và sẻ chia. Những kẻ sống hời hợt không đến. Những kẻ muốn kiếm chác lại càng không. Cũng có vài ca sĩ có chút máu điên mới tìm đến nơi này. Có lẽ chúng ngửi thấy mùi rượu ủ lâu, chúng thoáng thấy đâu đó vẻ bí ẩn của một thời đã mất, những vỉa kim cương quý bỏ quên trong những ngọn núi lửa tưởng chừng đã nguội lạnh.

12. Nơi tôi ở, có các danh họa làm việc suốt ngày. Mặt trời vẽ mây. Mây thì vẽ biển. Và biển đêm đêm lại phác thảo chân dung mặt trăng.

13. Một nét nhạc diệu kỳ, một áng thơ thần thái có thể đưa bạn đến những nơi bạn không thể tự đến. Bởi những món quà ấy là linh khí của trời.

14. Những người mình gặp trên đời chắc cũng đã đủ rồi. Gặp thêm ư, có thể mất hứng.

15. Sống không đưa ta đi xa hơn quê nhà.

17. Cô đơn kiêu hãnh như một ngọn cờ

Đẹp như đóa hoa nở đỉnh núi hoang dại như đại bàng dọc ngang bão gió dịu dàng như suối hát giữa rừng Cô đơn đẹp lặng lẽ như kẻ sống một mình giữa đám đông mà vẫn cô đơn.

18. Hạnh phúc là thứ áo khoác phải tự may, mới mong vừa khít và hợp gu. Không thể dùng chung. Có những ngày tưởng trốn vào rượu và đàn bà để thấy đáng sống như người đời rủ rê, thật sai lầm. Một buổi chiều tập đàn mới nhận ra. Với ta chỉ có văn và nhạc mới thực sự là đôi cánh giúp ta thoát khỏi vũng bùn bế tắc của bệnh tật - tuổi già và những cô đơn dai dẳng. Hạnh phúc là thứ áo phải tự may.

21. Tình yêu mãi là một bí ẩn. Nếu không, sao ta phải đi tìm và chờ đợi.

Cuộc sống cũng vậy, mãi mãi là bí ẩn. Nếu không, có lý do gì mà ta vẫn còn ở lại.

22. Tôi không tin lắm, người có tài năng thì sống hạnh phúc. Nhưng tôi rất biết người sống hạnh phúc có khi không cần tài năng.

27. Trời cho tôi một ngôi nhà ven biển, phía hoàng hôn rơi. Cứ chiều về ngồi với người bạn già để nói chuyện bình minh.

Sáng mai sẽ vui mà. Tin tôi đi, đừng mãi làm kẻ của ngày hôm qua. Người của bình minh có thể xấu đẹp, có thể mang lộc hay bất an. Nhưng ít nhất là vui. Không có gì buồn hơn, nếu cứ cũ như ngày qua... Nụ cười đẹp trong ngày mới, có thể cho ta một thế giới.

30. Chỉ có lúc viết mới thấy mình đang sống và chỉ khi hoàn thành mới thấy được khoảnh khắc tự hạnh phúc.

31. Phải lòng cũng như nhảy xuống vực vậy. Phải biết tin tưởng và buông tay.

32. Nếu hồn nhiên và khờ dại đã bỏ ta đi rồi. Âm nhạc chẳng còn lý do gì ở lại.

33. Đôi khi sống tĩnh lặng quá cũng thấy lành lạnh sau gáy.

35. Nếu có gì để mất, thì cuộc đời mới đáng sống. Nếu có ai yêu quý ta, thì thế là ta đã có lý do để sống tiếp.

37. Đừng bao giờ nghĩ mình sắp chết và cũng nên nghĩ mình có thể chết ngay bây giờ. Cứ thế mà định liệu cuộc sống của mình.

38. Cái khổ nhất của người nổi tiếng là, có thể không còn nổi tiếng nữa.

39. Đừng chọn người tốt hơn. Hãy chọn người làm cho mình tốt hơn.

43. Giao hưởng đất trời thực ra cũng không phức tạp lắm. Gió một bè, sóng cũng một bè. Sóng nhờ bờ đá khắc khổ mà có vẻ giận hờn và nói nhiều hơn khơi xa. Gió nhờ rừng cây im lặng,biết chia sẻ, mà có vẻ phiêu du, gào hú. Ngoài mênh mang biển, sóng gió cũng chỉ hát một hai bè, thầm thì, rì rào khúc đồng dao cổ xưa.

Còn muôn loài có cổ họng, mỗi con góp một vài tiếng của tổ tiên để lại, nghe mãi cũng nhàm. Lắm mồm như các chú sơn ca, hoạ mi. Hót đi, hót lại cũng chỉ có một bài, với vài khúc ngẫu hứng. Còn lại, có loài còn chẳng thèm mở miệng, Trời mắc cho dây thanh đới, chỉ rung lên có hai lần: lúc sinh ra và lúc chết đi. Mà khúc sinh-tử ca đó cũng giấu biệt. Ai biết quê hương nơi sinh ra và nghĩa địa nơi chúng trở về. Ai nghe được những bè trầm vô thanh của loài hát bằng sóng hạ âm.

Riêng loài người trĩu nặng gốc quê hương, nghĩa địa tổ tiên, nhưng có mấy ai xa quê rồi trở lại. Cuộc đời du canh, du cư đã để lại những khúc du ca bất tận. Bài hát của kẻ lang bạt, nghe đỡ nhàm chán hơn. Vậy mà giờ đây,cũng hết rồi. Những kẻ lang bạt không còn. Những khúc du ca biến mất. Loài người không còn háo hức nghe nhạc của chính mình. Nhạc không còn là một nhu cầu độc tôn. Nhân gian bây giờ thèm đủ thứ, thích đủ loại. Chỉ cần có tiền, kể cả muốn được chết.

Cái gì mua được thì không còn hấp dẫn nữa. Bài hát của loài người bỗng dưng nhạt nhẽo là vì vậy. Cổ họng bây giờ dùng để hò hét cùng với những động thái kỳ dị của body. Tiếng hát đã tắt như ngọn nến cuối kỷ nguyên.

Chủ đề