Đánh giá kết quả giảng dạy năm 2024

Tại hội nghị, nhiều đại biểu một lần nữa khẳng định việc lấy ý kiến phản hồi từ người học là cần thiết. Việc này giúp nhà trường có được thông tin hữu ích phục vụ công tác quản lý chung. Thông qua đó, trường có những điều chỉnh thích hợp về lịch trình giảng dạy, thời khóa biểu. Các bộ môn có đầy đủ thông tin về hoạt động giảng dạy của từng GV. Riêng GV sẽ tự điều chỉnh kiến thức, kỹ năng, thái độ để nâng cao chất lượng giảng dạy...

Băn khoăn từ tên gọi

Tuy nhiên, về tên gọi của hoạt động này vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau. TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Thật ra, bản chất của việc này là đánh giá nhưng dùng từ này ban đầu hơi nặng. Song dùng dần sẽ quen và trở thành văn hóa chất lượng trong trường”. Trong khi đó, khá nhiều ý kiến cho rằng việc dùng cụm từ “đánh giá GV” chưa ổn.

Ông Nguyễn Việt Bắc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng: “Nên chọn tên gọi là “lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của GV”. Thói quen giao tiếp, quan hệ thầy trò trong xã hội hiện nay khá nhạy cảm với chữ đánh giá”.

Về việc tổ chức thực hiện công tác này hiện nay mỗi trường làm một kiểu. Nhiều ý kiến cho rằng không nên giao việc này cho GV làm mà phải có một bộ phận độc lập. Hoạt động này gắn với việc kiểm định chất lượng nên giao phòng khảo thí và kiểm định chất lượng của trường thực hiện. Thời điểm để thực hiện đánh giá tốt nhất là vào buổi dạy cuối cùng hoặc gần kết thúc học phần.

TS Lê Hiển Dương, hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho rằng: “Để thực hiện việc này, khâu nhận thức vô cùng quan trọng. Phải nâng cao nhận thức của SV và làm sao để GV thấy được SV đánh giá, góp ý một cách có tổ chức là cơ hội nâng cao năng lực giảng dạy”.

Đánh giá kết quả giảng dạy năm 2024
Phóng toGiảng viên Phan Thị Hải Vân - khoa môi trường ĐH Bách khoa TP.HCM - đang giờ lên lớp. Việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được trường này thực hiện nhiều năm nay - Ảnh: Trần Huỳnh

Nội bộ hay công khai?

Cũng tại hội nghị, việc sử dụng kết quả khảo sát là vấn đề được nhiều đại biểu góp ý. PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết: “Qua tổng hợp báo cáo từ các trường, đa số GV không phản đối chủ trương này nhưng tâm lý chung là muốn được xử lý nội bộ. Hơn nửa ý kiến (62%) cho rằng kết quả đánh giá nên thông tin để GV điều chỉnh hoạt động của mình. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều không đồng nhất đánh giá hoạt động giảng dạy của GV với đánh giá con người”.

Về việc này, PGS.TS Nguyễn Công Khanh, giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Việc này cần làm theo lộ trình. Ban đầu xử lý kết quả phản hồi không phán xét, nhưng sau đó phải có biện pháp chế tài nếu GV vẫn bị đánh giá không tốt nhiều lần. Cần phải có những quy chế khen thưởng cụ thể cho những GV được đánh giá tốt, đồng thời phải xem xét giảm giờ giảng của GV bị đánh giá kém”.

Đồng ý với quan điểm này, nhiều đại biểu cũng cho rằng khi đã thực hiện khảo sát thì phải sử dụng kết quả này như một kênh thông tin phục vụ công tác thi đua khen thưởng, chế tài thì việc làm này mới có ý nghĩa. Trong khi đó , PGS.TS Vũ Quang Thọ, Trường ĐH Công đoàn, cho rằng: “Đây là những thông tin rất nhạy cảm có liên quan đến tính tự trọng của một nghề được xã hội trọng vọng, vì thế thông tin phản hồi cần được quản lý bằng quy chế và được quy định cách sử dụng như mục tiêu đặt ra”.

Đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo

Theo PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, đến nay đã có 30% cơ sở giáo dục ĐH tham gia thực hiện công tác sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Ông Hùng cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT sẽ có thông tư hướng dẫn về công tác này và chủ trương chỉ đạo các trường thực hiện theo hướng mở, nhưng thống nhất trên nguyên tắc phải đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc VN. Bộ GD-ĐT không đưa ra bảng khảo sát mẫu chung cho tất cả các trường. Chúng tôi chỉ cung cấp một số mẫu để các trường tự thiết kế. Dự kiến tháng 1-2010, bộ trưởng sẽ ban hành thông tư quy định về việc này và trở thành hoạt động thường niên”.

