Đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời của quá trình dạy học. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh: "Tri thức đã trở thành yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế, tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, các quốc gia đều ý thức rõ về vai trò của giáo dục trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tạo đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy lao động sản xuất, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững". Chính vì thế, việc đổi mới tư duy giáo dục trong thời đại tri thức nhằm đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống phát triển không ngừng là một tất yếu. Việc đổi mới phương pháp dạy học trước hết là đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực người học và cuối cùng là vì mục tiêu đáp ứng bối cảnh của thời đại, nhu cầu phát triển đất nước

Trường Tiểu học số 2 Thanh Xương là ngôi trường thực hiện dạy theo mô hình trường học mới từ năm học 2013-2014. Nhà trường tham gia giảng dạy khối lớp 2 và khối lớp 3 với 98 em học sinh được học theo chương trình mới; Năm học 2014-2015 tăng thêm khối lớp 4. Đến năm học 2017-2018 có 4/5 khối lớp tham gia dạy - học theo mô hình trường học mới và khối 1 học Tiếng Việt theo CGD. Trong năm học này giáo viên thực hiện dạy theo mô hình trường học mới khá nhuần nhuyễn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình dạy học. Song trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học gặp không ít những khó khăn.

Đối với BGH: Trong quá trình triển khai nhà trường vừa thực hiện chuyển mình, vừa đúc rút kinh nghiệm trong chuyên môn, từng bước giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn, bất cập; Chỉ đạo đổi mới hình thức quản lí lớp học; Đổi mới hình thức tổ chức lớp học: Thay đổi từ hình thức dạy học theo lớp sang học tập theo nhóm, mỗi lớp học có từ 4 đến 6 nhóm học sinh, mỗi nhóm có từ 4 đến 6 học sinh; chỉ đạo đổi mới cách đánh giá HS;... Phân công giáo viên đứng lớp là GV có trình độ chuyên môn khá vững vàng, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Ngoài ra để nâng cao năng lực cho giáo viên BGH đã chỉ đạo tăng cường sự cọ sát chuyên môn thông qua dự giờ, thăm lớp; Thông qua giao lưu chuyên đề tại các trường bạn có bề dày kinh nghiệm trong huyện

- Đối với GV: Đội ngũ giáo viên mạnh dạn học hỏi, tự nghiên cứu, tự tìm tòi, sáng tạo trong áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình mới. Các đ/c luôn nhiệt tình, có trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề; có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng. Tập thể Hội đồng Sư phạm nhà tr­ường đoàn kết, tận tâm, tận lực với việc thực hiện dạy - học theo mô hình trường học mới. Linh hoạt chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập tùy theo đối tượng học sinh của mình; Thường xuyên khen ngợi, khích lệ HS trong học tập. Giáo viên là người hỗ trợ, khuyến khích mọi cố gắng, nỗ lực, sáng kiến và những tiến bộ dù nhỏ nhất của học sinh.

Đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học

Giáo viên nghiên cứu thảo luận phương pháp dạy - học theo mô hình trường học mới

Tổ chức phân nhóm học sinh và rèn nền nếp học tập, kĩ năng điều hành cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng ... ngay từ đầu năm học. Phát huy vai trò của các thành viên trong HĐTQ lớp, đội ngũ nhóm trưởng trong các hoạt động. Thực hiện luân phiên thành viên HĐTQ, đội ngũ nhóm trưởng và cơ cấu nhóm để nhiều HS trong lớp có cơ hội thể hiện bản thân, HS trong lớp được hợp tác với tất cả các bạn trong lớp.

Đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học

Cô và trò trong tiết học Âm nhạc

Chương trình-TLHDH mới đòi hỏi đổi mới phương pháp dạy học thì nhu cầu về ĐDDH tăng lên rất nhiều. Những đồ dùng trang cấp không đủ và không còn phù hợp nên GV phải tự làm thêm những ĐDDH để dùng. Từ đó phong trào tự làm ĐDDH là trách nhiệm của mỗi GV. Họ đam mê với nghề, đam mê với việc chuẩn bị cho buổi dạy mỗi sớm mai như: Phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan...; dự kiến tình huống trả lời, đáp án các câu hỏi, bài tập...

