Đánh giá nhà sử học lê văn lan

Nhà sử học Lê Văn Lan, thành viên ban cố vấn chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Không dừng lại ở sai sót trong câu tiếng Anh, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 tiếp tục dậy làn sóng tranh cãi với 2 câu hỏi lịch sử.

Trong đó có câu hỏi "Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam?" trong phần thi Về đích của thí sinh Đình Tùng.

Ở câu hỏi này, thí sinh trả lời đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ". Tại trường quay, MC đã xin ý kiến ban cố vấn, nhà sử học Lê Văn Lan đã trả lời và chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ".

Ngay sau khi kết thúc chương trình, nhiều khán giả đã phát hiện đáp án chính xác của câu hỏi này phải là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" và cho rằng "thống nhất" và "nhất thống" có ý nghĩa rất khác nhau.

Sáng 3-10, nhà sử học Lê Văn Lan đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online để làm rõ hơn hai từ "nhất thống" và "thống nhất" trong câu hỏi đang gây tranh cãi.

Ông cho biết tất cả các từ điển, phát biểu của các nhà khoa học cho đến những người bình dân đều chung ý kiến "nhất thống" và "thống nhất" là một nghĩa, không có sai về nghĩa.

"Chỉ có về cách phát âm, cách dùng từ thì "nhất thống" là từ cổ, đã nằm trong các công trình sách vở cổ. Ví dụ, thế kỷ 18 có "Hoàng Lê nhất thống chí", thế kỷ 19 có "Đại Nam nhất thống chí".

Vì thế, chữ "nhất thống" có nghĩa là thu gom về một mối. Từ từ cổ "nhất thống" đó, sang đến thế kỷ 20 thời đại chúng ta được chuyển thành "thống nhất". Đó là nguồn gốc, ý nghĩa của chữ "nhất thống" và "thống nhất" - giáo sư Lan giải thích.

Trong trường hợp thí sinh dùng chữ "thống nhất" thay vì "nhất thống", quan điểm của ông là thí sinh đã nói được đúng tinh thần, nhưng em dùng ngôn ngữ hiện đại trong thế kỷ của chúng ta để nói về một nội dung mà có ngôn ngữ biểu đạt ra là cổ. Cũng bởi ở thời đại chúng ta, các em đã quen với cách phát âm, biểu thị ra như vậy.

Vì thế ở trường hợp ở những người không chuyên làm sử như các em thí sinh, giáo sư Lan cho rằng việc nói được đúng ý là tốt, nhưng với những người chuyên làm sử lại không nói được đúng từ gốc thì bị liệt.

Ở quan điểm người cho điểm, với tinh thần biểu dương, khích lệ, nhà sử học Lê Văn Lan quyết định cho điểm.

Ông cũng cho biết thêm, đây là lời phát biểu đánh giá cho điểm của hội đồng cố vấn, chứ không phải là lúc bàn luận, giải trình và nghiên cứu xung quanh các chữ "thống nhất", "nhất thống".

Trong trường hợp này, thí sinh đã nói được hai từ Quốc hiệu của nước Việt thời vua Minh Mạng là "Đại Nam" và nói được 2 từ đúng tên là "toàn đồ" - tức thị là bản đồ toàn thể.

Ông chia sẻ, các thí sinh ở thời đại bây giờ đã quen với ngôn ngữ hiện nay, nhưng các em đã biết được 4 chữ cổ. Chưa kể trong không khí căng thẳng, áp lực rất nhiều nhưng thí sinh đã trả lời được như vậy là rất tốt.

"Chúng ta không nên khắc nghiệt quá!" - nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ.

Gắn bó với chương trình từ 22 năm trước, ông chia sẻ, bắt đầu từ cái tên "Bảy sắc cầu vồng" có ý nghĩa là 7 phương diện tri thức, sau này chương trình mới đổi tên thành Đường lên đỉnh Olympia.

Nhưng ngay từ tên gọi, cũng đã rất nhiều người phê phán, bàn luận xung quanh tên gọi này, sau cùng chấp nhận tên gọi đó là tượng trưng cho đỉnh cao của trí tuệ, kiến thức.