\=====================================================================

* Theo tôi, việc dành cho sinh viên cơ hội được nhận xét về năng lực chuyên môn của mỗi giảng viên là một việc làm vô cùng cần thiết. Đây có thể là một cơ hội tốt để các thầy cô giáo nhận rõ được mình hơn. Thiết nghĩ, mỗi một thầy cô đều luôn mong muốn hoàn thiện được chính bản thân mình. Sự nể nang, sự nâng đỡ sẽ làm cho mỗi chúng ta luôn bị ngộ nhận về chính bản thân mình.

Một giảng viên có năng lực thì sẽ không phải bận tâm gì trước mặt sinh viên của mình. Những sinh viên như chúng tôi luôn cảm phục những người thầy, người cô tận tụy, biết đồng cảm và lắng nghe. Dù cho họ còn có sự hạn chế nhất định nào đó, nhưng chúng tôi vẫn hết sức tôn kính họ. Vì họ đã biết trân trọng ý kiến của chúng tôi. Do vậy theo chúng tôi, việc giảng viên vui vẻ, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đóng góp ý kiến của mình, đó là một việc làm vô cùng cần thiết và hữu ích.

Nhưng trong thực tế, việc một số trường tổ chức cho sinh viên đánh giá giảng viên còn mang nặng tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao. Phải chăng chúng ta sợ mất thể diện? Phải chăng chúng ta không dám nhìn nhận vào sự thật? Hay chúng ta sợ làm tổn hại đến tình cảm và mối quan hệ thầy trò?

Và có nên chăng chúng ta nên tổ chức cho chính giảng viên tự đánh giá về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kỹ năng sư phạm của mình? Cùng với đó là sự đánh giá chéo giữa các giảng viên với nhau? Theo tôi chỉ có như vậy chúng ta mới góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển được. Bài học phê và tự phê mà Hồ Chủ tịch răn dạy vẫn còn nóng hổi với chúng ta. Xin đừng để căn bệnh hình thức làm cơ thể nền giáo dục nước nhà suy yếu.

* Tôi nghĩ rằng việc sinh viên đánh giá giảng viên là cần thiết. Ở Mỹ, các trường đại học, cao đẳng đều có thực hiện vấn đề này từ lâu rồi. Đây là một việc rất có ý nghĩa vì nó thể hiện rõ nét tinh thần dân chủ, công khai trong nhà trường nhằm củng cố và phát huy chất lượng giáo dục, đào tạo hơn nữa chứ không kìm hãm hoặc có ảnh hưởng tiêu cực này.

Sinh viên thẳng thắn trao đổi, đề bạt kiến nghị của mình sau mỗi học kỳ. Việc này cần nhân rộng. Tuy nhiên cái chung hết vẫn là đánh giá chất lượng dạy và học một cách khách quan, không a dua theo số đông và thành kiến.

* Không nên ngộ nhận và cần xác định mục đích của việc đánh giá giảng viên là gì. Vấn đề cốt lõi ở đây là mục đích của việc đánh giá giảng viên là gì? Đánh giá để biết ai giỏi, ai chưa đạt để giảm biên chế, đuổi việc họ hay là qua đó sẽ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tốt hơn, phù hợp hơn cho mục tiêu của các trường?

Ở góc độ cá nhân, tôi thiết nghĩ mục tiêu sau cùng và quan trọng nhất của việc đánh giá giảng viên là nhằm cải thiện chất lượng giáo dục. Và nếu nhận định này đúng thì hoạt động đánh giảng viên là đánh giá quản lý nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục nói riêng, từ đó nhà quản lý giáo dục hình thành những chiến lược quản lý nguồn nhân lực thích hợp nhằm đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong mô hình quản trị nguồn nhân lực của Harward, kết quả tìm được qua hoạt động đánh giá sự thể hiện của người lao động không phải để giảm biên chế, cắt hợp đồng nhân sự mà qua kết quả đó, giúp tổ chức xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, rũi ro về mặt nhân sự; đây là nền tảng để nhà quản lý phát triển chiến lược nguồn nhân lực.

