Giá trị văn hóa của chiếc nón la năm 2024

Nón lá có ở ba miền nhưng với Huế, đã được mặc định không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là văn hóa, là hồn cốt của Huế khi kết hợp với áo dài tạo nên sự nền nã, dịu dàng, duyên dáng cho người mặc.

Hiện, có nhiều làng làm nón lá ở khắp ba miền như làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội), làng Dạ Lê, Phủ Cam, Ðốc Sơ (Huế), làng Phú Gia (Bình Định), làng La Hà (Quảng Bình)… Mỗi làng nghề đều có cách chọn nguyên liệu và kỹ thuật làm khác nhau tạo nên sản phẩm mang phong cách riêng.

Nón lá Huế đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, có sự biến đổi dưới nhiều hình thức để tồn tại và thích nghi với đời sống. Sản phẩm nón lá Huế được nhiều người biết đến một phần nhờ kế thừa, kết tinh từ miền bắc đến miền nam, từ cung đình đến dân gian để tạo ra sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng đất này.

Ngoài những chiếc nón ngựa bịt bạc, bịt đồng dùng cho giới quý tộc, quan lại triều Nguyễn khi cưỡi ngựa thì nón lá cũng là vật dụng che nắng mưa cho người dân địa phương. Không những thế, hình ảnh chiếc nón lá, nón bài thơ luôn gắn với nét dịu dàng của phụ nữ xứ Huế, trở thành món quà tặng đầy ý nghĩa dành cho du khách.

Thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho thấy, hiện nghề làm nón lá Huế không thịnh vượng như xưa, nhưng vẫn còn vài làng nghề như Phủ Cam, Ðốc Sơ, Dạ Lê, Vân Thê... So với trước, số lượng người làm nón hiện nay phần lớn là đối tượng yếu thế, khó khăn. Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của nón lá Huế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam” trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2023, các chuyên gia cho rằng cần có chế độ, chính sách trợ cấp và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao duy trì sản xuất các sản phẩm độc đáo. Trước tiên nhằm phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và sau hướng tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đáp ứng thị hiếu của du khách nội địa và quốc tế. Cùng với đó, các cơ sở làm nón trên địa bàn nên phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng tuyến điểm đến tham quan để du khách có thêm trải nghiệm trong hành trình khám phá Cố đô.

Từ lâu, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, đầu đội nón lá đã đi sâu vào tâm thức người Việt. Những chiếc nón tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn giấu đằng sau là cả một biểu tượng văn hóa đầy ý nghĩa. Cùng với áo dài, nón lá đã lan tỏa nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam ra toàn thế giới.

Chiếc nón lá từ bao đời nay đã gần gũi quen thuộc đối với tất cả mọi người. Trải qua thời gian và bao đổi thay của đời sống, chiếc nón vẫn theo các bà, các mẹ để làm nên cái trở thành nét văn hóa của dân tộc. Hình ảnh tiền thân của nón lá được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lữ, trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2.500 – 3.000 năm trước Công nguyên với hình dáng thô sơ nhất.

Giá trị văn hóa của chiếc nón la năm 2024
Mỗi cuộc thi hoa hậu, người đẹp cấp độ khu vực và thế giới bao giờ thí sinh Việt Nam cũng mang theo áo dài và nón lá.

Việt Nam vốn là một nước khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Chiếc nón được tạo ra để che cái nắng chói chang và cơn mưa bất chợt của miền nhiệt đới. Từ xa xưa, nón đã hiện diện trong đời sống thường ngày của con người. Trải qua thời gian, hình dạng chiếc nón có nhiều thay đổi, từ chiếc nón dấu, nón ba tầm hay nón thúng, nón quai thao... và cho tới những chiếc nón ngày nay. Nón che nắng, che mưa, che đi những nhọc nhằn, vất vả của người nông dân trên ruộng đồng. Nón che đi những giọt mồ hôi của mẹ giữa trưa hè. Cứ như thế, chiếc nón đã đi vào tâm thức của người Việt. Hình ảnh người phụ nữ giữ vành nón càng e lệ và kín đáo bao nhiêu thì càng tôn lên vẻ mặn mà quyến rũ bấy nhiêu.