- Đối với học sinh: Học sinh tự học hoặc học nhóm theo tài liệu hướng dẫn học theo khả năng, tốc độ học riêng của mình; tự giác và hợp tác để chiếm lĩnh kiến thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Hoạt động tự quản của học sinh được chú trọng phát triển. Học sinh được tự chủ, có trách nhiệm với hoạt động học tập của mình; được phát huy năng lực giao tiếp và lãnh đạo; phát triển các giá trị cá nhân. Kiến thức học trong nhà trường luôn được gắn kết, liên hệ chặt chẽ với đời sống hàng ngày của học sinh. Huy động sự tham gia phối hợp chặt chẽ, tích cực của phụ huynh và cộng đồng trong quá trình giáo dục.

Đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học

Học sinh tích cực tương tác, trải nghiệm hoạt động học tập với bạn

Trang trí lớp: Lớp học được trang trí khoa học, đẹp, thân thiện cuốn hút học sinh và tạo cho hs yêu trường, yêu lớp. Góc học tập (đồ dùng học tập) do giáo viên, học sinh và cộng đồng xây dựng nên, góc học tập đã giúp học sinh  có nhiều đồ dùng học tập, tư liệu tham khảo phục vụ cho việc học tốt hơn ở  tất cả các môn.

Cha mẹ HS: Trong quá trình triển khai, nhà trường nhận được sự đồng tình ủng hộ, vào cuộc của cha mẹ học sinh. Phụ huynh học sinh phấn khởi vì con em mình được tiếp cận với mô hình dạy học tiên tiến. Để trang trí được lớp đẹp, thân thiện, để làm được nhiều hơn nữa những đồ dùng học tập .... đó là nhờ có sự vào cuộc của PHHS

Hoạt động ngoài giờ lên lớp: HĐGDNGLL là cầu nối giữa hoạt động giảng dạy và học tập ở trên lớp với giáo dục học sinh ở ngoài lớp thông qua các hoạt động lao động, văn nghệ, xã hội, thể dục thể thao… Hay nói cụ thể hơn, đó là sự chuyển hoá giữa giáo dục với tự giáo dục, chuyển hoá những yêu cầu về những chuẩn mực hành vi đã được quy định thành hành vi và thói quen tương ứng. Muốn cho sự chuyển hoá này diễn ra thì phải thông qua các hoạt động học tập, lao động, sinh hoạt tập thể, xã hội, vui chơi giải trí và qua giao lưu với bạn bè, với các thầy, cô giáo, với cha mẹ và mọi người xung quanh…

Đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học

Một số hoạt động ngoài giờ lên lớp

Học sinh tiểu học là lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên, sống bằng tình cảm. Vì thế, HĐGDNGLL lại càng cần thiết và quan trọng nhằm giúp trẻ làm quen với các hoạt động, tích luỹ dần dần những kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống; đồng thời, HĐGDNGLL cũng đáp ứng những nhu cầu, quyền lợi của trẻ. Và đây cũng là con đường để giúp trẻ hình thành và phát triển toàn diện nhân cách.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Mô hình trường học mới (2013-2014 đến 2016-2017) cho thấy: học sinh đã có sự  chuyển biến tích cực về kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động giao tiếp, kỹ năng sống và có tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập. biết tự học và tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập,… ; Nhiều học sinh mạnh dạn khi giao tiếp; ứng xử thân thiện, biết chia sẻ với mọi người; lắng nghe người khác... Bên cạnh đó chất lượng mũi nhọn luôn là niềm tự hào của trường:

Năm học 2013-2014: có 53 em đạt giải Violimpic Toán cấp trường; 14 em đạt giải Violimpic Toán cấp huyện.