Ông Lan chia sẻ ngay từ đầu chương trình đã gây tranh cãi nhưng vẫn tồn tại 22 năm, tồn tại với công thức không thay đổi gồm 4 bước sáng tạo: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Về đích. Sau 22 năm, chương trình đã có những cải tiến rất nhiều để hiện đại hóa, "ít có chương trình nào mà sống được lâu đến như thế".

Tham gia chương trình từ ngày đầu và liên tục suốt 22 năm qua gắn bó với chương trình, giáo sư Lan chia sẻ thích thú cũng nhiều, khen chê cũng lắm, nhưng ông chỉ có một tâm niệm là "làm vui và tranh thủ sự vui vẻ ấy đưa đến chút kiến thức, trí tuệ và cả bản lĩnh, lối sống là điều tốt đẹp đến cho mọi người".

Giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan: Đánh giá đúng giá trị của di tích đền Ghênh

Trong đợt đào khảo cổ năm 2015 ở cụm di tích đền Ghênh (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm), các nhà khảo cổ đã tìm được một số hiện vật lịch sử đặc trưng của kiến trúc cung đình thời Lý ở lớp đất dưới cùng. Phóng viên Báo Hưng Yên có cuộc phỏng vấn Giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan về ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của những hiện vật này và việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo cụm di tích đền Ghênh.

Giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan trao đổi với phóng viên Báo Hưng Yên

Phóng viên: Thưa giáo sư, hiện nay tại đền Ghênh đang lưu giữ một số hiện vật có giá trị lịch sử như: Kính Thiên Đài, Thạch Sàng… Đề nghị giáo sư cho biết ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của những hiện vật này?

Giáo sư Lê Văn Lan: Khi tiến hành khảo cổ, tìm được hiện vật đã là quý, nhưng còn quý hơn nữa, đó là di tích kiến trúc (hoặc nền kiến trúc). 

Về hiện vật đang mang ba chữ Hán “Kính Thiên Đài”, mà đứng trên đỉnh một kiến trúc mới được tạo dựng khoảng mươi năm nay ở sân đền, ta có thể nói chắc là mới nguyên, không thuộc về kiến trúc này, nhưng đọc trong “Đại Việt sử lược” thời Trần viết về thời Lý- đây là quyển sách chuyên sử về triều đại nhà Lý - biên niên sử về năm 1206 thấy có nói về một kiến trúc được gọi “Cung Kính Thiên”. Vua Lý Cao Tông đã đến “Cung Kính Thiên” để xem trò chơi ném bóng hình bầu dục. Như vậy, vào năm 1206 - thời Lý - có một kiến trúc mang tên là Kính Thiên ở trong Hoàng Thành Thăng Long. Đọc trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, thấy: Vào năm 1428, ngay sau khi thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ cho xây ở chính tâm Hoàng Thành Thăng Long một công trình kiến trúc mang tên là “Điện Kính Thiên”. Tóm lại, có thể hiểu, những công trình kiến trúc mang chữ “Kính Thiên” là thuộc về văn hóa và kiến trúc cung đình.

Đối với chữ “Đài”, thì có thể hiểu gần giống như chữ “Đàn”. “Đàn xã tắc” là kiến trúc thờ thần lúa và thần đất, đặt ở phía tây Hoàng Thành, ngoài trời, không có mái. “Đàn” là một bộ phận hoàn chỉnh của kiến trúc tín ngưỡng. Còn “Đài”  thì chỉ một bộ phận mang ý nghĩa là phần nền tảng của kiến trúc xây chồng lên nó. Có thể là kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, cũng có thể là kiến trúc cung đình hoặc quân sự. “Kỳ đài” chẳng hạn. Ở Thành cổ Hà Nội, đó là cái đài có cấu trúc ba tầng cấp (tượng trưng cho “Tam tài”: Thiên - Địa - Nhân) được xây chồng lên trên một kiến trúc hình trụ (cột) để treo cờ.