… Ngoài công đoạn chọn lá làm vòng nón cũng là một công đoạn quan trọng không kém. Bộ phận này được làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Vành tre được vót tỉ mỉ, cẩn thận đến mức không tìm được các vết mấu. Chóp nón được đan bằng tay, sợi cước trắng mềm được sử dụng là loại cước chỉ miền Nam mới có. Mỗi một loại nón lại có một chóp khác nhau, nón ba tầm sử dụng chóp bằng, dày hơn, cứng hơn, trong khi đó nón lá truyền thống lại dùng chóp nhọn mềm và mảnh hơn. Những chiếc nón lá trắng tròn trịa thường còn được trang trí cầu kì hơn bằng họa tiết, hình thêu theo yêu cầu của người mua như hình hoa lá, hình cánh buồm, hình cô gái. Một chiếc nón đạt đầy đủ tiêu chuẩn là phải có màu trắng xanh với những gân lá màu xanh nhẹ, mặt phải bóng.

Nón lá được sử dụng rộng rãi trên toàn đất nước với những làng nghề làm nón nổi tiếng ở các khu vực Miền Bắc, Miền Nam, Miền Trung. Mỗi chiếc nón được sản xuất tại một vùng khác nhau sẽ mang một nét đặc biệt hay nói cách khác là mang những đặc điểm riêng của người dân địa phương tại mỗi vùng miền. Ví dụ như nón lá Lai Châu tiêu biểu cho dân tộc Thái, nón đỏ Cao Bằng đại diện cho người dân tộc Tày trong khi tỉnh Bình Định lại có nón lá Gò Găng và Quảng Bình lại nức tiếng với loại nón lá Ba Đồn mỏng, thanh thoát tựa như nón lá xứ Huế. Tại miền Bắc, làng Chuông thuộc Thanh Oai – Hà Nội được biết là một làng nghề truyền thống làm nón nổi tiếng lâu đời: “Muốn ăn cơm trắng, cá trê/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Tại đây, một ngày người nghệ nhân chỉ làm được một chiếc nón. Đối với người lao động bình thường, giờ làm việc một ngày là 8 tiếng, còn với những người làm nón, một ngày 12 tiếng nhưng cũng chỉ đủ để làm một chiếc nón, thậm chí những loại nón lớn như nón ba tầm, nón quai thao phải làm trong 2 ngày. Nghề làm nón cổ truyền với những chiếc nón qua bao thăng trầm vẫn giữ được dấu ấn riêng bởi sự chắc chắn, bền bỉ với thời gian và kiểu dáng đẹp.

Chiếc nón lá không chỉ là một vật che nắng, che mưa mà còn mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Nón đi vào những câu ca dao, điệu hò, thơ ca: “Nón nầy che nắng, che mưa/ Nón nầy để đội cho vừa đôi ta” và được đưa vào nghệ thuật sáng tạo trong hội họa, nhiếp ảnh làm thành nhiều công trình nghệ thuật đặc sắc. Ngoài ra, chiếc nón còn là một trang sức làm nên nét duyên của người con gái: “Gió cầu vương nắng nàng thôn nữ/ Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ” (Đông Hồ). Chiếc nón lá cũng xuất hiện nhiều trong những buổi triển lãm, ở nhiều loại hình nghệ thuật. Trong các sân chơi nhan sắc từ trong nước đến quốc tế, hình ảnh của nón lá được các thiếu nữ Việt trình diễn trong trang phục áo dài. Không chỉ vậy, nó còn để lại những dấu ấn của mình qua những điệu múa nón thướt tha. Đây cũng là một điệu múa mang đậm tinh thần người Việt và đặc trưng cho nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế cùng với chính sách toàn cầu hóa mở ra cánh cửa giao thoa nền kinh tế và văn hóa giữa các nước. Đồng thời cũng từ đó, chiếc nón lá Việt Nam đã vươn mình ra ngoài biên giới và trở thành món quà ý nghĩa dành cho các du khách quốc tế.

Dẫu nón lá giờ đây ít người sử dụng, song hy vọng trong tương lai cùng với áo dài, hình ảnh chiếc nón lá vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống vốn có mà không hề bị pha tạp hay mai một để ngày càng vươn xa hơn, quảng bá cho thế giới về nét đẹp dân tộc Việt, trở thành một nét văn hoá đặc trưng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào khi nhớ đến đều có thể hãnh diện tự hào./.