Năm học 2014-2015: có 66 em đạt giải thi Violimpic Toán cấp trường; 11em đạt giải thi Violimpic Toán cấp huyện; 4 em đạt giải Violimpic Toán cấp tỉnh.

Năm học 2015 - 2016: có 88 em đạt giải thi Violimpic Toán; 17 em đạt giải Violympic Tiếng Anh cấp trường; 22 em đạt giải thi Violimpic Toán; 10 em đạt giải Violympic Tiếng Anh cấp huyện; 15 em đạt giải Violimpic Toán; 12 em đạt giải Violympic Tiếng Anh cấp tỉnh. 01 em tham gia thi Violympic Tiếng Anh cấp Quốc gia; 17 em tham gia thi Trạng nguyên Tiếng Việt; 02 em đạt giải cấp Tỉnh; 01 em tham gia thi cấp Quốc gia.

Năm học 2016 - 2017: 33 em đạt giải Olympic Tiếng Anh; 94 em đạt giải  Violympic Toán cấp trường;  17 em đạt giải Olympic Tiếng Anh; 24 em đạt giải thi Violympic Toán cấp huyện; 9 em đạt giải  Olympic Tiếng Anh cấp tỉnh; 02 em tham gia thi Olympic Tiếng Anh cấp Quốc gia; 15 em đạt giải Violympic Toán cấp tỉnh; 02 em tham gia thi Violympic toán cấp Quốc gia.

Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học thì Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh luôn song hành cùng nhau. Năm học 2013-2014 thực hiện đánh giá học sinh theo Công văn số 5737/BGDĐT-GDTH ngày 21 tháng 8 năm 2013 về việc “Hướng dẫn thí điểm đánh giá học sinh tiểu học Mô hình Trường học mới Việt Nam”.

Từ năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Sau 2 năm thực hiện, Thông tư 30 đã được triển khai trên cả nước tuy nhiên Thông tư 30 cũng không tránh khỏi những hạn chế. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT chính thức cho ra đời Thông tư 22 trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 với hi vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học. Ngày 22/9/2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014. Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/11/2016.

Không chỉ giảm gánh nặng cho giáo viên, những quy định từ Thông tư 22 còn giúp phụ huynh nhận biết năng lực của con em mình một cách rõ ràng hơn. Sau một năm triển khai, Thông tư đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh HS. Thông qua đổi mới cách đánh giá HS, giáo viên đã giúp cho HS tự tin hơn, có động lực hơn qua những lời hướng dẫn, động viên khích lệ của giáo viên. Việc đánh giá đã không còn để xếp thứ, xếp hạng, các em không còn áp lực thành tích nên có hứng thú hơn trong học tập. Bên cạnh đó, giáo viên cũng không còn áp lực về văn bản giấy tờ. Việc ghi sổ (học bạ và bảng tổng hợp) cũng đã được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Giáo viên đã quan tâm hơn đến việc phối hợp với phụ huynh để cùng GD cho các em.

Về đánh giá định kì, tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kì, căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên, giáo viên tổng hợp “lượng hóa” thành các mức: “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành”, “Chưa hoàn thành” đối với từng môn học và hoạt động GD; “Tốt”, “Đạt”, “Cần cố gắng” đối với từng năng lực, phẩm chất. Việc tổng hợp đánh giá như vậy nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ HS xác định được mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của các em. Nhận xét về năng lực, phẩm chất HS cũng cụ thể hơn sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên sẽ có những biện pháp giúp HS khắc phục khó khăn trong học tập, rèn luyện để vươn lên và ngày một tiến bộ hơn.

Về đề bài kiểm tra định kỳ, gồm các câu hỏi, bài tập được điều chỉnh, thiết kế theo 4 mức, thay vì 3 mức như trước đây, để đo chính xác và tường minh mức độ nhận thức của HS. Theo đó, mức 1 là nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kĩ năng đã học; mức 2 là hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân; mức 3 là biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống; mức 4 là vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.