Hiện vật có ba chữ  “Kính Thiên Đài” tại di tích đền Ghênh

Đối với hiện vật có ba chữ “Kính Thiên Đài” viết chạy dọc, được phát hiện ở đền Ghênh, thì không thể gọi hiện vật này là tổng thể của cái Đài, nhưng chữ viết dọc, chứng tỏ nó thuộc về một kiến trúc có chiều cao. Cái Đài ấy hiện nay chưa nghiên cứu khoa học thì không biết thực chất như thế nào, hình dáng ra sao, công năng và công dụng là gì. Đồng thời, chữ viết này thuộc niên đại nào, có phải là chữ gọi tên của một kiến trúc cung đình thời Lý hay không, thì còn phải tìm tòi, nghiên cứu rất công phu. Dù vậy, ở đây có những dữ kiện rất quan trọng, bởi khu vực này là nơi đã sinh sống của ít nhất là hai người phụ nữ đại quý tộc cung đình: Hoàng Thái hậu Ỷ Lan thời Lý và Hoàng Thái phi Trương Thị Ngọc Chử thời Lê - Trịnh. 

Bây giờ, đền Ghênh, rõ ràng là một kiến trúc tín ngưỡng. Nhưng hiện vật có chữ “Kính Thiên” đang được lưu giữ tại đây, lại chứng tỏ ở đây còn có kiến trúc cung đình. Kiến trúc cung đình thời nào thì còn phải nghiên cứu, bởi ở đây có hai lát cắt về thời gian: Thời Lý (bà Ỷ Lan) và thời vua Lê chúa Trịnh (bà Trương Thị Ngọc Chử - mẹ chúa Trịnh Cương). Những dấu ấn về thời Lê  - Trịnh còn ở nơi này rất rõ. Như vậy, đối với hiện vật có chữ Kính Thiên Đài thì còn cần phải nghiên cứu rất kỹ mới có kết luận đúng về giá trị lịch sử, văn hóa được.

Còn phiến đá đang được gọi là “Thạch Sàng”, xin được giải thích như sau: Tra trong “Đại Việt sử lược”, bộ sử cổ nhất còn sót lại đến giờ, ở đoạn viết về năm 1209, thấy có chép: Vua Lý Cao Tông nghe lời sàm tấu của gian thần, đã giết hại công thần, dẫn đến sự kiện “loạn Quách Bốc”. Trong vụ án giết hại công thần, theo “Đại Việt sử lược” chép, chỗ dùng giết công thần, là “Lương Thạch Sứ”, dịch nôm là “tảng đá lớn mát mẻ”, vốn có vị trí ở “thềm Kim Tinh” trong cấm thành Thăng Long. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” gọi đó là “Lương Thạch Tọa” (tòa đá mát). Ở “Nhà thờ đá Phát Diệm” có một cái “sập đá” khá giống với “Thạch Sàng” đền Ghênh. Nhiều người ở Phát Diệm nói: Nó được mang ra đây từ “Thành nhà Hồ” ở Thanh Hóa. Những phiến đá lớn, vuông vắn, bề mặt nhẵn, là bộ phận của kiến trúc cung đình. Vì thế phiến đá lớn “Thạch Sàng” ở đền Ghênh có giá trị chỉ định là thuộc về kiến trúc cung đình. Ở đây, đã từng có kiến trúc cung đình.

Như vậy, hai hiện vật được tìm thấy tại đền Ghênh mang đặc trưng của kiến trúc cung đình. Để tìm hiểu rõ hơn về niên đại, ý nghĩa, giá trị lịch sử của hai hiện vật này, thì cần có sự nghiên cứu công phu hơn, kỹ hơn của các nhà khoa học.

Phóng viên: Đề nghị giáo sư cho biết về dấu ấn, mối quan hệ của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan với cụm di tích đền Ghênh và vùng đất Như Quỳnh như thế nào? Nhân dân trong vùng  cho rằng đây là quê hương của bà, như vậy có đúng không, thưa giáo sư?

Giáo sư Lê Văn Lan: Từ một thôn nữ trở thành Nguyên phi, Thái phi, rồi Hoàng Thái hậu, là cả một quá trình đầy khó khăn, phức tạp - như sử sách đã cho thấy. Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là một phụ nữ tài, sắc vẹn toàn, tên tuổi và cuộc đời của bà gắn liền với sự nghiệp của vua Lý Thánh Tông - chồng bà và vua Lý Nhân Tông - con trai của bà. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam hai lần nhiếp chính thay vua và giúp vua trị vì đất nước. Với trọng trách nhiếp chính, bà đã cùng với các danh thần, lương tướng, trong đó có Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành… đưa ra nhiều kế sách, giữ vững kỷ cương triều chính, đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống, bảo toàn non sông, gấm vóc Đại Việt. Bà đã góp công lớn xây dựng nhà Lý thành một triều đại cường thịnh và văn minh, giữ nước yên dân bằng tấm gương sáng kết hợp cả pháp trị, đức trị, nhân trị. 