Như vậy, hoạt động đánh giá giảng viên sẽ giúp các trường nhất là trường đại học nhận ra được thực trạng nguồn lực giảng viên, so với mục tiêu đào tạo, nhiệm vụ và trọng trách được xã hội giao cho. Từ đây, hiệu trưởng các trường sẽ có chiến lược phát triển lực lượng giảng viên để đáp ứng mục tiêu nhà trường, chứ không đơn thuần đánh giá giảng viên để biết ai giỏi, ai không giỏi. Phát triển lực lượng giảng viên bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, quản lý sự biểu hiện của họ, quản lý chiến lược đãi ngộ, điều kiện môi trường làm việc, cũng như giải quyết các vấn đề nội bộ.

Nếu cho rằng việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên ở một môn học nào đó về giờ dạy hay toàn khoá dạy của giảng viên là việc đánh giá giảng viên thì chưa hợp lý. Đó chỉ là một kênh thông tin, một hoạt động rất nhỏ trong đánh giá giảng viên, và độ tin cậy ở một giới hạn nhất định. Bởi vì năng lực của giảng viên là một quá trình, sự tổng hợp rất nhiều tiêu chí như hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, xuất bản, hội nghị hội thảo…

Ở Úc, việc đánh giá giảng viên ở các trường đại học đã được thực hiện khá lâu, và việc lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên qua khoá học (toàn khoá học chứ không một buổi học) được xem là một kênh thông tin trong đánh giá giảng viên. Phiếu đánh giá này được một bộ phận trợ lý giáo vụ thực hiện độc lập, giảng viên dạy không hề hay biết. Và phiếu này được biên soạn rất linh hoạt, cùng khoá học nhưng thời điểm khác nhau sẽ có câu hỏi khác nhau, đặc biệt là có những câu hỏi về thuộc tính của sinh viên để qua đó bộ phận giáo vụ có thể loại bỏ những câu trả lời thiêng lệch.

Kết quả phản hồi sẽ được thảo luận tại cuối khóa học với bốn thành phần tham dự: giảng viên dạy môn đó, sinh viên học môn đó, trưởng bộ môn và bộ phận giáo vụ. Tuỳ vào kết quả phản hồi, trưởng bộ môn và giảng viên sẽ thảo luận thêm để tìm cách cho khoá học sau tốt hơn. Do vậy, việc đánh giá giảng viên mà các trường đại học Việt Nam đang làm và thảo luận hiện nay, thực chất chỉ là việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về giáo viên trong một khoá học, theo tôi đây là một kênh thông tin cho hoạt động đánh giá giảng viên, chứ đó chưa phải là hoạt động đánh giá giảng viên.

* Ở trường mình việc đánh giá này còn gọi là phản hồi (feedback) và cuối năm cũng có những buổi họp cho sinh viên để phản ánh. Nhưng, điều quan trọng trong xã hội chúng ta mà hầu như ai cũng e ngại cái mối quan hệ xung quanh thì việc đánh giá chỉ là chiếc áo khoác, những giáo viên được "đánh giá" là khả năng giảng dạy kém cũng "bình tâm như vại" vì vốn những đánh giá của sinh viên không có giá trị.

Nếu xét theo quy luật thị trường thì người tiêu dùng và nhà sản suất có sự tương tác lẫn nhau, tôi bỏ tiền để mua sản phẩm, sản phẩm của anh không đảm bảo chất lượng thì anh phải bồi thường, bên nào sai bên ấy chịu. Song các trường đại học Việt Nam vẫn chưa làm được điều ấy, sinh viên đóng một khoản phí lớn cho việc học, nếu giảng viên không đạt chất lượng thì sinh viên vẫn phải chịu, chẳng biết kêu ai.

Theo ý kiến riêng của mình thì chúng ta không nên lấy những truyền thống tốt đẹp của mình để đưa vào những việc mang tính chất dân chủ, khách quan thì chắc chắn việc đánh giá sẽ vô cùng khách quan.

* Ảnh hưởng Nho giáo đã làm cho chúng ta có cảm giác đánh giá thầy là một chuyện xúc phạm. Thực chất chẳng có gì mà chúng ta phải bức xúc đến thế. Ở nhiều nước việc đánh giá này là bình thường. Ngày nay đi học không còn là bao cấp nữa. Sinh viên và gia đình sinh viên phải bỏ ra tiền học, chẳng lẽ nào họ không có tiềng nói gì về hàng hoá họ đã mua. Hơn nữa sinh viên có tư cách công dân. Thế mà trong mắt một số người quản lý họ vẫn như những đứa trẻ, không được có ý kiến của mình, đánh giá thầy là không được phép.