Về hồ sơ đánh giá, Thông tư 22 quy định hồ sơ đánh giá HS chỉ còn 2 loại: Bảng tổng hợp kết quả đánh giá GD của lớp và học bạ, thay vì có 5 loại như trước đây. Đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS. Thay vào đó, Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho giáo viên theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội để nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Ngoài các bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học, đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có bài kiểm tra định kì. Thông tư 22 quy định thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II đối với lớp 4, lớp 5 nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.

Ngay khi Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành, Nhà trường đã kịp thời triển khai tới toàn thể giáo viên, phụ huynh theo tinh thần chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên; Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 và Văn bản 03/VBHN-BGDĐT, ngày 28/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hợp nhất Thông tư 30 và Thông tư 22. Tổ chức cho cán bộ quản lí, giáo viên nghiên cứu, thảo luận những điểm mới, băn khoăn, chưa rõ trong Thông tư 22.

Đổi mới phương pháp dạy học các môn học ở tiểu học

Giáo viên nghiên cứu thảo luận Thông tư 22/2016

Như vậy để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh có hiệu quả  cần:

Xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong tập thể sư phạm nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể để thực hiện tốt mục tiêu của nhà trường. Cần làm cho mỗi giáo viên, nhân viên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá là động lực để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Đó là hai mặt không thể tách rời trong quá trình giáo dục, đó không phải là nhiệm vụ của riêng ai.

Phát huy vai trò tự kiểm tra đánh giá của học sinh: Bên cạnh việc kiểm tra đánh giá của giáo viên trong suốt các giờ học, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ thì giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh biết tự đánh giá kiến thức của mình, biết đánh giá cho bạn mình. Học sinh còn là cầu nối giữa cá nhân học sinh, giáo viên và lãnh đạo nhà trường trong công tác đổi mới kiểm tra đánh giá.

Việc áp dụng linh hoạt phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới phù hợp với yêu cầu đổi mới của nhà trường. Trong Mô hình trường học mới, tính dân chủ, cộng đồng được chú trọng phát triển đã có tác động tích cực đến quá trình giáo dục.

Trong thời gian tới nhà trường tiếp tục chỉ đạo vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới bởi: Phương pháp dạy học phát huy được sự sáng tạo, tương tác giữa người dạy và người học, giữa người học với người học, giúp đỡ nhau phát triển các kỹ năng cơ bản, hình thành năng lực, phẩm chất, nâng cao giá trị giáo dục học sinh trong các hoạt động học tập. Học sinh biết cách tự học, tự đánh giá mình, đánh giá bạn trong nhóm, lớp, chủ động và tự tin khi tham gia các hoạt động, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Đổi mới phương pháp giúp giáo viên ngày càng được nâng cao hơn về chuyên môn, nghiệp vụ Sư phạm. Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức các hoạt động học tập, hướng dẫn, quan sát, hỗ trợ học sinh khi cần thiết.

Thay đổi môi trường lớp học thân thiện, cách bố trí bàn ghế khoa học, các công cụ lớp học tạo nên một môi trường học gần gũi với học sinh, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động tích cực của Hội đồng tự quản; huy động được sự tham gia của cộng đồng tạo mối liên hệ gắn bó giữa cộng đồng và nhà trường.

Đổi mới phương pháp dạy học theo Mô hình trường học mới giúp cho việc học trở nên nhẹ nhàng, học sinh học tập hứng thú hơn; lớp học mới tạo cho các em có tính kỷ luật, kỹ năng hợp tác, năng lực lãnh đạo và một số phẩm chất tốt đẹp được hình thành và phát triển. Mô hình trường học mới đã tạo nên một môi trường giáo dục thân thiện hơn, là điều kiện tốt để các em phát triển và thể hiện bản thân một cách toàn diện nhất.