Tên gọi thôn Ngọc Quỳnh (thuộc thị trấn Như Quỳnh) trong các tài liệu lưu trữ trước đây gọi là làng Lê Xá. Xá nghĩa là làng, có dân tụ cư. Lê Xá là làng họ Lê, những dân trong làng đó, nhiều người mang họ Lê. Trong những tài liệu để lại và trong truyền tụng dân gian, bà Ỷ Lan mang họ Lê, tên thì có thay đổi (Lê Thị Khiết, Lê Thị Miên, Lê Thị Yến Lan…) nhưng họ của bà thì không thay đổi. Thân phụ của bà mang họ Lê. Với những chứng cứ về dân tộc học, địa danh học, thì có thể nói thôn Lê Xá, nay là thôn Ngọc Quỳnh chính là quê của người thôn nữ về sau trở thành Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Người dân thôn Ngọc Quỳnh có quyền tự hào rằng đây là quê gốc của bà Ỷ Lan. 

Phóng viên: Từ kết quả qua cuộc thám sát khảo cổ học năm 2015, theo giáo sư có cần phải tiếp tục nghiên cứu, thăm dò khảo cổ học không?

Giáo sư Lê Văn Lan: Cuộc đào khảo cổ năm 2015 chưa phải là cuộc khai quật khảo cổ học quy mô, mà mới chỉ là thăm dò (thám sát) khảo cổ học. Đáng mừng là các nhà khảo cổ năm 2015 đã bắt đầu quan tâm tới khu vực này và làm hố thăm dò ở đền Ghênh - nơi có vị trí ở đỉnh cao của một quả gò trông ra sông và là chỗ tụ cư của dân làng Lê Xá xưa. Qua đó đã tìm được một số hiện vật, di vật, cổ vật rất quý, có giá trị lịch sử, mang đặc trưng của kiến trúc cung  đình và niên đại thời Lý. Đây là kết quả ban đầu, rất cần được ngành chức năng, nhà khoa học làm kỹ, làm rõ và làm rộng hơn những vấn đề đặt ra, để đúng với giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của nó. 

Ngoài ra, khu vực này còn rất đậm đà các dấu tích thời Lê - Trịnh của bà Hoàng Thái phi Trương Thị Ngọc Chử. Chỉ tiếc rằng qua thời gian, việc giữ gìn, tôn tạo, khôi phục công trình mang tên đền Ghênh chưa được  thực hiện đúng và xứng với giá trị, tầm vóc của di tích. Nếu đặt hiện trạng khu di tích này vào trong lịch sử, vào trong văn hóa, trong mong đợi về tương lai, thì rõ ràng bộc lộ sự bất cập. Vì thế, ý kiến của tôi là: Xây dựng, tu bổ tôn tạo di tích cần phải dựa trên cơ sở khoa học, lịch sử, văn hóa, trong đó đặc biệt chú ý tới văn hóa kiến trúc, văn hóa lịch sử. Cần phải có một quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết, sau đó mới xây dựng, tôn tạo. Cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các nhà khoa học… để đánh giá đúng giá trị của di tích, có hướng tôn tạo di tích đúng tầm vóc, đúng với ý nghĩa lịch sử của cụm di tích. Cần có hội thảo, có sự nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc và đồng bộ về khu di tích này. Việc tôn tạo phải đúng quy tắc, quy luật, quy trình theo Luật Di sản và các quy định khác của pháp luật. Nếu làm được những điều này, sẽ giải đáp được nhiều câu hỏi trong tâm nguyện của nhân dân về giá trị lịch sử, văn hóa của đền Ghênh, làm sáng tỏ hơn cuộc đời, thân thế, cùng với những công lao của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với triều Lý và vùng đất Văn Lâm. Đồng thời phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích trong giai đoạn đổi mới hiện nay đối với đời sống kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn giáo sư.

Quốc Nhật (thực hiện)

Chủ đề