Gần đây chúng ta bắt đầu tổ chức đào tạo theo tín chỉ. Theo đó sinh viên được chọn lớp - môn học mà họ thích. Cái gọi là thích ở đây chỉ có một phần nhỏ là không bị trùng lịch học mà phần lớn là người dạy được sinh viên tín nhiệm. Cùng một môn, thậm chí học cùng một buổi, có thầy được rât nhiều sinh viên chọn, còn thầy kia thì rất ít sinh viên chọn. Điều này cũng là công bằng với các thầy. Chúng ta có nghĩa vụ công bố đánh giá để sinh viên chọn đúng người dạy tốt.

Có một số thầy nêu ra một khía cạnh đáng để chúng ta suy nghĩ: thầy nào nghiêm khắc sẽ bị trò ghét và đánh giá thấp. Việc này có thể xảy ra, nhưng chúng ta vẫn có thể có một câu hỏi về thái độ yêu ghết đối với thầy và những câu hỏi khác mà ta ghi rõ là sinh viên phát biểu khách quan không phụ thuộc vào thái độ cá nhân đối với thầy. Tôi tin rằng nhiều sinh viên sẽ chấp nhận điều này. Cần phải để các thầy thấy việc này là bình thường. Có như thế mới quyết tâm hơn để dạy tốt. Bộ GD ĐT cần phải yêu cầu thực hiện việc đánh giá một cách thường xuyên và chính thức.

Bản thân tôi trước đây là giảng viên nên cũng đã được sinh viên đánh giá. Còn bây giờ tôi là nghiên cứu sinh ở Đài Loan nên cũng tham gia đánh giá các giáo sư, tôi nêu hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất ở vai trò người được đánh giá: tôi có hai đồng nghiệp, họ cùng có kinh nghiệm giảng dạy khoảng 15 năm. Một người (tạm gọi là GV A - giảng viên A) và người còn lại (GV B - giảng viên B). Đối với bản thân tôi và các đồng nghiệp khác, đánh giá khả năng chuyên môn của GV A tốt hơn nhiều so với GV B (dù GV B là trưởng khoa). Tuy nhiên theo kết quả khảo sát của sinh viên thì ngược lại. Tôi đã tìm hiểu để lý giải điều này và rút kinh nghiệm cho bản thân.

Theo tôi, sở dĩ GV A bị đánh giá thấp không phải vì chuyên môn mà vì tính nghiêm khắc của GV này; đặc thù của môn học nên thường có nhiều sinh viên rớt môn học này dù đề thi là cơ bản, đáp án rất rõ ràng và rất chi tiết. Điều này được sự công nhận của trưởng bộ môn. Còn tại sao sinh viên đánh giá cao GV B? Theo tôi, có hai lý do: thứ nhất GV B là trưởng khoa, thứ hai điểm đánh giá của GV này thường rất cao (hầu hết là 9 và 10).

Còn trường hợp thứ hai ở vai trò người đánh giá: hiện tại tôi và các sinh viên nước ngoài cũng tham gia nhận xét các giáo sư giảng dạy mình mỗi học kỳ. Dĩ nhiên về năng lực nghiên cứu của các giáo sư, chúng ta khỏi phải bàn đến. Nhưng về năng lực giảng dạy thì có những giáo sư dạy không thật sự tốt. Hầu hết sinh viên không hài lòng về phương pháp giảng dạy, năng lực giảng dạy… Tuy nhiên đến khi đánh giá thì hầu hết mọi tiêu chí đều được đánh giá từ khá đến tốt. Càng khó đánh giá đối với giáo sư hướng dẫn mình.

Do vậy tôi có suy nghĩ:

Việc đánh giá này chỉ nên xem là kênh thông tin tham khảo giúp giảng viên khắc phục một số nhược điểm của mình, chứ không thể dựa vào kết quả này để xử lý giảng viên. Bởi thông tin này độ tin cậy không cao. Cần tạo điều kiện để giảng viên phản biện kết quả đánh giá của họ.

Cần xây dựng mẫu đánh giá theo tiêu chí giúp giảng viên cải thiện năng lực giảng dạy.

Việc đánh giá phải được thực hiện qua mạng để tăng độ tin cậy, tiết kiệm (ở trường tôi đang theo học, việc đánh giá này phải thực hiện trước khi sinh viên muốn đăng ký môn học cho học kỳ kế tiếp)

Kết quả đánh giá chỉ được giảng viên và những người thật sự có trách nhiệm biết.

Cảm ơn tòa soạn cho phép tôi được bày tỏ quan điểm của mình.

-----

Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email [email protected] hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.